NHỮNG GỢI Ý:

Chúng ta sẽ đọc Lu-ca 9:1-36. Đây là giai đoạn Chúa Jêsus thường ở riêng và dạy dỗ các Sứ đồ nhiều bài học quan trọng để biết theo Chúa họ phải cần trang bị và hiểu biết những điều gì.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 9:23 (BDHD): 

Ngài phán với mọi người: “Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Ta".

 

NỘI DUNG

Mười hai sứ đồ được sai phái

(Mat 10:5-15; 14:1-12; Mac 6:7-29)

1 Đức Chúa Jêsus gọi mười hai sứ đồ họp lại, ban quyền năng và thẩm quyền để đuổi quỷ và chữa bệnh. 2 Ngài sai họ đi rao giảng vương quốc Đức Chúa Trời và chữa lành người bệnh. 3 Ngài bảo họ: “Khi đi đường đừng đem theo gì cả, đừng đem gậy, túi xách, bánh, tiền bạc; cũng đừng đem hai áo choàng. 4 Các con vào nhà nào, hãy ở đó cho đến khi đi. 5 Nơi nào người ta không tiếp rước các con thì khi ra khỏi thành đó hãy phủi bụi khỏi chân mình như một lời chứng nghịch lại họ.” 6 Vậy, các sứ đồ ra đi, trải qua các làng mạc, rao giảng Tin Lành khắp nơi và chữa lành bệnh tật.

Sự lo sợ của vua Hê-rốt

7 Bấy giờ, Hê-rốt là vua chư hầu nghe nói về các việc xảy ra thì rất hoang mang, bởi vì người nầy thì nói: “Giăng đã từ cõi chết sống lại;” 8 kẻ kia thì bảo: “Ê-li đã hiện ra;” còn người khác nữa lại nói: “Một trong các nhà tiên tri đời xưa đã sống lại.” 9 Hê-rốt nói: “Trẫm đã chém đầu Giăng rồi, vậy người nầy là ai mà trẫm được nghe đã làm những việc như thế?” Vua tìm cách gặp Đức Chúa Jêsus.

Chúa hóa bánh

(Mat 14:13-21; Mac 6:30-44; Gi 6:1-14)

10 Các sứ đồ trở về trình với Đức Chúa Jêsus mọi việc họ đã làm. Ngài đem các sứ đồ đi riêng ra, đến một thành gọi là Bết-sai-đa. 11 Khi dân chúng biết được, thì đi theo Ngài. Đức Chúa Jêsus tiếp đón họ, giảng về vương quốc Đức Chúa Trời cho họ, và chữa lành cho những ai cần được chữa lành. 12 Lúc trời gần tối, mười hai sứ đồ đến thưa với Ngài: “Xin cho dân chúng về để họ đến các làng mạc và thôn quê chung quanh mà trọ và tìm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang vắng.” 13 Nhưng Ngài phán: “Chính các con hãy cho họ ăn.” Các sứ đồ thưa: “Chúng con chỉ có năm cái bánh và hai con cá thôi, trừ phi phải đi mua thức ăn cho cả đoàn dân nầy.” 14 Vì có đến khoảng năm nghìn người nam, nên Ngài phán với các môn đồ: “Hãy bảo họ ngồi từng nhóm, mỗi nhóm năm mươi người.” 15 Các môn đồ làm theo lời và bảo mọi người ngồi xuống. 16 Đức Chúa Jêsus lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, tạ ơn và bẻ ra, trao cho các môn đồ để phân phát cho đoàn dân. 17 Mọi người đều ăn no nê. Họ thu lại được mười hai giỏ đầy những mẩu bánh thừa.

