NHỮNG GỢI Ý:

Sau khi Chúa đã phán những “ví dụ về Nước Đức Chúa Trời” (Lu-ca 8:4-18) các môn đệ có lẽ cảm thấy mình như những nghiên cứu sinh trong “Trường Đức tin”! Giờ đây, đức tin phải được trắc nghiệm trước khi có thể được nhìn nhận. Đây là bài học về lẽ thật thuộc linh, nhưng áp dụng lẽ thật vào từng trải của cuộc sống lại là một vấn đề hoàn toàn khác biệt.

Sa-tan chẳng hề quan tâm đến mức độ học Kinh Thánh của chúng ta khi chúng ta không sống theo lẽ thật đã học. Nếu lẽ thật chỉ nằm trong trí tuệ, lẽ thật đó mới chỉ là lý thuyết và không bao giờ ghi vào lòng người ngoại trừ nó được áp dụng bằng ý chí. Sa-tan biết rằng lẽ thật có tính chất “lý thuyết” chẳng có gì nguy hiểm, chỉ có lẽ thật được “thực hành” mới đáng sợ!

Hôm nay chúng ta đọc tiếp Lu-ca 8:22-56.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 8:39 (BDHD): 

“Con hãy về nhà, thuật lại những việc lớn lao mà Đức Chúa Trời đã làm cho con.” Vậy người ấy đi, rao truyền khắp thành những điều lớn lao mà Đức Chúa Jêsus đã làm cho mình.

 

NỘI DUNG

Chúa dẹp cơn bão biển

(Mat 8:23-27; Mac 4:35-41)

22 Một ngày kia, Đức Chúa Jêsus xuống thuyền với các môn đồ và bảo: “Chúng ta hãy qua bên kia hồ.” Vậy, họ chèo thuyền đi. 23 Trong khi họ đang chèo thuyền thì Ngài ngủ. Một cơn bão nổi lên trên hồ, nước vào đầy thuyền, và họ đang gặp nguy hiểm. 24 Các môn đồ đến đánh thức Ngài và nói: “Thầy ơi, Thầy ơi, chúng ta chết mất!” Ngài thức dậy, quở gió và sóng, chúng liền ngừng lại và yên lặng như tờ. 25 Ngài phán với các môn đồ: “Đức tin các con ở đâu?” Môn đồ sợ hãi và kinh ngạc hỏi nhau: “Ngài là ai mà khiến cả gió lẫn nước cũng phải vâng lệnh Ngài?”

Chúa chữa người bị quỷ ám ở Giê-ra-sê

(Mat 8:28-34; Mac 5:1-20)

26 Ngài cùng môn đồ xuôi thuyền đến miền Giê-ra-sê, đối diện miền Ga-li-lê. 27 Khi Đức Chúa Jêsus lên bờ, có một người bị quỷ ám ở thành ấy đến gặp Ngài. Lâu nay anh không mặc quần áo, không ở trong nhà mà ở ngoài nghĩa địa. 28 Khi thấy Đức Chúa Jêsus, anh la lên, sấp mình xuống trước mặt Ngài và nói lớn: “Lạy Jêsus, Con Đức Chúa Trời Chí Cao, tôi có liên can gì đến Ngài đâu? Tôi van Ngài đừng làm khổ tôi.” 29 Vì Đức Chúa Jêsus đã truyền cho uế linh phải ra khỏi anh ta. Đã nhiều lần quỷ nhập vào anh ấy; mặc dù người ta xiềng, cùm và canh giữ, anh ấy vẫn bẻ xiềng tháo cùm và bị ma quỷ đưa vào nơi hoang mạc. 30 Đức Chúa Jêsus hỏi: “Ngươi tên gì?” Nó thưa: “Quân đoàn” vì nhiều quỷ đã ám vào anh ấy. 31 Các quỷ nài xin Ngài đừng đuổi chúng xuống vực sâu. 32 Bấy giờ, có một đàn heo rất đông đang ăn trên núi. Các quỷ xin Đức Chúa Jêsus cho chúng nó nhập vào đàn heo ấy; Ngài cho phép. 33 Vậy, các quỷ ra khỏi người ấy và nhập vào đàn heo. Đàn heo từ triền dốc lao xuống hồ và chết chìm. 34 Các người chăn heo thấy vậy, chạy trốn và loan tin ấy khắp thành thị, thôn quê. 35 Thiên hạ đổ ra xem việc mới xảy ra. Khi họ đến với Đức Chúa Jêsus, thấy người mà các quỷ mới vừa ra khỏi đang ngồi dưới chân Đức Chúa Jêsus, mặc áo quần, trí óc tỉnh táo thì sợ hãi lắm. 36 Những người đã chứng kiến sự việc thuật lại cho mọi người về chuyện người bị quỷ ám được chữa lành như thế nào. 37 Tất cả dân chúng quanh miền Giê-ra-sê xin Đức Chúa Jêsus lìa khỏi họ vì họ quá sợ hãi. Vậy, Ngài xuống thuyền trở về. 38 Người được Đức Chúa Jêsus đuổi quỷ xin ở lại với Ngài, nhưng Ngài cho anh về và bảo: 39 “Con hãy về nhà, thuật lại những việc lớn lao mà Đức Chúa Trời đã làm cho con.” Vậy người ấy đi, rao truyền khắp thành những điều lớn lao mà Đức Chúa Jêsus đã làm cho mình.

