NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta sẽ đọc Lu-ca 7:1-17, có thể đặt chủ đề cả đoạn 7 này là thương xót bằng hành động.

Sự thương xót từng được định nghĩa là “nỗi đau của bạn trong lòng tôi”. Đó là nỗi đau Chúa Jêsus hẳn đã cảm nhận khi Ngài thi hành chức vụ từ nơi này sang nơi khác. Chỉ trong đoạn này thôi Chúa đã đối diện với những nỗi bất hạnh của người đầy tớ sắp chết, bà góa đau khổ, một tiên tri đang hoang mang và một tội nhân ăn năn và Ngài giúp đỡ tất cả. Nếu yêu cầu “Uỷ ban cứu trợ” quyết định xem ai sẽ xứng đáng được cứu giúp, chúng ta chẳng biết ai sẽ được chọn!

Chúa Jêsus giúp tất cả, bởi vì lòng thương xót không có sự cân nhắc: chỉ có sự phục vụ! Benard Clairvaux nói rằng: “Công lý chỉ luôn tìm kiếm những công đức, nhưng lòng thương xót chỉ lưu tâm đến nhu cầu”. Chính bởi sự thương xót chớ không phải công lý ấy đã thúc đẩy Vị Thầy Thuốc vĩ đại đến “không phải để gọi kẻ công bình hối cải, nhưng gọi kẻ tội” (Lu 5:32). Trong cả đoạn 7 này, chúng ta hãy gặp 4 con người đau khổ và xem sự đáp ứng của Chúa đối với nhu cầu của họ.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 7:13 (BDHD): 

Chúa thấy và động lòng thương xót bà nên phán: “Đừng khóc!”

 

NỘI DUNG

Chúa Jêsus chữa lành đầy tớ của viên đội trưởng

(Mat 8:5-13)

1 Sau khi rao giảng mọi lời ấy cho dân chúng nghe rồi, Đức Chúa Jêsus vào thành Ca-bê-na-um. 2 Một viên đội trưởng có người đầy tớ rất yêu quý đang đau nặng, gần chết. 3 Khi nghe nói về Đức Chúa Jêsus, ông phái mấy trưởng lão Do Thái xin Ngài đến chữa bệnh cho đầy tớ mình. 4 Họ đến với Đức Chúa Jêsus, nài xin rằng: “Đội trưởng thật đáng cho Thầy giúp đỡ 5 vì ông thương dân ta, và đã xây nhà hội cho chúng ta.” 6 Vậy, Đức Chúa Jêsus đi với họ. Khi Ngài gần tới nhà, viên đội trưởng phái các bạn mình đến thưa với Ngài: “Lạy Chúa, không dám phiền Chúa như thế, vì tôi không xứng đáng rước Chúa vào nhà. 7 Tôi cũng nghĩ mình không xứng đáng đến với Chúa. Chỉ xin Ngài phán một lời thì đầy tớ tôi sẽ được lành. 8 Vì chính tôi cũng ở dưới quyền người khác, tôi cũng có quân lính dưới quyền tôi. Tôi bảo người nầy: 'Đi!’ thì nó đi; bảo người khác: 'Đến!’ thì nó đến; và bảo đầy tớ của tôi: 'Làm việc nầy!’ thì nó làm.” 9 Nghe những lời ấy, Đức Chúa Jêsus ngạc nhiên về viên đội trưởng, quay lại bảo đoàn dân đi theo Ngài rằng: “Ta bảo các ngươi, ngay trong dân Y-sơ-ra-ên, Ta cũng không thấy đức tin nào như vậy.” 10 Những người được phái đi trở về nhà thì thấy người đầy tớ đã lành mạnh rồi.

Con trai người đàn bà góa ở thành Na-in

11 Ngày hôm sau, Đức Chúa Jêsus đi đến một thành gọi là Na-in; có nhiều môn đồ cùng đoàn dân đông đi với Ngài. 12 Khi Ngài đến gần cửa thành, người ta vừa khiêng ra một người chết, là con trai một của bà mẹ góa. Có nhiều người ở thành đó đi đưa đám tang với bà. 13 Chúa thấy và động lòng thương xót bà nên phán: “Đừng khóc!” 14 Ngài lại gần, chạm vào quan tài, và những người khiêng dừng lại. Ngài phán: “Hỡi chàng trai, Ta bảo ngươi trỗi dậy.” 15 Người chết vùng ngồi dậy và bắt đầu nói. Đức Chúa Jêsus giao anh ấy lại cho mẹ. 16 Mọi người đều sợ hãi và ca ngợi Đức Chúa Trời rằng: “Có đấng tiên tri lớn đã xuất hiện giữa chúng ta, và Đức Chúa Trời đã thăm viếng dân Ngài.” 17 Tin nầy vang ra khắp miền Giu-đê và các vùng lân cận.

