NHỮNG GỢI Ý:

Lu-ca đoạn 5 giới thiệu cho chúng ta một Chúa Jêsus Đấng biến đổi mọi sự. Chúa Jêsus luôn quan tâm đến từng con người. Dù dạy dỗ trước đám đông, nhưng thông điệp của Ngài cốt dành cho từng cá nhân, và Ngài cũng để thì giờ giúp đỡ họ cách riêng tư. Mục đích của Ngài là muốn biến đổi con người họ, hầu họ sẽ có thể ra đi chia sẻ thông điệp “tha thứ” của Ngài cho những người khác. Trong đoạn này, Lu-ca mô tả những cuộc gặp gỡ của Chúa với 4 nhân vật và những đổi thay họ kinh nghiệm được do tin cậy nơi Ngài.Hôm nay chúng ta sẽ đọc Lu-ca 5:1-16.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 5:10 (BDHD): 

Đức Chúa Jêsus phán với Si-môn: “Đừng sợ, kể từ nay, con sẽ trở nên tay đánh lưới người.”

 

NỘI DUNG

Mẻ lưới kỳ diệu

(Mat 4:18-22; Mac 1:16-20)

1 Một lần kia, khi Đức Chúa Jêsus đứng trên bờ hồ Ghê-nê-xa-rết, dân chúng chen lấn chung quanh Ngài để nghe lời Đức Chúa Trời. 2 Ngài thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. 3 Ngài lên một trong hai chiếc thuyền đó, là chiếc của Si-môn, và bảo ông chèo ra khỏi bờ một chút; rồi Ngài ngồi trên thuyền giảng dạy cho dân chúng.

4 Khi giảng xong, Ngài bảo Si-môn: “Hãy chèo ra ngoài nước sâu, thả lưới để đánh cá.” 5 Si-môn thưa: “Thưa Thầy, chúng con đã làm việc suốt đêm mà không bắt được gì cả nhưng vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới.” 6 Họ thả lưới xuống và bắt được nhiều cá đến nỗi đứt cả lưới. 7 Họ ra hiệu gọi các bạn ở thuyền khác đến giúp. Các bạn ấy đến chở cá đầy hai thuyền, đến nỗi gần chìm. 8 Thấy vậy, Si-môn Phi-e-rơ quỳ xuống ngang đầu gối Đức Chúa Jêsus và thưa: “Lạy Chúa, xin lìa khỏi con, vì con là người có tội.” 9 Vì Si-môn và tất cả những người ở đó với ông đều kinh ngạc về mẻ lưới vừa rồi; cả Gia-cơ và Giăng con Xê-bê-đê, bạn của Si-môn cũng vậy. 10 Đức Chúa Jêsus phán với Si-môn: “Đừng sợ, kể từ nay, con sẽ trở nên tay đánh lưới người.” 11 Họ đem thuyền vào bờ, bỏ mọi sự mà theo Ngài.

Chúa chữa bệnh phong hủi

(Mat 8:1-4; Mac 1:40-45)

12 Khi Đức Chúa Jêsus đang ở trong thành kia, có một người mắc bệnh phong hủi đầy mình, thấy Ngài thì sấp mặt xuống đất van xin: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể khiến con được sạch!” 13 Đức Chúa Jêsus giơ tay chạm đến người ấy và phán: “Ta muốn, hãy sạch đi!” Lập tức, bệnh phong hủi biến mất. 14 Ngài truyền dặn anh ta không được nói với ai và bảo: “Hãy đi trình diện với thầy tế lễ và dâng tế lễ về việc con được sạch, theo như Môi-se dạy, như một lời chứng cho mọi người.” 15 Danh tiếng Ngài ngày càng vang lừng; đông đảo quần chúng tụ họp để nghe Ngài và để được chữa lành bệnh. 16 Nhưng Ngài lánh vào nơi thanh vắng để cầu nguyện.

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Phi-e-rơ: Từ thất bại đến thành công (Lu 5:1-11)

Sự kiện này không giống với sự kiện mô tả trong Mat 4:18-22 và Mac 1:16-20. Theo hai sách đó, Phi-e-rơ và Anh-rê đang bận thả lưới. Nhưng theo sách Lu-ca, họ đã đánh cá cả đêm nhưng không được chi nên phải giặt lưới (nếu lưới không giặt và phơi khô, sẽ bị mục và rách). Chúa Jêsus đã tuyển 4 người này trước đó và, họ đồng hành với Ngài đến Ca-bê-na-um và Ga-li-lê (Mac 1:21-39), nhưng rồi họ đã trở lại với nghề cũ. Giờ đây, Chúa muốn gọi họ dành trọn đời sống cho chức vụ môn đệ Ngài.

