NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục đọc Lu-ca 23:26-31

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 23:43  (BDHĐ): 

Đức Chúa Jêsus đáp: “Thật, Ta bảo con, hôm nay con sẽ được ở với Ta trong Pa-ra-đi.”

 

NỘI DUNG

26 Khi giải Đức Chúa Jêsus đi, họ bắt một người Sy-ren, tên Si-môn, từ miền quê lên, và buộc anh phải vác cây thập tự theo sau Ngài. 27 Có đoàn dân rất đông đi theo Đức Chúa Jêsus và có nhiều phụ nữ đấm ngực than khóc Ngài. 28 Nhưng Đức Chúa Jêsus quay lại phán với họ: “Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, đừng khóc về Ta, mà hãy khóc về chính các ngươi và con cái các ngươi. 29 Vì nầy, những ngày sắp đến, người ta sẽ nói: 'Phước cho đàn bà son sẻ, cho dạ không mang thai và vú không cho con bú!’ 30 Rồi họ nói với núi: 'Hãy đổ xuống chúng tôi!’ và nói với đồi: 'Hãy che giấu chúng tôi!’ 31 Vì nếu cây xanh mà người ta còn đối xử như thế thì cây khô sẽ ra sao?” 32 Họ cũng giải hai tên tội phạm khác để xử tử chung với Ngài. 33 Khi đến một chỗ gọi là Đồi Sọ, họ đóng đinh Ngài vào thập tự giá cùng với hai tên tội phạm: một tên bên phải, một tên bên trái Ngài. 34 Đức Chúa Jêsus cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì.” Rồi họ bắt thăm chia nhau áo choàng của Ngài. 35 Dân chúng thì đứng nhìn, còn những người lãnh đạo thì chế giễu Ngài rằng: “Nó đã cứu kẻ khác. Nếu nó thật là Đấng Christ, người được chọn của Đức Chúa Trời, thì hãy để nó tự cứu mình đi!” 36 Quân lính cũng chế giễu Ngài, lại gần đưa giấm cho Ngài uống 37 và nói: “Nếu ngươi là Vua dân Do Thái, hãy tự cứu mình đi!” 38 Phía trên đầu Ngài có dòng chữ: NGƯỜI NẦY LÀ VUA DÂN DO THÁI.

39 Một trong hai tên tội phạm bị treo cũng phỉ báng Ngài rằng: “Ông không phải là Đấng Christ sao? Hãy tự cứu lấy mình và cả chúng tôi nữa!” 40 Nhưng tên kia quở trách nó: “Mầy đang chịu cùng một hình phạt, còn chẳng sợ Đức Chúa Trời sao? 41 Chúng ta bị phạt là đúng, vì hình ta chịu xứng với việc ta làm; nhưng người nầy không hề làm một điều gì sai trái.” 42 Rồi anh ta nói: “Lạy Jêsus, khi Ngài vào vương quốc mình rồi, xin nhớ đến con!” 43 Đức Chúa Jêsus đáp: “Thật, Ta bảo con, hôm nay con sẽ được ở với Ta trong Pa-ra-đi.”

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Chúa Jêsus và Si-môn (Lu 23:26)

Vác thập tự giá của chính mình đến trường án là nỗi tủi nhục của phạm nhân. Vì vậy khi Chúa Jêsus rời khỏi sân Phi-lát, Ngài phải vác thập tự giá (Gi 19:17). Chúa thật sự không thể bước nổi nên quân lính phải buộc Si-môn người xứ Sy-ren vác thập tự cho Ngài (Mat 5:41). Khi theo dõi những việc Chúa chịu đựng từ khi bị bắt trong vườn, thật không khó hình dung Ngài gục ngã ra sao dưới gánh nặng trên lưng. Hơn thế: mang thập tự giá là biểu hiện của sự phạm tội, nhưng Chúa Jêsus không hề có tội!

Hằng ngàn người Do Thái từ mọi xứ đến Giê-ru-sa-lem dự các kỳ lễ (Cong 2:5-11), Si-môn đi chung với họ. Ông ta đã đi 800 dặm từ Châu Phi đến dự lễ Vượt Qua, giờ lại phải chịu nhục nhã trong một ngày lễ trọng thể nhất! Ông sẽ nói gì với gia đình khi trở về?

Chuyện xảy đến với Si-môn như một tai họa, đã trở nên một cơ hội kỳ diệu, đưa ông đến trong mối liên hệ với Chúa Jêsus. (Vậy còn Si-môn kia đâu? Si-môn Phi-e-rơ, người đã thề sống chết cùng Ngài?) Có lẽ Si-môn đến thành Giê-ru-sa-lem để dự buổi lễ cầu nguyện lúc 9 giờ sáng, nhưng quân lính đã thay đổi kế hoạch của ông ta.

