NHỮNG GỢI Ý:

CHÚA BỊ KẾT ÁN VÀ ĐÓNG ĐINH (Lu 23:1-56)

Phiên tòa xét xử và sự chết của Chúa Jêsus bày tỏ lòng gian ác của con người và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời. Khi con người phạm tội gớm ghiếc nhất là lúc Đức Chúa Trời bày tỏ sự nhân từ vô đối của Ngài. “Nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa” (Ro 5:20). Chúa Jêsus bị đóng đinh không phải vì kẻ ác muốn giết Ngài nhưng “theo ý định trước và sự biết trước của Đức Chúa Trời” (Cong 2:23). Đó là sự định trước từ buổi sáng thế (IPhi 1:20; Kh 13:8).

Hôm nay chúng ta sẽ đọc Lu-ca 23:1-25

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 23:22 (BDHĐ): 

Phi-lát lại nói với họ đến lần thứ ba: “Người nầy đã làm điều ác gì? Ta không tìm thấy người có tội gì đáng chết”.

 

NỘI DUNG

Đức Chúa Jêsus trước mặt Phi-lát và Hê-rốt

(Mat 27:1,2,11-14; Mac 15:1-5; Gi 18:28-38)

1 Cả Hội đồng đứng dậy giải Ngài đến trước Phi-lát. 2 Họ bắt đầu tố cáo Ngài rằng: “Chúng tôi đã phát hiện người nầy xúi giục dân chúng nổi loạn, ngăn cấm chúng tôi nộp thuế cho Sê-sa, và xưng mình là Đấng Christ, là Vua.” 3 Phi-lát tra gạn Ngài: “Ngươi có phải là vua dân Do Thái không?” Đức Chúa Jêsus đáp: “Chính ngươi đã nói thế.” 4 Phi-lát nói với các thầy tế lễ cả và dân chúng: “Ta không thấy người nầy có tội gì.” 5 Nhưng họ cứ một mực nói: “Người nầy kích động dân chúng, giảng dạy khắp miền Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê cho đến tận nơi nầy.” 6 Khi nghe điều ấy, Phi-lát hỏi xem Ngài có thật là người Ga-li-lê chăng. 7 Khi biết được Ngài thuộc thẩm quyền của Hê-rốt, Phi-lát cho giải Ngài đến Hê-rốt, lúc ấy đang có mặt tại thành Giê-ru-sa-lem. 8 Hê-rốt thấy Đức Chúa Jêsus thì mừng lắm, vì lâu nay vua đã nghe nói về Ngài và mong gặp Ngài với hi vọng được xem Ngài làm phép lạ. 9 Vì thế, vua gạn hỏi Ngài nhiều câu, nhưng Ngài không trả lời gì cả. 10 Các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo đứng gần đó tố cáo Ngài kịch liệt. 11 Hê-rốt và quân lính khinh bỉ và chế giễu Ngài, mặc cho Ngài một chiếc áo sặc sỡ rồi giải giao Ngài cho Phi-lát. 12 Trước kia, Phi-lát và Hê-rốt thù hiềm nhau, nhưng trong ngày ấy họ trở nên bạn hữu.

13 Phi-lát triệu tập các thầy tế lễ cả, các nhà lãnh đạo và dân chúng lại mà nói rằng: 14 “Các ông đã đem nộp người nầy cho ta về tội xúi dân nổi loạn; nhưng ta đã tra hỏi trước mặt các ông, thì không thấy người ấy mắc một tội nào mà các ông đã tố cáo. 15 Hê-rốt cũng thấy vậy, vì đã giao người lại cho ta. Như thế, người nầy đã không làm điều gì đáng chết 16 nên ta sẽ đánh đòn rồi thả ra.”

