NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta tiếp tục đọc Lu-ca 22:14-38

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 22:19 (BDHĐ): 

Rồi Ngài lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra, phân phát cho các môn đồ và phán: “Nầy là thân thể Ta vì các con mà phó cho. Hãy làm điều nầy để nhớ đến Ta.”

 

NỘI DUNG

14 Đến giờ, Ngài ngồi vào bàn và các sứ đồ cùng ngồi với Ngài. 15 Ngài phán với họ: “Ta rất muốn ăn lễ Vượt Qua nầy với các con trước khi Ta chịu đau đớn. 16 Vì Ta bảo các con, Ta sẽ không ăn lễ nầy nữa cho đến khi lễ ấy được hoàn tất trong vương quốc Đức Chúa Trời.” 17 Ngài cầm chén, tạ ơn rồi phán: “Hãy lấy và phân phát cho nhau. 18 Vì Ta nói cùng các con, từ nay Ta sẽ không uống nước nho nầy nữa cho tới khi vương quốc Đức Chúa Trời đến.” 19 Rồi Ngài lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra, phân phát cho các môn đồ và phán: “Nầy là thân thể Ta vì các con mà phó cho. Hãy làm điều nầy để nhớ đến Ta.” 20 Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén trao cho các môn đồ và phán: “Chén nầy là giao ước mới trong huyết Ta vì các con mà đổ ra. 21 Nầy, bàn tay kẻ phản bội Ta đang để trên bàn với Ta. 22 Con Người đi theo như điều đã định, nhưng khốn thay cho kẻ phản Con Người!” 23 Các môn đồ bắt đầu hỏi xem ai trong số họ là người sẽ làm điều đó.

Sự tranh biện của các môn đồ

(Mat 18:1; Mac 9:34; Lu 9:46)

24 Các môn đồ lại tranh biện với nhau xem ai trong họ sẽ là người lớn hơn hết. 25 Nhưng Ngài phán với họ: “Các vua dân ngoại lấy quyền mà cai trị, các bậc cầm quyền được gọi là người ban ơn thí phước. 26 Về phần các con thì đừng như vậy, nhưng ai lớn nhất trong các con phải trở nên như kẻ nhỏ nhất, và ai là người lãnh đạo phải như người phục vụ. 27 Vì giữa người ngồi ăn với người phục vụ, ai là người lớn hơn? Có phải là người ngồi ăn không? Nhưng Ta ở giữa các con như người phục vụ vậy. 28 Các con đã gắn bó với Ta trong những thử thách của Ta, 29 nên Ta ban vương quốc cho các con cũng như Cha Ta đã ban cho Ta vậy, 30 để các con được ăn uống chung bàn với Ta trong vương quốc Ta và được ngồi trên ngôi để phán xét mười hai bộ tộc Y-sơ-ra-ên.”

Lời cảnh báo cho Phi-e-rơ

(Mat 26:31-35; Mac 14:27-31; Gi 13:36-38)

31 “Hỡi Si-môn, Si-môn, nầy, Sa-tan đòi sàng sảy các con như lúa mì. 32 Nhưng Ta đã cầu nguyện cho con để con không thiếu đức tin. Vậy, khi con quay trở lại, hãy làm cho anh em con mạnh mẽ.” 33 Phi-e-rơ thưa: “Thưa Chúa, con sẵn sàng đồng tù đồng chết với Chúa.” 34 Đức Chúa Jêsus đáp: “Hỡi Phi-e-rơ, Ta bảo cho con biết, hôm nay khi gà chưa gáy, con sẽ ba lần chối không biết Ta.” 35 Ngài lại phán: “Khi Ta sai các con đi, không đem túi tiền, bao bị, giày dép gì cả, các con có thiếu gì không?” Các môn đồ thưa: “Không thiếu gì cả.” 36 Ngài phán: “Nhưng bây giờ, ai có túi bạc, hãy đem theo; ai có bao bị, cũng vậy; ai không có gươm, hãy bán áo ngoài mà mua. 37 Vì Ta bảo các con, lời Kinh Thánh nầy phải được ứng nghiệm trong Ta: 'Ngài đã bị kể vào hàng kẻ phạm pháp.’ Thật vậy, lời chép về Ta đang được ứng nghiệm.” 38 Họ thưa rằng: “Lạy Chúa, có hai thanh gươm đây.” Ngài phán: “Thế là đủ.”

