NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta đọc Lu-ca 7:18-50. Chúa Jêsus đã thực hiện một phép lạ lớn khi chữa lành người đầy tớ của thầy đội. Ngài còn làm một phép lạ lớn hơn khi khiến đứa con trai của bà góa sống lại. Qua đoạn này Ngài đã thực hiện một phép lạ kỳ diệu nhất khi cứu người đàn bà khỏi tội lỗi và đổi mới bà. Phép lạ của sự cứu rỗi là một phép lạ kỳ diệu nhất trong mọi phép lạ, vì nó đáp ứng nhu cầu to lớn nhất, đem lại những kết quả kỳ diệu nhất (là những kết quả còn đời đời) và phải trả cái giá đắt nhất.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 7:47 (BDHD): 

Vì thế, Ta bảo ngươi, tội lỗi của người đàn bà nầy nhiều lắm, nhưng đã được tha hết, nên chị ấy yêu mến nhiều; còn người được tha ít thì yêu mến ít.

 

NỘI DUNG

Câu hỏi của Giăng Báp-tít

(Mat 11:2-19)

18 Môn đồ của Giăng thuật lại cho ông tất cả các việc đó. 19 Ông gọi hai môn đồ và sai họ đến thưa với Chúa: “Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi đấng khác?” 20 Họ đến với Đức Chúa Jêsus, thưa rằng: “Giăng Báp-tít sai chúng tôi đến hỏi Thầy: 'Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi đấng khác?’ ” 21 Chính giờ đó, Đức Chúa Jêsus chữa lành nhiều người bệnh, người tàn tật, người bị quỷ ám và khiến cho nhiều người mù được sáng. 22 Ngài trả lời với họ: “Hãy về thuật lại cho Giăng những điều các ngươi đã thấy và nghe: Người mù được sáng, người què được đi, người phong hủi được sạch, người điếc được nghe, người chết được sống lại, người nghèo được nghe Tin Lành. 23 Phước cho người nào không vấp phạm vì cớ Ta!”

24 Khi các sứ giả của Giăng đã đi rồi, Đức Chúa Jêsus bắt đầu nói với dân chúng về Giăng rằng: “Các ngươi đi xem gì nơi hoang mạc? Một cây sậy bị gió rung chăng? 25 Các ngươi ra xem gì nữa? Một người mặc áo sang trọng chăng? Kìa, những người mặc áo sang trọng và sống xa hoa thì ở trong cung vua! 26 Vậy thì, các ngươi còn đi xem gì nữa? Một nhà tiên tri chăng? Phải, Ta nói với các ngươi, có người còn hơn cả nhà tiên tri nữa. 27 Có lời chép về người ấy rằng:

'Nầy, Ta sai sứ giả Ta đi trước mặt Con,

Người sẽ dọn đường trước cho Con.’

28 Ta nói với các ngươi, trong những người do phụ nữ sinh ra, không có ai trổi hơn Giăng Báp-tít; nhưng người nhỏ nhất trong vương quốc Đức Chúa Trời còn cao trọng hơn ông ấy.” 29 Cả dân chúng và những người thu thuế đã chịu báp-têm của Giăng nghe Ngài giảng đều nhìn nhận Đức Chúa Trời là công chính. 30 Nhưng người Pha-ri-si và các luật gia không chịu Giăng làm báp-têm thì chối bỏ mục đích của Đức Chúa Trời dành cho họ. 31 “Vì vậy, Ta sẽ ví sánh những người của thế hệ nầy với gì, và họ giống ai? 32 Họ giống như trẻ con ngồi ngoài chợ, réo gọi nhau và nói: 'Chúng tôi thổi sáo mà các bạn không nhảy múa, chúng tôi hát bài ai ca mà các bạn không khóc than.’ 33 Vì Giăng Báp-tít đã đến, không ăn bánh, không uống rượu thì các ngươi nói: 'Ông ta bị quỷ ám.’ 34 Còn Con Người đến, ăn và uống thì các ngươi lại nói: 'Kìa, đó là người ham ăn mê uống, bạn của người thu thuế và kẻ có tội.’ 35 Nhưng sự khôn ngoan được biện minh nhờ kết quả của nó”

