NHỮNG GỢI Ý:

Chúa Jêsus “quyết định đi thành Giê-ru-sa-lem” (Lu 9:51), Ngài biết rõ những điều sẽ xảy đến cho Ngài ở đó, và giờ đây những biến cố ấy sẽ đến. Đó không phải là những tai họa, nhưng là những việc phải được thực hiện bởi đã do Cha trên trời định trước và được Kinh Thánh Cựu Ước chép ra từ bao thế kỷ trước (Lu 24:26-27). Chúng ta chỉ có thể hạ mình trước Đấng Christ và kính yêu Ngài nhiều hơn khi biết Ngài đã dạn dĩ bước vào giai đoạn thương khó và chịu chết. Hãy nhớ rằng Ngài làm điều đó vì chúng ta!

Bữa ăn tối trong kỳ lễ Vượt Qua tại phòng cao là trọng tâm bài học của chúng ta. Chúng ta sẽ đọc Lu-ca 22:1-13.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 22:8 (BDHĐ): 

Đức Chúa Jêsus sai Phi-e-rơ và Giăng đi và phán: “Hãy đi sửa soạn lễ Vượt Qua để chúng ta cùng ăn.”

 

NỘI DUNG

Âm mưu của các thầy tế lễ

(Mat 26:1-5; Mac 14:1,2; Gi 11:45-53)

1 Lễ Bánh Không Men, tức là lễ Vượt Qua đã đến gần. 2 Các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo tìm cách để giết Đức Chúa Jêsus, vì họ sợ dân chúng.

Giu-đa phản Chúa

(Mat 26:14-16; Mac 14:10,11)

3 Lúc ấy, quỷ Sa-tan nhập vào Giu-đa, gọi là Ích-ca-ri-ốt, là một trong số mười hai sứ đồ. 4 Nó đi và bàn tính với các thầy tế lễ cả cùng các viên chức quản lý về cách mà nó có thể nộp Ngài cho họ. 5 Họ mừng lắm và hứa sẽ cho nó tiền bạc. 6 Nó đã ưng thuận và tìm dịp để nộp Đức Chúa Jêsus trong lúc dân chúng không có ở đó.

Thiết lập lễ Tiệc Thánh

(Mat 26:17-25; Mac 14:12-21; Gi 13:21-30)

7 Đến ngày lễ Bánh Không Men, là ngày người ta phải giết chiên con lễ Vượt Qua, 8 Đức Chúa Jêsus sai Phi-e-rơ và Giăng đi và phán: “Hãy đi sửa soạn lễ Vượt Qua để chúng ta cùng ăn.” 9 Hai người thưa: “Thầy muốn chúng con sửa soạn lễ ấy tại đâu?” 10 Ngài đáp: “Khi vào thành, có một người mang vò nước sẽ gặp các con; hãy theo người ấy vào nhà 11 và nói với chủ nhà: 'Thầy hỏi ông rằng: Phòng khách mà Ta và các môn đồ sẽ ăn lễ Vượt Qua ở đâu?’ 12 Chủ nhà sẽ chỉ cho các con một phòng lớn trên lầu, đồ đạc sẵn sàng, rồi các con hãy dọn ở đó.” 13 Hai môn đồ đi và gặp những điều đúng như Ngài đã phán, rồi họ sửa soạn lễ Vượt Qua.

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Trước bữa ăn tối: sự chuẩn bị (Lu 22:1-13)

Theo lịch Do Thái, có 3 kỳ lễ quan trọng nhất là: Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ tuần và lễ Lều Tạm (Le 23:1-44). Vì vậy, hằng năm mọi người dân Do Thái đều đến Giê-ru-sa-lem dự lễ (Phu 16:16). Lễ Vượt Qua kỷ niệm dân Y-sơ ra-ên được giải thoát khỏi Ai Cập, là thời kỳ đáng ghi nhớ và vui mừng (Xu 11:1-12:51). Hằng ngàn người từ khắp nơi nô nức đổ về Giê-ru-sa-lem suốt kỳ lễ, điều này khiến các nhà cầm quyền La Mã lo ngại về những cuộc nổi loạn có thể xảy ra. Lễ Vượt Qua mang những hàm ý mạnh mẽ có tính chính trị, nên đây là thời điểm lý tưởng cho kẻ nào tự xưng là “đấng mê-si-a” tìm cách lật đổ Rô-ma. Đó cũng là lý do vua Hê-rốt và quan tổng đốc Phi-lát đại diện chính quyền Rô-ma có mặt tại Giê-ru-sa-lem, thay vì ở Tiberius và Caesarea. Họ muốn góp phần giữ an ninh ở đây!