Sự tuyên xưng của Phi-e-rơ

(Mat 16:13-19; Mac 8:27-29)

18 Khi Đức Chúa Jêsus đang cầu nguyện riêng, các môn đồ tụ họp quanh Ngài. Ngài hỏi họ: “Dân chúng nói Ta là ai?” 19 Họ thưa: “Người nầy nói là Giăng Báp-tít, kẻ khác nói là Ê-li; người khác nữa nói là một trong những nhà tiên tri đời xưa sống lại.” 20 Ngài lại hỏi họ: “Còn các con thì nói Ta là ai?” Phi-e-rơ thưa: “Thầy là Đấng Christ của Đức Chúa Trời.” 21 Đức Chúa Jêsus cấm và ra lệnh cho các môn đồ không nói điều ấy với bất cứ ai.

Chúa báo trước sự chết và sự sống lại của Ngài

(Mat 16:20-28; Mac 8:30-9:1)

22 Đức Chúa Jêsus phán: “Con Người phải chịu nhiều điều đau khổ, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo chối bỏ, phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại.” 23 Ngài phán với mọi người: “Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Ta. 24 Vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai vì Ta mà mất mạng sống thì sẽ cứu mạng sống mình. 25 Nếu người nào được cả thế gian mà chính mình bị mất hoặc thiệt thân thì có ích gì? 26 Vì nếu ai hổ thẹn về Ta và lời Ta thì Con Người sẽ hổ thẹn về người ấy khi Ngài ngự đến trong vinh quang của mình, của Cha và của các thiên sứ thánh. 27 Thật, Ta bảo các con, một vài người đang đứng đây sẽ không chết trước khi thấy vương quốc Đức Chúa Trời.”

Chúa hóa hình

(Mat 17:1-8; Mac 9:2-8)

28 Khoảng tám ngày sau khi phán các lời nầy, Đức Chúa Jêsus đem Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ đi với Ngài lên núi để cầu nguyện. 29 Đang khi cầu nguyện, diện mạo Ngài đổi khác, áo Ngài trở nên trắng và rực sáng. 30 Và kìa, có hai người nói chuyện với Ngài, đó là Môi-se và Ê-li. 31 Họ hiện ra trong vinh quang và nói về sự chết của Ngài, là việc Ngài sắp làm ứng nghiệm tại thành Giê-ru-sa-lem. 32 Phi-e-rơ và các bạn ông quá buồn ngủ, nhưng khi chợt tỉnh, họ thấy vinh quang của Đức Chúa Jêsus và hai người đứng với Ngài. 33 Lúc hai người ấy rời khỏi Đức Chúa Jêsus, Phi-e-rơ thưa với Ngài rằng: “Thưa Thầy, chúng ta ở đây tốt lắm, xin cho chúng con dựng ba cái trại: một cho Thầy, một cho Môi-se và một cho Ê-li.” Ông nói nhưng không biết mình đang nói gì. 34 Khi Phi-e-rơ đang nói, có một đám mây kéo đến bao phủ họ; các môn đồ sợ hãi khi vào trong đám mây. 35 Rồi có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta, Người mà Ta đã chọn, hãy nghe lời Người.” 36 Khi tiếng ấy vừa dứt, thì chỉ còn lại một mình Đức Chúa Jêsus mà thôi. Trong những ngày ấy, các môn đồ giữ im lặng, không nói cho ai về những gì mình đã chứng kiến.

 

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Trong đoạn này, Bác sĩ Lu-ca mô tả một đời sống bận rộn của Con Người có lòng thương xót khi Ngài thi hành 4 nhiệm vụ:

Sai phái các sứ đồ (Lu 9:1-11)

Nhiệm vụ rao giảng (Lu 9:1-6): Chúa sắp sai họ ra đi từng đôi một (Mac 6:7) với nhiệm vụ riêng và thực hành điều họ đã học. Tuy nhiên, trước khi phái họ đi, Chúa đã trang bị cho họ mọi điều cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cũng như dặn dò họ kỹ càng.

