NHỮNG GỢI Ý:

Lu-ca 21:1-38 là đoạn Kinh Thánh giải đáp cho những câu hỏi về tương lai.

Phần đầu tiên chúng ta sẽ đọc từ câu 1 đến câu 19.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 21:13  (BDHĐ): 

Đây là cơ hội để các con làm chứng.

 

NỘI DUNG

Bà góa dâng hiến

(Mac 12:41-44)

1 Đức Chúa Jêsus ngước mắt lên, thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng của họ vào thùng lạc hiến. 2 Ngài cũng thấy một bà góa nghèo dâng vào hai đồng tiền. 3 Ngài phán: “Thật, Ta bảo các con, bà góa nghèo nầy đã dâng nhiều hơn tất cả những người khác. 4 Vì mọi người đều lấy của dư mình mà dâng, còn bà góa nầy rất nghèo túng nhưng đã dâng tất cả những gì bà ấy có để nuôi sống mình.”

Đức Chúa Jêsus báo trước về sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem và Ngày Chúa quang lâm

(Mat 24:1-51; Mac 13:1-37)

5 Nhân có mấy người nói về việc đền thờ được trang hoàng bằng đá đẹp và lễ vật, Đức Chúa Jêsus phán: 6 “Sẽ có ngày tất cả những gì các con thấy đây sẽ bị sụp đổ hết, chẳng còn một hòn đá nào chồng trên hòn đá khác.” 7 Họ hỏi Ngài: “Thưa Thầy, khi nào các việc nầy sẽ xảy đến, và có điềm gì cho biết các việc ấy sắp xảy ra?” 8 Ngài đáp: “Hãy cảnh giác, đừng để ai lừa dối các con, vì có nhiều kẻ sẽ mạo danh Ta đến mà nói rằng: 'Chính ta là đấng ấy và thời kỳ đã đến gần!’ Các con đừng theo họ. 9 Khi các con nghe nói về chiến tranh, loạn lạc thì đừng kinh hãi; vì những việc nầy phải xảy ra, nhưng chưa phải là cuối cùng liền đâu.”

10 Rồi Ngài phán tiếp: “Dân nầy sẽ nổi lên nghịch cùng dân khác, nước nọ chống lại nước kia; 11 sẽ có những trận động đất lớn, đói kém cùng dịch lệ ở nhiều nơi; sẽ có những việc khủng khiếp và dấu lạ lớn ở trên trời. 12 Nhưng trước khi những điều đó xảy ra, các con sẽ vì danh Ta mà bị người ta tra tay bắt bớ, giao nộp các con cho nhà hội và khám tù; các con sẽ bị kéo đến trước mặt các vua và tổng đốc. 13 Đây là cơ hội để các con làm chứng. 14 Vậy các con hãy nhớ kỹ trong trí, đừng lo nghĩ trước phải bênh vực mình thế nào, 15 vì Ta sẽ ban cho các con lời lẽ và sự khôn ngoan mà không kẻ thù nào có thể chống cự và phản bác được. 16 Các con sẽ bị cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu mình bắt nộp, và họ sẽ giết vài người trong các con. 17 Các con sẽ bị mọi người thù ghét vì danh Ta. 18 Nhưng một sợi tóc trên đầu các con cũng không mất đâu. 19 Nhờ sự kiên trì mà các con giữ được linh hồn mình.

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Câu hỏi của các môn đệ (Lu 21:1-7)

Giờ lại đến lượt các môn đệ Chúa đặt câu hỏi!

Vấn đề bắt đầu lúc có một bà góa vào đền thờ dâng hiến cho Đức Chúa Trời (Lu 21:1-4). So với của cải người giàu, 2 đồng tiền của bà góa chẳng ý nghĩa gì! Nhưng Chúa Jêsus phán rằng bà góa đã dâng nhiều hơn của cải của mọi người cộng lại. Phần dâng hiến khiêm nhường của bà góa không phải có ý nghĩa rằng chúng ta có thể dâng phần nhỏ nhất, nhưng là phần tốt nhất trong những gì chúng ta có. Khi tôn vinh “hiến cả thảy cho Ngài”, chúng ta bày tỏ rằng mọi thứ mình có thuộc về Ngài.

