NHỮNG GỢI Ý:

NHỮNG BÀI HỌC VỀ ĐỨC TIN (Lu 8:1-56)

Một trong những chủ đề chính ở đoạn 8 là làm thế nào để có đức tin và áp dụng nó vào đời sống. Ở phân đoạn đầu, Chúa dạy dỗ môn đệ dựa trên nền tảng đức tin đến từ sự tiếp nhận Lời Đức Chúa Trời vào lòng. Ở phần kế tiếp, Ngài đưa họ vào những “cuộc trắc nghiệm” để biết mức độ tiếp thu của họ. Chúng ta đều thích học Kinh Thánh, nhưng lại muốn tránh những cuộc thi thường đến sau khi học! Tuy nhiên, chính qua những thử thách của cuộc sống, đức tin sẽ thực sự tăng trưởng và chúng ta càng gần gũi với Đấng Christ hơn.

Bất cứ ai cũng đều sống bởi niềm tin nơi một điều gì đó hay một người nào đó. Sự khác nhau giữa người tin Chúa và người ngoại không phải ở chỗ người này có niềm tin hoặc người kia không có. Cả hai điều có niềm tin, chỉ khác nhau ở đối tượng của niềm tin, vì niềm tin chỉ có ý nghĩa khi có đối tượng để tin. Cơ Đốc nhân là người đặt niềm tin mình nơi Chúa Jêsus trên cơ sở Lời Đức Chúa Trời.

Hôm nay chúng ta sẽ đọc phần đầu của Lu-ca 8:1-22

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 8:15  (BDHD): 

Nhưng các hạt rơi trên đất tốt là những người nghe và giữ đạo với lòng chân thành và thiện ý, nhờ sự nhẫn nhục mà được kết quả.

 

NỘI DUNG

Các nữ môn đồ

1 Sau đó, Đức Chúa Jêsus đi từ thành nầy đến thành kia, làng nầy đến làng khác, công bố và rao truyền Tin Lành của vương quốc Đức Chúa Trời. Mười hai sứ đồ cùng đi với Ngài. 2 Cũng có vài phụ nữ đi theo Ngài, là những người đã được chữa lành khỏi tà linh và bệnh tật: Ma-ri gọi là Ma-đơ-len, là người được Chúa giải cứu khỏi bảy quỷ dữ; 3 Gian-nơ vợ Chu-xa, quản gia của vua Hê-rốt; Su-xan-nơ và nhiều người nữ khác nữa đã dùng của cải mình để giúp cho Chúa và các môn đồ Ngài.

Ẩn dụ về người gieo giống

(Mat 13:1-23; Mac 4:1-20)

4 Khi đoàn dân đông tụ họp, và người ta từ các thành đến với Ngài thì Ngài dùng ẩn dụ phán với họ: 5 “Có một người đi ra gieo giống. Khi vãi giống, một số hạt rơi dọc đường, bị giày đạp và chim trời ăn hết; 6 một số khác rơi trên đá, khi mới mọc lên, liền héo đi, vì thiếu hơi ẩm; 7 một số khác rơi giữa bụi gai, cùng mọc lên với gai và bị gai làm cho nghẹt ngòi; 8 lại có một số khác nữa rơi trên đất tốt, mọc lên, kết quả gấp trăm lần.” Khi đang phán những lời đó, Ngài nói lớn: “Ai có tai để nghe, hãy lắng nghe!”

Giải nghĩa ẩn dụ

9 Môn đồ hỏi Ngài về ý nghĩa của ẩn dụ ấy. 10 Ngài đáp: “Các con đã được ban cho sự hiểu biết về những mầu nhiệm của vương quốc Đức Chúa Trời; nhưng với kẻ khác thì Ta dùng ẩn dụ mà nói để họ

Xem mà không thấy,

Nghe mà không hiểu.

11 Ẩn dụ đó có nghĩa như thế nầy: Hạt giống là đạo Đức Chúa Trời. 12 Những hạt rơi dọc đường là những người đã nghe đạo, nhưng về sau ma quỷ đến cướp lấy đạo đó khỏi lòng họ, e rằng họ tin mà được cứu chăng. 13 Những hạt rơi trên đá là người nghe đạo liền vui mừng nhận lấy; nhưng vì không có rễ, chỉ tin tạm thời nên khi gặp thử thách thì họ sa ngã. 14 Những hạt rơi giữa bụi gai là những người đã nghe đạo nhưng để cho sự lo lắng, giàu sang, vui thú đời nầy làm nghẹt ngòi nên không trưởng thành được. 15 Nhưng các hạt rơi trên đất tốt là những người nghe và giữ đạo với lòng chân thành và thiện ý, nhờ sự nhẫn nhục mà được kết quả.