Quyền năng là khả năng hoàn thành nhiệm vụ, “thẩm quyền” là quyền để thực hiện nhiệm vụ đó. Chúa Jêsus ban cho các sứ đồ cả quyền năng và thẩm quyền ấy. Họ có thể đuổi quỉ và chữa bệnh nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất Chúa giao họ chính là việc rao giảng Phúc Âm. Họ chính là những sứ giả đem Phúc Âm đến!

Chúa dạy các sứ đồ phải mang những gì trên đường đi, đặc biệt Ngài nhấn mạnh về tính khẩn trương và phong cách bình dị họ phải có. Họ không được mang theo bao đựng thực phẩm nhưng phải tin rằng Đức Chúa Trời sẽ mở cửa những gia đình tử tế.

Bị thu hút bởi những phép lạ Chúa làm, đoàn dân không rời Chúa nhưng cứ đi theo Ngài qua các thành. Khi Chúa cùng 12 sứ đồ cập thuyền vào bờ, đoàn dân đã có mặt tại đó để gặp Ngài. Chúa động lòng thương xót họ và cứu giúp họ (Mat 14:13-14). Con Người không có một ngày nghỉ ngơi!

Nuôi đoàn dân đông (Lu 9:12-17)

Chúa chúng ta không chỉ biết giảng đạo và nói với kẻ đói khát rằng hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no!  (Gia 2:16). Các môn đệ quá sốt ruột nên chỉ nhìn thấy đoàn dân đông (Lu 18:15; Mat 15:23), họ chưa hiểu được sự thương xót của Chúa Jêsus và trách nhiệm Ngài đối với đoàn dân. Nhưng sẽ có một ngày họ thấu hiểu tường tận về Ngài.

Chúa ngước mặt lên trời, nguồn cung cấp thực phẩm hằng ngày cho chúng ta (Mat 6:11), cảm tạ, chúc phước trên thức ăn và khiến 5 cái bánh với 2 con cá trở nên đầy dẫy. Chúa Jêsus là “nhà sản xuất”, còn các môn đệ như những “nhà phân phối.” Điều kỳ lạ đã xảy ra, mọi người đều được phục vụ và thỏa lòng, lại có dư ra 12 giỏ bánh thừa, mỗi giỏ dành cho từng môn đệ. Chúa Jêsus chăm lo cho tôi tớ Ngài thật chu đáo!

Phép lạ này thật ý nghĩa nhưng nó không chỉ bày tỏ sự thương xót đối với những kẻ đói khát mà còn là dấu hiệu về Đấng Cứu Thế - Chúa chúng ta, bày tỏ sự ban phát nhân từ của Đức Chúa Trời để cứu con người. Ngày hôm sau, Chúa giảng về “bánh của sự sống” và kêu gọi mọi người tin nhận Ngài như họ đã nhận bánh (Gi 6:22-59). Họ quan tâm đến bọn trẻ hơn linh hồn và hoàn toàn không hiểu ý nghĩa thuộc linh của phép lạ này. Họ muốn tôn Ngài làm vua để Ngài ban bánh nuôi họ đến cuối đời (Gi 6:14-15).

Sau khi Chúa Jêsus thăng thiên, có lẽ các môn đệ thường được yên ủi khi nhớ đến phép lạ ấy. Phép lạ Chúa làm dạy họ phải có lòng thương xót, nhìn nan đề như cơ hội để Đức Chúa Trời hành động, dâng cho Ngài những gì họ có và tin rằng Ngài sẽ đáp ứng nhu cầu. Nếu chúng ta làm những việc trong khả năng mình, Chúa sẽ hành động và thực hiện phần còn lại. Corrie Ten Boom nói rằng: “Hãy để những lời hứa của Đức Chúa Trời soi sáng trên những nan đề của bạn”. Đó là lời khuyên hữu ích cho chúng ta.

Dạy dỗ (Lu 9:18-36)

Trong phân đoạn này, Chúa dạy các môn đệ 3 bài học cơ bản về Thân vị, sự hi sinh và Vương quốc của Ngài.