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Trong bữa ăn tối:  Các môn đệ không biết điều gì sẽ xảy đến khi họ nhóm lại ở Phòng cao, nhưng hôm ấy đã trở nên một buổi tối của sự mặc khải đau thương.

Chúa bày tỏ tình yêu Ngài (Lu 22:14-16): Chúa bày tỏ tình yêu qua lời Ngài phán và việc Ngài làm. Ngài đứng dậy, lấy khăn vấn ngang lưng mình và rửa chân cho các môn đệ kể cả Giu-đa (Gi 13:1-20).

Chúa nói trước về sự phản bội (Lu 22:21-23): Chúa đã hé mở cho môn đệ rằng sẽ có một người trong số họ không thật tâm theo Ngài (Gi 6:66-71), nhưng giờ đây Ngài công khai nói về kẻ phản bội trước mặt họ. Tuy nhiên, Ngài làm điều này không vì các môn đệ, mà vì Giu-đa. Ngài đã rửa chân cho ông ta và bây giờ lại muốn cho ông ta một cơ hội ăn năn. Thật là điều ý nghĩa khi Chúa không công khai chỉ đích danh Giu-đa là kẻ phản bội, nhưng bảo vệ Giu-đa đến giờ phút cuối cùng.

Việc các môn đệ bối rối khi nghe sự bày tỏ kỳ lạ này cho thấy họ không biết bản chất thật của Giu-đa, nên cứ thắc mắc ai trong chúng ta sẽ làm việc gớm ghiếc đó? Họ cũng không biết về những lời tiên tri trong Thi thiên và không nhớ lời Chúa phán trước rằng Ngài sẽ bị nộp vào tay kẻ thù (Mat 17:22; Mat 20:18). Nếu Phi-e-rơ thật sự biết trước điều xảy ra, có lẽ ông ta đã cho Giu-đa nếm mùi lưỡi gươm của mình!

Còn nhiều điều bí ẩn về Giu-đa chúng ta chưa biết hết nên chúng ta không nên suy đoán quá nhiều. Chắc chắn Giu-đa là một nhân chứng cho sự vô tội của Chúa Jêsus, vì nếu có ai có thể nêu lên chứng cớ nghịch lại Ngài thì người đó chính là Giu-đa. Các nhà cầm quyền phải tìm những chứng dối để có cớ nghịch Chúa. Giu-đa thừa nhận rằng đã “nộp huyết vô tội” (Mat 27:4).

Vào thời điểm này, Giu-đa rời khỏi Phòng cao để đến với các chức sắc đền thờ, chuẩn bị bắt Chúa trong vườn, khi Giu-đa đi ra, “trời đã tối” (Lu 22:53) vì muốn phục dưới “quyền của sự tối tăm” (Lu 22:53).

Chúa bày tỏ về tính chất thế gian của các môn đệ (Lu 22:24-30): Đây không phải là lần đầu các môn đệ phạm lỗi này (Lu 9:46-48; Mat 20:20-28; Mac 9:33-37), nhưng qua ánh sáng của lời Chúa phán và việc Chúa làm, hành động cuối cùng của họ không cớ nào để bào chữa được. Có lẽ cuộc tranh luận bắt đầu khi họ suy đoán ai sẽ phản bội Chúa, hoặc có thể giữa họ đã nảy sinh sự ganh tị về chỗ ngồi ở bàn ăn. Khi bạn quan tâm đến sự cất nhắc của bản thân, cuộc tranh luận sẽ nhanh chóng nổi lên chớ chẳng phải chờ lâu!