Chúng ta có lý do tin rằng con người Si-môn đã được thay đổi sau lần gặp gỡ Chúa Jêsus. Mác xác nhận Si-môn là “cha A-léc-xan-đơ và Ru-phu” (Mac 15:21), đó là 2 người Mác cho rằng các độc giả Rô-ma có thể biết họ. Phao-lô gởi lời chào thăm một tín hữu tên Ru-phu ở Ro 16:13, và có thể đó là con của Si-môn người Sy-ren. Rõ ràng, Si-môn và 2 con ông là những tín hữu được nhiều người biết đến và được Hội Thánh Chúa tôn trọng.

Trước khi Si-môn gặp Chúa, ông đã có niềm tin và sự tin kính. Nhưng sau khi gặp Chúa, ông nhận được lẽ thật và sự cứu rỗi. Buổi sáng ấy, ông đã có một cuộc gặp gỡ về mặt thuộc thể và thuộc linh, làm thay đổi cuộc đời ông. Đức Chúa Trời vẫn có thể sử dụng những hoàn cảnh khó khăn mà con người không ngờ đến, thậm chí những sự nhục nhã để đem con người đến với Đấng Cứu Thế.

Chúa Jêsus và những phụ nữ thành Giê-ru-sa-lem (Lu 23:27-31)

Những vụ xử án công khai thường thu hút nhiều người xem, đặc biệt vụ xử án này có liên quan đến Chúa Jêsus lại càng khiến đông người chú ý. Thêm vào sự kiện này, thành Giê-ru-sa-lem đầy những khách hành hương nên dễ tin rằng có một “đoàn dân đông lắm” (Lu 23:27) đi theo những kẻ bị kết án đến đồi Gô-gô-tha.

Trong đoàn dân, có một số phụ nữ than khóc vì cảm thông sự thương khó của Chúa và nghĩ đến tình trạng thuộc linh suy đồi của dân tộc mình. Điều này cho thấy theo các sách Phúc Âm, không có phụ nữ nào chống đối Chúa. Chúa Jêsus cũng chưa từng là kẻ thù của giới phụ nữ. Tấm gương của Ngài, sự dạy dỗ và trên hết sự Cứu Chuộc của Ngài đã góp phần to lớn trong việc đề cao giới phụ nữ. Tin tức về sự Giáng sinh của Chúa được loan báo cho một trinh nữ Do Thái. Sự chết của Chúa được các người đàn bà đau khổ chứng kiến. Và tin mừng về sự Phục sinh của Chúa được rao ra trước tiên cho người đàn bà bị quỉ ám trước đó.

Chúa Jêsus đánh giá cao sự chia sẻ của họ và dùng điều đó để dạy dỗ họ cùng chúng ta một bài học đầy ý nghĩa. Trong khi họ khóc cho cái chết của một người vô tội, Ngài lại nhìn thấy trước và đau thương cho sự hủy diệt khủng khiếp dành cho cả dân tộc Do Thái, một sự đoán phạt hoàn toàn công bằng (Lu 19:41-44). Nhưng than ôi, phụ nữ và trẻ con lại chịu hoạn nạn nhiều nhất, lịch sử đã minh chứng điều này. Quân Rô-ma cố bắt phục người Do Thái bằng cách làm cho họ bị đói. Vì vậy những kẻ giữ thành đói khát phải dùng lương thực của vợ con mình, thậm chí giết người và ăn thịt cùng huyết họ.

Chúa Jêsus và 2 kẻ trộm cướp (Lu 23:32-43)

Lời tiên tri đã báo trước rằng Con Đức Chúa Trời sẽ “bị kể vào hàng kẻ dữ” (Lu 22:37 ; Es 53:12). Thật vậy, 2 phạm nhân bị đóng đinh cùng Ngài là những kẻ cướp (Mat 27:38). Hai người này bị kết tội cướp của giết người.

“Chỗ Sọ” theo tiếng A-ram nghĩa là “Gô-gô-tha”. Có lẽ địa điểm này trông như một cái sọ người. Đồi Gô-gô-tha ở gần cửa thành Damascus ở Giê-ru-sa-lem có thể tên gọi này được biết đến đơn giản bởi những vụ thi hành án khủng khiếp.

Chúa Jêsus bị đóng đinh khoảng 9 giờ sáng và bị treo trên thập tự đến 3 giờ chiều.Vào giữa trưa sự tối tăm bao trùm khắp đất (Mac 15:25,33). Chúa Jêsus đã cất tiếng 7 lần suốt 6 giờ đồng hồ đau thương khủng khiếp này.

