NHỮNG GỢI Ý:

Trong phân đoạn trước, chúng ta kết thúc ở câu 36, 3 sứ đồ chứng kiến Chúa hóa hình trên núi cao. Nhưng trong Lu-ca 9:37-62 sẽ dẫn chúng ta xuống núi với nhiều nan đề đang chờ đợi khiến Chúa Jêsus buồn. Chúng ta hãy tiếp tục đọc và tìm hiểu.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 9:62 (BDHD): 

Đức Chúa Jêsus đáp: “Ai đã cầm cày mà còn nhìn lại đằng sau thì không xứng hợp với vương quốc Đức Chúa Trời.”

 

NỘI DUNG

Chúa chữa lành cậu bé bị quỷ ám

(Mat 17:14-18; Mac 9:14-27)

37 Hôm sau, khi Chúa cùng môn đồ từ núi xuống, có đoàn dân đông đến gặp Ngài. 38 Kìa, có một người trong đám đông kêu lên rằng: “Lạy Thầy, xin Thầy đoái thương con trai tôi, vì nó là con một của tôi. 39 Khi bị quỷ ám, cháu thình lình kêu la. Quỷ vật vã cháu đến sôi bọt mồm, làm mình mẩy bầm nát và ít khi nó chịu rời khỏi cháu. 40 Tôi đã xin các môn đồ Thầy đuổi quỷ ấy, nhưng họ đuổi không được.” 41 Đức Chúa Jêsus đáp: “Hỡi thế hệ vô tín và ngoan cố kia! Ta sẽ ở với các ngươi, chịu đựng các ngươi cho đến chừng nào? Hãy đem con trai ngươi lại đây!” 42 Khi đứa trẻ vừa lại gần, quỷ quật mạnh nó xuống đất, vật vã nó. Nhưng Đức Chúa Jêsus quở trách quỷ và chữa lành đứa trẻ ấy, rồi giao lại cho cha nó.

Đức Chúa Jêsus lại báo trước về sự chết và sống lại của Ngài

(Mat 17:22,23; Mac 9:30-32)

43 Mọi người đều kinh ngạc về quyền năng cao cả của Đức Chúa Trời. Trong lúc mọi người đang ngạc nhiên về mọi việc Đức Chúa Jêsus đã làm, thì Ngài phán với các môn đồ: 44 “Các con hãy nghe kỹ những lời nầy: Con Người sẽ bị nộp trong tay người ta.” 45 Nhưng các môn đồ không hiểu lời ấy. Đối với họ, lời ấy còn bị che khuất khiến họ không lĩnh hội được nhưng họ sợ, không dám hỏi Ngài.

Sự cao trọng thật

(Mat 18:1-5; Mac 9:33-40)

46 Các môn đồ tranh luận với nhau, xem ai trong số họ là người cao trọng nhất. 47 Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng trong lòng họ nên đem một đứa trẻ để bên cạnh mình 48 và phán với họ: “Người nào vì danh Ta mà tiếp đứa trẻ nầy tức là tiếp Ta, còn ai tiếp Ta tức là tiếp Đấng đã sai Ta. Vì người nào nhỏ nhất trong các con chính là người cao trọng nhất.” 49 Giăng thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã thấy một người nhân danh Thầy mà đuổi quỷ, chúng con đã cấm vì người ấy không theo chúng ta.” 50 Nhưng Đức Chúa Jêsus phán với ông: “Đừng ngăn cấm, vì ai không nghịch với các con là thuận với các con.”

Đức Chúa Jêsus tại Sa-ma-ri

51 Gần đến ngày Đức Chúa Jêsus được tiếp lên trời, Ngài quyết định đi đến thành Giê-ru-sa-lem. 52 Ngài sai các sứ giả đi trước mình. Họ đi vào một làng của người Sa-ma-ri để sửa soạn nhà trọ cho Ngài. 53 Nhưng người Sa-ma-ri không tiếp rước Ngài, vì Ngài đi về hướng thành Giê-ru-sa-lem. 54 Gia-cơ và Giăng là môn đồ của Ngài thấy vậy, thưa: “Lạy Chúa, Chúa có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy họ chăng?” 55 Nhưng Đức Chúa Jêsus quay lại quở trách hai người; (và nói: “Các con không biết linh nào xui giục mình”) 56 rồi Ngài cùng các môn đồ đi qua làng khác.