Chúa phải giải thích rằng cách suy nghĩ của họ giống như người ngoại chớ không giống con cái Đức Chúa Trời. Người Rô-ma đặc biệt luôn giành cho được địa vị và danh vọng, nhưng họ không phải là tấm gương cho chúng ta. Trong mọi sự, Chúa Jêsus là tấm gương cho chúng ta noi theo, Ngài xứng đáng là mực thước của sự cao trọng thật.

“Sự cao trọng thật” nghĩa là “giống Chúa Jêsus”, phục vụ người khác. Đầy tớ không tranh luận ai sẽ là người cao trọng nhất, vì biết mình thấp hèn nhất và người ấy nhận điều này nơi Đức Chúa Trời. Vì mọi Cơ Đốc nhân đều là người hầu việc, nên chúng ta không có cớ tranh giành danh vọng với người khác. Tiếc thay, tinh thần ganh đua này đang nổi lên trong Hội Thánh hôm nay khi con người tự đề cao bản thân và chức vị mình như những “kẻ cao trọng nhất”.

Chúa kết thúc bài học về sự phục vụ bằng cách bày tỏ cho họ phần thưởng trong Nước thiên đàng (Lu 22:28-30). Dù yếu đuối thất bại, các môn đệ vẫn đứng vững và trung thành với Chúa suốt thời gian Ngài thi hành chức vụ trên đất, và Đức Chúa Trời sẽ thưởng công cho sự trung tín của họ. Hôm nay, chúng ta không nên e ngại làm những người hầu việc, vì chúng ta sẽ ngồi với Chúa trong Nước thiên đàng. Vì vậy sự hầu việc trung tín của chúng ta hôm nay chuẩn bị cho chúng ta phần thưởng trong tương lai. Chúa đưa ra ví dụ về thập tự giá và sau đó là mão triều thiên.

Chúa cho biết trước về sự chối Chúa của Phi-e-rơ (Lu 22:31-38): Thật thú vị khi lời báo trước này tiếp theo lời khiển trách về việc ai sẽ là kẻ cao trọng nhất! Bạn hình dung xem các môn đệ suy nghĩ ra sao khi họ biết rằng không những sẽ có một người trong số họ phản Ngài, nhưng Chính Phi-e-rơ người phát ngôn và lãnh tụ của họ cũng công khai chối Ngài. Nếu một người mạnh mẽ như Phi-e-rơ còn chối Chúa, vậy những môn đệ kia còn có hy vọng gì đứng vững?

Chữ “ngươi” trong Lu 22:31 là đại danh từ số nhiều Sa-tan đòi có tất cả các môn đệ để nó có thể sàng sảy họ như lúa mì. Họ đã theo Chúa trong mọi thử thách (Lu 22:28) hẳn Ngài sẽ không bỏ rơi họ trong sự thử thách. Đây là một lời cảnh cáo, cũng là sự an ủi khích lệ Phi-e-rơ và các môn đệ. Lời cầu nguyện của Chúa Jêsus đã được Đức Chúa Trời nhậm, Phi-e-rơ ngã lòng nhưng không mất đức tin. Ông đã được phục hồi mối liên hệ với Đấng Christ và được đại dụng trong việc làm vững mạnh dân Chúa.

Từ “hối cải” ở Lu 22:32 có nghĩa là “quay trở lại”. Phi-e-rơ là kẻ được cứu, nhưng sau đó đã bắt đầu đi chệch hướng và được kêu gọi trở lại ăn năn hối cải với Chúa. Ông không bị mất món quà của sự sống đời đời, nhưng ông không vâng lời Chúa, và gây nguy hại cho địa vị làm môn đệ Ngài. Tất cả các môn dồ đều bỏ rơi Chúa, thậm chí Phi-e-rơ đã chối Ngài trước thiên hạ. Đây là bài học cho chúng ta thấy sự yếu đuối của con người.

