NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta đọc phân đoạn Lu-ca 4:14-44. Chúng ta chú ý đến mục đích Chúa Jêsus đến để làm gì cho nhân loại? Đó là Ngài đến để công bố Tin Lành của vương quốc Đức Chúa Trời, giảng dạy, chữa lành bệnh và đuổi quỷ trong năng quyền của Đức Thánh Linh.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 4:43 (BDHD): 

Nhưng Ngài phán với họ: “Ta cũng phải công bố Tin Lành của vương quốc Đức Chúa Trời cho các thành phố khác nữa, vì Ta được sai đến với mục đích đó.”

 

NỘI DUNG

Chúa giảng dạy tại Na-xa-rét

(Mat 13:53-58; Mac 6:1-6)

14 Đức Chúa Jêsus trở về miền Ga-li-lê trong quyền năng Thánh Linh, và danh tiếng Ngài vang lừng khắp các miền lân cận. 15 Ngài dạy dỗ trong các nhà hội, mọi người đều ca ngợi Ngài. 16 Đức Chúa Jêsus đến thành Na-xa-rét, là nơi dưỡng dục Ngài. Theo thói quen, vào ngày sa-bát, Ngài đến nhà hội, đứng dậy để đọc. 17 Có người trao cho Ngài cuộn sách tiên tri Ê-sai, Ngài mở ra, tìm thấy chỗ có chép:

18 “Thánh Linh của Chúa ngự trên Ta,

Vì Ngài đã xức dầu cho Ta để truyền giảng Tin Lành cho người nghèo.

19 Ngài đã sai Ta để công bố những người bị giam cầm được phóng thích,

Người mù lòa được sáng mắt,

Người bị áp bức được tự do;

Và công bố năm thi ân của Chúa.”

20 Ngài cuốn sách lại, trả cho người phụ lễ, rồi ngồi xuống. Mọi người trong nhà hội đều chăm chú nhìn Ngài. 21 Ngài bắt đầu nói với họ: “Hôm nay lời Kinh Thánh mà các ngươi vừa nghe đã được ứng nghiệm.” 22 Mọi người đều làm chứng tốt về Ngài, và kinh ngạc trước những lời đầy ân huệ từ miệng Ngài. Họ hỏi: “Chẳng phải người nầy là con Giô-sép sao?” 23 Ngài phán: “Chắc các ngươi muốn nói với Ta câu tục ngữ nầy: 'Hỡi thầy thuốc, hãy tự chữa lành mình! Mọi điều chúng tôi nghe ông đã làm tại thành Ca-bê-na-um, hãy làm tại đây, nơi quê hương ông.’ ” 24 Ngài lại phán: “Thật, Ta bảo các ngươi, không một nhà tiên tri nào được chấp nhận tại quê hương mình. 25 Thật, Ta bảo các ngươi, trong thời Ê-li, khi trời bị đóng chặt trong ba năm sáu tháng, cả xứ bị nạn đói lớn, và trong dân Y-sơ-ra-ên cũng có nhiều bà góa. 26 Tuy nhiên, Ê-li không được sai đến với một người nào trong số họ, ngoại trừ một bà góa ở Sa-rép-ta, xứ Si-đôn. 27 Trong thời tiên tri Ê-li-sê, ở Y-sơ-ra-ên cũng có nhiều người mắc bệnh phong hủi; nhưng không một ai trong họ được sạch, ngoại trừ Na-a-man, người Sy-ri.” 28 Mọi người trong nhà hội nghe những lời đó, thì nổi giận. 29 Họ đứng dậy kéo Ngài ra ngoài thành, đưa Ngài lên đỉnh núi, nơi người ta xây thành, để ném Ngài xuống. 30 Nhưng Ngài lánh khỏi họ và đi nơi khác.

Chúa đuổi quỷ

(Mac 1:21-28)

31 Ngài xuống thành Ca-bê-na-um, thuộc miền Ga-li-lê, và giảng dạy trong ngày sa-bát. 32 Mọi người đều kinh ngạc về sự giảng dạy của Ngài vì lời Ngài đầy uy quyền. 33 Một người bị quỷ ám có mặt trong nhà hội la lớn: “Hỡi Jêsus ở Na-xa-rét! 34 Chúng tôi với Ngài có can hệ gì mà Ngài đến để tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết Ngài là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời!” 35 Nhưng Đức Chúa Jêsus nghiêm trách nó: “Hãy im đi, và ra khỏi người nầy!” Quỷ liền quật ngã người ấy giữa đám đông, rồi lìa khỏi mà không làm gì hại đến anh ta. 36 Mọi người đều sợ hãi, nói với nhau: “Đạo gì vậy? Ông ấy lấy uy quyền và năng lực mà truyền lệnh cho các quỷ và chúng phải ra khỏi.” 37 Danh tiếng Ngài vang lừng khắp các vùng chung quanh.