Khi chúng ta dâng hiến, Đức Chúa Trời nhìn thấy “sự tương xứng” hơn là “của dâng”. Con người chỉ nhìn thấy “của dâng”, nhưng Đức Chúa Trời nhìn thấy những gì con người còn “giữ lại”, bởi đó Ngài đánh giá được của lễ và tấm lòng chúng ta.

Đền thờ được xây cất công phu và tô điểm bằng những vật trang trí đắt giá mà một bà góa nghèo không bao giờ có thể dâng được, nên các môn đệ nhắc Chúa về điều này. Tuy nhiên, Chúa không để tâm đến vấn đề đó. Ngài cho họ biết sẽ có một ngày đền thờ tráng lệ của dân Do Thái sẽ bị phá hủy (Lu 21:5-6). Ngài cũng báo trước về sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem (Lu 19:41-44), nhưng giờ đây Ngài đặc biệt chú ý đến việc đền thờ bị phá hủy.

Chúa Jêsus rời khỏi đền thờ và đi đến núi Ô-li-ve. Tại đó, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng hỏi Ngài 3 câu: khi nào đền thờ sẽ bị phá hủy? Có điềm gì chỉ về sự Chúa đến? Có điềm chi cho biết các sự đó sẽ hoàn thành? (Mac 13:3,4; Mat 24:3). Các môn đệ nghĩ rằng 3 sự kiện đó sẽ xảy ra cùng một lúc, nhưng Chúa Jêsus giải thích các sự việc này khác nhau. Theo thực tế, đền thờ sẽ bị phá hủy trước tiên và sau một thời gian dài Chúa sẽ trở lại để lập vương quốc Ngài trên đất (Lu 19:11-27).

Lời đáp của Chúa bao gồm những điều mà chúng ta gọi là “bài giảng trên núi Ô-li-ve”, một bài giảng về lời tiên tri kỳ diệu nhất của Ngài. Bài giảng được chép chi tiết ở sách Mat 24:1-25:46 và Mac 13:1-37. Vì Lu-ca viết cho dân ngoại nên ông đã bỏ đi một số chi tiết nói về dân Do Thái, nhưng ông vẫn giữ lại những lẽ thật quan trọng mà chúng ta cần xem xét và ứng dụng.

Hãy nhớ rằng đây là thông điệp dành cho dân Do Thái được loan ra từ môi miệng của một người Do Thái, nói tiên tri về tương lai của dân Do Thái. Mặc dù hôm nay có vài điều ứng nghiệm đối với con cái Đức Chúa Trời, nhưng lời tiên tri này nhằm vào Giê-ru-sa-lem, dân Do Thái và đền thờ. Chúa Jêsus không bàn về sự trở lại của Ngài dành cho Hội Thánh, vì sự kiện này có thể xảy đến bất cứ lúc nào và không cần có điềm báo trước (ITe 4:13-18; ICo 15:51-58). “Người Giu-đa đòi một dấu hiệu” (ICo 1:22) nhưng Hội Thánh trông đợi Cứu Chúa mình (Phi 3:20-21).

Mô tả thời đại (Lu 21:8-19)

Những sự kiện Chúa phán có thể xảy đến ở bất cứ thời đại nào của Hội Thánh, vì ngay từ đầu đã có những Đấng Christ giả, những biến động trên thế giới và tình trạng bắt bớ Hội Thánh. Tuy vậy, những sự việc này sẽ gia tăng và khốc liệt hơn khi sự tái lâm của Chúa đến gần.

“Các ngươi hãy giữ, kẻo bị cám dỗ! ” Đó là lời Chúa khuyên dạy và chúng ta phải ghi vào lòng. Chỉ có một cách duy nhất giữ cho chúng ta sống quân bình, đó là phải hiểu biết Kinh Thánh và vâng theo lời Đức Chúa Trời dạy dỗ (IIPhi 3:17-18). Thật dại dột và tai hại nếu chúng ta quá chú tâm đến lời tiên tri, đến nỗi lơ là đối với những vấn đề thực tiễn của đời sống Cơ Đốc nhân. Phước cho những ai sống quân bình!

