NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta sẽ đọc tiếp Lu-ca 21:20-38.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 21:36  (BDHĐ): 

Vậy, phải luôn luôn tỉnh thức và cầu nguyện để các con đủ sức tránh khỏi mọi điều sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con Người.”

 

NỘI DUNG

20 Khi các con thấy thành Giê-ru-sa-lem bị quân lính bao vây thì biết rằng sự tàn phá thành ấy sắp đến. 21 Lúc ấy, ai ở trong miền Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy đi ra ngoài; ai ở ngoài đồng, đừng trở vào thành. 22 Vì đó là những ngày báo thù, để cho mọi lời đã chép được ứng nghiệm. 23 Trong những ngày ấy, khốn thay cho phụ nữ mang thai và các bà còn cho con bú! Vì sẽ có đại họa trên đất và cơn thịnh nộ giáng trên dân nầy. 24 Họ sẽ ngã dưới lưỡi gươm và sẽ bị đem đi làm nô lệ giữa các nước. Thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày đạp cho đến khi các thời kỳ dân ngoại được trọn. 25 Sẽ có các điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; còn dưới đất, các dân sầu não rối loạn trước biển cả ba đào gầm thét. 26 Người ta ngất đi vì kinh hãi trong khi chờ đợi những gì sắp xảy ra cho thế giới vì các quyền lực trên trời sẽ bị rúng động. 27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người lấy đại quyền đại vinh mà ngự đến giữa đám mây. 28 Khi nào các việc đó bắt đầu xảy đến, hãy đứng thẳng, ngước đầu lên, vì sự cứu rỗi của các con đang đến gần.”

29 Ngài kể cho họ một ẩn dụ: “Hãy xem cây vả và tất cả các cây khác. 30 Khi nó mới nứt lộc, các con thấy thì biết rằng mùa hạ gần đến. 31 Cũng vậy, khi các con thấy những điều ấy xảy ra thì biết vương quốc Đức Chúa Trời đã cận kề. 32 Thật, Ta bảo các con, thế hệ nầy sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi sự kia xảy đến. 33 Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta nói sẽ không bao giờ qua đâu.

34 Vậy, hãy thận trọng! E rằng vì sự ăn uống quá độ, say sưa và sự lo lắng đời nầy làm cho lòng các con mê mẩn chăng; và ngày ấy đến thình lình như bẫy sập trên các con, 35 cũng như trên tất cả mọi người ở khắp mặt đất. 36 Vậy, phải luôn luôn tỉnh thức và cầu nguyện để các con đủ sức tránh khỏi mọi điều sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con Người.”

37 Ban ngày, Đức Chúa Jêsus dạy dỗ trong đền thờ, còn đến tối Ngài đi ra và ở qua đêm trên núi Ô-liu. 38 Sáng sớm, cả dân chúng đến với Ngài trong đền thờ để nghe Ngài giảng dạy.

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Sự phá hủy đền thờ (Lu 21:20-24)

Đoạn này có vẻ đặc biệt trong cách viết của Lu-ca, không giống với Ma-thi-ơ và Mác, mặc dù trong 2 sách ấy cũng có trình bày chi tiết tương tự (Mat 24:16-21; Mac 13:14-17). Tuy nhiên, rõ ràng là Ma-thi-ơ và Mác đề cập đến những biến cố xảy ra trong thời kỳ trọng điểm của sự hoạn nạn, khi “sự tàn nát gớm ghiếc” lập ra trong đền thờ Do Thái và An-ti Christ (kẻ cai trị thế giới) sẽ khởi sự bắt bớ Y-sơ-ra-ên (Đa 9:24-27; Kh 13:1-18). Chúa Jêsus khuyên dân sự phải trốn đi, vì sự hoạn nạn lớn sẽ ập đến.