16 Không ai đã thắp đèn lại lấy thùng đậy lại hay là đặt dưới gầm giường, nhưng để trên chân đèn, để cho ai vào nhà đều thấy ánh sáng. 17 Vì không có điều gì giấu kín mà sẽ không bị lộ ra, không có điều gì bí mật mà không bị người ta biết đến và đưa ra ánh sáng. 18 Vậy, hãy cẩn thận về cách các con nghe. Vì ai đã có sẽ được cho thêm, còn ai không có sẽ bị cất luôn điều họ nghĩ là mình có.”

Mẹ và các em Đức Chúa Jêsus

(Mat 12:46-50; Mac 3:31-35)

19 Mẹ và các em Đức Chúa Jêsus đến tìm Ngài, nhưng vì đông người nên không đến gần Ngài được. 20 Có người báo cho Ngài biết: “Mẹ và anh em Thầy đang đứng ở ngoài muốn gặp Thầy.” 21 Nhưng Ngài đáp: “Mẹ Ta và anh em Ta chính là những người nghe và làm theo lời Đức Chúa Trời.”


PHẦN GIẢI NGHĨA

Lời dạy về việc nghe Lời Chúa (Lu 8:1-21)

Chúa tiếp tục chức vụ giảng lưu hành của Ngài tại Ga-li-lê, có các môn đệ và những người đàn bà tin kính theo giúp đỡ Ngài. Các thầy dạy luật Do Thái thường nhận quà của những người tỏ lòng biết ơn và có lẽ mấy đàn bà này đã chịu ơn nhiều từ chức vụ của Chúa Jêsus. Những người lãnh đạo Hội Thánh thời Tân Ước được sự hỗ trợ vật chất từ bạn hữu và các Hội Thánh khác (IITi 1:16-18; Phi 4:15-17). Phao-lô thì tự lo cho mình qua việc làm (IITe 3:6-10).

Từ “nghe” được sử dụng nhiều lần trong phân đoạn này. “Nghe” có nghĩa là hiểu và tiếp nhận về mặt thuộc linh. “Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đức Chúa Trời được rao giảng” (Ro 10:17). Nhớ điều này, ta có thể hiểu được 3 lời khuyên Chúa dạy môn đệ.

Nghe và tiếp nhận đạo (Lu 8:4-15): Người gieo giống đầu tiên là Chúa Jêsus, nhưng người gieo giống cũng tượng trưng cho mọi con cái Đức Chúa Trời là người rao ra lời Ngài (Gi 4:35-38). Hạt giống là lời Đức Chúa Trời, vì (giống) như hạt giống, lời ấy có sức sống và quyền năng (He 4:12), có thể sinh ra bông trái thuộc linh (Ga 5:22-23). Tuy vậy, hạt giống ấy chẳng đem lại ích lợi gì nếu không được gieo ra (Gi 12:24). Khi một người nào đó nghe và hiểu Lời Chúa, lúc ấy hạt giống thực sự đã gieo vào lòng người nghe. Kết quả sau đó sẽ phụ thuộc vào tính chất của “đất”.

Chúa Jêsus gọi ví dụ này là “ví dụ về kẻ gieo giống” (Mat 13:18), hay còn gọi là “ví dụ về đất”. Hạt giống không có đất sẽ không có kết quả, đất không được gieo giống là đất vô dụng. Lòng người tựa như mảnh đất, nếu được chuẩn bị đúng mức, có thể tiếp thu hạt giống của Lời Đức Chúa Trời và đem lại một mùa thâu hoạch dồi dào!

Chúa mô tả về 4 loại khác nhau của lòng người, trong đó có 3 tấm lòng chẳng sanh kết quả gì. Chứng cớ của sự cứu rỗi là “ bông trái” chớ không chỉ nghe hoặc tuyên xưng đức tin trong Đấng Christ là đủ. Chúa Jêsus đã nói rõ điều này trong “Bài Giảng Trên Núi” (Lu 6:43-49; Mat 7:20).

Đất cứng (Lu 8:5,12): tượng trưng cho người nghe đạo nhưng sau đó bị ma quỉ cướp đi “hạt giống”. Lòng người cứng cỏi ra sao? Bên “lề đường" là con đường tắt dẫn đến cánh đồng lớn chia thành những lô đất nhỏ. Đường bờ ruộng là con đường chạy qua cánh đồng phân chia cánh đồng thành những thửa ruộng. Bước chân người qua lại làm cho đất trở nên cứng. Bất cứ điều gì “tai nghe mắt thấy” đều được ghi vào lòng, vì vậy hãy cẩn thận kẻo có kẻ “dẫn dụ lòng bạn”.

