NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta sẽ đọc phần Kinh Thánh trong Lu-ca 3:1-20. Lu-ca đã cẩn thận giới thiệu với độc giả những sự kiện xảy ra có liên hệ cụ thể đến từng thời điểm lịch sử rõ ràng. Vì ông muốn mọi người phải biết rằng những điều ông trình bày là sự thật có thể tra cứu, tìm kiếm trong các nguồn tài liệu lịch sử khác chứ không phải là những câu chuyện bịa đặt hoặc do tưởng tượng ra.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 3:16  (BDHD): 

Vì vậy, Giăng trả lời với mọi người: “Tôi làm báp-têm cho các người bằng nước; nhưng có một Đấng uy quyền hơn tôi sẽ đến, tôi không đáng mở quai dép cho Ngài. Ngài sẽ làm báp-têm cho các người bằng Đức Thánh Linh và lửa.

 

NỘI DUNG

Chức vụ của Giăng Báp-tít

(Mat 3:1-12; Mac 1:1-8; Gi 1:19-28)

1 Năm thứ mười lăm dưới triều Sê-sa Ti-be-rơ — khi Pôn-xơ Phi-lát làm tổng đốc xứ Giu-đê; Hê-rốt làm vua chư hầu xứ Ga-li-lê; Phi-líp, em vua ấy, làm vua chư hầu xứ Y-tu-rê và Tra-cô-nít; Ly-sa-ni-a làm vua chư hầu xứ A-by-len; 2 An-ne và Cai-phe làm thầy tế lễ thượng phẩm — thì có lời Đức Chúa Trời truyền cho Giăng, con Xa-cha-ri, trong hoang mạc. 3 Giăng đi khắp các vùng lân cận sông Giô-đanh, rao giảng báp-têm về sự ăn năn để được tha tội, 4 như lời đã chép trong sách tiên tri Ê-sai:

“Có tiếng người kêu lên trong hoang mạc:

Hãy dọn đường cho Chúa, làm thẳng các lối Ngài.

5 Mọi thung lũng phải lấp cho đầy,

Mọi núi đồi phải ban cho thấp;

Đường cong quẹo phải sửa cho ngay,

Lối gập ghềnh phải làm cho phẳng;

6 Và cả nhân loại sẽ thấy ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời.”

7 Vì thế, Giăng nói với đoàn dân đến để ông làm báp-têm rằng: “Hỡi dòng giống rắn độc kia, ai đã báo cho các người biết để chạy trốn cơn thịnh nộ sắp đến? 8 Vậy, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn; đừng tự nhủ: 'Áp-ra-ham là tổ phụ chúng tôi’; vì tôi nói với các người, Đức Chúa Trời có thể khiến những viên đá nầy trở thành con cháu cho Áp-ra-ham được. 9 Cái rìu đã đặt kề gốc cây; cây nào không sinh quả tốt thì sẽ bị đốn và ném vào lửa.” 10 Dân chúng hỏi Giăng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” 11 Ông đáp: “Ai có hai áo hãy chia cho người không có; ai có thức ăn cũng nên làm như vậy.” 12 Cũng có những người thu thuế đến để chịu báp-têm, hỏi rằng: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” 13 Ông bảo họ: “Đừng thu quá mức quy định.” 14 Binh lính cũng hỏi: “Còn chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Đừng hăm dọa hoặc vu khống ai để tống tiền, nhưng hãy bằng lòng về đồng lương của mình.” 15 Tất cả dân chúng đang trông đợi và tự hỏi trong lòng: “Phải chăng Giăng là Đấng Christ?” 16 Vì vậy, Giăng trả lời với mọi người: “Tôi làm báp-têm cho các người bằng nước; nhưng có một Đấng uy quyền hơn tôi sẽ đến, tôi không đáng mở quai dép cho Ngài. Ngài sẽ làm báp-têm cho các người bằng Đức Thánh Linh và lửa. 17 Tay Ngài cầm nia để rê thật sạch sân lúa mình và thu lúa vào kho; nhưng rơm rạ thì đốt trong lửa chẳng hề tắt.” 18 Giăng cũng dùng nhiều lời khuyên bảo khác mà rao giảng Tin Lành cho dân chúng. 19 Nhưng khi Hê-rốt, vua chư hầu, bị Giăng quở trách về việc lấy Hê-rô-đia, vợ của em mình, và về tất cả các tội ác vua đã làm 20 thì vua lại phạm thêm một tội ác nữa, là bỏ tù Giăng.