 

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Người đầy tớ: Chúa đáp ứng đức tin (Lu 7:1-10)

Qua các sách Phúc Âm và sách Công vụ, các thầy đội La Mã được nhắc đến như những con người có đạo đức. Viên đội trưởng hay thầy đội trong đoạn này là một gương điển hình. Các trưởng lão Do Thái chẳng yêu mến gì người La Mã nói chung cũng như lính La Mã nói riêng. Tuy nhiên, họ vẫn giới thiệu thầy đội với Chúa Jêsus. Thầy đội này rất mến dân Do Thái ở Ca-bê-na-um, thậm chí còn xây cho họ một nhà hội. Ông yêu người đầy tớ mình và không muốn nó chết. Ông không phải là người khắc kỷ, lạnh lùng với nỗi khổ của kẻ khác. Ông quan tâm đến mọi người, cả đến đứa đầy tớ thấp hèn đang hấp hối vì cơn bại liệt (Mat 8:6).

Đoạn kể súc tích ở Mat 8:5-13 không hề mâu thuẫn với phần tường thuật đầy đủ hơn ở sách Lu-ca. Bạn hữu của thầy đội thay ông đến gặp Chúa Jêsus và thay Chúa trở về báo tin cho ông. Khi một phát thanh viên tường thuật lại lời phát biểu của Tổng thống hoặc Thủ tướng tại Quốc hội hoặc Nghị viện, thông điệp này không nhất thiết phải được thực hiện bởi chính các vị ấy, nó có thể do những nhân viên đại diện loan báo, nhưng người ta xem như đã nhận thông điệp này từ chính vị Tổng thống hoặc Thủ tướng ấy.

Chúng ta không chỉ cảm kích về tình yêu cao cả của thầy đội mà còn khâm phục sự khiêm nhường đáng quý của ông. Bạn nghĩ xem, một viên chức La Mã lại thú nhận với vị thầy Do Thái nghèo nàn ràng ông không xứng đáng tiếp Người vào nhà mình! Người La Mã vốn không quen bày tỏ lòng khiêm nhường, đặc biệt trước mặt dân Do Thái.

Tính cách khiến Chúa cảm động nhất chính là đức tin của thầy đội này. Sách Lu-ca ghi lại 2 trường hợp khiến Chúa ngạc nhiên. Tại Ca-bê-na-um này, Ngài ngạc nhiên về đức tin của một người ngoại. Ở Na-xa-rét, Ngài ngạc nhiên về sự vô tín của dân Do Thái (Mac 6:6). Có một người khác được Chúa cho rằng có “đức tin lớn” đó là người đàn bà xứ Ca-na-an có con gái bị quỉ ám đã được Chúa chữa khỏi (Mat 15:28). Đáng chú ý là ở 2 trường hợp trên, Chúa đều chữa bệnh từ xa (Eph 2:11-13; Thi 107:20).

Đức tin của thầy đội thật đặc biệt. Xét cho cùng, ông chỉ là một người ngoại vốn vô thần. Ông là quân nhân La Mã, đã học cách tự xoay sở không cần ai giúp đỡ. Ta cũng không có chứng cớ nào nói rằng ông đã nghe qua bài giảng của Chúa. Có lẽ ông biết quyền năng chữa bệnh của Chúa từ quan thị vệ là người có con trai được Chúa chữa bệnh từ xa (Gi 4:46-54). Quân lính ông có thể kể cho ông về những phép lạ Chúa đã làm, vì người La Mã luôn tiếp cận với những sự kiện trong cuộc sống người Do Thái.

Từ có ý nghĩa trong Lu 7:8 là “cũng” (cũng có trong Mat 8:9). Thầy đội đã nhận ra điểm tương tự giữa cách ông ra lệnh cho quân lính với cách Chúa Jêsus ra lệnh chữa bệnh. Chúa Jêsus và thầy đội đều có quyền hạn của mình và có thể thực hiện quyền hạn ấy. Tất cả những gì họ cần làm là nói một lời thì mọi sự sẽ xảy ra. Thầy đội bày tỏ một đức tin thật tuyệt vời! Tất nhiên đức tin ấy khiến Chúa phải ngạc nhiên.

Nếu thầy đội La Mã này là người hiểu biết rất ít về thuộc linh, còn có đức tin nơi Lời Chúa như vậy, đức tin chúng ta càng phải lớn hơn thế! Chúng ta hôm nay có một cuốn Kinh Thánh trọn bộ để đọc và học hỏi, cũng như lịch sử Hội Thánh suốt 2.000 năm qua đã khích lệ chúng ta. Vậy mà chúng ta lại phạm tội “vô tín” (Mac 4:40) hoặc “ít đức tin” (Mat 14:31). Ta phải cầu xin: “Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho con! ” (Lu 17:5).

