NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta đọc Lu-ca 6:20-49.

Chúa Jêsus vào vùng núi cùng các môn đệ. Sau một đêm cầu nguyện Ngài đi xuống một nơi bằng phẳng, chọn ra 12 sứ đồ, chữa lành nhiều kẻ bệnh tật và rồi giảng bài giảng này. Qua bài giảng, Ngài bày tỏ ý nghĩa của một đời sống phước hạnh. Chúng ta sẽ khám phá những ơn phước mới trong Chúa.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 6:46  (BDHD): 

Sao các con gọi Ta: 'Chúa, Chúa!’ mà không làm theo lời Ta phán?

 

NỘI DUNG

Phước và họa

(Mat 5:1-12,38-48; 7:12a)

20 Đức Chúa Jêsus ngước mắt nhìn môn đồ và phán:

“Phước cho các con là những người nghèo khó,

Vì vương quốc Đức Chúa Trời thuộc về các con.

21 Phước cho các con là những người hiện đang đói,

Vì sẽ được no đủ.

Phước cho các con là những người hiện đang khóc lóc,

Vì sẽ được vui cười.

22 Phước cho các con khi vì cớ Con Người mà bị người ta ghen ghét, xua đuổi, mắng nhiếc, loại bỏ tên các con như kẻ gian ác. 23 Trong ngày ấy, các con hãy hớn hở nhảy mừng, vì kìa, phần thưởng của các con ở trên trời là rất lớn; bởi vì tổ phụ họ cũng đối xử với các nhà tiên tri như vậy.

24 Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có,

Vì đã được an ủi rồi!

25 Khốn cho các ngươi là những người hiện đang no,

Vì sẽ đói!

Khốn cho các ngươi là những kẻ hiện đang cười,

Vì sẽ đau thương và khóc lóc!

26 Khốn cho các ngươi, khi được mọi người khen tặng,

Vì tổ phụ họ cũng đối xử với các kẻ tiên tri giả như vậy!

27 Nhưng Ta phán với các con là người nghe Ta: Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, 28 chúc phước cho kẻ rủa sả mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình. 29 Ai vả các con má bên nầy, hãy đưa luôn má bên kia cho họ; còn nếu ai lấy áo ngoài của con, cũng đừng ngăn họ lấy luôn áo trong. 30 Ai xin, hãy cho; ai đoạt lấy của cải các con, đừng đòi lại. 31 Các con muốn người ta làm cho mình thể nào, hãy làm cho người ta thể ấy. 32 Nếu các con yêu mến những ai yêu mến mình, thì có ơn nghĩa gì đâu? Ngay cả kẻ tội lỗi cũng yêu mến những ai yêu mến họ. 33 Nếu các con làm ơn cho người làm ơn cho mình, thì có ơn nghĩa gì? Ngay cả kẻ tội lỗi cũng làm như vậy. 34 Nếu các con cho ai mượn mà mong họ trả lại, thì có ơn nghĩa gì? Ngay cả kẻ tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi mượn, để được nhận lại đủ số. 35 Nhưng các con hãy yêu kẻ thù mình, hãy làm ơn, và hãy cho mượn mà đừng mong trả lại. Như vậy, phần thưởng của các con sẽ lớn, và các con sẽ là con của Đấng Chí Cao, vì Ngài lấy lòng nhân từ đối đãi người vô ơn và kẻ độc ác. 36 Hãy thương xót như Cha các con hay thương xót. 37 Đừng xét đoán ai thì các con sẽ không bị xét đoán. Đừng lên án ai thì các con sẽ không bị lên án. Hãy tha thứ thì các con sẽ được tha thứ. 38 Hãy cho, các con sẽ được cho lại; người ta sẽ lấy đấu lớn đong đầy, nhận xuống, lắc cho đến khi đầy tràn, rồi đổ vào vạt áo các con; vì các con lường cho người ta mực nào, thì các con sẽ nhận lại mực ấy.”