Có lẽ trong số môn đệ Chúa, có ít nhất 7 người làm nghề chài lưới (Gi 21:1-3). Bạn nên biết rằng những người đánh cá này nói chung có những phẩm chất khiến họ dễ thành công trong sự hầu việc Chúa. Can đảm, dám nghĩ dám làm, kiên trì, dứt khoát với công việc giữa biển cả, họ cũng có thể có một đức tin lớn. Họ phải sẵn sàng làm việc với nhau và giúp đỡ nhau (vì họ dùng lưới chứ không dùng câu). Họ phải trau dồi tay nghề, những kỹ năng cần thiết để tiến hành công việc nhanh chóng, hiệu quả.

Nếu thả lưới cả đêm mà không được gì, có lẽ chúng ta sẽ bán lưới mình chứ chẳng muốn giặt để rồi phải chuẩn bị lần nữa! Nhưng những người đánh cá chân thật này không chịu bỏ cuộc. Phi-e-rơ vẫn tiếp tục làm việc trong khi Chúa Jêsus dùng thuyền ông làm nơi dạy dỗ cho đoàn dân đông trên bờ.

Lời yêu cầu của Chúa Jêsus còn mang một khía cạnh khác: Phi-e-rơ là một “thính giả bị bắt buộc” khi ông ngồi trong thuyền nghe lời Chúa. “Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Ro 10:17). Trong một thời gian ngắn nữa, Phi-e-rơ sẽ phải bày tỏ đức tin, và Chúa Jêsus đang chuẩn bị cho ông. Trước tiên, Ngài bảo: “Ra khỏi bờ một chút”. Và khi Phi-e-rơ đã sẵn sàng, Ngài ra lệnh: “Hãy chèo ra ngoài sâu, thả lưới mà đánh cá”. Nếu không vâng theo mệnh lệnh đầu tiên dường như vô nghĩa, Phi-e-rơ chắc không bao giờ có thể dự phần vào một phép lạ.

Phi-e-rơ chắc rất ngạc nhiên khi Chúa Jêsus nắm quyền điều khiển chiếc thuyền và những người trên thuyền. Nói cho cùng Chúa Jêsus chỉ là một người theo nghề thợ mộc (Mac 6:31 mà các thợ mộc thì biết gì về nghề đánh cá? Vấn đề mà ai cũng biết là tại biển Ga-li-lê người ta đánh cá vào ban đêm tại vùng nước cạn chớ không phải vào ban ngày ở chỗ nước sâu! Điều Chúa bảo Phi-e-rơ làm thật mâu thuẫn với những gì ông biết và kinh nghiệm, nhưng ông vẫn vâng theo. Chìa khoá vấn đề chính là niềm tin nơi Lời Chúa của Phi-e-rơ: “dầu vậy, tôi cũng theo lời thầy” (Lu 5:5). Từ được dịch là: “thầy” Lu 5:5 chỉ có Lu-ca dùng và nó có nhiều nghĩa khác nhau. Tất cả đều có liên quan đến quyền lực: vị tổng tư lệnh. Quan tòa, thị trưởng, viện trưởng đại học. Phi-e-rơ sẵn sàng phục tùng mệnh lệnh Chúa, dù không hiểu mọi điều Chúa làm. Và bạn nên nhớ rằng, có một đám đông đang dòm ngó quanh bờ!

Cách người ta đáp ứng với sự thành công cho thấy bản chất thật của họ. Thay vì tuyên bố mẻ cá lớn này thuộc về mình, Phi-e-rơ và Anh-rê lại gọi đồng bạn mình đến để cùng dự phần. Chúng ta không phải là những “nguồn tích trữ”, nhưng là những “dòng phước hạnh” chia sẻ cho người khác những gì Đức Chúa Trời đã ban cho ta cách rộng rời.