Người đàn bà tội lỗi được tha thứ

36 Một người Pha-ri-si mời Đức Chúa Jêsus dùng bữa với mình. Ngài vào nhà người Pha-ri-si ấy và ngồi vào bàn. 37 Có một người đàn bà tội lỗi ở thành đó nghe nói Ngài đang ngồi ăn tại nhà người Pha-ri-si, nên đem đến một bình bằng ngọc đựng đầy dầu thơm. 38 Nàng đứng đằng sau, nơi chân Đức Chúa Jêsus mà khóc, nước mắt thấm ướt cả chân Ngài; rồi nàng lấy tóc mình lau, hôn chân Ngài, và xức dầu thơm lên. 39 Người Pha-ri-si đã mời Ngài, thấy vậy, thầm nghĩ: “Nếu người nầy thật là nhà tiên tri, chắc đã biết người đàn bà chạm đến mình đó là ai, thuộc hạng người nào, vì nàng là kẻ tội lỗi.” 40 Đức Chúa Jêsus phán với ông: “Hỡi Si-môn, Ta có vài lời nói với ngươi.” Ông thưa: “Xin Thầy cứ nói.” 41 Ngài phán: “Một chủ nợ có hai con nợ: Một người nợ năm trăm đơ-ni-ê, người kia nợ năm chục. 42 Vì hai người đều không có gì để trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy, trong hai người đó, ai thương chủ nợ hơn?” 43 Si-môn thưa: “Tôi nghĩ là người mà chủ đã tha nhiều nợ hơn.” Đức Chúa Jêsus phán: “Ngươi nhận xét đúng lắm.” 44 Ngài quay lại phía người đàn bà và phán với Si-môn: “Ngươi thấy người đàn bà nầy không? Ta vào nhà của ngươi, ngươi không cho nước rửa chân; nhưng chị ấy đã lấy nước mắt thấm ướt chân Ta, rồi lấy tóc mình mà lau. 45 Ngươi không hôn Ta, nhưng từ khi Ta vào nhà của ngươi, chị ấy luôn hôn chân Ta. 46 Ngươi không xức dầu cho đầu Ta, nhưng chị ấy lấy dầu thơm xức chân Ta. 47 Vì thế, Ta bảo ngươi, tội lỗi của người đàn bà nầy nhiều lắm, nhưng đã được tha hết, nên chị ấy yêu mến nhiều; còn người được tha ít thì yêu mến ít.” 48 Rồi Ngài phán với người đàn bà: “Tội lỗi con đã được tha.” 49 Các người ngồi cùng bàn với Ngài nói với nhau: “Người nầy là ai mà có quyền tha tội?” 50 Nhưng Ngài phán với người đàn bà: “Đức tin của con đã cứu con; hãy đi bình an.”

 

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Giăng Báp-tít: Chúa đáp ứng cho sự nghi ngờ (Lu 7:18-35)

Sự hoang mang (Lu 7:18,20): Giăng đã bị cầm tù vài tháng (Lu 3:19,20) nhưng ông biết Chúa đang thi hành chức vụ vì môn đệ ông luôn thông báo lại với ông mọi việc. Dĩ nhiên ông phải chịu một sự căng thẳng về thể xác và tinh thần, bởi những chuỗi ngày chờ đợi chẳng lấy gì làm dễ chịu.

Có sự khác biệt giữa nghi ngờ và vô tín. Sự nghi ngờ là vấn đề của tâm trí (khả năng lý luận): Chúng ta không thể hiểu được điều Đức Chúa Trời hành động và lý do Ngài hành động. Sự vô tín chính là vấn đề thuộc về ý chí: chúng ta khước từ không tin Lời Đức Chúa Trời và không vâng theo những vì Ngài bảo ta làm.

Trong hoàn cảnh của Giăng, vấn đề đặt ra không phải là sự vô tín nhưng là sự nghi ngờ phát sinh từ tình trạng căng thẳng về thể chất và tinh thần. Bạn và tôi có thể nhìn lại chức vụ Chúa Jêsus để hiểu điều Ngài làm, nhưng Giăng không có lợi điểm đó. Ông hoang mang về chương trình Đức Chúa Trời và vai trò của ông trong đó. Tuy vậy, bạn đừng xét đoán Giăng quá gay gắt, vì các tiên tri cũng từng hoang mang về những điều này (IPhi 1:10-12).

Lời khen ngợi (Lu 7:24-30): Điều chúng ta nghĩ về mình hoặc người khác nghĩ về chúng ta không quan trọng bằng những điều Đức Chúa Trời đang nghĩ. Đợi những người đưa tin đi khuất, Chúa Jêsus mới đề cao nhiệm vụ của Giăng trước công chúng, đồng thời cáo trách những tấm lòng cứng cỏi không tin nơi chức vụ Giăng.

Người đàn bà có tội: Chúa đáp ứng trước tình yêu (Lu 7:36-50)

Chúa Jêsus không chỉ hưởng ứng lòng hiếu khách của những người thâu thuế và kẻ có tội, nhưng cũng hưởng ứng lời mời của những người Pha-ri-si nữa. Họ cũng cần có lời Đức Chúa Trời, dù họ có nhận thức được điều đó hay không. Chúng ta tin rằng lời mời của Si-môn là lời mời chân thành, không có mục đích nào khác khi mời Chúa vào nhà. Nếu có thì kế hoạch của ông chẳng đem lại kết quả gì mong muốn, bởi ông đã được học hỏi về chính mình nhiều hơn điều muốn biết.