18 Họ đồng thanh kêu lên: “Hãy giết người nầy đi và tha Ba-ra-ba cho chúng tôi!” 19 Ba-ra-ba bị tù vì tội nổi loạn trong thành và giết người. 20 Phi-lát muốn tha Đức Chúa Jêsus nên tiếp tục thuyết phục dân chúng. 21 Nhưng họ kêu lên: “Đóng đinh nó trên cây thập tự! Đóng đinh nó trên cây thập tự!” 22 Phi-lát lại nói với họ đến lần thứ ba: “Người nầy đã làm điều ác gì? Ta không tìm thấy người có tội gì đáng chết. Vì thế, ta sẽ đánh đòn rồi tha ra.” 23 Nhưng họ càng hét to hơn, đòi phải đóng đinh Ngài vào cây thập tự; và tiếng gào thét của họ đã thắng thế. 24 Vậy Phi-lát phán quyết theo lời đòi hỏi của họ. 25 Ông tha tên tù mà chúng đã xin, là kẻ dấy loạn và giết người, rồi giao Đức Chúa Jêsus cho họ theo ý họ muốn.

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Chúa Jêsus trước mặt Phi-lát (Lu 23:1-25)

Phi-lát làm tổng đốc La Mã cai trị xứ Giu-đê từ năm 26-36 SC. Khi xét xử Chúa Jêsus, vị quan tổng đốc này tỏ ra do dự. Ông cố tìm sơ hở nhưng không thể được. Phi-lát là người thất bại khi thẩm vấn Chúa, 3 lần tuyên bố Ngài vô tội vậy mà vẫn để người ta đóng đinh Ngài.

Lời xác nhận của Phi-lát (Lu 23:1-5). Các quan chức Rô-ma thường dậy sớm khi có nhiệm vụ, nhưng buổi sáng hôm ấy có lẽ Phi-lát ngạc nhiên biết mình phải giải quyết một vụ xử kiện về tội tử hình vào lễ Vượt Qua. Các quan Do Thái biết rằng luật lệ tôn giáo của họ chẳng có ý nghĩa gì đối với một quan chức La Mã, vì vậy họ đưa vào bản cáo trạng Chúa những vấn đề mang tính chất chính trị. Họ buộc Ngài 3 tội: phản quốc, chống đối việc nộp thuế cho Sê-sa và tự xưng là vua.

Phi-lát tra hỏi Chúa Jêsus cách riêng tư về việc Ngài xưng mình là Vua, vì đây là vấn đề quyết định. Ông kết luận rằng Chúa vô tội. Ba lần trong phiên tòa, Phi-lát khẳng định rõ ràng sự vô tội của Chúa (Lu 23:4,14,22). Bên cạnh lời nói của Phi-lát “ta không thấy người này có tội gì”,  bác sĩ Lu-ca đưa ra 3 chứng cớ khác về Chúa, đó là: vua Hê-rốt (Lu 23:15), tên cướp (Lu 23:40-43) và thầy đội La Mã (Lu 23:47).

Sự nhượng bộ của Phi-lát (Lu 23:6-12). Dân Do Thái bác bỏ sự phán quyết của Phi-lát nên bắt đầu tố cáo Chúa nhiều hơn nữa. Khi họ nhắc đến người Ga-li-lê thì Phi-lát, một nhà chính trị lão luyện liền thấy một cơ hội chuyển Chúa Jêsus sang chỗ khác. Ông giải Ngài đến vua Hê-rốt An-ti-ba, vua chư hầu xứ Ga-li-lê, người đã giết Giăng Báp-tít và cũng nóng lòng muốn gặp Chúa Jêsus (Lu 23:7-9). Có lẽ vị vua xảo quyệt này đã tìm cách làm hài lòng dân Do Thái.

Có lẽ vua Hê-rốt rất ngạc nhiên và hồi hộp khi quân lính giải Chúa Jêsus vào. Tuy nhiên, càng đặt câu hỏi với Chúa, vua càng trở nên can đảm hơn! Dù bị vua tra hỏi liên tục và bị dân Do Thái tố cáo quyết liệt, Chúa Jêsus vẫn không nói lời nào. Hê-rốt có ý định xét xử Chúa, nhưng chính Chúa mới là Đấng xét đoán ông.