Phúc Âm Lu-ca không đề cập đến biến cố nào xa xôi xảy ra trong thời kỳ đại nạn, nhưng đề cập đến sự kiện La Mã tàn phá thành Giê-ru-sa-lem năm 70 (Lu 19:41-44). Đây không phải là lần đầu Giê-ru-sa-lem “bị dân ngoại giày đạp” (Lu 21:24) vì dân Ba-by-lôn đã từng phá hủy thành năm 586 TC, khi “các kỳ dân ngoại” bắt đầu. Giai đoạn mang đầy ý nghĩa trong chương trình của Đức Chúa Trời sẽ kết thúc khi Chúa Jêsus tái lâm trên đất, hủy diệt mọi quyền lực dân ngoại và lập Vương quốc công bình của Ngài (Đa 2:34-36,44-45; Kh 19:11).

Các tín hữu hôm nay trông mong Chúa trở lại đều không nên áp dụng các câu 20-24 cho hoàn cảnh của chính mình. Chúa Jêsus muốn nói về thành Giê-ru-sa-lem năm 70 SC. Mat 24:15-28 và Mac 13:14-23, Ngài phán về tình trạng Y-sơ-ra-ên trong thời kỳ giữa cơn đại nạn. Vì sự tái lâm của Chúa đối với Hội Thánh Ngài sẽ xảy ra trong chớp mắt (ICo 15:52), nên không ai có thời gian về nhà hoặc lo về ngày nghỉ, hay bận nuôi con cái. Cho đến phần này của sứ điệp, Chúa Jêsus đã nói cho các môn đệ biết thời gian đền thờ sẽ bị phá hủy và dấu hiệu của thời kỳ cuối cùng. Giờ đây, Ngài cho họ biết về sự tái lâm của Ngài vào cuối thời kỳ đại nạn.

Sự tái lâm của Chúa (Lu 21:25-28)

Đối với tội nhân, những điềm này gây nỗi sợ hãi khủng khiếp nhưng đối với những ai tin cậy Chúa thì đó là hy vọng trong thời kỳ đại nạn (Kh 7:1-17) vì biết rằng Chúa mình sắp tái lâm. Hôm nay, Cơ Đốc nhân trông đợi Đấng Christ chớ không phải những điềm lạ. Tuy nhiên, khi thấy bóng của những biến cố sắp xảy ra, chúng ta tin rằng sự tái lâm của Chúa đã đến gần.

Đấng Christ sẽ xuất hiện cách bất ngờ trong sự vinh hiển và đại quyền của Ngài (Lu 21:27), như hình ảnh mô tả trong Đa 7:13-14, hẳn rất quen thuộc với các môn đệ. Các thiên sứ cũng báo trước rằng Chúa Jêsus sẽ trở lại như cách Ngài lên trời (Cong 1:9-11) và quả thật như vậy! (Kh 1:7).

Có nhiều người không quan tâm, thậm chí nhạo báng giáo lý tái lâm của Chúa. Họ cho rằng Hội Thánh đã chờ đợi 2.000 năm qua, nhưng Chúa sao vẫn chưa tái lâm? Phi-e-rơ đáp lại sự chế giễu này qua sách IIPhi 3:1-18. Ông chứng minh rằng Đức Chúa Trời vẫn giữ lời hứa Ngài dù niềm tin chúng ta ra sao, vì Ngài tính toán thời gian không theo suy nghĩ của con người. Hơn thế, Ngài nhịn nhục hầu cho tội nhân có cơ hội ăn năn tin nhận và sẵn sàng khi Chúa đến. Đối với Hội Thánh sự trì hoãn của Chúa là một thử thách, nhưng đối với tội nhân đây là một cơ hội.

Sau khi trả lời các câu hỏi của môn đệ, Chúa muốn họ ghi nhớ lời dạy Ngài nên Ngài khuyên họ những lời sau cùng: “Hãy tự giữ lấy mình! ”, “Hãy tỉnh thức luôn! ”.