Điều kiện theo Chúa

(Mat 8:19-22)

57 Khi đang đi đường, một người thưa với Đức Chúa Jêsus: “Thầy đi đâu, con sẽ theo đó.” 58 Đức Chúa Jêsus đáp: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ gối đầu.” 59 Ngài phán với một người khác: “Hãy theo Ta.” Nhưng người ấy thưa: “Lạy Chúa, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã.” 60 Nhưng Đức Chúa Jêsus phán: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết của họ; còn ngươi, hãy đi và rao giảng vương quốc Đức Chúa Trời.” 61 Một người khác nữa thưa: “Lạy Chúa, con sẽ theo Chúa, nhưng xin cho phép con về từ giã người nhà trước đã.” 62 Đức Chúa Jêsus đáp: “Ai đã cầm cày mà còn nhìn lại đằng sau thì không xứng hợp với vương quốc Đức Chúa Trời.”

 

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Chịu đựng (Lu 9:37-62)

“Ta ở với các ngươi và nhịn các ngươi cho đến chừng nào?” (Lu 9:41). Đây là lời trách của Con Đức Chúa Trời thánh khiết! Chúng ta dễ quên Chúa đã phải chịu thương khó ra sao khi thi hành chức vụ trên đất, đặc biệt Ngài phải chịu đựng các môn đệ mình.

Khi phân tích phân đoạn này, bạn có thể hiểu lý do Chúa phán những lời như vậy: Ngài buồn bực bởi những yếu đuối thất bại của các môn đệ. Ngài ban cho họ quyền phép trừ quỉ” (Lu 9:37-45), vậy mà đức tin họ quá yếu đuối đến nỗi không trừ quỉ được. Khi nuôi 5.000 người, Ngài bày tỏ cho họ thấy sự thương xót, nhưng họ lại có thái độ ích kỷ và không có tình yêu thương (Lu 9:46-56). Ngài dạy họ về ý nghĩa của việc theo Ngài, nhưng những kẻ tình nguyện ấy lại trở thành những môn đệ chỉ nghĩ đến bản thân trước tiên (Lu 9:57-62).

Thiếu quyền năng (Lu 9:37-45): Chúng ta thật chẳng dám ở trên đỉnh núi vinh quang khi ở dưới thung lũng có chiến trận đang xảy ra! Có một “con một” cần được Chúa cứu giúp và còn nhiều con trẻ khác nữa, nhưng các môn đệ chẳng làm được gì. Họ đã được ban cho quyền phép (Lu 9:1), nhưng không đắc thắng. Vì sao như vậy? Nếu bạn xem sự kiện này ở ba sách Phúc Âm (Mat 17:1-23; Mác 9:1-32), bạn sẽ khám phá những điều họ thiếu sót trong cuộc sống. Trước hết, họ thiếu đức tin (Mat 17:19-20). Họ vốn sinh ra từ dòng dõi vô tín và đã thiếu niềm tin khi sử dụng quyền năng Chúa ban. Hơn nữa, họ cũng thiếu sự cầu nguyện và kiêng ăn (Mác 9:29). Điều này chứng tỏ chín môn đệ còn lại đã để mặc cho những thành quả rèn luyện bấy lâu của họ bị sa sút dần trong thời gian ngắn vắng Chúa. Cho dù chúng ta có thể nhận bất cứ sự ban cho thuộc linh nào đi nữa, những sự ban cho đó tự nó chẳng bao giờ hành động tự động cả.

Ma quỉ cố vật ngã người bệnh lần cuối nhưng Chúa Jêsus quở nặng nó và đuổi nó ra. Chúa dịu dàng trao đứa con trai lại cho cha nó và đem 12 môn đệ đi với Ngài để dạy họ bài học khác về thập tự giá. Chính tại thập tự giá, Chúa đã khiến Sa-tan nếm mùi thất bại thảm hại (Gi 19:31-32; Co 2:15).