Con gái Giai-ru và người phụ nữ bị rong huyết

(Mat 9:18-26; Mac 5:21-43)

40 Khi Đức Chúa Jêsus trở về, đoàn dân đông đón rước Ngài vì mọi người đều trông đợi Ngài. 41 Có một viên quản lý nhà hội tên là Giai-ru đến phủ phục dưới chân Đức Chúa Jêsus và nài xin Ngài vào nhà mình, 42 vì ông có cô con gái duy nhất mười hai tuổi đang hấp hối.

Khi Đức Chúa Jêsus đang đi, dân chúng lấn ép Ngài tứ phía. 43 Có một phụ nữ bị rong huyết đã mười hai năm; dù đã tốn hết tiền của cho nhiều thầy thuốc, nhưng không ai chữa được cho bà. 44 Bà đến đằng sau và chạm vào gấu áo Ngài thì lập tức máu cầm lại. 45 Đức Chúa Jêsus phán: “Ai đã chạm đến Ta?” Không một người nào nhận cả, nên Phi-e-rơ và đồng bạn nói: “Thưa Thầy, đoàn dân vây quanh và lấn ép Thầy đó!” 46 Đức Chúa Jêsus phán: “Có người nào đã chạm đến Ta, vì Ta nhận biết có năng lực từ Ta phát ra.” 47 Khi thấy mình không thể giấu được nữa, người phụ nữ run sợ đến phủ phục trước Ngài và tỏ thật trước mặt dân chúng lý do nào bà đã chạm đến Ngài và liền được chữa lành ra sao. 48 Đức Chúa Jêsus phán với bà: “Hỡi con gái Ta, đức tin con đã chữa lành con; hãy đi bình an!” 49 Trong khi Ngài còn đang nói, thì có người từ nhà viên quản lý nhà hội đến báo: “Con gái ông chết rồi; đừng làm phiền Thầy nữa.” 50 Đức Chúa Jêsus nghe vậy nên phán với Giai-ru: “Đừng sợ, chỉ cần tin thì con của ngươi sẽ được cứu sống.” 51 Khi đến nhà, Ngài không cho ai bước vào với Ngài ngoại trừ Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng, và cha mẹ của đứa trẻ. 52 Mọi người đang khóc lóc, than vãn về nó; nhưng Ngài phán: “Đừng khóc, nó không phải chết đâu nhưng đang ngủ.” 53 Họ biết nó thật chết rồi nên nhạo cười Ngài. 54 Đức Chúa Jêsus cầm tay bé gái gọi lớn: “Con ơi, hãy trỗi dậy!” 55 Linh hồn trở lại, đứa bé liền trỗi dậy, và Ngài bảo cho nó ăn. 56 Cha mẹ đứa trẻ rất kinh ngạc, nhưng Ngài truyền cho họ không được nói với bất cứ ai về việc đã xảy ra.

 

Decabolo

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Trắc nghiệm về sự ghi nhớ Lời Chúa (Lu 8:22-56)

Bạn hãy nhìn xem Chúa Jêsus khi Ngài đối diện 4 thách thức đức tin và đắc thắng ra sao. Hôm nay, những người tin theo Ngài cũng đối diện với những thách thức đó và có thể đắc thắng bởi đức tin.