Người đàn bà ăn năn (Lu 7:36-38): Thời bấy giờ những người ngoại cuộc thường lãng vãng quanh những bữa tiệc để xem những “người nổi tiếng” và nghe họ nói chuyện. Mọi cửa đều mở, nên người ngoài có thể vào phòng tiệc và nói chuyện với khách. Đây là lý do người đàn bà có thể đến gặp Chúa Jêsus. Ngài không ở phía sau những cánh cửa đóng chặt. Thời đó, phụ nữ không được mời vào buổi tiệc.

Nan đề thật của Si-môn chính là sự mù lòa của ông. Ông không thể hiểu bản thân mình, cũng không hiểu về Chúa Jêsus và người đàn bà này. Ông dễ dàng nói: “Bà ta là kẻ có tội! ” nhưng khó nói rằng: “Tôi cũng là kẻ có tội! ” (Lu 18:9-14). Chúa chứng minh rằng Ngài thực sự là một tiên tri khi đọc được tư tưởng Si-môn và cho ông ta biết nhu cầu của chính ông.

Sự tha tội là món quà ân điển của Đức Chúa Trời, món nợ tội đã được Chúa Jêsus gánh thay (Eph 1:7 IPhi 1:18,19). Người đàn bà đã nhận được sự cứu rỗi vô điều kiện của Đức Chúa Trời nên bà tự do bày tỏ tình yêu của mình đối với Ngài. Si-môn khước từ sự ban cho của Đức Chúa Trời nên vẫn chưa được tha thứ. Ông không chỉ mù lòa đối với bản thân nhưng còn mù loà về người đàn bà này cũng như về vị khách cao trọng của mình!

Đấng Christ đầy lòng tha thứ (Lu 7:44-50): Người đàn bà có tội trong việc làm còn Si-môn có tội thiếu sót. Ông không phải là người chủ nhà đối đãi tử tế cùng Chúa Jêsus. Mọi điều Si-môn bỏ qua lại chính là những gì người đàn bà này thực hiện một cách hoàn hảo!

Chúa Jêsus không chối từ những giọt lệ và bình dầu thơm của người đàn bà, vì việc làm của bà bày tỏ một đức tin. "Nếu ai nói mình có đức tin, nhưng không có việc làm, thì ích chi chăng?” (Gia 2:14-26). Chúng ta được cứu chẳng phải do đức tin "kèm theo" việc làm, nhưng được cứu bởi đức tin “dẫn đến” việc làm. Người đàn bà vô danh này bày tỏ lẽ thật trong Ga 5:6 “Trong Đức Chúa Jêsus, điều có giá trị... tại đức tin hay làm ra bởi sự yêu thương vậy”.

Dĩ nhiên, thật bất ngờ đối với những kẻ chỉ trích khắt khe tại bữa ăn hôm ấy khi họ nghe Chúa Jêsus phán: “Tội lỗi người đàn bà này nhiều lắm, đã được tha hết”. Khi phán lời ấy, Ngài đang tuyên bố chính Ngài là Đức Chúa Trời (Lu 5:21). Ngài là Đức Chúa Trời, cũng là Đấng chết thay cho tội lỗi của người đàn bà này. Những lời tha thứ Ngài phán ra thật quý báu, bởi Ngài đã trả một giá rất đắt trên thập tự.

Chúa Jêsus đã thực hiện một phép lạ lớn khi chữa lành người đầy tớ của thầy đội. Ngài còn làm một phép lạ lớn hơn khi khiến đứa con trai của bà góa sống lại. Qua đoạn này Ngài đã thực hiện một phép lạ kỳ diệu nhất khi cứu người đàn bà khỏi tội lỗi và đổi mới bà. Phép lạ của sự cứu rỗi là một phép lạ kỳ diệu nhất trong mọi phép lạ, vì nó đáp ứng nhu cầu to lớn nhất, đem lại những kết quả kỳ diệu nhất (là những kết quả còn đời đời) và phải trả cái giá đắt nhất.

Si-môn là kẻ “mù lòa”, đối với người đàn bà và chính mình. Ông biết quá khứ bà, nhưng Chúa biết tương lai bà. Tôi không biết đã có bao nhiêu kẻ có tội bị ruồng bỏ nhưng tìm được sự cứu rỗi qua lời làm chứng của người đàn bà này trong Phúc Âm Lu-ca. Nhưng bà giúp chúng ta tin rằng Chúa có thể chọn bất cứ tội nhân nào và khiến người ấy trở nên con cái Đức Chúa Trời.

Nếu bạn chưa từng đón nhận sự tha thứ của Đức Chúa Trời, bây giờ chính là lúc bạn phải tin nhận để được tha thứ.