Thiếu tình yêu (Lu 9:46-56): Các môn đệ chẳng có sự yêu thương lẫn nhau, lẽ ra không nên tranh cãi vấn đề ai là người cao trọng nhất (Lu 9:46-48). Có lẽ sở dĩ có cuộc tranh luận này là do họ có lòng đố kỵ (khi ba môn đệ được ở cùng Chúa trên núi), hoặc do họ kiêu ngạo (vì chín môn đệ còn lại đã thất bại trong việc đuổi quỉ).

Các môn đệ bày tỏ sự thiếu yêu thương đối với những người tin Chúa không cùng nhóm họ (Lu 9:49-50). Sự yêu thương là điều cần có nơi những “con trai của sấm sét” (Mác 3:17)! Có lẽ Giăng cố “chiếm cảm tình” Chúa khi hăng hái bảo vệ danh Chúa, nhưng Chúa không hề cảm động về điều đó. Những tín hữu nào cho rằng nhóm của họ là nhóm duy nhất được Chúa thừa nhận và ban phước sẽ thấy thất vọng khi vào thiên đàng.

Các môn đệ cũng không yêu thương kẻ thù (Lu 9:51-56). Gia-cơ và Giăng đã thấy tiên tri Ê-li trên núi, nên họ cho rằng có thể “bắt chước” Ê-li khiến lửa từ trời giáng xuống (IIVua 1:1-18)! Dân Sa-ma-ri và dân Do Thái đã thù nhau hằng bao thế kỷ trước (IIVua 17:24-41), nên có thể hiểu rằng làng của người Sa-ma-ri này không tiếp Chúa Jêsus khi Ngài trên đường đến Giê-ru-sa-lem (Gi 4:9,20). Chúa trách mắng lòng thù hận của họ, đoạn Ngài đến một làng khác (Mat 5:37-38). Sau này Phúc Âm đã đến với xứ Sa-ma-ri (Cong 8:11-40).

Vô kỷ luật (Lu 9:57-62): Lẽ ra đã có ba người trở thành môn đệ Chúa, nhưng họ chẳng đáp ứng được những điều kiện Chúa đưa ra.

Người đầu tiên là một thầy thông giáo (Mat 8:19), ông tình nguyện theo Chúa nhưng đã thối lui khi biết cái giá phải trả là sự dấn thân. Hiển nhiên, ông không thể theo Chúa được vì đã quen với những tiện nghi vật chất.

Người thứ hai được Chúa Jêsus gọi (thật hân hạnh thay!) nhưng đã bị loại bỏ vì không bằng lòng vác thập tự giá và chết với bản ngã. Anh ta lo lắng cho tang lễ kẻ khác trong khi phải quyết định cho chính bản thân mình! Chúa không có ý nói rằng chúng ta không kính cha mẹ, Ngài chỉ muốn nhấn mạnh rằng chúng ta đừng để cho tình yêu gia đình lấn át tình yêu dành cho Chúa.

Người thứ ba cũng tình nguyện theo Chúa nhưng không được, vì anh ta “ngó lại đằng sau” thay vì phải nhìn về phía trước. Lời giã biệt thân thương với người nhà không có gì sai trái (IVua 19:19-21) nhưng nếu nó làm “cản trở” sự vâng phục, đó sẽ là tội. Chúa biết rằng tấm lòng người này không dành trọn cho Ngài nhưng còn nhìn lại mọi sự ở phía sau (Sa 19:17,26; Phi 3:13-14). Đó là lý do chẳng có gì ngạc nhiên khi “người làm công” quá ít! (Lu 10:2).

Có lẽ điều Chúa dạy môn đệ và đoàn dân đã ít nhiều gây dựng được họ. Họ thiếu năng lực, thiếu tình yêu, kỷ luật và làm buồn lòng Chúa. Nếu chúng ta hôm nay cũng thiếu những yêu cầu thuộc linh này, chúng ta sẽ chẳng bao giờ trở thành môn đệ thật sự của Chúa Jêsus. Tuy vậy, khi đến với Chúa, chúng ta sẽ có mọi sự đó, “Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu giè giữ” (IITi 1:7). Chúng ta đang làm Chúa vui lòng hay buồn bực?