Chúa chữa lành bà gia của Phi-e-rơ

(Mat 8:14-17; Mac 1:29-34)

38 Đức Chúa Jêsus rời nhà hội, vào nhà Si-môn. Bà gia của Si-môn đang sốt nặng; người ta xin Ngài chữa bệnh cho bà. 39 Ngài đến nghiêng mình về phía bà, quở cơn sốt và sốt lìa khỏi bà. Lập tức bà trỗi dậy và phục vụ mọi người.

Chúa thực hiện các phép lạ và truyền giảng Tin Lành

(Mac 1:35-39)

40 Khi mặt trời lặn, người ta đem những người mắc đủ các chứng bệnh đến với Ngài. Ngài đặt tay lên từng người và chữa lành cho họ. 41 Các quỷ cũng ra khỏi nhiều người và la lớn: “Ngài là Con Đức Chúa Trời!” Nhưng Ngài quở trách và không cho phép chúng nói, vì chúng biết Ngài là Đấng Christ. 42 Vừa rạng sáng, Ngài đi vào nơi thanh vắng. Dân chúng đi tìm Ngài; khi gặp được, họ cố giữ Ngài lại, không cho rời khỏi họ. 43 Nhưng Ngài phán với họ: “Ta cũng phải công bố Tin Lành của vương quốc Đức Chúa Trời cho các thành phố khác nữa, vì Ta được sai đến với mục đích đó.” 44 Vậy, Ngài rao giảng trong các nhà hội miền Giu-đê.

 

Xem một vài địa danh tại Thành Ca-bê-na-um

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Kinh Thánh (Lu 4:14-30)

Những sự kiện được ghi chép trong sách Gi 1:19-4:45 xảy ra ở thời điểm này nhưng Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca đã không ghi lại. Họ đi ngay vào chức vụ của Chúa ở Ga-li-lê, riêng Lu-ca đã tường thuật việc Chúa Jêsus trở về quê hương Ngài ở Na-xa-rét. Giờ đây quyền năng của Jêsus ở Na-xa-rét đã đồn ra cách rộng rãi. Gia đình, bạn hữu và người lân cận cũng nôn nóng muốn gặp để nghe tiếng Ngài.

Chúa Jêsus có thói quen dự lễ thờ phượng chung. Tín hữu chúng ta hôm nay nên học theo thói quen tốt ấy (He 10:24,25). Ngài có thể biện luận rằng hoạt động tôn giáo đang xuống cấp, hoặc Ngài không cần ai chỉ dẫn. Nhưng Ngài không làm thế, vào ngày Sa-bát Ngài vẫn tìm đến nơi cầu nguyện.

Một buổi thờ phượng tiêu biểu ở nhà hội mở đầu bằng sự cầu xin ơn phước Đức Chúa Trời, sau đó đến phần đọc bài tín điều truyền thống Hê-bơ-rơ (Phu 6:4-9; Phu 11:13-21), cầu nguyện, phần đọc những đoạn quy định trong sách Luật Pháp và sách Các Tiên Tri. Người đọc sẽ dẫn giải Kinh Thánh Hê-bơ-rơ bằng tiếng Aram.

Tiếp theo là bài giảng luận ngắn do một người trong hội chúng hoặc một ra-bi được mời (Cong 13:14-16). Nếu có mặt thầy tế lễ, buổi thờ phượng sẽ chấm dứt bằng lời chúc phước. Nếu không, một trong những thuộc viên sẽ cầu nguyện và buổi nhóm chấm dứt.

Chúa Jêsus được yêu cầu đọc Kinh Thánh và giảng luận. Ngài đọc Es 61:1,2 và chọn đoạn này làm đầu đề cho bài giảng của Ngài. Đoạn Kinh Thánh này được các thầy dạy luật Do Thái giải thích có liên quan đến Đấng Mê-si-a và mọi người trong nhà hội đều biết. Bạn tưởng tượng xem họ bàng hoàng biết bao khi Chúa Jêsus dạn dĩ tuyên bố rằng đoạn Kinh Thánh ấy được chép về Ngài, và Ngài phán rằng Ngài đến để đánh dấu “năm lành” của Chúa. Đây là “năm hân hỉ” được chép trong Le 25:1-12. Mỗi năm thứ bảy là năm Sa-bát của dân tộc, năm để cho đất được nghỉ. Năm thứ 50 (sau 7 kỳ năm Sa-bát) được biệt ra làm “Năm hân hỉ”. Mục đích chính của năm đặc biệt này là để điều chỉnh qui lệ kinh tế: tôi tớ được trả tự do để trở về quê quán mình, sản nghiệp bán đi sẽ được trả về cho nguyên chủ, mọi nợ nần được xóa, đất và súc vật được nghỉ ngơi.