Thân vị Chúa Jêsus (Lu 9:18-21): Chúa Jêsus cầu nguyện cả đêm trước khi chọn 12 sứ đồ (Lu 6:12-13) và bây giờ Ngài cũng cầu nguyện trước khi các môn đệ xưng nhận đức tin họ. Đã có những dư luận khác nhau về Chúa (Lu 9:7-8) nhưng các môn đệ Chúa phải có những sự xác tín. Phi-e-rơ là người đại diện các môn đệ đưa ra chứng cớ xác thực về thần tính của Chúa Jêsus Christ. Đây là lần thứ nhì Phi-e-rơ công khai xưng nhận Đấng Christ (Gi 6:68-69). Ngoại trừ Giu-đa (Gi 6:70-71), tất cả các môn đệ đều có đức tin nơi Chúa Jêsus.

Chúa nghiêm cấm họ không được đồn đãi ra lẽ thật này. Trước hết thông điệp về Đấng Christ không thể bị tách rời khỏi sự chết và sự phục sinh của Ngài. Ngài sắp cho họ biết thông điệp này. Họ phải mất nhiều thời gian để hiểu rõ bài học mới mẻ này và sau khi Chúa Phục sinh họ mới thật sự hiểu hết ý nghĩa bài học (Lu 24:44-48). Người Do Thái bấy giờ chỉ xem Chúa Jêsus như người chữa bệnh và dạy dỗ đầy ơn. Nếu các sứ đồ bắt đầu rao giảng rằng Chúa thật sự là Đấng Christ, có lẽ trong dân chúng sẽ nổi lên cuộc dấy loạn chống lại Rô-ma.

Sự hi sinh (Lu 9:22-26): Trước đây Chúa từng nói trước về sự chết hi sinh của Ngài một cách gián tiếp, nhưng giờ đây Ngài dạy môn đệ lẽ thật này cách rõ ràng.

Trong Lu-ca, có 3 lần Chúa báo trước về sự thương khó của Ngài ở thành Giê-ru-sa-lem và đây là lời tuyên bố đầu tiên của Ngài (Lu 9:43-45; Lu 18:31-34). Các môn đệ thật sự không hiểu Chúa muốn nói gì, một phần do họ thiếu đức tin và chưa trưởng thành, phần khác do Đức Chúa Trời đã giấu khỏi họ để không hiểu lẽ thật này. Ngài chỉ dạy họ khi nào họ đã đủ sức nhận lấy lẽ thật (Gi 16:12). Có lẽ đây là một cú sốc khi các môn đệ biết rằng các chức sắc tôn giáo của họ sẽ giết chính Chúa mình.

Chúa không dừng lại ở lời báo trước về sự chết của Ngài, Ngài cũng tuyên bố công khai về “thập tự giá” dành cho mỗi môn đệ. Hãy nhớ rằng Chúa đang nói về địa vị “môn đệ” chớ không phải địa vị làm “con”. Chúng ta được cứu rỗi không phải vì đã vác thập tự và theo Chúa Jêsus, nhưng vì chúng ta tin Đấng Christ đã gánh thay tội lỗi ta trên thập tự. Sau khi trở nên con cái Đức Chúa Trời, chúng ta mới có thể trở thành môn đệ Chúa.

Hiện nay, từ tương đương với “môn đệ” có lẽ là “người học việc”. Môn đồ không phải chỉ là người học qua những bài giảng và sách vở, nhưng người ấy phải học bằng cách sống và cộng sự với thầy mình qua kinh nghiệm hằng ngày. Rất nhiều tín hữu chỉ muốn nghe giảng đạo để có thêm hiểu biết chớ không bao giờ thực hành những điều đã nghe.