Nghịch cảnh (Lu 8:22-25): Chúa Jêsus đã mỏi mệt sau một ngày dài giảng đạo, Ngài đi ngủ khi thuyền rời Ca-bê-na-um sang bờ bên kia. Trước khi ngủ, Ngài dặn môn đệ và đó cũng là lời báo trước: “Hãy qua bên kia hồ”. Lẽ ra, lời này đã khích lệ và giục lòng mạnh mẽ đối với môn đệ Ngài suốt thời gian bão nổi lên, nhưng đức tin họ thật kém cỏi (Mat 8:26).

Các môn đệ sợ hãi, nhưng Chúa Jêsus thì không! Ngài vẫn ngủ trong niềm tin rằng Cha trên trời đang nắm trọn quyền kiểm soát (Thi 89:8,9). Quá kinh hãi các môn đệ đánh thức Ngài, xin Ngài cứu họ. Dĩ nhiên vấn đề của họ không phải là bão tố bên ngoài mà là sự vô tín trong họ. Thật ra sự vô tín của họ nguy hiểm bội phần hơn cơn bão!

Từ “quở (trách)” thường được Chúa Jêsus dùng khi đối phó với ma quỉ (Lu 4:35,41 Lu 9:42). Có thể Sa-tan đã núp sau cơn bão dữ dội này với cố gắng hủy diệt Chúa Jêsus hay ít ra cũng cản bước Ngài đến với những người bị quỉ ám tại Giê-ra-sê. Nhưng chỉ bởi lời phán Chúa đã khiến gió và biển yên lặng. Thường thì sau khi gió lặng biển vẫn còn động trong nhiều giờ. Nhưng trong trường hợp này mọi sự đều yên lặng tức khắc và cứ giữ nguyên như vậy (Thi 148:8).

Các môn đệ đã thất bại qua cuộc trắc nghiệm đức tin này vì họ không ghi nhớ Lời Chúa rằng Ngài sẽ qua bờ bên kia. Chúng ta có thể nói rằng đức tin không phải là sự tin tưởng bất chấp mọi hoàn cảnh. Nó chính là sự vâng lời bất chấp mọi cảm xúc và hậu quả. Các môn đệ nhìn quanh chỉ thấy mối nguy hiểm và chăm vào sự sợ hãi mà không hướng niềm tin để nhìn thấy Đức Chúa Trời. Đức tin và sự sợ hãi không thể tồn tại trong một tấm lòng.

Sa-tan (Lu 8:26-39): Có một người bị quỉ ám đến gặp Chúa Jêsus khi Ngài đến Giê-ra-sê, vừa thấy Ngài đã la inh ỏi. Anh ta ở trong tình trạng đáng thương: lõa lồ, sống nơi mồ mả, dữ tợn, nguy hiểm, là mối đe dọa cho mọi người trong vùng và bị một “quân đoàn quỉ” khống chế. (Quân đoàn La Mã có khoảng 6.000 người! ) Sa-tan là kẻ trộm chỉ đến để hủy diệt và cướp đi những gì tốt lành của người thuộc về nó (Gi 10:10).

Lẽ nào Chúa Jêsus lại có quyền để cho quân đoàn quỉ tiêu diệt bầy heo 2000 con, điều có thể khiến các chủ heo phá sản? Đức Chúa Trời là chủ của muôn vật (Thi 50:10-11) nên Ngài có thể quyết định điều gì theo ý Ngài. Hơn nữa, con người này còn đáng giá hơn bầy heo kia. Lẽ ra những người ở đây phải cảm ơn Chúa vì Ngài đã trừ khỏi làng họ hiểm họa này, nhưng ngược lại, họ xin Ngài lìa khỏi xứ họ! Thật là một sự thay đổi hoàn toàn ở con người này. Có lẽ bạn nghĩ những người chứng kiến phép lạ này sẽ mời Chúa ở lại để chữa lành cho những kẻ khác. Nhưng rõ ràng đồng tiền đối với họ còn quan trọng hơn sự thương xót nên họ đã xin Ngài lìa khỏi đó.