Cuối cùng, vua Hê-rốt thật “can đảm” khi nhạo báng Chúa và cho phép quân lính mặc “áo hoa hòe” cho Ngài, loại áo được dân Rô-ma dệt cho quan chức. Vua Hê-rốt không đưa ra được lời phán quyết công khai dành cho Chúa Jêsus, rõ ràng ông không tìm được tội lỗi đáng chết nào nơi Ngài (Lu 23:15).

Thủ đoạn này đã thực hiện được một vấn đề duy nhất: hàn gắn lại một mối quan hệ bằng hữu đã đổ vỡ. Hê-rốt biết ơn Phi-lát vì đã giúp ông gặp được Chúa Jêsus, lại còn hỏi ý kiến của ông nữa! Việc Hê-rốt giao Chúa lại cho Phi-lát mà không đưa ra lời định tội, có thể giải thích như sau: “Thưa ngài Phi-lát, vì chúng ta không ở Ga-li-lê nên ngài có quyền hành động, tôi sẽ không can dự vào. Jêsus này là phạm nhân của ngài, không phải của tôi. Tôi biết ngài sẽ hành động đúng”. Chính vì 2 người cùng gặp phải một mối đe dọa chung, nên họ đã bỏ qua những hiềm thù để kết bạn trở lại.

Sự mặc cả của Phi-lát (Lu 23:13-23): Lần thứ 3 Phi-lát cho các quan trưởng Do Thái biết rằng ông không tìm thấy tội lỗi nào nơi Chúa Jêsus. Việc vua Hê-rốt giao quyền quyết định cho Phi-lát không khiến dân Do Thái để tâm đến, vì họ vốn căm ghét Hê-rốt cũng như không ưa gì dân Rô-ma.

Nhà cầm quyền thường có lệ tha bổng một phạm nhân vào kỳ lễ Vượt Qua, nên Phi-lát muốn đưa ra một quyết định dung hòa: ông sẽ đánh đòn Chúa Jêsus rồi tha Ngài. Hiện Phi-lát đang giam giữ một phạm nhân tên Ba-ra-ba và ông tin chắc dân Do Thái sẽ không muốn tha tên ấy. Xét cho cùng, Ba-ra-ba là một kẻ trộm cướp (Gi 18:40), kẻ giết người và là kẻ dấy loạn (Lu 23:19). Có lẽ Ba-ra-ba đã cầm đầu những kẻ Do Thái cực đoan muốn lật đổ Rô-ma lúc bấy giờ.

Sự đầu hàng của Phi-lát (Lu 23:24-25): Phi-lát nhận ra rằng việc ông không giải quyết được tình huống này thật sự gây nên cuộc bạo đông và sự nổi dậy của dân Do Thái có thể sẽ là kết quả sau cùng trong kỳ lễ Vượt Qua. Vì vậy, ông rửa tay trước mặt dân chúng để khẳng định sự vô can của mình (Mat 27:24-25). Ông là kẻ nhượng bộ “muốn cho đẹp lòng dân” (Mac 15:15). Ba-ra-ba được tha bổng, còn Chúa Jêsus phải bị xử chết trên thập tự giá của dân Rô-ma.

Bản tính của Phi-lát thật khó hiểu. Ông từng tuyên bố sự vô tội của Chúa Jêsus, nhưng vẫn cho phép người ta đánh đòn và xử chết Ngài. Phi-lát cẩn thận tra hỏi Chúa, thậm chí run sợ trước lời đáp của Ngài, nhưng lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời vẫn không thay đổi được quyết định của ông. Ông muốn được nổi tiếng hơn làm người công bình, quan tâm đến danh vọng hơn phẩm chất. Nếu Hê-rốt làm ngưng tiếng nói Đức Chúa Trời, Phi-lát cũng làm nghẹt ngòi tiếng nói ấy. Có cơ hội trong tay, Phi-lát đã đánh mất nó.

 

Do KT