NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục đọc Lu-ca 22:54-71

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 22:40 (BDHĐ): 

Nhưng từ nay về sau, Con Người sẽ ngồi bên phải Đức Chúa Trời quyền năng.

 

NỘI DUNG

Phi-e-rơ chối Chúa

(Mat 26:57,58,69-75; Mac 14:53,54,66-72; Gi 18:12-18,25-27)

54 Họ bắt Đức Chúa Jêsus dẫn đi và giải Ngài đến nhà thầy tế lễ thượng phẩm. Phi-e-rơ đi theo Ngài xa xa. 55 Họ nhóm lửa giữa sân rồi ngồi với nhau, Phi-e-rơ cũng ngồi giữa họ. 56 Một đầy tớ gái thấy Phi-e-rơ ngồi gần đống lửa thì nhìn ông chăm chăm và nói: “Ông nầy cũng ở với người ấy.” 57 Nhưng Phi-e-rơ liền chối và nói: “Nầy chị kia, tôi không biết ông ấy đâu!” 58 Một lúc sau, có người khác thấy Phi-e-rơ và nói: “Ông cũng thuộc về bọn đó!” Phi-e-rơ đáp: “Nầy anh, không phải đâu!” 59 Khoảng một giờ sau, có kẻ khác quả quyết rằng: “Chắc chắn ông nầy cũng ở với Jêsus, vì ông ta cũng là người Ga-li-lê.” 60 Nhưng Phi-e-rơ nói: “Nầy anh, tôi không biết anh nói gì!” Ngay lúc Phi-e-rơ còn đang nói thì gà gáy. 61 Chúa quay lại nhìn ông. Phi-e-rơ nhớ lại lời Chúa đã phán: “Hôm nay, khi gà chưa gáy, con sẽ chối Ta ba lần.” 62 Phi-e-rơ đi ra ngoài và khóc lóc đắng cay.

Đức Chúa Jêsus bị quân lính chế giễu và đánh đập

63 Những kẻ canh giữ Đức Chúa Jêsus chế nhạo và đánh Ngài. 64 Họ bịt mắt Ngài lại, rồi hỏi: “Hãy nói tiên tri đi! Ai đánh anh đó?” 65 Họ còn nói nhiều lời khác nhục mạ Ngài.

Đức Chúa Jêsus trước Hội đồng Công luận

(Mat 26:59-66; Mac 14:55-64; Gi 18:19-24)

66 Đến sáng hôm sau, các trưởng lão trong dân, các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo nhóm lại, rồi họ giải Đức Chúa Jêsus đến Hội đồng Công luận. 67 Họ hỏi: “Nếu ngươi là Đấng Christ, hãy nói cho chúng ta biết.” Ngài đáp: “Nếu Ta nói, các ngươi sẽ không tin; 68 nếu Ta hỏi, thì các ngươi sẽ không trả lời. 69 Nhưng từ nay về sau, Con Người sẽ ngồi bên phải Đức Chúa Trời quyền năng.” 70 Tất cả đều hỏi: “Vậy ngươi là Con Đức Chúa Trời sao?” Ngài đáp: “Chính các ngươi đã nói như vậy.” 71 Họ nói: “Chúng ta đâu cần thêm chứng cớ gì nữa? Chính chúng ta đã nghe từ miệng nó nói ra rồi!”

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Qua đoạn này, có thêm 2 hình ảnh nữa giúp ta hiểu rõ về sự Thương khó và sự chết của Chúa Jêsus Christ. Đó là: tiếng gà gáy, ngôi vinh hiển.

Gà gáy (Lu 22:54-62) Chúa Jêsus đã chịu đựng 6 thử thách trước khi bị đóng đinh, 3 lần trước dân Do Thái và 3 lần trước các quan chức La Mã.

Ở phiên tòa xét xử Chúa lần thứ 2, Ngài đối diện với thầy cả thượng phẩm Cai-phe, còn Phi-e-rơ lại chối Chúa 3 lần ở trong sân phiên tòa xử án. Vì sao chuyện ấy xảy ra như vậy? Trước hết, Phi-e-rơ đã không chú tâm đến lời khuyên của Chúa (Lu 22:31-34; Mat 26:33-35), cũng không “tỉnh thức và cầu nguyện” theo lời Chúa dạy trong vườn (Mac 14:37-38). Cho rằng mình can đảm và sốt sắng, Phi-e-rơ hầu như không có sự chuẩn bị để đối phó với sự tấn công của ma quỉ?