Trách nhiệm của người tin Chúa (Lu 21:29-38)

Trong Kinh Thánh, “cây vả” thường là hình ảnh nói về dân Do Thái (Lu 13:6-10; Os 9:10). Một số người nghiên cứu Kinh Thánh giải thích rằng sự kiện Do Thái lập quốc vào ngày 15/5/1948 là “điềm” Chúa sắp tái lâm. Hẳn đây là sự kiện có ý nghĩa khi dân Do Thái giờ đây là một quốc gia độc lập sau hằng bao thế kỷ sống trong ách nô lệ. Nhưng nhóm từ “các cây khác” (Lu 21:29), được luôn thêm vào cho thấy có nhiều quốc gia có liên quan. Có lẽ Chúa Jêsus muốn nói rằng sự nổi dậy của phong trào dân tộc chủ nghĩa trên thế giới là sự kiện đáng quan tâm.Trong những năm gần đây, hẳn chúng ta đã chứng kiến sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc và sự xuất hiện của một số quốc gia mới. Đây có thể là “điềm” cho biết sự tái lâm của Chúa đã đến gần.

Tuy nhiên, quan điểm chính ở đây là phải biết điều gì đang diễn tiến. Cây nứt lộc chỉ về mùa hạ sắp đến, vậy những điềm này xảy ra cho biết sự tái lâm của Chúa đã đến gần (Lu 12:54-57). Điều quan trọng, người tin Chúa phải biết rằng Đức Chúa Trời luôn thành tín với lời hứa của Ngài, và lời Ngài sẽ không sai trật (Gio 23:14).

Lu 21:32 nói về “thế hệ” nào? Có lẽ Chúa muốn nói về thế hệ đang sống trên đất vào thời điểm những điềm này xảy ra. Ngài không nói rằng phải mất thời gian của một thế hệ mới hoàn tất những sự kiện này vì khi đã bắt đầu rồi thì nó xảy ra rất nhanh chóng. Từ Hy Lạp được dịch là “thế hệ” cũng có thể có nghĩa “chủng tộc” và có thể nói về dân tộc Y-sơ-ra-ên. Chúa Jêsus đã sử dụng ý này trong Mac 8:12,38 và Mac 9:19. Chúa Jêsus xác nhận với các môn đệ: dù dân Y-sơ-ra-ên chịu nhiều hoạn nạn nhưng dân này sẽ được Đức Chúa Trời gìn giữ nên không bị tuyệt diệt. Sa-tan muốn dân Y-sơ-ra-ên nhưng nó sẽ thất bại.

Lời khuyên thứ nhất của Chúa là “hãy tự giữ lấy mình” (hãy thận trọng), và lời khuyên thứ hai “hãy tỉnh thức luôn! ” (Lu 21:34-36). Dù mang ý nghĩa đặc biệt đối với dân Do Thái trong kỳ hoạn nạn, nhưng 2 lời khuyên cũng dành cho con cái Đức Chúa Trời ở mỗi thời đại. “Hãy tỉnh thức luôn” không có nghĩa là chúng ta cứ tìm kiếm những điềm lạ, nhưng có nghĩa như “Hãy cẩn thận! Đừng lơ là!”. Hôm nay lời khuyên ấy cũng là lời cảnh tỉnh chúng ta, bởi chúng ta dễ bị “mỏi mệt” bởi những lo toan của đời này cùng những cám dỗ vật chất và thể xác (Lu 12:35-48).

Trong kỳ khó khăn, con người dễ “đầu hàng” hoàn cảnh và bắt đầu sống như người thế gian. Vì vậy, Cơ Đốc nhân sẽ đối diện với sự cám dỗ trong kỳ hoạn nạn. Chúng ta phải “tỉnh thức và cầu nguyện” hầu có thể chống lại sự cám dỗ quanh mình, vì chúng ta thảy điều muốn trong thế sẵn sàng khi Chúa trở lại. Nếu trong kỳ khó khăn tín hữu bị cám dỗ chiều theo thế gian và xác thịt, vậy trong kỳ thuận lợi và sung túc sẽ “phải đương đầu với nhiều hiểm họa hơn. Hôm nay chúng ta không biết khi nào Chúa mình trở lại, nên phải luôn trung tín và sẵn sàng.

 

Do KT