NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục đọc Lu-ca 22:39-53

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 22:40 (BDHĐ): 

Khi đã đến nơi, Ngài phán với các môn đồ: “Hãy cầu nguyện để các con khỏi sa vào sự cám dỗ.”

 

NỘI DUNG

Vườn Ghết-sê-ma-nê

(Mat 26:36-46; Mac 14:32-42)

39 Sau đó, Đức Chúa Jêsus ra đi và lên núi Ô-liu theo như thói quen. Các môn đồ cùng đi theo Ngài. 40 Khi đã đến nơi, Ngài phán với các môn đồ: “Hãy cầu nguyện để các con khỏi sa vào sự cám dỗ.” 41 Ngài đi khỏi các môn đồ khoảng chừng ném một cục đá và quỳ xuống mà cầu nguyện 42 rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi Con! Dù vậy, xin ý Cha được nên, chứ không theo ý Con!” 43 Có một thiên sứ từ trời hiện đến và thêm sức cho Ngài. 44 Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng khẩn thiết, mồ hôi trở nên như những giọt máu rơi xuống đất. 45 Cầu nguyện xong, Ngài đứng dậy trở lại với các môn đồ và thấy họ đang ngủ vì buồn rầu. 46 Ngài phán: “Sao các con ngủ? Hãy trỗi dậy cầu nguyện để các con khỏi sa vào sự cám dỗ.”

Đức Chúa Jêsus bị bắt

(Mat 26:47-56; Mac 14:43-50; Gi 18:3-11)

47 Khi Ngài còn đang nói, kìa, một đám đông kéo đến do Giu-đa, một trong mười hai sứ đồ, dẫn đầu. Nó lại gần Đức Chúa Jêsus để hôn Ngài. 48 Nhưng Đức Chúa Jêsus bảo: “Hỡi Giu-đa, con lấy cái hôn để phản Con Người sao?” 49 Những người ở với Ngài thấy việc sắp xảy ra liền nói: “Thưa Chúa, chúng con nên dùng gươm đánh chăng?” 50 Một người trong số họ đánh đầy tớ của thầy tế lễ thượng phẩm và chém đứt tai bên phải. 51 Nhưng Đức Chúa Jêsus phán: “Thôi! Dừng lại!” Rồi Ngài chạm vào tai đầy tớ ấy mà chữa lành cho anh. 52 Đức Chúa Jêsus phán với các thầy tế lễ cả, các viên chức bảo vệ đền thờ và các trưởng lão đến bắt Ngài, rằng: “Sao các ngươi đem gươm và gậy đến bắt Ta như bắt tên cướp vậy? 53 Hằng ngày Ta ở trong đền thờ với các ngươi mà các ngươi không ra tay bắt Ta. Nhưng đây là giờ của các ngươi và của quyền lực tối tăm vậy.” 

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Vào đêm người ta bắt Chúa!

Chú ý đến những hình ảnh trong câu chuyện này có lẽ là cách tốt nhất để chúng ta nắm được ý nghĩa của những bài học thuộc linh đằng sau những biến cố đau thương xảy ra vào đêm đó. Kinh Thánh tựa như cuốn truyện tranh và cũng là cuốn sách kể lại lịch sử và tiểu sử con người. Những bức tranh này có thể nói cho chúng ta biết nhiều điều. Qua đoạn này, có 6 hình ảnh giúp ta hiểu rõ về sự Thương khó và sự chết của Chúa Jêsus Christ. Đó là: khu vườn vắng vẻ, cái chén đắt giá, cái hôn giả dối.

Khu vườn vắng vẻ (Lu 22:39) Chúa Jêsus rời khỏi Phòng cao, đi cùng các môn đệ đến vườn Ghết-sê-ma-nê trên núi Ô-li-ve. Đây là nơi quen thuộc Ngài từng ở lại đêm khi đến Giê-ru-sa-lem (Lu 21:37). Biết rõ Chúa ở đó (Gi 8:1-2) Giu-đa đã dẫn quân lính La Mã và những quan coi đền thờ đến bắt Ngài, Đấng đã sẵn sàng phó mình vào tay họ.

Ngày nay, vị trí chính xác của vườn Ghết-sê-ma-nê, nơi Chúa Jêsus cầu nguyện vẫn còn tranh cãi, nhưng điều đó không quan trọng bằng thông điệp thuộc linh chúng ta nhận được từ những gì Chúa Jêsus đã làm ở đó khi Ngài nếm “chén đắng” của Đức Chúa Cha. A-đam đầu tiên đã chống nghịch Đức Chúa Trời tại vườn Ê-đen nên đã đem tội lỗi và sự chết vào thế gian, nhưng A-đam sau cùng (ICo 15:45) đã đầu phục Đức Chúa Trời tại vườn Ghết-sê-ma-nê nên đã đem sự sống và sự cứu rỗi đến cho mọi kẻ tin nhận.