39 Ngài cũng phán với họ một ẩn dụ: “Người mù có thể dắt người mù được không? Chẳng phải cả hai cùng ngã xuống hố sao? 40 Môn đồ không hơn thầy, nhưng nếu môn đồ được huấn luyện đầy đủ, thì sẽ giống như thầy mình. 41 Sao con thấy cái dằm trong mắt anh em mà lại không thấy cây đà trong mắt mình? 42 Sao con có thể nói với anh em rằng: 'Anh ơi, để tôi lấy cái dằm trong mắt anh ra,’ còn con, thì không thấy cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ đạo đức giả, trước hết hãy lấy cây đà ra khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái dằm khỏi mắt anh em được. 43 Không có cây lành nào lại sinh quả độc; không có cây độc nào lại sinh quả lành; 44 vì xem quả thì biết cây. Không ai hái trái vả nơi bụi gai, hay là hái trái nho nơi bụi tật lê. 45 Người tốt do lòng chứa điều thiện mà sinh điều thiện; kẻ xấu do lòng chứa điều ác mà sinh điều ác; bởi đầy dẫy trong lòng nên miệng mới nói ra. 46 Sao các con gọi Ta: 'Chúa, Chúa!’ mà không làm theo lời Ta phán? 47 Ta sẽ chỉ cho các con biết người nào đến với Ta, nghe lời Ta và làm theo thì giống như ai. 48 Người ấy giống như một người kia xây nhà, đào xuống thật sâu và đặt nền trên vầng đá. Khi nước lụt dâng lên, dòng nước chảy xiết xô vào nhà ấy cũng không lay động được, vì nhà đã xây chắc chắn. 49 Nhưng ai nghe lời Ta mà không làm theo thì giống như một người kia xây nhà trên đất không có nền móng. Khi dòng nước chảy xiết xô vào, nhà ấy liền bị sụp và thiệt hại nặng nề.”

 

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Chúa Jêsus muốn dạy dỗ cho môn đệ Ngài, cùng đoàn dân (Lu 6:27,49), bởi chính 12 sứ đồ phải từ bỏ nhiều điều trước khi có thể hầu việc Ngài cách kết quả. Hơn thế, họ phải hy sinh mọi điều để theo Ngài (Lu 5:11,28) và đương nhiên họ sẽ tự hỏi “chúng tôi sẽ được chi?” (xem Mat 19:27). Qua bài giảng này, Chúa bày tỏ rằng đời sống hạnh phước thật không đến từ “sự được gì” hay “làm gì” nhưng từ chính bản thể con người, đặc biệt là bản tính giống Đức Chúa Trời.

Bài giảng trên núi có giá trị ứng dụng vào cuộc sống hôm nay, hoàn toàn không phải là nhờ làm những điều này mới được cứu vào Thiên đàng, nhưng nó bày tỏ đức tính thánh khiết chúng ta cần phải có khi làm con cái Đức Chúa Trời giữa thế gian. Hẳn Chúa mô tả một tình trạng sống hoàn toàn khác với sự sống nơi vương quốc vinh hiển, bởi nó chỉ chứa toàn nước mắt, khổ sở, bắt bớ, đói khát, cùng sự giả hình của các thầy dạy luật.

Mục đích của Chúa là nhắm vào thái độ của chúng ta: đối với hoàn cảnh (Lu 6:20-26), con người (Lu 6:27-38), bản thân (Lu 6:39-45) và đối với Đức Chúa Trời (Lu 6:46-49). Ngài nhấn mạnh 4 đức tính cần thiết để có hạnh phước thật: đức tin nơi Chúa, tình yêu tha nhân, thành thực với chính mình, và vâng phục Đức Chúa Trời.

Đối với hoàn cảnh (Lu 6:20-26): Cuộc sống của người dân thời bấy giờ rất khó khăn và hoàn cảnh họ không mong gì khá hơn. Ngày hôm nay cũng thế, nhiều người cho rằng hạnh phước đến từ của cải vật chất, địa vị xã hội cao quý, hoặc hưởng thụ những thú vui và danh vọng có thể mua được bằng đồng tiền. Bạn hình dung xem, họ ngạc nhiên biết bao khi nghe Chúa Jêsus mô tả bản chất hạnh phước hoàn toàn khác hẳn điều họ mong đợi! Họ vừa khám phá rằng nhu cầu thiết yếu của họ không phải là một sự thay đổi hoàn cảnh sống nhưng là sự thay đổi trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời và trong nhận thức về cuộc sống của họ.

Chính Chúa Jêsus sẽ trải qua sự bắt bớ (Lu 6:22) nên môn đệ Ngài cũng bị bắt bớ như vậy. Làm sao có thể vui mừng khi chúng ta bị kẻ khác bắt bớ? Trong hoàn cảnh ấy, bạn hãy luôn nhớ rằng chịu khổ vì danh Chúa là một đặc ân (Phi 3:10). Khi chúng ta bị đối xử giống như hoàn cảnh của Chúa, đó là bằng chứng chúng ta đang bắt đầu sống như Chúa. Điều đó thật đáng khích lệ! Các thánh đồ của mọi thời đại cũng từng bị đối đãi như thế, nên chúng ta vẫn còn may mắn hơn họ. Đức Chúa Trời hứa ban phần thưởng đặc biệt cho những ai trung tín theo Ngài, vì vậy điều tốt đẹp nhất vẫn chưa đến!

Đối với con người (Lu 6:27-38): Chúa Jêsus phán rằng những ai sống cho giá trị vĩnh cửu đều sẽ gặp khó khăn rắc rối với những người trong thế gian.