Từ đau bệnh đến lành mạnh (Lu 5:12-16)

Đây là người cần được thay đổi vì anh ta mắc bệnh phung. Đối với người Do Thái, có nhiều chứng bệnh ngoài da bị liệt vào loại bệnh phung, cũng như bệnh Hansen ngày này. Dù y học ngày nay không ngừng phát triển, vậy mà ước tính có khoảng 10 triệu người trên thế giới mắc bệnh phung. Có một dạng bệnh phung hủy hoại các dây thần kinh khiến bệnh nhân không hề cảm thấy đau đớn. Sự lây nhiễm bắt đầu hình thành và phát triển cho đến khi các tế bào bị thoái hóa, chân tay bị biến dạng và cuối cùng có thể bị rớt ra.

Nhiệm vụ của thầy tế lễ Do Thái là kiểm tra dân sự để biết họ có mắc bệnh phung hay không? (Le 13:1-59). Người nào nhiễm bệnh sẽ bị cô lập và không thể hòa nhập với cộng đồng bình thường cho đến khi được định là “tinh sạch”. Chứng bệnh phung cũng bị Ê-sai ví như một hình ảnh của tội lỗi (Es 1:4-6). Những chỉ dẫn chi tiết trong Le 13:1-14:57 cho thấy có nhiều điểm liên quan đến nghi thức nhiều hơn là duy trì sức khoẻ chung.

Giống như tội lỗi, vít phung nằm sâu hơn da (Le 13:3) nên không thể chữa bằng những phương pháp “bên ngoài” (Gie 6:14). Nó ăn lan cũng như tội lỗi (Le 13:7-8) và gây ô uế (Le 13:44-45). Do ô uế, người mắc bệnh phải bị cô lập ngoài “trại quân” (Le 13:46). Ngày kia, những tội nhân hư mất cũng sẽ bị cô lập nơi địa ngục! Người bị phung giống như “người đã chết” (Dan 12:12) và áo quần vương vết phung phải bị thiêu trong lửa (Le 13:52). Thật ý nghĩa thay đối với tội nhân hư mất nhờ cậy Chúa Jêsus để thoát khỏi “những vết phung! ”

Người phung này không chỉ “cần” được thay đổi, mà anh ta thực lòng “muốn” được thay đổi. Người phung bị buộc phải cách ly, nhưng lần này anh ta quyết định “phá lệ” và đến với Chúa Jêsus cách riêng tư. Qua sách Phúc Âm, Lu-ca chứng minh rằng Chúa Jêsus là bạn của những kẻ bị ruồng bỏ, họ có thể đến với Ngài để được cứu giúp. Người phung này đã hạ mình trước Chúa và cầu xin sự thương xót.

Bởi ân điển và quyền năng Đức Chúa Trời, người bệnh đã được lành! Thực ra, khi Chúa Jêsus “giơ tay rờ đến người ấy”, nghĩa là chính Ngài bị ô uế! Đây là hình ảnh cao đẹp về điều Chúa Jêsus đã làm cho tội nhân hư mất: “Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (IPhi 2:24 IICo 5:21). Ngài không chỉ muốn mọi người được cứu (ITi 2:4 IIPhi 3:9), nhưng Ngài có thể cứu được mọi người (He 7:25) và ngay bây giờ Ngài có thể làm được điều ấy (IICo 6:2).

Chúa Jêsus dặn người được chữa lành đi gặp thầy tế lễ và vâng theo những qui tắc về “lễ làm sạch bệnh phung” được chép trong Le 14:1-32. Lễ này là hình ảnh về công tác của Chúa Jêsus qua sự thành nhục thể, sự chết và sự sống lại của Ngài. Tất cả điều này đều thực hiện “trên nước chảy” đó là biểu tượng về Thánh Linh Đức Chúa Trời. Của lễ này nhắc nhở ta rằng chính Chúa Jêsus đã chết thay chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi.

Chúa Jêsus cấm người này bày tỏ cho kẻ khác về việc Ngài làm, nhưng anh ta đã làm chứng nhiệt tình về Ngài (Chúa Jêsus kêu gọi chúng ta làm chứng cho mọi người, vậy mà chúng ta lại nín lặng!). Vì chứng cớ này, vô số người đã đến với Ngài để được cứu giúp, và Ngài đã giúp họ tận tình. Tuy nhiên, Ngài chẳng có cảm xúc gì với đoàn dân đông này, bởi Ngài biết đa số họ chỉ muốn xem quyền năng chữa bệnh của Ngài chứ không cần sự cứu rỗi của Ngài. Ngài thường tách khỏi đám đông và lánh đi nơi yên tĩnh khác để cầu nguyện, xin sự giúp sức của Đức Chúa Cha. Thật là một gương mẫu để mọi con cái Đức Chúa Trời noi theo.