Cái chén đắt giá (Lu 22:40-46) Chúa Jêsus để 8 môn đệ ở lại một nơi và đem Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng đến nơi vắng vẻ để cầu nguyện (Mac 14:32-33). Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời nên Ngài biết rõ mình sẽ sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên tâm thần Ngài vẫn nếm trải sự đau đớn tột cùng khi nhìn thấy những sự việc sắp xảy đến cho mình. Lúc ấy, Ngài sẽ bị sỉ nhục, mắng nhiếc và chịu đau đớn trên thập tự giá. Hơn thế, Ngài bị định tội vì chúng ta và bị phân cách với Đức Chúa Cha. Ngài gọi từng trải này là “uống chén” (Es 51:17,22; Thi 73:10; Thi 75:8; Gie 25:15-28).

Các sách Phúc Âm bày tỏ rằng Chúa Jêsus cầu nguyện 3 lần về “chén” Ngài phải uống và đến với môn đệ 3 lần nhưng chỉ thấy họ ngủ. Họ chẳng để tâm gì đến thử thách và nguy hiểm ở trước mặt! Sẽ ý nghĩa với Chúa biết bao nếu có sự cầu nguyện của họ hỗ trợ khi Ngài đối diện với Gô-gô-tha (He 5:7-8).

Lu-ca là tác giả Phúc Âm duy nhất chú ý chi tiết “mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất”. Có một hiện tượng vật lý hiếm hoi xảy ra khi dưới áp lực tâm lý nặng nề, các mạch máu nhỏ sẽ vỡ ra trong những tuyến mồ hôi, tạo nên hỗn hợp máu và mồ hôi. A-đam đầu tiên đã phạm tội trong vườn nên bị định tội “sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn” (Sa 3:19). A-đam sau cùng là Chúa Jêsus đã vâng phục Cha trên trời trong khu vườn và đắc thắng tội lỗi của A-đam (Ro 5:12-21).

Lu-ca cũng là tác giả duy nhất chú ý đến công việc của thiên sứ (Lu 22:43). Thực ra, sách Lu-ca và Công vụ đều dành cho các Thiên sứ một vị trí quan trọng trong công tác của Chúa. Các vị ấy không thể chết thay cho chúng ta, nhưng chỉ có thể thêm sức cho Đấng Christ khi Ngài dạn dĩ nhận “chén” của Đức Chúa Cha.

Cái hôn giả dối (Lu 22:47-48) Có người nói rằng “cái hôn” tựa như “sự thu nhỏ của môi miệng bởi con tim mở rộng”. Nhưng không phải mọi cái hôn đều xuất phát từ lòng yêu thương, vì những cái hôn có thể là giả dối. Ở trường hợp của Giu-đa, cái hôn của anh ta thuộc loại đê tiện nhất trong sự giả dối và phản bội.

Thời đó, các môn đệ thường chào thầy mình bằng một cái hôn đầy kính trọng và yêu quí. Giu-đa dùng cái hôn để làm ám hiệu cho những kẻ bắt Chúa biết Ngài là ai (Mat 26:48-49). Chúa Jêsus hằng ngày đã dạy dỗ trong đền thờ, nhưng các quan coi đền thờ không nhận ra Ngài!

Sự hiện diện của đám lính trang bị gươm giáo ấy chứng tỏ Giu-đa biết về Chúa Jêsus quá ít. Lẽ nào Giu-đa nghĩ rằng Chúa sẽ lo chạy trốn hay ẩn nấp đâu đó trong vườn? Giu-đa hẳn tưởng rằng Chúa và các môn đệ sẽ kháng cự, nếu không, anh ta đã không huy động nhiều sự giúp đỡ như vậy. Có lẽ Giu-đa sợ Chúa sẽ làm phép lạ. Nếu Ngài làm phép lạ, đám lính mang gươm giáo kia có thể làm được gì để đối phó với quyền phép của một Đức Chúa Trời toàn năng?

Giu-đa là kẻ giả dối giống như Sa-tan vì nó đã vào lòng anh ta (Gi 13:27; Gi 8:44). Giu-đa làm ô uế mọi thứ mình rờ đến: tên anh ta, tập thể môn đệ (Lu 6:13-16), quà dâng cho Chúa (Gi 12:1-8) và cái hôn. Giu-đa thậm chí còn xâm phạm đến buổi cầu nguyện riêng, khiến buổi ấy bị ô uế bởi sự hiện diện của mình. Anh ta đã phản bội Đấng Christ bằng một cái hôn. 

Do KT