Các lãnh đạo trong đền thờ chuẩn bị thực hiện một tội ác (Lu 22:1-6). Thật không thể ngờ rằng những con người này lại phạm vào một tội lỗi nghiêm trọng nhất trong lịch sử suốt kỳ lễ thiêng liêng nhất của dân Do Thái. Vào lễ Vượt Qua, dân Do Thái phải dẹp mọi thứ men ra khỏi nhà mình (Xu 12:15) để nhớ rằng tổ phụ họ đã thoát khỏi Ai Cập nhanh chóng và phải ăn bánh không men. Chúa Jêsus cảnh cáo môn đệ về men của người Pha-ri-si, là “sự giả hình” (Lu 12:1 Mat 6:1; ICo 5:1-8), và giờ đây chúng ta thấy sự giả hình này đang hành động.

Các chức sắc đền thờ chỉ dọn dẹp nhà cửa mình sạch sẽ, nhưng tấm lòng họ đầy sự ô uế (Mat 23:25-28). Từ lâu, họ muốn bắt và giết Chúa nhưng không có cách nào để chữa mình trước dân chúng. Giu-đa đã giải quyết nan đề thay họ. Hắn hứa sẽ giao nộp Chúa cho họ cách bí mật để tránh sự phản kháng của dân chúng.

Sa-tan đã cám dỗ Giu-đa (Gi 13:2,27) vì anh ta chưa bao giờ thật sự tin nơi Chúa Jêsus. Tội lỗi anh ta chưa được Chúa tẩy sạch (Gi 13:10-11) và anh ta chưa bao giờ tin nhận sự sống đời đời (Gi 6:64-71). Thế nhưng không ai trong số các sứ đồ nghi ngờ gì về sự phản bội của Giu-đa. Chúng ta đều có cớ tin rằng Giu-đa cũng được ban cho quyền phép như các sứ đồ khác, anh ta đã rao truyền cùng một sứ điệp và làm những phép lạ giống nhau. Điều này cho thấy một người có thể đến gần Vương quốc Đức Chúa Trời nhưng rồi vẫn có thể bị hư mất (Mat 7:21-29).

Vì sao Giu-đa phản Chúa? Chúng ta hẳn biết anh ta là một “tay trộm cắp” (Gi 12:4-6) và tiền bạc đóng vai trò quan trọng trong hành động tội ác gớm ghiếc của anh ta. Đối với tội lỗi như thế, 30 nén bạc chẳng phải là món tiền công hậu hĩnh, mà nó còn có nguyên nhân khác. Có thể qua Chúa Jêsus, Giu-đa biết về sự cứu dành cho dân Do Thái nên đã theo Ngài và mong giữ một địa vị trong Vương quốc Ngài. Hãy nhớ rằng các sứ đồ thường bàn luận về việc ai sẽ là kẻ lớn nhất ở Nước Trời, và dĩ nhiên một kẻ tính toán như Giu-đa cũng tham gia những cuộc bàn luận quan trọng ấy.

Khi nhận ra rằng Chúa Jêsus sẽ không lập Vương quốc Ngài nhưng phải chịu bắt bớ dưới tay các bậc cầm quyền, Giu-đa quay lưng lại với Chúa trong sự trả đũa cay đắng. Chất “men” trong đời sống Giu-đa cứ âm ỉ dậy lên cho đến khi sản sinh ra sự “gian ác độc dữ” (ICo 5:6-8). Nếu thỏa hiệp với Sa-tan, bạn sẽ phải trả một giá đắt. Vì vậy Giu-đa đã đi đến chỗ tự hủy diệt mình (Mat 27:3-5). Sa-tan vốn là kẻ nói dối và kẻ giết người, nên nó đã tái hiện bản chất nó trong con người Giu-đa (Gi 8:44).

Chúa Jêsus chuẩn bị cho lễ Vượt Qua (Lu 22:7-13) Cách Chúa Jêsus chuẩn bị cho lễ Vượt Qua chứng tỏ Ngài đã biết có những âm mưu đang được bày ra. Ngoài Chúa Jêsus, Phi-e-rơ và Giăng ra, các môn đệ không biết bữa tiệc sẽ được tổ chức ở đâu. Mãi đến khi vào Phòng cao, họ mới biết. Nếu Giu-đa biết trước, hẳn sẽ thông báo cho các bậc cầm quyền.

Phi-e-rơ và Giăng không gặp khó khăn gì khi xác định người đàn ông nào mang vò nước, vì đàn ông hiếm khi mang vò nước, đó là nhiệm vụ của phụ nữ. Cũng giống như người chủ lừa (Lu 19:28-34) người đàn ông vô danh này là một môn đệ của Chúa Jêsus, đã chuẩn bị dọn dẹp nhà mình cho Chúa dự lễ Vượt Qua cuối cùng của Ngài.

Phi-e-rơ và Giăng sẽ chọn một chiên con không tì vít, đem đến đền thờ để giết nó. Sau đó, họ mang chiên con và các thứ cần thiết đến ngôi nhà đã hẹn trước. Ở đó, chiên con sẽ bị quay trên lửa. Bàn tiệc được dọn lên gồm có rượu, bánh không men, và rau đắng để nhắc nhở dân Do Thái về ách nô lệ triền miên đắng cay ở Ai Cập (Xu 12:1-28).

 

Do KT