NHỮNG GỢI Ý:

Phân đoạn Lu-ca 5:17-39 có nhiều chi tiết cần giải thích, chúng ta thấy rõ quyền năng biến đổi của Chúa Jêsus trên từng cá nhân như Phi-e-rơ, người bị phung, người bị bại và cuộc đời Lê-vi. 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 5:31-32 (BDHD): 

Đức Chúa Jêsus đáp: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc đâu, nhưng là người đau ốm. Ta không đến để gọi người công chính, nhưng gọi kẻ có tội ăn năn.”

 

NỘI DUNG

Chúa chữa bệnh bại liệt

(Mat 9:1-8; Mac 2:1-12)

17 Một ngày kia, Đức Chúa Jêsus đang giảng dạy, có những người Pha-ri-si và các thầy dạy luật từ các làng trong miền Ga-li-lê, Giu-đê và từ thành Giê-ru-sa-lem đến ngồi tại đó. Quyền năng của Chúa ở với Ngài để chữa lành bệnh tật. 18 Kìa, có mấy người khiêng một người bại liệt trên giường đang tìm cách đưa người ấy vào trong nhà và đặt trước mặt Ngài. 19 Vì đông người quá, không thể đem người bại liệt vào được, nên họ trèo lên mái nhà, dỡ ngói ra, rồi dòng cả người lẫn giường xuống trước mặt Đức Chúa Jêsus, giữa đám đông. 20 Thấy đức tin của họ, Ngài phán: “Hỡi con, tội lỗi con đã được tha!” 21 Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si bắt đầu thắc mắc: “Người nầy là ai mà dám nói phạm thượng như thế? Ngoài Đức Chúa Trời, ai có quyền tha tội?” 22 Nhưng Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng họ, nên phán rằng: “Tại sao các ngươi thắc mắc trong lòng như vậy? 23 Giữa hai cách nói: 'Tội lỗi con đã được tha,’ hoặc: 'Hãy đứng dậy bước đi,’ cách nào dễ hơn? 24 Nhưng để các ngươi biết rằng Con Người ở thế gian có thẩm quyền tha tội...” Ngài phán với người bại liệt: “Ta bảo con: Hãy đứng dậy, vác giường trở về nhà!” 25 Lập tức người bại liệt đứng dậy trước mặt họ, vác giường mình đã nằm, và đi về nhà, tôn vinh Đức Chúa Trời. 26 Mọi người đều kinh ngạc và tôn vinh Đức Chúa Trời. Họ sợ hãi nói: “Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ thường!”

Chúa gọi Lê-vi. – Sự kiêng ăn

(Mat 9:9-13; Mac 2:13-17)

27 Sau đó, Đức Chúa Jêsus đi ra ngoài, thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi tại phòng thuế thì Ngài phán với ông: “Hãy theo Ta!” 28 Lê-vi bỏ hết mọi sự, đứng dậy đi theo Ngài. 29 Lê-vi mở tiệc lớn khoản đãi Ngài tại nhà mình; có nhiều người thu thuế và những người khác ngồi cùng bàn với Ngài. 30 Những người Pha-ri-si và các thầy thông giáo phàn nàn với môn đồ Ngài rằng: “Sao các ông lại ăn uống với phường thu thuế và bọn người tội lỗi?” 31 Đức Chúa Jêsus đáp: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc đâu, nhưng là người đau ốm. 32 Ta không đến để gọi người công chính, nhưng gọi kẻ có tội ăn năn.” 33 Họ nói với Ngài: “Môn đồ của Giăng cũng như môn đồ của người Pha-ri-si thường kiêng ăn cầu nguyện, nhưng môn đồ của Thầy lại ăn và uống!” 34 Đức Chúa Jêsus đáp: “Các ngươi có thể bắt khách dự tiệc cưới kiêng ăn trong khi chàng rể còn ở với họ sao? 35 Nhưng đến lúc chàng rể được đem đi khỏi họ, thì trong những ngày ấy họ mới kiêng ăn.” 36 Ngài cũng kể cho họ một ẩn dụ: “Không ai xé một mảnh áo mới mà vá vào áo cũ. Làm như vậy, áo mới sẽ rách, và mảnh vải mới cũng không xứng hợp với áo cũ. 37 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới làm nứt bầu da, rượu đổ ra và bầu da cũng bị hỏng. 38 Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu mới. 39 Cũng không ai đã uống rượu cũ lại đòi rượu mới, vì người ấy nói rằng: 'Rượu cũ ngon hơn.’ ”