 

Một đoạn sông Giô-đanh hiện nay

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Giăng Báp-tít (Lu 3:1-20)

Giăng Báp-tít xuất hiện khi nào? Giăng Báp-tít xuất hiện sau thời gian 400 năm dân Y-sơ-ra-ên không được nghe lời tiên tri nào, đó là khoảng thời gian giữa Cựu Ước và Tân Ước. Sự hiện diện của ông nằm trong tính toán hoàn hảo của Đức Chúa Trời, vì mọi sự có liên quan đến Con Đức Chúa Trời luôn đúng ngày giờ (Ga 4:4 Gi 2:4; Gi 13:1). Năm thứ 15 đời Sê-sa Ti-bê-rơ là năm 28 hoặc 29 SC.

Trong Lu 3:1-2, Lu-ca nhắc đến 7 người: Sê-sa, quan tổng đốc, 3 vua chư hầu và 2 thầy tế lễ cả thượng phẩm. Không ai trong số họ nhận được Lời phán Đức Chúa Trời. Trái lại, thông điệp của Đức Chúa Trời đã đến với Giăng Báp-tít, một tiên tri Do Thái khiêm nhường!

Giăng Báp-tít xuất hiện như thế nào? Giăng cũng giống như tiên tri Ê-li về phong cách và y phục (Lu 1:17; Mat 3:4; IIVua 1:8), ông đi qua miền cận sông Giô-đanh, giảng dạy và làm phép báp-têm cho mọi người. Ông rao giảng về sự đến của Nước Trời (Mat 3:3) và giục lòng mọi người ăn năn. Hằng thế kỷ trước dân Y-sơ-ra-ên đã vượt qua sông Giô-đanh để nhận miền đất hứa. Giờ đây Đức Chúa Trời kêu gọi họ ăn năn tội lỗi để bước vào Vương quốc thuộc linh của Ngài.

Cần nhớ rằng ngoài việc giảng dạy đề kháng tội lỗi Giăng cũng rao truyền Phúc Âm. Giăng tuyên bố Chúa Jêsus là “Chiên Con Đức Chúa Trời” (Gi 1:29) và kêu gọi mọi người tin nhận Ngài. Giăng vui mừng vì có cơ hội giới thiệu mọi người cho Đấng Christ và rồi lui vào hậu trường.

Điểm đặc biệt trong chức vụ của Giăng là làm phép báp-têm (Gi 1:25-28; Lu 20:1-8). Phép báp-têm chẳng có gì lạ đối với người dân Do Thái, bởi người Do Thái vẫn làm báp-têm cho người ngoại cải đạo. Nhưng Giăng lại làm báp-têm cho chính người Do Thái, thật là điều không bình thường! Cong 19:1-5 giải thích rằng phép báp-têm của Giăng hướng về sự đến của Đấng Mê-si-a, còn phép báp-têm của Cơ Đốc quay lại với công tác cứu chuộc đã hoàn tất của Đấng Christ.

Tuy nhiên, có điều còn vượt hơn phép báp-têm của Giăng. Đó là phép báp-têm mà Đấng Christ sẽ thực hiện (Lu 3:16). Ngài sẽ làm phép báp-têm cho người tin nhận bằng Thánh Linh, và điều này được bắt đầu vào ngày Lễ Ngũ tuần (Cong 1:5; Cong 2:1-4). Hôm nay, khi một tội nhân tin nhận Chúa Jêsus, người ấy cần được báp-têm bằng nước và báp-têm bởi Đức Thánh Linh để hiệp làm một thân trong Đấng Christ (ICo 12:13).

Tại sao Giăng Báp-tít xuất hiện? (Lu 3:4-20). Những minh họa trong đoạn này sẽ giúp ta hiểu chức vụ Đức Chúa Trời giao phó cho Giăng.

Khởi đầu chức vụ, Giăng Báp-tít là “tiếng kêu lên trong đồng vắng” (Lu 3:4; Es 40:1-5; Gi 1:23). Ông giống như sứ giả đi trước đoàn diễu hành của Hoàng gia để dọn đường tiếp đón nhà vua. Về thuộc linh, dân Y-sơ-ra-ên đang sống trong “đồng vắng” của sự vô tín, những con đường dẫn đến lẽ thật thuộc linh đã bị cong quẹo và xuống cấp, sự sa ngã của chức tế lễ (thay vì chỉ có một thầy tế lễ cả, vậy mà đã có 2 thầy tế lễ cả), sự giả hình về pháp luật của các học giả tôn giáo và người Pha-ri-si đã làm suy yếu thuộc linh của dân tộc này. Họ thực sự cần được nghe tiếng nói từ Đức Chúa Trời và Giăng chính là tiếng nói đáng tin cậy ấy.