Các môn đệ không hiểu rõ ý nghĩa của lời Chúa khuyên trong Lu 22:35-38, vì họ chỉ hiểu lời Ngài theo nghĩa đen hoàn toàn. Sự bạo động bằng gươm của Phi-e-rơ trong vườn là một bằng chứng về điều đó (Lu 22:49-51). Chúa muốn nói về một ý nghĩa rằng: “các ngươi sắp trải qua một giai đoạn hoàn toàn mới. Nếu người đời bắt ta, sẽ có một ngày họ bắt các ngươi. Nếu họ đối xử ta như kẻ tội phạm (Es 53:12), họ cũng sẽ xử các ngươi như thế. Vậy hãy sẵn sàng! ”

Chúa xác định mục đích thứ nhất của Tiệc Thánh “...để nhớ đến ta” (ICor 11:24-25). Đây là hình thức nhắc nhở Cơ Đốc nhân rằng chính Chúa Jêsus đã hy sinh thân Ngài và đổ huyết ra để cứu chuộc thế giới. Trong câu chuyện của lễ Tiệc Thánh chúng ta, không có điều gì “kỳ diệu” nào xảy ra khi Chúa Jêsus chúc phước trên bánh và chén. Bánh vẫn là bánh và chén vẫn là chén. Hành động ăn bánh và uống chén không tạo nên một điều gì đặc biệt đối với các môn đệ. Khi dự Tiệc Thánh, chúng ta đồng nhất hoá chính mình với thân và huyết Chúa (ICo 10:16) chớ không có nghĩa là chúng ta “nhận” chính thân thể và huyết Ngài!

Mục đích thứ 2 của Tiệc Thánh là “rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (ICor 11:26). Tiệc Thánh giúp ta nhớ lại những gì Chúa đã làm cho mình trên thập tự giá hầu thêm sự yêu mến và tôn quí Ngài. Tiệc Thánh còn giúp ta nhìn tới tương lai với sự tin cậy về ngày Chúa trở lại. Bởi vậy, chúng ta phải cẩn thận, đừng bước vào bàn Tiệc thánh của Chúa với tội còn đó, chưa ăn năn. Tiệc thánh còn là dịp tiện để chúng ta nhìn vào bên trong xem xét tấm lòng mình cũng như để xưng nhận tội lỗi mình trước Chúa (ICor 11:27-32).

Phước hạnh thứ 3 của Tiệc Thánh là sự nhắc nhở về tính hiệp nhất của Hội Thánh: chúng ta là “một cái bánh” (ICor 10:17). Đây là Tiệc Thánh của Chúa chớ không phải là hình thức đặc biệt của giáo phái Cơ Đốc nào cả. Mỗi khi dự Tiệc Thánh, mọi Cơ Đốc nhân đều được nhắc nhở về nhiệm vụ “dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh” (Eph 4:3).

Đối với chúng ta, nhận ơn phước thuộc linh từ Tiệc Thánh không chỉ đơn giản là việc tham dự tiệc ấy. Chúng ta phải “phân biệt thân Chúa” (ICor 11:29), nghĩa là xem xét những lẽ thật thuộc linh vốn có nơi bánh và chén. Sự phân biệt thuộc linh này đến từ Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh khiến mọi sự này trở nên một lẽ thật khi chúng ta đứng trước bàn tiệc của Chúa.

Sau khi lập Tiệc Thánh, Chúa Jêsus dạy môn đệ nhiều lẽ thật mà họ cần phải biết để thi hành chức vụ Chúa giao một cách kết quả giữa thế gian đầy thù hận (Gi 14:1-16:33). Ngài cầu nguyện cho các môn đệ (Gi 17:1-26) và cùng họ hát một Thánh ca. Sau đó rời phòng cao để đến vườn Ghết-sê-ma-nê. Giu-đa biết mọi người sẽ đến đó nên bảo các quân lính sẵn sàng bắt Ngài.

Khi xem đến đoạn này, bạn sẽ không khỏi xúc động về sự bình tĩnh và can đảm của Đấng Christ. Chính Ngài là Đấng làm chủ mọi tình thế xảy đến chớ không phải Sa-tan, Giu-đa hay Tòa Công luận. Chính Ngài khích lệ các môn đệ, thậm chí Ngài còn có thể hát Thánh ca trước khi đến chịu chết trên thập giá! 

Do KT