Người được Chúa chữa khỏi quỉ ám xin được ở với Ngài và hầu việc Ngài. Con người vừa mới được đổi mới ấy có một khao khát thật đáng quí biết bao! Anh ta có suy nghĩ thuộc linh sâu sắc hơn mọi người khác. Dù chưa có sự chuẩn bị làm môn đệ Chúa, nhưng anh ta có thể hầu việc Ngài với tư cách là một chứng nhân cho Ngài, khởi đầu từ gia đình cho đến bà con và bằng hữu người ngoại. Chúa Jêsus không muốn những người Do Thái được chữa lành rao ra công việc Ngài, nhưng lại bảo người ngoại thuật cho kẻ khác điều Ngài làm cho họ và đó là ý muốn Ngài.

Bệnh tật (Lu 8:40-48): Khi Chúa trở lại Ca-bê-na-um, dân chúng đều mong đợi Ngài, đặc biệt có một người đàn ông và một đàn bà gặp chuyện đau buồn đến xin Ngài cứu giúp. Sự khác biệt giữa 2 người này thật đáng chú ý, vì nó cho thấy những người đến nhờ cậy Chúa ở những tầng lớp xã hội khác nhau. Người đàn ông tên Giai-ru, nhưng người đàn bà lại vô danh. Giai-ru là người thuộc giai cấp thượng lưu giàu có, còn người đàn bà thuộc giai cấp thấp hèn và đã tốn hết tiền của để chạy chữa căn bệnh của bà. Người đàn ông cầu xin Chúa chữa cho con gái mình, người đàn bà hy vọng bản thân mình được chữa lành, cả 2 đều sấp mình nơi chân Chúa. Giai-ru hưởng 12 năm sống hạnh phúc với đứa con gái nhỏ của mình, nhưng giờ đây ông sắp phải mất nó. Người đàn bà trải qua 12 năm khổ sở vì bệnh tật, giờ đây chỉ mong sao được khoẻ mạnh. Bà có một nhu cầu giấu kín, một gánh nặng đeo đuổi bà suốt 12 năm. Gánh nặng ấy ảnh hưởng đến sức khỏe khiến bà sống vất vả, nó cũng tác động đến tinh thần bà vì bệnh mất huyết khiến bà bị ô uế về mặt hình thức nên không thể dự phần trong sinh hoạt tôn giáo (Le 15:19-22). Bà ở trong tình trạng ô uế, cơ cực, chán nản, tuyệt vọng. Nhưng bà đã đến với Chúa Jêsus và nhu cầu bà được đáp ứng.

Đức tin bà dường như có vẻ “mê tín” nhưng Chúa tôn trọng về đức tin đó. Bà biết Chúa từng chữa lành cho kẻ khác nên cũng muốn Ngài chữa cho mình. Bà có thể viện nhiều lý do: đám đông chen lấn quanh Chúa, chữa trị 12 năm rồi chẳng khá gì, bà không phải là người quan trọng, Chúa đang trên đường đến chữa cho con gái Giai-ru. Nhưng bà quyết không để bất cứ điều gì ngăn cản con đường bà đến với Chúa. Chúng ta không biết vì sao người đàn bà quyết định rờ trôn áo Chúa Jêsus, nhưng Ngài biết có ai đó đã dùng niềm tin rờ áo Ngài và được lành bởi quyền phép Ngài. Sự lành bệnh xảy ra tức thì và thật hoàn hảo!

Tóm lại, chứng cớ của người đàn bà này như một sự quở trách đối với đám đông. Bạn có thể là thành phần thuộc đám đông ấy, và chẳng bao giờ hưởng phước hạnh của sự gần Chúa Jêsus! “Lấn ép” Ngài là một việc còn “rờ đến Ngài” bằng đức tin là một việc khác. Đức tin ta có thể chưa mạnh mẽ, nhưng ta có một Đấng Christ quyền năng, Ngài sẽ đáp ứng nhu cầu chúng ta dù chỉ bởi “một cái rờ” tại trôn áo Ngài!

