NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục đọc Lu-ca 23:44-56

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 23:47  (BDHĐ): 

Thấy sự việc đã xảy ra, viên đội trưởng tôn vinh Đức Chúa Trời rằng: “Thật người nầy là người công chính!”

 

NỘI DUNG

Sự chết của Đức Chúa Jêsus

(Mat 27:45-56; Mac 15:33-41; Gi 19:28-30)

44 Bấy giờ, khắp đất đều tối tăm từ khoảng giữa trưa cho đến ba giờ chiều. 45 Mặt trời trở nên tối; bức màn trong đền thờ bị xé làm đôi. 46 Đức Chúa Jêsus kêu lớn lên rằng: “Lạy Cha, Con xin giao linh hồn lại trong tay Cha!” Ngài vừa nói xong thì trút hơi thở cuối cùng. 47 Thấy sự việc đã xảy ra, viên đội trưởng tôn vinh Đức Chúa Trời rằng: “Thật người nầy là người công chính!” 48 Cả đoàn dân tập hợp lại để xem cảnh tượng nầy; khi thấy những gì đã xảy ra thì họ đấm ngực mà trở về. 49 Tất cả những người quen biết Đức Chúa Jêsus và các phụ nữ theo Ngài từ Ga-li-lê đều đứng đằng xa chứng kiến những việc ấy.

Sự an táng Đức Chúa Jêsus

(Mat 27:57-61; Mac 15:42-47; Gi 19:38-42)

50 Có một người tên là Giô-sép, nghị viên Hội đồng Công luận, là người tốt và công chính, 51 không tán thành về quyết định và hành động của những người kia. Giô-sép quê ở thành A-ri-ma-thê thuộc miền Giu-đê là người đang trông đợi vương quốc Đức Chúa Trời. 52 Ông đi đến Phi-lát xin thi hài của Đức Chúa Jêsus. 53 Khi đã đem thi hài Ngài xuống, Giô-sép khâm liệm bằng vải gai, rồi đặt Ngài trong huyệt đã đục trong vầng đá, nơi chưa chôn ai hết. 54 Bấy giờ là ngày Chuẩn Bị và ngày Sa-bát sắp đến. 55 Các phụ nữ cùng đi với Chúa từ miền Ga-li-lê cũng đi theo để xem mộ và cách họ an táng Ngài. Rồi họ trở về, chuẩn bị hương liệu và dầu thơm.56 Ngày Sa-bát họ nghỉ ngơi theo luật định.

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Chúa Jêsus với Đức Chúa Cha (Lu 23:44-49)

Hãy nhớ rằng điều Chúa Jêsus hoàn tất trên thập tự giá là công tác vĩnh cửu, có liên quan đến Đức Chúa Cha và Chúa Jêsus. Ngài không chết như Thánh tử đạo mất lý tưởng, cũng không chỉ là một gương cho con người noi theo. Es 53:1-12 bày tỏ rằng Chúa Jêsus không chết vì chính tội lỗi mình bởi Ngài vốn vô tội. Ngài chết thay cho tội lỗi của chúng ta. Linh hồn Ngài buồn bực vì cớ tội lỗi con người (Es 53:4-6,10-12).

Sự tối tăm trong suốt 3 giờ đồng hồ quả là một phép lạ! Đó không phải là hiện tượng nhật thực vì nó không thể xảy ra trong mùa lễ Vượt Qua khi trăng tròn. Đó là bóng tối do Đức Chúa Trời bao phủ thập tự giá khi Con Đức Chúa Trời gánh thay tội lỗi chúng ta (ICo 5:21). Ngay cả thiên nhiên cũng bày tỏ nỗi cảm thông với Đấng Tạo Hoá khi chính Ngài chịu thương khó và chịu chết. Khi dân Y-sơ-ra-ên ở trong Ê-díp-tô, có 3 ngày tối tăm trước lễ Vượt Qua đầu tiên (Xu 10:21). Khi Chúa Jêsus bị treo trên thập tự, có 3 giờ đồng hồ tăm tối trước khi Chiên Con Đức Chúa Trời chết thay tội lỗi thế gian (Gi 1:29).

Cả Ma-thi-ơ (Mat 27:45-46) và Mác (Mac 15:33-34) ghi lại tiếng kêu của Chúa khi trời đất tối tăm, trích từ Thi 22:1 “Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” Sự lìa bỏ ấy là gì và cảm xúc của Chúa ra sao, chúng ta không thể hiểu rõ. Nhưng chắc hẳn nó có liên quan đến sự kiện Ngài đã trở nên tội lỗi vì chúng ta. Khi Chúa kêu lớn tiếng rằng: “mọi việc đã được trọn! ” (Gi 19:30), đó là lời tuyên bố đắc thắng. Ngài đã hoàn tất công tác Cha trên trời giao phó (Gi 17:4). Công tác cứu chuộc đã được hoàn thành, mọi lời tiên tri đã được ứng nghiệm (He 9:24) và Đấng Christ giờ đây có thể yên nghỉ.

Lần cuối cùng, Ngài cầu nguyện với Cha rằng: “Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Chúa! ” (Thi 31:5). Đây chính là lời cầu nguyện mà các trẻ em Do Thái cầu nguyện khi đi ngủ và điều này, cho chúng ta biết cách Chúa Jêsus chết: tự tin, mãn nguyện và đắc thắng (Gi 10:17-18). Những ai tin Chúa Jêsus là Đấng Christ của mình, đều có thể chết như Chúa với sự thanh thản như vậy (Phi 1:20-23 ICo 5:1-8).