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Từ tội lỗi đến được tha (Lu 5:17-26)

Chúa Jêsus trở lại thành Ca-bê-na-um. Đoàn dân đông nhóm lại xem Ngài chữa bệnh và nghe Ngài dạy dỗ. Có một chi tiết mới được lưu ý: một số chức sắc tôn giáo từ Giê-ru-sa-lem đến để dò xét điều Chúa làm.

Từ “Pha-ri-si” lần đầu tiên xuất hiện trong sách của Lu-ca, theo ngôn ngữ gốc Hê-bơ-rơ nghĩa là “phân cách hay tách ra”. Có lẽ các thầy dạy luật và người Pha-ri-si phát triển từ chức vụ của thầy tế lễ E-xơ-ra, người đã dạy dân sự phải vâng theo luật Môi-se và phân cách khỏi những dân tộc ngoại đạo quanh họ (Exo 9:1-10:44; Ne 8:1-9:38). Các thầy dạy luật và người Pha-ri-si lúc ban đầu rất khao khát hiểu biết, phát huy luật pháp Đức Chúa Trời và áp dụng vào đời sống thường nhật. Tuy nhiên, hành động của họ chẳng mấy chốc trở nên quá hình thức. Qua bài giảng trên núi (Mat 5:1-7:29), Chúa Jêsus đã vạch trần sự nông cạn của những người dòng Pha-ri-si. Ngài giải thích rằng “sự công bình thật” là vấn đề thuộc tấm lòng, chứ không chỉ ở hình thức tôn giáo bên ngoài.

Trong đoạn 5 này, nếu chứng bệnh phung minh họa cho sự sa đọa và ô uế của tội lỗi, chứng đau bại này là hình ảnh của sự tê liệt mà chính tội lỗi sản sinh ra trong đời sống. Nhưng Chúa Jêsus còn muốn làm hơn việc chữa bệnh cho người này. Ngài muốn tha tội cho anh ta và dạy đám đông một bài học về sự tha tội.

Kẻ bại liệt không thể đến được với Chúa Jêsus, nhưng anh ta may mắn có 4 người bạn hữu giúp anh đến với Ngài. Trước hết, họ tin rằng Chúa Jêsus sẽ chữa lành người bại (Lu 5:20), đó là đức tin được Đức Chúa Trời hài lòng. Tình yêu họ dành cho người bại đã hiệp sức họ lại, hầu cho không gì có thể khiến họ nản lòng, dù có cả một đám đông áng ngữ trước cửa.

Lẽ ra Chúa chỉ cần chữa bệnh người bại và cho anh ta về, nhưng Ngài dùng cơ hội này để giảng một bài học về tội lỗi và sự tha thứ. Nói với người bệnh rằng: “Tội ngươi đã được tha” dĩ nhiên dễ hơn câu nói “Ngươi hãy đứng dậy mà đi”. Vì sao? Bởi không ai có thể chứng minh tội lỗi người ấy thực sự được tha hay chưa! Chúa Jêsus đã dùng phương pháp khó hơn để chữa lành người bại, đó là điều mọi người tại nơi đó có thể làm chứng.

Trong Lu 5:24, lần đầu tiên ta thấy Lu-ca sử dụng danh hiệu "Con người", từ này được nhắc lại suốt Phúc Âm Lu-ca 24 lần. Những người nghe Chúa dạy dỗ đã quen với danh xưng này. Dân Do Thái lẽ đương nhiên đều biết danh hiệu này nói về Đấng Mê-si-a, nhưng danh hiệu ấy còn gắn bó Ngài với những tội nhân Ngài đến cứu vớt (Lu 19:10).