1.“Lạy Cha, xin tha cho họ” (Lu 23:34)

2.“Hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi (Lu 23:43)

3.“Hỡi đàn bà kia, đó là con của ngươi” (Gi 19:25-27)

4.“Đức Chúa Trời ơi sao Ngài lìa bỏ tôi” (Mat 27:46)

5.“Ta khát” (Gi 19:28)

6.“Mọi việc đã được trọn” (Gi 19:30)

7.“Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha” (Lu 23:46)

Phúc Âm Lu-ca chỉ ghi lại 3 trong 7 lời nói của Chúa: Lu 23:1,7. Lời cầu nguyện của Chúa cho kẻ thù và công tác Ngài dành cho một kẻ trộm cướp đã ăn năn. Những điều này thích hợp với mục đích của Lu-ca, bày tỏ Chúa Jêsus là Con Người cảm thông, luôn quan tâm đến những kẻ khốn khó.

Khi người ta đóng đinh Chúa trên thập tự, Ngài cứ cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu 23:34). Ngài không chỉ thực hiện điều Ngài đã dạy dỗ kẻ khác (Lu 6:27-28), Ngài còn làm ứng nghiệm lời tiên tri và “cầu thay cho những kẻ phạm tội” (Es 53:12). Qua lời cầu nguyện của Ngài, chúng ta không nên suy đoán rằng sự dốt nát là cơ sở cho sự tha tội, cũng đừng cho rằng những ai phạm tội nghịch cùng Chúa Jêsus tự nhiên đã được tha thứ bởi sự cầu nguyện của Chúa. Chắc chắn người Do Thái và người Rô-ma đều thiếu hiểu biết về sự kinh khiếp của tội lỗi, điều đó cũng không thể miễn tội cho họ được. Luật pháp cho phép người lầm lỡ phạm tội được dâng của lễ chuộc tội (Dan 15:27-31; Xu 21:14; Thi 51:16-17). Sự cầu thay của Chúa Jêsus đã “trì hoãn”được sự đoán phạt của Đức Chúa Trời trên dân tộc này suốt gần 40 năm, cho họ thêm nhiều cơ hội để được cứu (Cong 3:17-19).

Thật là một sự thần hựu khi Chúa Jêsus bị đóng đinh ở giữa 2 tên cướp, vì điều này giúp họ có cùng một cơ hội để tiếp cận với Đấng Christ. Cả 2 có thể đọc bảng viết trên thập tự “NGƯỜI NÀY LÀ VUA DÂN GIU-ĐA”. Họ có thể nhìn xem Chúa, Đấng đầy lòng nhân từ đã phó thân mình vì tội lỗi cả thế gian.

Một tên cướp lặp lại lời chế giễu của các chức sắc tôn giáo và yêu cầu Chúa tự cứu mình khỏi cây thập tự, nhưng tên cướp thứ 2 lại có suy nghĩ khác hẳn. Có lẽ anh ta có thể lý luận rằng: “Nếu người này thật sự là Đấng Christ, nếu Ngài có Vương quốc, nếu Ngài từng cứu nhiều người, vậy Ngài hẳn có thể đáp ứng nhu cầu lớn nhất của tôi là sự cứu chuộc tội lỗi. Tôi chưa sẵn sàng để chết! ” Tên cướp này có can đảm, bất chấp ảnh hưởng của bạn mình, sự chế nhạo của đám đông để đặt niềm tin nơi một vị Vua đang hấp hối! Khi xem xét những trở ngại anh ta phải khắc phục, bạn sẽ thấy đức tin anh ta đáng ngạc nhiên biết bao!

Người này được cứu hoàn toàn bởi ân điển, đó là sự ban cho của Đức Chúa Trời (Eph 2:8,9). Anh ta không xứng đáng nhận ân điển, cũng không tự mình có được. Sự cứu rỗi dành cho chính anh có tính chất chắc chắn, được bảo đảm bởi lời của Chúa Jêsus. Anh hy vọng được giúp đỡ trong tương lai, nhưng Chúa Jêsus ban cho anh sự tha thứ ngay hôm ấy, nên anh đã qua đời và đồng đi với Chúa đến Ba-ra-đi (IICo 12:1-4).

Điều đáng chú ý ở đây, những người có mặt nơi đồi Gô-gô-tha đã làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Cựu Ước qua hành động của họ: bắt thăm chia nhau áo xống Chúa (Thi 22:18), nhạo cười Ngài (Thi 22:6-8) và cho Ngài uống giấm (Thi 69:1). Đức Chúa Trời vẫn ngự trên ngôi Ngài và tể trị mọi sự qua lời Ngài. 

Do KT