Đất đá sỏi (Lu 8:6,13) đại diện cho người nghe đạo sốt sắng và hưởng ứng nhanh chóng với Lời Chúa, nhưng sau đó sự quan tâm của họ giảm sút dần cho đến khi không sống theo Lời Chúa nữa (Gi 8:31-32). Ở nhiều vùng tại xứ Thánh (The Holy Land), bạn sẽ thấy tầng đá vôi bên dưới được phủ lên bởi một lớp đất mỏng, chồi non có thể mọc lên nhưng rễ không đâm sâu và mặt trời làm nó héo khô. Mặt trời tượng trưng cho thử thách đến với mọi người xưng mình là Cơ Đốc nhân để thử nghiệm đức tin họ. Mặt trời có ích cho những cây có rễ. Khó khăn, bắt bớ có thể khiến rễ của Cơ Đốc nhân thật bám sâu hơn, nhưng cũng phơi bày sự nông cạn của Cơ Đốc nhân giả.

Đất có gai (Lu 8:7,14): là người nghe đạo nhưng không ăn năn và chẳng từ bỏ những điều gây trở ngại cho mùa gặt. Ở đây có đủ đất để cây cắm rễ, nhưng lại không đủ diện tích cho cây phát triển và sinh quả. Cây bị nghẹt ngòi nên không sinh trái. Chính “sự lo lắng, giàu sang, sung sướng đời này” như cỏ dại lẫn trong vườn khiến đất không sinh lợi gì cả. Người có “lòng nghẹt ngòi” là người đã đến gần sự cứu rỗi nhưng vẫn chưa sinh “trái của sự trọn lành”.

Đất tốt (Lu 8:8,15): mới thật sự sinh bông trái. Đó là người nghe Lời Đức Chúa Trời, hiểu và tiếp nhận vào lòng. Họ được cứu và bày tỏ sự cứu rỗi qua đời sống kết quả (ITe 2:13; IPhi 1:22-25). Không phải ai cũng sinh bông trái giống nhau (Mat 13:8), nhưng mọi người tin Chúa thật sẽ sinh trái theo đời sống thuộc linh. Trái đó có thể là: đem người khác đến với Đấng Christ (Ro 1:13), dâng hiến cho công việc Đức Chúa Trời (Ro 15:25-28), làm việc lành (Co 1:10), bày tỏ phẩm chất Cơ Đốc nhân (Ga 5:22-23) hoặc ngợi khen Đức Chúa Trời (He 13:15).

Ví dụ này chứng tỏ Chúa không xúc động vì có nhiều người theo Ngài. Ngài biết đa số họ không thực sự muốn “nghe” Đạo và tiếp nhận vào lòng. Ngài lấy ví dụ này cốt để khích lệ môn đệ trong chức vụ sắp tới của họ và khích lệ chúng ta hôm nay. Khi xem lại mức độ tiến triển về phương diện bồi linh, truyền giảng, làm chứng theo kế hoạch trong một tháng hay một năm, bạn sẽ thắc mắc không biết vì sao mùa gặt “thất thu” đến thế. Lỗi không do người gieo giống hay hạt giống, vấn đề là do đất gieo. Lòng người sẽ không quy phục Đức Chúa Trời, không muốn ăn năn và tiếp nhận Đạo để được cứu rỗi.

Mục sư A.W.Tozer cho rằng: “Đức tin trước tiên đến với tai người nghe chớ không phải cái đầu hay cân nhắc.” Đức tin không phải là vấn đề về chỉ số thông minh hay trình độ học vấn, đó là vấn đề về sự dọn lòng khiêm nhường để tiếp nhận lẽ thật từ Đức Chúa Trời (Gia 1:19-21). Người hiểu biết hay kẻ khôn ngoan đều mù loà trước những lẽ thật mà những con trẻ có thể hiểu cách dễ dàng (Mat 11:20-26)!

Nghe và làm theo Đạo (Lu 8:19-21): Ma-ri mẹ Chúa Jêsus cùng các anh em Ngài lo lắng về Ngài và rất muốn gặp Ngài (Mat 13:55-56 Cong 1:14). Bạn hữu Ngài đều cho rằng Ngài đã “mất trí khôn” (Mac 3:21), có lẽ gia đình Ngài cũng đồng tình với họ. Nhân cơ hội này Chúa giảng một bài học thuộc linh khác: Là thành viên trong “gia đình thuộc linh” của Ngài còn quan trọng hơn bất cứ mối liên hệ con người nào, vì nó dựa trên sự vâng theo lời Đức Chúa Trời. “Nghe” Lời Chúa chưa đủ, ta còn phải “gìn giữ” Lời Ngài (Lu 8:15).

Là môn đệ Chúa, chúng ta phải lưu tâm đến điều mình nghe (Mac 4:24) và cách chúng ta nghe (Lu 8:18) vì chúng ta phải chịu trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời về điều này. Lắng nghe những điều chân thật với thái độ thiếu nghiêm túc hoặc những điều giả dối cũng sẽ cướp đi lẽ thật và phước hạnh của chúng ta. Nếu ta trung tín nghe và chia sẻ Lời Chúa, Ngài sẽ ban thêm cho chúng ta. Nhưng nếu không soi ra sự sáng, chúng ta sẽ mất những gì mình đang có. Nghe Lời Đức Chúa Trời thật sự là một vấn đề nghiêm túc!