Nhiệm vụ của Giăng là dọn lòng người tiếp Đấng Christ và bày tỏ cho họ về Ngài (Lu 1:16-17,76,77; Gi 1:6-8,15-34). Ông khiển trách tội lỗi và rao truyền sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, vì nếu không có sự nhận biết về tội lỗi, sẽ không có sự hối cải.

Giăng cũng được so sánh với người nông dân đốn chặt những cây vô dụng (Lu 3:9) và tách lúa mì khỏi trấu (Lu 3:17). Giống như những tội nhân thuộc linh hôm nay, nhiều người Do Thái nghĩ rằng họ được định sẵn ở thiên đàng đơn giản chỉ vì họ là con cháu Áp-ra-ham (Gi 8:31-34; Ro 4:12-17; Ga 3:26-29). Giăng nhắc nhở họ rằng Đức Chúa Trời xét mọi sự đến tận gốc, và không khoan nhượng với kẻ chỉ mang danh nghĩa tôn giáo chứ không hề sanh trái tốt. Trong kỳ phán xét cuối cùng, người tin Chúa thật (lúa mì) sẽ được Đức Chúa Trời nhóm lại, còn tội nhân hư mất (trấu) sẽ bị đốt nơi hồ lửa.

Trong Lu 3:7, Giăng mô tả những tội nhân công bình riêng như loài rắn trườn ra khỏi đám cỏ vì có một ngọn lửa đang đến gần. Chúa Jêsus cũng từng so sánh người Pha-ri-si với loài rắn lục (Mat 23:33), vì sự công bình riêng và lòng vô tín đã khiến họ trở thành con cái ma quỉ (Gi 8:44-45; Kh 20:2). Bi thảm thay, những người lãnh đạo tôn giáo đã từ chối thông điệp của Giăng và không muốn chấp nhận phép báp-têm của Giăng (Lu 20:1-8). Không những họ không được hưởng thiên đàng mà còn làm gương xấu và dạy dỗ người ta sai lẽ thật, ngăn trở kẻ khác bước vào thiên đàng.

Giăng Báp-tít cũng là một người thầy (Lu 3:12). Ông không chỉ giảng đạo trước công chúng, mà còn có một nhiệm vụ riêng đối với dân tộc, cho họ biết cách bày tỏ niềm tin (Lu 3:10-14). Ông khuyên họ đừng ích kỷ nhưng phải chia sẻ phước hạnh với người khác (Cong 2:44-45 Cong 4:32-37).

Cả những người thâu thuế cũng đến với Giăng để được khuyên nhủ. Họ bị những người Do Thái khinh ghét vì họ làm việc cho người La Mã và thường “moi” tiền dân chúng. Lu-ca nhấn mạnh vấn đề Chúa Jêsus làm bạn với những người thâu thuế (Lu 5:27; Lu 15:1-2; Lu 19:1-10). Giăng không khuyên họ phải chấm dứt công việc, nhưng khuyên họ phải làm việc cách lương thiện.

Tương tự như vậy, quân lính cũng không bị lên án bởi nghề nghiệp của họ. Hơn thế, Giăng khuyên họ phải tự kiềm chế, không dùng quyền hạn mình có để tư lợi. Có lẽ họ là những quân nhân Do Thái có sự gắn bó với đền thờ hoặc với tòa án của một trong những quan cai trị Do Thái. Dường như lính La Mã không bao giờ học hỏi ở một tiên tri Do Thái để được sự khuyên răn!

Giăng trung tín trong chức vụ mình, dọn lòng người và cho họ biết về Đấng Christ. Ông khẳng định Jêsus là “Chúa” (Lu 3:4) và là Con Đức Chúa Trời (Gi 1:34). Do đã can gián vua Hê-rốt về việc quan hệ với Hê-rô-đia, ông đã bị vua cầm tù và cuối cùng bị xử trảm. Dầu vậy, ông đã trung tín hoàn tất nhiệm mạng Đức Chúa Trời giao phó và đã dọn lòng người gặp Đấng Christ - Con Đức Chúa Trời.