Bà góa: Chúa đáp ứng trước nỗi tuyệt vọng (Lu 7:11-17)

Thành Na-in cách Ca-bê-na-um khoảng 25 dặm, phải đi mất một ngày. Nhưng Chúa vẫn đến đó dù không có sự yêu cầu. Vì dân Do Thái chôn người chết nội trong ngày (Phu 21:23; Cong 5:5-10), có lẽ Chúa Jêsus và các môn đệ đến cửa thành vào buổi chiều trong ngày đứa con trai này chết. Hôm ấy, tại cửa thành xảy ra 4 cuộc gặp gỡ đặc biệt.

 

Thanh Na in

 

Trước hết là cuộc gặp gỡ giữa hai đám đông. Chúng ta thật ngạc nhiên về kế hoạch của Đức Chúa Trời khi Chúa Jêsus gặp đám tang ấy ngay lúc họ đang tiến về nghĩa trang. Đấng Christ giàu lòng thương xót luôn cứu giúp khi chúng ta cần Ngài (He 4:16).

Thật là một sự khác biệt rõ rệt giữa đám đông theo Chúa và đám đông theo bà góa với đứa con trai đã chết, Chúa Jêsus cùng các môn đệ vui mừng trong ơn phước Đức Chúa Trời, nhưng bà góa và đồng bạn lại than khóc vì đứa con trai đã chết. Chúa Jêsus đang tiến về cửa thành, trong khi những kẻ than khóc đang tiến đến nghĩa trang!

Về mặt thuộc linh, mỗi người chúng ta cũng đang thuộc một trong hai đám đông này. Nếu tin nhận Chúa Jêsus, bạn đang tiến đến cửa thành (He 11:10,13-16; He 12:22). Nếu đang “chết trong tội lỗi” bạn đang tiến gần nghĩa trang và chịu sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời (Eph 2:1-3; Gi 3:36). Bạn phải tin nhận Chúa Jêsus để được tái sinh từ kẻ chết (Eph 2:4-10; Gi 5:24).

Kế đến là cuộc gặp gỡ giữa hai con một. Một người đang sống nhưng đã được định trước sẽ chịu chết, người kia đã chết nhưng sẽ được định cho sống. Thuật ngữ “Con Độc Sanh” nói về Chúa Jêsus nghĩa là “chỉ có một”. Ngài không phải là “con” theo nghĩa như tôi là đứa con hiện diện trên đời qua sự hoài thai và sinh ra. Vì Chúa Jêsus chính là Đức Chúa Trời hằng hữu, Ngài mãi mãi tồn tại! Danh hiệu “Con Đức Chúa Trời” nói lên bản tính thiêng liêng thánh khiết của Đấng Christ và mối liên hệ của Ngài với Đức Chúa Cha, là Đấng Ngài đầu phục và hạ mình xuống từ cõi vĩnh hằng. Ba ngôi của Đức Chúa Trời đều bình đẳng, nhưng mỗi ngôi có vai trò hành động cụ thể.

Thứ ba, đó là cuộc gặp gỡ giữa hai người chịu khổ. Chúa Jêsus, Con người gánh mọi khổ đau của kẻ khác có thể dễ dàng đồng cảm với nỗi đau trong một xã hội không có sự quan tâm đến các góa phụ. Chúa cảm nhận nỗi đau do tội lỗi và sự chết đem đến cho thế gian, nên Ngài đã xoa dịu nỗi đau ấy.

Cuối cùng là cuộc gặp gỡ giữa hai kẻ thù. Bởi Chúa Jêsus đã đối diện với sự chết là “kẻ thù sau cùng” (ICo 15:26). Khi bạn chứng kiến những đau đớn khổ sở dẫy đầy trên thế gian, sự chết thực sự là một kẻ thù. Chỉ có Chúa Jêsus mới có thể giúp chúng ta đắc thắng sự chết (ICo 15:51-58 He 2:14-15). Chúa chỉ phán một lời, cậu bé này liền sống lại và khỏe mạnh. Hai bằng chứng cho thấy cậu bé thực sự sống lại: “ngồi dậy và khởi sự nói” (Lu 7:5a).

Cậu bé nằm trên cái cáng, không phải trong quan tài đóng kín, nên cậu dễ dàng ngồi dậy. Cậu nói gì, chúng ta không biết, nhưng chắc hẳn cậu rất vui mừng. Thật là một hành động dịu dàng khi Chúa Jêsus giao cậu bé lại cho người mẹ đang vui sướng. Hình ảnh này nhắc ta về sự kiện sẽ xảy đến khi Chúa tái lâm. Khi ấy, chúng ta sẽ đoàn tụ với những người thân yêu đã khuất trong sự ngợi khen Đức Chúa Trời (ITe 4:13-18).

Hưởng ứng của dân chúng là ngợi khen Đức Chúa Trời và xem Chúa như vị tiên tri dân Do Thái từng mong đợi (Phu 18:15; Gi 1:21; Cong 8:22-23). Phép lạ này nhanh chóng được đồn ra. Người ta háo hức mong gặp Ngài, người theo Ngài càng đông hơn (Lu 8:4,19,40).