Đến với dân La Mã, thập tự giá là biểu tượng của sự sỉ nhục, tội lỗi, đau đớn và bị ruồng bỏ. Không có cái chết nào nhục nhã hơn thế. Chúng ta trước hết phải biết nói “không”với chính mình, không chỉ đối với những thú vui hoặc của cải vật chất, nhưng còn đối với “cái tôi” của mình - sau đó hãy vác thập tự mình và theo Chúa mỗi ngày. Làm như vậy có nghĩa là chúng ta sẽ đồng công với Ngài qua sự dâng mình, chịu khổ và hy sinh. Bạn không thể tự “đóng đinh” chính mình, bạn chỉ có thể “dâng thân thể mình” (Ro 12:1-2) và để Đức Chúa Trời thực hiện phần còn lại.

Dĩ nhiên, đối với thế gian, cách sống này dường như dại dột. Nhưng đối với Cơ Đốc nhân, đó là sự khôn ngoan. Cứu sự sống mình, bạn sẽ mất nó, vậy làm sao có thể tìm lại được sự sống? Nhưng nếu bạn dâng đời sống mình cho Đấng Christ, bạn sẽ giữ được sự sống ấy và có thể sống với đầy đủ ý nghĩa của nó. Nếu một người có cả thế gian, anh ta vẫn còn rất nghèo và không thể mua lại sự sống đã mất.

Vương quốc của Chúa (Lu 9:27-36): Theo sự ghi chép của Phúc Âm Lu-ca sự hóa hình là sự kiện duy nhất xảy ra trong thời gian Chúa Jêsus thi hành chức vụ trên đất, Chúa bày tỏ sự vinh hiển qua Thân vị Ngài. Tuy không sử dụng từ “hóa hình”, nhưng Lu-ca đã tường thuật lại một diễn biến tương tự (Mat 17:12; Mac 9:2). “Hóa hình” có nghĩa như thay đổi hình dáng, phát sinh từ bên trong.

Lời Chúa Jêsus phán trong Lu 9:27 cho thấy sự kiện này đã minh chứng cho sự thực hữu của Vương quốc Đức Chúa Trời. Điều này dường như rất có lý, vì các môn đệ cứ ngờ vực về Vương quốc Đức Chúa Trời do đã nghe Chúa Jêsus phán về thập tự. Chúa khiến họ vững tin rằng mọi hứa ngôn trong Cựu Ước sẽ ứng nghiệm, nhưng trước hết Chúa phải chịu đau đớn trước khi Ngài có thể bước vào sự vinh hiển (IIPhi 1:12-21).

Khi mọi điều đang diễn tiến thì ba vị môn đệ có đặc ân kia lại đang say ngủ! Lời đề nghị của Phi-e-rơ nhắc ta nhớ đến “lễ Lều Tạm” của người Do Thái được chép trong Thánh Kinh Cựu Ước nói về Vương Quốc Đức Chúa Trời trong tương lai (Le 23:33-44; Xa 14:16-21). Phi-e-rơ chỉ muốn Chúa Jêsus nhận lấy sự vinh hiển mà không trải qua sự thương khó, nhưng đó không phải là chương trình của Đức Chúa Trời.

Những sự kiện này thật kỳ diệu, nhưng đó không phải là nền tảng cho một đời sống Cơ Đốc nhân nhất quán. Đời sống ấy chỉ có thể đến từ Lời Đức Chúa Trời. Kinh nghiệm sẽ đến rồi đi, nhưng Lời Chúa còn tồn tại mãi mãi. Ký ức của chúng ta về những từng trải sẽ phai nhạt nhưng Lời Đức Chúa Trời chẳng bao giờ thay đổi. Chúng ta càng nắm giữ nhiều sự kiện, nó càng khiến đời sống chúng ta ít có ảnh hưởng hơn. Đó là lý do Đức Chúa Trời phán “Hãy nghe Người” và cũng là nguyên nhân Phi-e-rơ lặp lại lời này trong thư tín của ông (IIPhi 1:12-21). “Sự hoá hình”của bản thân chúng ta do sự đổi mới từ bên trong (Ro 12:1-2) và sự đổi mới ấy do Lời Đức Chúa Trời (IICo 3:18).