NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta đọc phần cuối của Lu-ca 20:41-47.

 

NỘI DUNG

41 Đức Chúa Jêsus hỏi họ: “Tại sao người ta lại nói Đấng Christ là con vua Đa-vít? 42 Vì chính vua Đa-vít đã nói trong sách Thi Thiên rằng:

'Chúa phán với Chúa tôi: Hãy ngồi bên phải Ta,

43 Cho đến khi Ta đặt các kẻ thù của con làm bệ chân cho con.’

44 Như thế, vua Đa-vít gọi Ngài là Chúa, vậy làm sao Ngài lại là con vua ấy được?”

 

Cảnh giác đối với các thầy thông giáo

(Mat 23:1-36; Mac 12:38-40)

45 Khi dân chúng đang lắng nghe thì Chúa phán với các môn đồ: 46 “Hãy đề phòng các thầy thông giáo là những người ưa mặc áo dài đi dạo, thích được chào giữa phố chợ, muốn ngồi ghế quan trọng nhất trong các nhà hội và chỗ danh dự trong các bữa tiệc. 47 Họ làm bộ đọc lời cầu nguyện dài mà nuốt nhà của các bà góa. Họ sẽ bị đoán phạt nặng hơn.”

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Câu hỏi về Đa-vít (Lu 20:41-47)

Khi người Pha-ri-si nhóm nhau lại, Chúa Jêsus hỏi họ câu cuối cùng: “Về Đấng Christ, các ngươi nghĩ thể nào? Ngài là con ai?” (Mat 21:41-42). Đây là câu hỏi quan trọng dành cho mọi thời đại và mỗi cá nhân, vì sự cứu rỗi và số phận đời đời của chúng ta tùy thuộc vào suy nghĩ của chúng ta về Đấng Christ (IGi 2:21-25; IGi 4:1-6; IGi 5:1).

Dĩ nhiên, họ đều biết câu trả lời sẽ là “Con vua Đa-vít” dựa trên các câu Kinh Thánh ở IISa 7:13-14; Es 11:1; Gie 23:5. Đức Chúa Trời đã định trước rằng Đấng Mê-si-a phải thuộc dòng Đa-vít, sanh trong thành Đa-vít tức Bết-lê-hem (Mi 5:2). Sự kiện dân Do Thái gắn liền Chúa Jêsus với Na-xa-rét chớ không phải Bết-lê-hem chứng tỏ họ không thực sự tìm kiếm những sự kiện có liên quan đến sự giáng sinh của Ngài (Gi 7:40-53).

Sau đó Chúa đề cập đến Thi 110:1-6, một Thi thiên được trích dẫn trong Tân Ước nhiều hơn của Thi thiên khác. Thời bấy giờ, các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái xem Thi 110 là đoạn Kinh Thánh Đa-vít nói tiên tri về Đấng Mê-si-a. Nếu Đấng Mê-si-a là Chúa của Đa-vít, sao Ngài có thể là Con vua Đa-vít được? Đây thật là điều khó lý giải đối với họ!

Lời giải thích duy nhất đó là: Đấng Mê-si-a là Đức Chúa Trời, cũng là Con người. Vì là Đức Chúa Trời hằng hữu, Ngài được gọi là Chúa của Đa-vít. Nhưng trong thân vị con người, Ngài là Con vua Đa-vít (Ro 1:3; Ro 9:4-5; Cong 2:32-36; Cong 13:22-23).

Vào tuần lễ cuối cùng, đoàn dân đông đã gọi Chúa là Con vua Đa-vít nhưng Ngài không quở trách họ (Mat 21:9; Mac 11:10). Khi áp dụng Thi 110:1 cho chính mình, Chúa tuyên bố chính Ngài là Đấng Mê-si-a của giao ước, là Con Đức Chúa Trời. Vậy tại sao người Pha-ri-si không tin Ngài? Bởi lòng họ cứng cỏi và mắt họ mù lòa (Gi 12:37-50). Họ không đủ can đảm thừa nhận lẽ thật, nên đã bắt bớ những những ai đặt niềm tin nơi Chúa Jêsus. Câu hỏi Chúa đặt ra khiến họ nín lặng (Mat 22:46) và chấm dứt những cuộc chất vấn công khai ấy. Dầu vậy, họ cũng chẳng chịu thua. Vì giả hình và thiếu thành thật, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si là những kẻ nguy hiểm để gần họ, vì vậy Chúa khuyên môn đệ và dân chúng cảnh giác đối với hạng người này (Lu 20:45-47; Mat 23:1-39). “Loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (ISa 16:7 He 4:12). Các chức sắc tôn giáo chẳng hề khao khát sự thánh khiết của bản thân, chỉ muốn được nổi danh trong thiên hạ. Vì vậy, họ xúng xính trong lễ phục sang trọng, mong người ta chào hỏi và tôn trọng mình cũng như muốn ngồi chỗ “đặc biệt” trong nhà hội.

Có 2 bi kịch đáng nói ở dây. Trước hết, sự giả hình có chủ tâm của các thầy thông giáo chỉ là cái vỏ bên ngoài để họ lừa dối và lợi dụng dân chúng. Trong những thủ đoạn kiếm tiền, thủ đoạn mang hình thức tôn giáo là điều tồi tệ nhất. Các chức sắc này đã biến đền thờ Đức Chúa Trời thành “hang trộm cướp” và biến sự quyên góp của tín đồ thành một vở kịch. Dân chúng cho rằng các chức sắc của họ là những con người yêu mến Đức Chúa Trời, thực ra hai chức sắc đó chỉ là những kẻ làm ô uế và hủy hoại linh hồn người ta (Mat 23:13-36).

Bi kịch thứ hai, đó là họ chối bỏ Đấng Mê-si-a và cổ vũ việc đóng đinh Ngài. Họ dẫn dắt dân tộc đi đến chỗ hư mất, vì không muốn thừa nhận tội lỗi mình cũng như không muốn hiểu Chúa Jêsus là Đấng Christ. Bạn hãy nhớ rằng những con người này là các “học giả” Kinh Thánh, vậy mà họ lại không áp dụng những lẽ thật của Kinh Thánh vào đời sống mình. Niềm tin tôn giáo của họ chẳng qua chỉ là sự tuân thủ lễ nghi bên ngoài, chớ không phải sự biến đổi ở bên trong.

Về phương diện này, theo Mat 23:33-39, một lần nữa Chúa Jêsus đã than khóc cho những kẻ vô tín mù lòa của dân tộc và khóc cho lòng cứng cỏi không tin Chúa của họ. Ngài cho họ quá nhiều cơ hội nhưng họ đều bỏ qua. Giờ thì đã quá muộn!

Hôm nay bi kịch này lại tái diễn. Đó là lý do Đức Thánh Linh phán: “Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, thì chớ cứng lòng...” (He 3:7-8).

“...bao nhiêu lần ta muốn... mà các ngươi chẳng khứng! ” (Mat 23:37)

 

Do KT