NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta đọc Lu-ca 3:21-38.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 3:22 (BDHD): 

Đức Thánh Linh ngự xuống trong hình thể giống như chim bồ câu đậu trên Ngài; lại có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn!”

NỘI DUNG

Đức Chúa Jêsus chịu báp-têm

(Mat 3:13-17; Mac 1:9-11)

21 Khi tất cả dân chúng đều chịu báp-têm, Đức Chúa Jêsus cũng chịu báp-têm. Lúc Ngài đang cầu nguyện thì trời mở ra, 22 và Đức Thánh Linh ngự xuống trong hình thể giống như chim bồ câu đậu trên Ngài; lại có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn!”

Gia phả của Đức Chúa Jêsus

(Mat 1:1-17)

23 Đức Chúa Jêsus bắt đầu chức vụ khi Ngài độ ba mươi tuổi.Theo người ta tin thì Ngài là con Giô-sép, Giô-sép con Hê-li, 24 Hê-li con Mát-tát, Mát-tát con Lê-vi, Lê-vi con Mên-chi,Mên-chi con Gia-nê, Gia-nê con Giô-sép, 25 Giô-sép con Ma-ta-thia, Ma-ta-thia con A-mốt, A-mốt con Na-hum, Na-hum con Ếch-li, Ếch-li con Na-ghê, 26 Na-ghê con Ma-át, Ma-át con Ma-ta-thia, Ma-ta-thia con Sê-mê-in, Sê-mê-in con Giô-sếch, Giô-sếch con Giô-đa, 27 Giô-đa con Giô-a-nan, Giô-a-nan con Rê-sa, Rê-sa con Xô-rô-ba-bên, Xô-rô-ba-bên con Sa-la-thi-ên,(h) Sa-la-thi-ên con Nê-ri, 28 Nê-ri con Mên-chi, Mên-chi con A-đi, A-đi con Cô-sam, Cô-sam con Ên-ma-đan, Ên-ma-đan con Ê-rơ, 29 Ê-rơ con Giô-suê, Giô-suê con Ê-li-ê-se, Ê-li-ê-se con Giô-rim, Giô-rim con Mát-thát, Mát-thát con Lê-vi, 30 Lê-vi con Si-mê-ôn, Si-mê-ôn con Giu-đa, Giu-đa con Giô-sép,Giô-sép con Giô-nam, Giô-nam con Ê-li-a-kim, Ê-li-a-kim con Mê-lê-a, 31 Mê-lê-a con Men-na, Men-na con Mát-ta-tha, Mát-ta-tha con Na-than, Na-than con Đa-vít, 32 Đa-vít con Gie-sê, Gie-sê con Ô-bết, Ô-bết con Bô-ô, Bô-ô con Sa-la, Sa-la con Na-ách-son, Na-ách-son con A-mi-na-đáp, 33 A-mi-na-đáp con Át-min, Át-min con A-rơ-ni, A-rơ-ni con Ếch-rôm, Ếch-rôm con Pha-rê, Pha-rê con Giu-đa, 34 Giu-đa con Gia-cốp, Gia-cốp con Y-sác, Y-sác con Áp-ra-ham,Áp-ra-ham con Tha-rê, Tha-rê con Na-cô, 35 Na-cô con Sê-rúc, Sê-rúc con Rê-hu, Rê-hu con Bê-léc, Bê-léc con Hê-be, Hê-be con Sa-la, 36 Sa-la con Cai-nam, Cai-nam con A-bác-sát, A-bác-sát con Sem,Sem con Nô-ê, Nô-ê con Lê-méc, 37 Lê-méc con Mê-tu-sê-la, Mê-tu-sê-la con Hê-nóc, Hê-nóc con Giê-rệt, Giê-rệt con Ma-ha-la-ên, Ma-ha-la-ên con Kê-nan, 38 Kê-nan con Ê-nót, Ê-nót con Sết, Sết con A-đam, A-đam con Đức Chúa Trời.

 

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Đức Chúa Cha và Đức Thánh Linh (Lu 3:21-38)

Ngày kia, sau khi mọi người đã chịu báp-têm, Chúa Jêsus cũng đến sông Giô-đanh để chịu báp-têm. Lúc đầu, Giăng chối từ (Mat 3:13-15), bởi ông biết rằng Chúa Jêsus ở Na-xa-rét là Con của Đức Chúa Trời không cần ăn năn tội lỗi. Vậy tại sao Con thánh khiết của Đức Chúa Trời lại chịu báp-têm?