Chúng ta không nên xem những lời răn này như một “chuỗi luật lệ” buộc phải thi hành. Những lời răn ấy nói lên thái độ của con người được bày tỏ một cách tích cực khi những người khác tiêu cực, rộng rãi khi người khác ích kỷ. Tất cả nhằm tôn vinh Đức Chúa Trời. Đây là một sự bày tỏ tinh thần chứ không phải một nhiệm vụ bắt buộc. Chúng ta phải có khôn ngoan để biết khi nào cần “đưa má kia cho kẻ khác vả” cũng như khi nào cần phải bày tỏ quyền hạn mình (Phi 1:9-11; Gi 18:22-23; Cong 16:35-40).

Đối với bản thân (Lu 6:39-45): Có 4 hình ảnh nổi bật qua phân đoạn này dạy chúng những bài học quan trọng về chức vụ. Trước hết, là môn đệ Chúa Jêsus, chúng ta phải biết chắc mình đã thấy rõ đủ để có thể hướng dẫn người khác trên bước đường thuộc linh. Có những người mù lại có một cảm quan về phương hướng bén nhạy, nhưng dĩ nhiên chẳng có một ai sử dụng họ làm phi công hay hướng dẫn viên vùng hoang dã! Chúa muốn nói đến những người Pha-ri-si, là kẻ dẫn dân sự đi sai đường (Mat 15:14 Mat 23:16). Nếu ta xem mình là người hướng dẫn “tài ba” nhưng không nhận ra sự mù lòa của mình, chúng ta chỉ có thể đưa kẻ khác xuống hố mà thôi (Ro 2:17-22).

Điều nhấn mạnh ở đây là sự thực lòng với chính mình và đừng trở thành kẻ giả hình. Thật dễ dàng giúp một anh em mắc lỗi lầm, chỉ có vậy ta mới hòng “khoả lấp” tội lỗi mình! Người luôn chỉ trích kẻ khác lại là người luôn phạm điều tệ hại hơn trong cuộc sống.

Chúng ta phải thành thực với chính mình, thừa nhận những điểm mù lòa trong đời sống mình. Những trở ngại làm mờ tầm nhìn của ta phải được khắc phục và chỉnh đốn. Khi ấy Đức Chúa Trời mới có thể sử dụng ta để giúp đỡ kẻ khác mà không dắt họ đi lầm lạc.

Đối với Đức Chúa Trời (Lu 6:46-49): Ở đoạn này, Chúa nói về sự vâng phục. Nghe lời Chúa và gọi Ngài là “Chúa” như vậy chưa đủ, chúng ta phải vâng theo những gì Ngài truyền. Chúng ta như những “thợ xây nhà”, phải xây cách khôn ngoan, “Xây nền trên vầng đá” nghĩa là vâng theo mệnh lệnh Chúa qua Lời Ngài. “Cất nhà trên đất không xây nền” giống như chỉ hầu việc Đấng Christ bằng môi miệng chứ không vâng theo ý muốn Ngài. Giống như chúng ta muốn xây một ngôi nhà chắc chắn, nhưng nếu không có nền, nhà ấy không thể tồn tại lâu. Giông tố ở đây không phải là sự xét đoán sau cùng nhưng là những thử thách trong cuộc sống sẽ đến với mọi Cơ Đốc nhân đã tuyên xưng đức tin. Không phải bất cứ ai tự nhận mình biết Chúa đều có một kinh nghiệm thật về sự cứu rỗi. Có thể họ rất sốt sắng trong Hội Thánh, hoặc trong những tổ chức tôn giáo, nhưng nếu họ chưa được cứu bởi đức tin, như vậy họ không có nền tảng cho đời sống mình. Khi những khó khăn chợt đến, thay vì ngợi khen Chúa, họ sẽ bỏ Ngài, ngôi nhà chứng cớ của họ bị sụp đổ.

Nếu không bởi Đức Thánh Linh, không ai có thể xưng Chúa Jêsus là “Chúa” (ICo 12:3; Ro 8:16). Nếu Đấng Christ ở trong lòng chúng ta, môi miệng chúng ta sẽ phải xưng nhận Ngài và làm chứng về Ngài cho người khác (Ro 10:9-10). Nếu chúng ta “châm rễ và lập nền trong Ngài” (Co 2:7), chúng ta sẽ sinh những bông trái tốt và ngôi nhà chúng ta cũng sẽ chịu được bão tố. Có thể chúng ta sẽ phạm những lỗi lầm và gặp thất bại, nhưng chứng cớ vững chắc trong cuộc sống chúng ta sẽ bày tỏ Đấng Christ và tôn vinh Ngài.

Đây là “ơn phước mới” Chúa Jêsus muốn ban cho dân Ngài. Hôm nay, Ngài cũng muốn ban cho chúng ta. Chúng ta có thể kinh nghiệm được phước hạnh từ trời và những ơn phước thật mà chỉ có Ngài mới có thể ban cho. Nền tảng của mọi sự này là đức tin cứu rỗi trong Chúa Jêsus Christ.