Từ con người cũ trở thành con người mới (Lu 5:27-39)

Khi Chúa gọi Lê-vi, Ngài đã thực hiện 3 điều: cứu một linh hồn hư mất, thu nhận một môn đệ mới, tạo cơ hội để giải thích chức vụ Ngài cho các bạn hữu của Lê-vi, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si. Sự kiện này có thể đã xảy ra ngay sau khi Chúa chữa lành người bại vì những người Pha-ri-si và các thầy thông giáo vẫn còn ở đó (Lu 5:17). Có thể lúc này Chúa đặt cho Lê-vi một tên mới: “Ma-thi-ơ, tặng phẩm của Đức Chúa Trời” (Lu 6:15 Mat 9:9).

Ma-thi-ơ ngồi tại sở thâu thuế, có nhiệm vụ đánh thuế các mặt hàng buôn bán. Vì giá thuế luôn thay đổi và không rõ ràng, nên người gian dối dễ dàng biển thủ cho riêng mình. Vì vậy Lê-vi cũng bị dân Do Thái xem là kẻ có tội. Ma-thi-ơ nhanh chóng vâng theo tiếng gọi của Chúa, bỏ hết mọi sự và theo Ngài. Ông quá đỗi vui mừng về sự cứu rỗi của Ngài đến đỗi gọi nhiều bạn hữu đến để cùng chia sẻ (Lu 15:6,9,23).

Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si chỉ trích Chúa Jêsus vì họ không hiểu thông điệp và chức vụ Ngài. Để giúp họ hiểu rõ điều này, Chúa Jêsus đưa ra 4 ví dụ minh hoạ về công việc Ngài đang làm:

Thầy thuốc (Lu 5:31,32): Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si xem Ma-thi-ơ và đồng bạn ông như những kẻ tội lỗi đáng bị lên án, nhưng Chúa Jêsus lại xem họ như các con bệnh thuộc linh cần được thầy thuốc cứu giúp. Thật ra, Chúa đã minh hoạ điều này khi làm sạch người phung và chữa lành người bại liệt. Tội lỗi giống như một căn bệnh, khởi đầu từ một vết nhỏ khó phát hiện, sau đó nó âm thầm tiến triển, hủy hoại sức khoẻ ta và cuối cùng sẽ giết chết chúng ta nếu không kịp thời chữa trị. Thật bi thảm khi bệnh hoạn giết chết thân thể con người, nhưng còn khủng khiếp hơn khi tội lỗi kết án linh hồn nơi hỏa ngục!

Chàng rể (Lu 5:33-35): Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si không chỉ tức giận vì cớ đồng bạn của môn đệ Chúa mà còn vì cớ thấy họ vui mừng được theo Chúa và làm bạn với những người khác. Dường như những người Pha-ri-si này chẳng hề kinh nghiệm sự vui mừng trong nếp sống đạo của họ (Mat 6:16; Lu 15:25-32).

Chiếc áo (Lu 5:36): Chúa Jêsus đến không phải vá lại chiếc áo cũ, Ngài đến để ban phát chiếc áo mới. Người Pha-ri-si thừa nhận rằng Do Thái giáo không thể hoàn hảo mọi đàng, có lẽ họ hy vọng Chúa sẽ cộng tác với họ để khôi phục lại tôn giáo cũ kỹ này. Nhưng Chúa cho họ thấy sự ngu dại của cách nghĩ này khi Ngài so sánh chiếc áo cũ với chiếc áo mới. Nếu bạn xé một miếng áo mới vá vào áo cũ, bạn sẽ làm hỏng cả hai chiếc áo. Áo mới bị rách còn áo cũ có miếng vải mới không xứng với nó, khi đem giặt áo cũng sẽ bị rách trở lại. Nhiều người đang mang một tôn giáo “chắp vá” do họ tự tạo, chớ không muốn tin cậy nơi Đấng Christ để được chiếc áo cứu rỗi Ngài ban bởi ân điển!

Bầu rượu (Lu 5:37-39): Nếu chứa rượu chưa lên men vào bầu da cũ dễ vỡ, hơi men sẽ làm vỡ bầu da, cả rượu và bầu đều sẽ bị hư. Sự sống mới của Đức Thánh Linh không thể bị bức ép trong “bầu da cũ” của Do Thái giáo. Chúa Jêsus bày tỏ rằng niềm tin cổ xưa của người Do Thái đã “cũ kỹ” và không lâu sẽ được thay thế (He 8:13). Đa số người Do Thái đều thích những điều xưa cũ, và khước từ những gì mới mẻ.