Chúa Jêsus đã áp dụng điều trên vào đời sống chức vụ Ngài không theo ý nghĩa chính trị hay kinh tế, nhưng theo ý nghĩa thuộc thể và thuộc linh. Ngài thực sự đem Phúc Âm của sự cứu rỗi đến cho tội nhân hư mất và cứu vớt những kẻ khốn khổ bị hà hiếp. Ngài đã giải phóng nhiều người khỏi bóng tối và xiềng xích của ma quỉ, bệnh tật. Thật vậy, đây chính là “một năm hân hỉ thuộc linh” đối với dân tộc Y-sơ-ra-ên!

Vấn đề ở đây chính là sự vô tín của những người nghe Ngài. Dưới mắt họ, Ngài chỉ là con Ma-ri và Giô-sép, một thanh niên đã lớn lên từ thành phố nơi họ ở. Hơn thế, họ muốn Chúa thực hiện ở Na-xa-rét những phép lạ Ngài từng thực hiện tại Ca-bê-na-um, nhưng Ngài từ chối. Đó là ý nghĩa của câu “Hỡi thầy thuốc, hãy tự chữa lấy mình!”

Lúc đầu, họ ca ngợi cách dạy dỗ của Ngài, nhưng không bao lâu lại trở mặt đối địch cùng Ngài. Vì sao? Bởi Ngài bắt đầu nhắc họ rằng ân điển Đức Chúa Trời cũng dành cho dân ngoại. Tiên tri Ê-li chẳng viếng thăm bất cứ góa phụ Do Thái nào nhưng chỉ giúp cho một góa phụ ngoại bang ở Si-đôn (IVua 17:8-16) và người thừa kế ông là Ê-li-sê đã chữa lành bệnh phung cho một người ngoại xứ Sy-ri (IIVua 5:1-15). Thông điệp ân điển từ Đức Chúa Trời là một đòn nặng giáng vào tính độc quyền cao ngạo của những người trong hội chúng Do Thái, nên họ không muốn ăn năn tội. Bạn hình dung xem, chính “Cậu bé” Jêsus ngày nào của xứ sở này đang tuyên bố rằng dân Do Thái được cứu bởi ân điển giống như người ngoại.

Mọi người rất giận dữ, họ có ý định giết Ngài. Thánh Augustine nói rằng: “Họ thích lẽ thật khi nó làm rạng danh họ, nhưng họ căm ghét lẽ thật khi nó lên án họ!” Đó là suy nghĩ của nhiều người trong giáo hội hôm nay, họ chỉ muốn “các lời đầy ơn lành” (Lu 4:22) nhưng không muốn đối diện với lẽ thật (Gi 1:17).

Bất chấp sự vô tín của dân Na-xa-rét. Thánh Kinh tuyên bố rằng Chúa Jêsus ở Na-xa-rét là Con Đức Chúa Trời. Những ai không cần Ngài và khước từ “năm lành của Chúa”sẽ có một ngày phải đối diện với “ngày báo thù của Đức Chúa Trời chúng ta” (Es 61:2). Ý nghĩa thay khi Chúa Jêsus ngưng đọc tại chính chỗ này!

Ma quỉ (Lu 4:31-44)

Chúa Jêsus rời Na-xa-rét xuống thành Ca-bê-na-um (Mat 4:13-16), đây là quê quán của Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng. Ngài thường dạy dỗ trong nhà hội và khiến mọi người lấy làm lạ về sự dạy dỗ có quyền của Ngài (Mat 7:28,29). Họ càng ngạc nhiên hơn về quyền phép của Ngài đối với tà ma.

Sao một người bị tà ma ám có thể ngồi trong nhà hội? Người ấy không biết rằng Chúa cũng ở đó sao? Chúa không muốn ma quỉ làm chứng về Ngài, nên Ngài bảo nó yên lặng và đuổi nó ra khỏi người bệnh. Dĩ nhiên, ma quỉ biết Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời (Lu 4:34,41) nên nó rất run sợ (Gia 2:19).

Sau đó, Ngài ra khỏi nhà hội, vào nhà Si-môn Phi-e-rơ. Tại đây Ngài đã chữa lành cơn sốt của bà gia Si-môn. Mặt trời lặn là lúc ngày Sa-bát đã qua, nghĩa là có thể chữa bệnh được. Người ta đem đến nhà Phi-e-rơ nhiều kẻ đau bệnh để xin Chúa cứu chữa. Một lần nữa Ngài quở nặng ma quỉ, không cho nó tỏ Ngài là Con Đức Chúa Trời.

Hẳn Chúa rất mỏi mệt sau một ngày đầy ắp công việc, nhưng Ngài thức dậy rất sớm để cầu nguyện lúc tờ mờ sáng (Mac 1:35). Ngài có được sức mạnh và quyền năng trong chức vụ chính bởi sự cầu nguyện. Chúng ta cũng phải cầu nguyện như thế!