Chúa phán với con cái Ngài rằng “đừng kinh khiếp! ” . Những biến cố này ắt phải xảy đến, không ai có thể ngăn trở được. Điều này không có nghĩa là con cái Chúa sẽ phó mặc cho số phận mình không biết trước, nhưng thay vào đó, họ muốn đầu phục chương trình của một người Cha yêu thương, Đấng hiệp mọi sự lại theo “ý quyết đoán” của Ngài (Eph 1:11).

Bạn hãy để ý những lời khích lệ của Chúa Jêsus đối với những người chịu sự bắt bớ. Trước hết, chúng ta hãy nhớ rằng khi bị bắt bớ, chúng ta đã chịu khổ vì danh Chúa (Lu 21:12) và đây là một vinh dự lớn lao của chúng ta (Cong 5:41). Điều quan trọng không ở chỗ người khác nói gì về chúng ta, nhưng quan trọng là danh Đấng Christ phải được vinh hiển.

Điều thứ hai, thời gian chịu sự bắt bớ cho chúng ta cơ hội làm chứng về Chúa (Lu 21:13-15). Các sứ đồ của Chúa đã làm chứng tốt khi họ bị bắt và bị giải đến tòa công luận (Cong 4:1-5:42). Những người tử đạo và tôi tớ Chúa trải qua các thế kỷ đã noi theo gương của các sứ đồ khi liều mình vì Chúa.

Do bị công khai bắt bớ, chứng nhân của Đức Chúa Trời sẽ đứng trước những bậc quyền thế, và khi việc ấy xảy đến, họ không nên sợ hãi, vì Đức Chúa Trời sẽ ban cho họ những lời cần nói. Lời hứa này không phải là cớ để các Mục sư, Truyền đạo biếng nhác hoặc các giáo viên trường Chúa nhật không muốn nghiên cứu lời Chúa! Đây là lời yên ủi khích lệ những nhân chứng trung tín của Đức Chúa Trời, biết rằng Ngài sẽ giúp họ khôn ngoan trong lời đối đáp khi cần.

Các thánh đồ không những sẽ bị sự bắt bớ từ phía nhà cầm quyền mà còn gặp phải sự chống đối của gia đình và bạn hữu. Người thân của họ sẽ theo dấu Giu-đa khi xưa, phản bội người thân yêu nào tin nơi Chúa Jêsus. Sự ghen ghét, bắt bớ, chết chóc sẽ xảy đến với nhiều con cái Chúa suốt thời kỳ hoạn nạn. Tuy nhiên, các con cái Chúa không nên nản lòng vì Đức Chúa Trời là Đấng tể trị mọi sự, không bởi ý Ngài, không sợi tóc nào trên đầu chúng ta bị rơi rớt (Mat 10:28-31). Khi hiểu được điều này, chúng ta có thể chịu đựng sự bắt bớ và đối đầu với sự thử thách bằng đức tin và sự dạn dĩ.

Trong lúc, có nhiều Cơ Đốc nhân không bị sự bắt bớ của nhà cầm quyền và sự chống đối của gia đình. thì có những người khác đã chịu nhiều khốn khổ vì đức tin mình. Điều Chúa phán ở đây là sự khích lệ đối với họ. Một người bạn của tôi hầu việc Chúa ở Đông Âu, và một tín hữu ở Poland nói với ông: “Chúng tôi đang cầu nguyện cho các bạn là những tín hữu ở phương Tây, vì các bạn sống trong điều kiện vô cùng dễ dàng. Xin Chúa giúp các bạn không rơi vào tình trạng thỏa hiệp”.

Hãy nhớ rằng những sự kiện Chúa mô tả không phải là dấu hiệu cuối cùng của sự tái lâm, vì đó chỉ là những sự kiện tiếp nối dòng lịch sử của các thời đại. Tuy nhiên, khi thời kỳ Chúa đến gần, những sự việc này sẽ gia tăng cả về số lượng và cường độ của nó. Cho dù chúng ta nhìn nhận ra sao về sự tái lâm của Chúa, chúng ta hãy chú ý lời khuyên của Ngài: “Hãy giữ mình! Đừng sợ! Đừng lo lắng! ”

 

Do KT