Chúa Jêsus bị giải đi khỏi vườn, còn Phi-e-rơ “theo Ngài xa xa” (Lu 22:54). Phi-e-rơ và Giăng theo đám đông vào sân thầy cả thượng phẩm Cai-phe (Gi 18:15-16). Đó là một đêm lạnh lẽo, nên Phi-e-rơ đến đứng gần đống lửa (Gi 18:18), ngồi chung với các đầy tớ và lính canh (Lu 22:55). Ngồi trong lãnh địa kẻ thù, hẳn Phi-e-rơ là mục tiêu của họ (Thi 1:1). Trong khi Chúa mình đang bị quân lính sỉ nhục, Phi-e-rơ chỉ nghĩ đến bản thân (Lu 22:63-65).

Ban đầu, Phi-e-rơ bị thử thách bởi một đầy tớ gái của thầy cả thượng phẩm. Đầy tớ ấy nhận ra Phi-e-rơ là người từng ở với Chúa Jêsus và là môn đệ Ngài. Phi-e-rơ chối rằng: “Hỡi người đàn bà kia, ta không biết người đó” (Lu 22:57 Mat 26:71). Phi-e-rơ bỏ ra ngoài hiên và gà gáy lần thứ nhất (Mac 14:68). Lẽ ra điều này phải khiến Phi-e-rơ cảnh tỉnh, nhưng ông cứ nấn ná ở đó.

Phi-e-rơ không thể thoát khỏi sự chú ý của nhiều người. Có một đầy tớ gái khác cũng nói rằng “Ngươi cũng thuộc về bọn đó” (Lần thứ 2 Phi-e-rơ chối rằng: “Hỡi người, ta không phải thuộc về bọn đó đâu”. Khi một người bà con của Man-chu chỉ Phi-e-rơ và nói: “Ta há chẳng từng thấy ngươi ở trong vườn với người sao?” Những kẻ khác cũng đồng thanh “Chắc thật ngươi cũng thuộc về đảng ấy, vì tiếng nói của ngươi khai ngươi ra” (vì người Ga-li-lê có giọng địa phương dễ nhận biết). Lúc này Phi-e-rơ thề: “Ta không biết người đó đâu? Ta không biết ngươi nói chi! ” và tiếng gà gáy lần thứ 2 cho thấy lời bảo trước của Chúa Jêsus đã ứng nghiệm (Mac 14:30).

Khi Chúa Jêsus bị giải đi để chịu xét xử lần thứ 2, Ngài quay lại nhìn Phi-e-rơ. Ánh mắt Ngài khiến lòng Phi-e-rơ như tan vỡ ra. Trong khi đám đông xem Chúa Jêsus, Phi-e-rơ lẻn ra ngoài và khóc lóc thảm thiết. Chính vì vấn đề đức tin của Phi-e-rơ, điều Chúa phải làm là nhìn ông, hầu có thể khiến ông trở lại ăn năn tội.

Trước tiên, tiếng gà gáy bảo đảm với Phi-e-rơ rằng Chúa Jêsus vẫn đang cai trị mọi sự dù Ngài ở trong tình trạng bị xem là phạm nhân, bị trói và dường như bất lực trước những kẻ bắt bớ Ngài. Phi-e-rơ có thể nhớ lại chứng cớ về quyền phép Chúa tể trị trên những con cá, trên bão biển, thậm chí trên bệnh tật và sự chết. Dù Phi-e-rơ đang trong giờ phút tăm tối, Ngài vẫn là Đấng tể trị mọi sự!

Thứ hai, tiếng gà gáy giúp Phi-e-rơ tin chắc rằng tội lỗi ông có thể được tha. Ông đã không cẩn thận chú tâm đến lời Chúa, lại còn biện luận, không vâng lời và lún sâu vào những vi phạm. Nhưng giờ đây ông đã “nhớ lại lời Chúa đã phán cùng mình” (Lu 22:61), điều này đem đến cho ông niềm hy vọng. Vì sao? Vì lời báo trước của Chúa cũng là một lời hứa tha thứ! Phi-e-rơ sẽ hối cải và làm vững chí anh em mình (Lu 22:32).