Sự chết (Lu 8:49-56): Người cai nhà hội là người có tuổi đời thâm niên chịu trách nhiệm trong những lễ thờ phượng và lo về các tiện nghi trong nhà hội. Ông lo về việc sắp xếp người cầu nguyện, đọc Kinh Thánh và giảng luận. Ông là người đứng đầu các trưởng lão nhà hội và là người tiếng tăm, giàu có. Để xin Chúa giúp đỡ, ông đã phải hết sức khiêm nhường hạ mình và dạn dĩ đến với Ngài. Bởi lúc bấy giờ các chức sắc tôn giáo muốn lập mưu giết Ngài.

Khi Giai-ru ra khỏi nhà, đứa con gái bệnh quá nặng, ở tình trạng hấp hối. Khi Chúa rời đám đông đi cùng với Giai-ru, đứa con gái đã chết. Người nhà Giai-ru nghĩ rằng Chúa chỉ có thể chữa người còn sống, nên họ khuyên Giai-ru từ bỏ ý định xin cứu giúp và về nhà. Nhưng Chúa đã yên ủi người cha quẫn trí này bằng một lời đầy hy vọng.

Cảnh tượng tại nhà Giai-ru có thể làm nản lòng bất cứ ai! Những kẻ khóc mướn có mặt sẵn tại đó, họ khóc lóc, kể lể đủ điều. Bà con và người lân cận xúm quanh. Người Do Thái thời bấy giờ sẵn sàng đóng góp thời gian, công sức để phô bày hoặc chia sẻ đau khổ của họ. Xác chết sẽ được chôn nội trong một ngày, ngay sau khi được tắm rửa và xức dầu.

Chúa chủ động trong hoàn cảnh này và bảo đám đông thôi than khóc vì đứa con gái chỉ ngủ chớ không chết. Dĩ nhiên, đứa con gái này thật đã chết, vì linh hồn đã lìa khỏi xác (Lu 8:55; Gi 2:26). Tuy nhiên đối với Chúa, “chết” chỉ là “ngủ”. Hình ảnh này thường được dùng trong Tân Ước để mô tả sự chết của những người tin Chúa (Gi 11:11-14; Cong 7:59-60; ICo 15:51; ITe 4:13-18). “Ngủ” là kinh nghiệm bình thường không làm chúng ta sợ, nhưng chúng ta cũng không nên sợ sự chết. Đó là lúc thân xác ngủ chớ không phải linh hồn, vì linh hồn của người tin Chúa sẽ ở cùng Đấng Christ (Phi 1:20-24; IICo 5:6-8). Khi sống lại, thân thể sẽ thức dậy và được vinh hiển, con cái Đức Chúa Trời sẽ mang hình ảnh giống Đấng Christ (IGi 3:1-2).

Những kẻ than khóc cười nhạo Chúa Jêsus vì họ biết đứa con gái đã chết, và chết là chấm dứt tất cả. Nhưng họ không nhận biết Chúa là “sự sống lại và sự sống” (Gi 11:25-26). Ngài chẳng từng khiến con trai bà góa sống lại đó sao? Ngài chẳng kể cho Giăng Báp-tít về người chết được sống lại sao? (Lu 7:22). Rõ ràng những kẻ than khóc không tin các chứng cớ đó và họ cho rằng Chúa Jêsus chẳng biết gì!

Chúa bảo tất cả ra ngoài! Đối với Ngài, hoàn cảnh này thật tế nhị và có ý nghĩa nên Ngài không thể để cho những kẻ vô tín chứng kiến. Ngài chỉ cho Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng và cha mẹ đứa con gái cùng Ngài vào phòng nơi đứa con gái nằm. Ngài cầm tay đứa con gái và phán bằng tiếng Aram: "Ta-bi-tha-cu-mi!" con ơi, hãy chờ dậy! Đây không phải là câu thần chú, nhưng là mệnh lệnh từ Chúa của sự sống và sự chết (Kh 1:17,18). Linh hồn đã hoàn lại nơi thể xác đứa con gái, nó ngồi dậy và bắt đầu đi lại trong phòng. Chúa bảo cha mẹ cho đứa con gái ăn, vì có lẽ suốt thời gian bệnh đứa con gái chẳng ăn được gì. Chúa cũng dặn họ đừng loan tin này ra, nhưng tin đã đồn ra khắp cả xứ! (Mat 9:26).

Sự sống lại là bức tranh về phương cách Chúa Jêsus cứu những tội nhân hư mất và khiến họ sống lại từ sự chết thuộc linh (Gi 5:24; Eph 2:1-10).