Trước tiên, Chúa Jêsus đồng nhất hóa với tội nhân bằng phép báp-têm hầu có thể cứu họ. Phép báp-têm này cũng là sự khởi đầu chức vụ Ngài (Cong 1:21-22; Cong 10:37-38). Lúc ấy Ngài khoảng 30 tuổi (Lu 3:23), giống như những người Do Thái dòng Lê-vi bắt đầu chức vụ họ ở tuổi 30 (Dan 4:3,35). Lời Chúa cho ta biết lý do chính Chúa Jêsus chịu báp-têm “vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy” (Mat 3:15). Phép báp-têm ấy được thực hiện thế nào? Nó được mô tả qua phép báp-têm trong nước của Chúa Jêsus chịu tại sông Giô-đanh. Nhiều học giả Kinh Thánh đã thừa nhận rằng phép báp-têm theo Tân Ước được thực hiện bởi sự ngâm mình toàn thân trong nước. Đó là hình ảnh về sự chết, chôn và sống lại. Phép báp-têm Chúa Jêsus chịu trong nước là hình ảnh về công tác cứu chuộc của Ngài (Lu 12:50; Mat 20:22). Chính bởi phép báp-têm của sự đau đớn trên thập tự giá, Đức Chúa Trời đã “làm cho trọn mọi việc công bình”.

Khi Chúa Jêsus lên khỏi mặt nước, Đức Chúa Cha từ trời phán xuống và nhận Chúa Jêsus là Con yêu dấu của Ngài. Đức Thánh Linh hiện đến với Chúa Jêsus trong hình dạng chim bồ câu. Những ai phủ nhận Chúa Ba Ngôi thật khó lòng giải nghĩa được sự kiện này.

Đây là lần đầu tiên trong 3 sự kiện được ghi lại khi Đức Chúa Cha từ trời phán xuống. Lần thứ hai xảy ra khi Chúa Jêsus hóa hình (Lu 9:28-36) và lần thứ 3 xảy ra vào tuần lễ cuối cùng trước khi Chúa Jêsus lên thập tự (Gi 12:28).

Lu-ca là người duy nhất đề cập đến việc Chúa Jêsus đang cầu nguyện và đây chỉ là một trong nhiều lần cầu nguyện khác (Lu 5:16 Lu 6:12 Lu 9:18,28,29 Lu 11:1 Lu 23:34,46). Là Con người toàn vẹn. Chúa Jêsus phụ thuộc vào Cha trên trời để đáp ứng các nhu cầu của Ngài. Đó chính là lý do Ngài cầu nguyện.

Lu-ca tạm dừng câu chuyện ở đây và cho chúng ta biết về gia phổ Chúa Jêsus. Theo Ma-thi-ơ, gia phổ này (Mat 1:1-17) được bắt đầu từ Áp-ra-ham đến Chúa Jêsus, còn Lu-ca lại bắt đầu gia phổ từ Chúa Jêsus ngược về A-đam. Ma-thi-ơ nói về gia phổ của Giô-sép, là cha nuôi theo luật pháp của Chúa Jêsus. Lu-ca lại nói về gia phổ của Ma-ri, mẹ Ngài. Câu 23 có thể được giải thích: Khi Chúa bắt đầu chức vụ, Ngài độ 30 tuổi, là con Giô-sép. Giô-sép là con Hê-li, Hê-li là tổ tiên của Ma-ri. Ma-ri không được chú ý đến vì phụ nữ không được kể tên trong các gia phổ chính thức, mặc dù Ma-thi-ơ đã kể ra 4 người (Lu 1:3,5,16).

Khi kể gia phổ ở đoạn này, Lu-ca muốn nhắc người đọc nhớ rằng Con Đức Chúa Trời cũng là Con người, được sinh ra trên thế gian và có những nhu cầu, nan đề của con người. Vì Giô-sép và Ma-ri thuộc dòng Đa-vít nên những gia phổ này chứng minh rằng Chúa Jêsus ở Na-xa-rét có quyền hợp pháp nối ngôi Đa-vít (Lu 1:32-33).