Khi Chúa trút linh hồn, bức màn trong đền thờ xé ra làm đôi “từ trên chí dưới” (Mac 15:38). Phép lạ này bày tỏ cho thầy tế lễ và dân chúng biết rằng con đường sống Đức Chúa Trời đã mở ngang qua cái màn cho những ai đến gần Ngài bởi đức tin nơi Chúa Jêsus (He 9:1-10:25). Tội nhân chẳng cần đến đền thờ trên đất, bàn thờ, của lễ hay thầy tế lễ nữa, vì mọi sự đã được trọn vẹn trong công tác đã hoàn tất của Con Đức Chúa Trời.

Lu-ca ghi lại 3 phản ứng đối với những biến cố xảy ra vào những giây phút cuối cùng trước khi Chúa tắt hơi. Viên đội trưởng là người có nhiệm vụ thi hành án, đã xác nhận: “Thật người này là người công bình thật là Con Đức Chúa Trời” (Lu 23:47; Mac 15:39). Ông sợ hãi trước cảnh tối tăm và đất rúng động (Mat 27:54) đặc biệt trước tình trạng thương khó và chết của Chúa. Ông hẳn phải ngạc nhiên khi Chúa la lớn tiếng và trút hơi đột ngột, vì các nạn nhân bị đóng đinh thường sống yếu ớt vài ngày và không đủ sức để nói.

Dân chúng đến xem cảnh tượng này bắt đầu lê bước trở về, một số người đấm ngực vì biết mình tội lỗi (Lu 18:13). Họ có phải là những người tin Chúa? Có lẽ không phải vậy. Họ chỉ là những kẻ ngoại cuộc bị thu hút đến nơi xử án, nhưng mọi điều họ thấy và nghe đủ để họ cảm biết tội lỗi mình.

Sau cùng, các bạn hữu của Chúa đã có mặt ở đó, có cả những người đàn bà từng đi theo Chúa (Lu 8:1-3; Lu 24:22). Thật ý nghĩa khi những người đàn bà là những người sau cùng có mặt nơi thập tự giá và cũng là những người đầu tiên có mặt tại phần mộ Ngài vào buổi sáng Phục sinh.

Chúa Jêsus và Giô-sép ở A-ri-ma-thê (Lu 23:50-56)

Giô-sép và bạn ông là Ni-cô-đêm (Gi 19:38-42) đều là thành viên trong hội đồng xét xử của dân Do Thái, nhưng họ đã vắng mặt để biểu quyết về việc xử Chúa Jêsus. Mac 14:64 cho thấy cả hội đồng đều kết án Chúa Jêsus, có lẽ điều ấy sẽ không xảy ra nếu Giô-sép và Ni-cô-đem có mặt hôm ấy.

Có lẽ Giô-sép và Ni-cô-đem đã biết lời Kinh Thánh Cựu Ước nói về cách Chúa Jêsus chịu chết, nên họ muốn lo việc chôn cất cho Ngài. Ngôi mộ mới chắc hẳn là của Giô-sép, được xây trong vườn rất gần nơi thi hành án và rất xa nhà ông. Không người giàu nào lại chuẩn bị cho mình một ngôi mộ với vị trí như vậy. Đây là phần mộ dành cho Chúa chớ không phải cho Giô-sép. Có thể, 2 người này đã giấu ngôi mộ khi Chúa bị treo trên thập tự giá, chờ đến khi Ngài trút hơi. Hẳn là họ đã chuẩn bị các hương liệu và vải liệm vì họ không thể mua sắm những thứ này trong ngày lễ Vượt Qua.

Khi Chúa Jêsus chết, Giô-sép lập tức đến Phi-lát để xin xác Ngài, còn Ni-cô-đêm ở lại đồi Gô-gô-tha để thăm dò. Họ nhẹ nhàng đem xác Ngài xuống khỏi thập tự, nhanh chóng đem Ngài đến khu vườn, ướp xác Ngài bằng các hương liệu. Đây là việc chôn cất tạm thời, họ sẽ trở lại sau ngày Sa-bát. Khi đặt Chúa vào phần mộ mới, họ đã làm ứng nghiệm lời tiên tri Es 53:9 và không để cho dân Rô-ma vất xác Ngài nơi đống rác ngoài cửa thành. Các tử tội thường không có quyền được chôn cất. Tuy nhiên Đức Chúa Trời biết rằng thân thể của con Ngài phải được chôn cất với sự kính trọng và yêu mến.

Thật ý nghĩa khi thân thể này được chôn cất thích đáng, vì Đức ChúaTrời sẽ khiến Ngài sống lại từ cõi chết. Nếu có điều gì không rõ ràng minh bạch về sự chết và chôn của Chúa, có thể đã ảnh hưởng đến thông điệp và công tác Phúc Âm (ICo 15:1-8).

Sau 6 ngày Đức Chúa Trời hoàn tất công tác “sáng tạo cũ” Ngài nghỉ ngơi (Sa 2:1-3). Sau 6 giờ Chúa chúng ta hoàn tất công tác “sáng tạo mới” (IICo 5:17), Ngài nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát tại phần mộ của Giô-sép.

Tuy vậy, đó chưa phải là kết thúc của câu chuyện. Ngài sẽ sống lại!

 

Do KT