Cuối cùng, sự nhiệm mầu của tiếng gà gáy cho Phi-e-rơ biết bình minh của một ngày mới đang bắt đầu. Đó không phải là ngày mới dành cho dân Do Thái hay cho kẻ thù của Chúa. Đó là ngày mới dành cho Phi-e-rơ khi ông ăn năn và khóc lóc đắng cay.“Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dễ đâu” (Thi 51:17). Vào buổi sáng Chúa Phục sinh, thiên sứ Đức Chúa Trời đã rao cho Phi-e-rơ một thông điệp đặc biệt để khích lệ ông (Mac 16:7) và quả nhiên Chúa đã hiện ra trước mặt Phi-e-rơ vào ngày ấy để phục hồi địa vị của ông (Lu 24:34).

Sẽ có lúc mỗi người trong chúng ta rơi vào tình trạng “chối Chúa”. Lúc ấy (bằng cách nào đó), hãy lắng nghe “tiếng gà gáy”. Sa-tan sẽ nói với chúng ta rằng chúng ta đã thất bại, tương lai chúng ta sẽ đi đến chỗ “hủy diệt”, nhưng đó không phải là thông điệp của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Đó chắc chắn không phải là sự kết thúc của Phi-e-rơ! Ông được tha thứ hoàn tòan hầu có thể nói trước dân Do Thái rằng “Các ngươi đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Bình” (Cong 3:14).

Ngôi vinh hiển (Lu 22:63-71)

Chúa Jêsus không bị định tội công khai vậy mà người lại cho phép lính canh nhạo báng và nhiếc móc Ngài. Họ chế nhạo việc Ngài xưng mình là tiên tri và vua (Gi 19:1-3). Tuy nhiên, Ngài là tấm gương cho cách xử thế khi kẻ ác nhạo báng đức tin chúng ta (IPhi 2:18-24).

Người ta cho rằng tòa án Do Thái không có quyền biểu quyết về sự tử hình giữa đêm, nên các thầy tế lễ cả, thầy thông giáo và các trưởng lão phải tập họp lại ngay khi trời sáng. Chúng ta không biết rõ vào thời Chúa Jêsus luật này thi hành hay chưa, tuy nhiên, phiên tòa vào buổi sáng sớm của tòa công luận đã giải thích vấn đề này.

Đây là giai đoạn căng thẳng ở phiên tòa giáo hội và vấn đề chính là “Có phải Chúa Jêsus Na-xa-rét là Đấng Christ của Đức Chúa Trời không?” Họ cho rằng những lời tuyên bố của Chúa là giả dối nên định cho Ngài tội lộng ngôn, phạm thượng. Hình phạt dành cho tội lộng ngôn là xử tử (Le 24:10-16).

Chúa xưng Ngài “Con Người”, một danh hiệu dành cho Đấng Mê-si-a được chép trong Da 7:13-14. Ngài cũng khẳng định về quyền “ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời” (Lu 22:69) một ám chỉ rõ ràng về Thi 110:1. Chúa đã nhìn thấy ngôi vinh hiển đằng sau sự thương khó của thập tự giá (He 12:2; Phi 2:1-11). Việc Chúa Jêsus được ngồi bên hữu Đức Chúa Trời là một lẽ thật thường được nhắc lại nhiều lần trong Tân Ước. Đó là nơi cao trọng và quyền phép. Khi tuyên bố về sự cao trọng này, Chúa Jêsus muốn bày tỏ chính Ngài là Đức Chúa Trời. Chỉ có Lu-ca đã ghi chép câu hỏi trực tiếp ở Lu 22:70 và lời đáp trực tiếp của Chúa Jêsus với nguyên văn “chính các ngươi nói ta là Con Ngài! Họ đã sử dụng chứng cớ này khi nộp Ngài cho Phi-lát (Gi 19:7).

Phiên tòa xét xử của giáo hội giờ đây đã chấm dứt. Bước kế tiếp, họ đưa Chúa ra trước công chúng để người ta xử Ngài. Họ thuyết phục nhà cầm quyền Rô-ma rằng Chúa Jêsus Na-xa-rét là tội nhân đáng xử chết. Con Đức Chúa Trời phải bị đóng đinh và chỉ có dân Rô-ma mới có thể làm điều đó.

 

Do KT