NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta tiếp tục đọc phần Lu-ca 20:20-26 về những sự kiện xảy ra trong ngày thứ Ba của tuần lễ cuối cùng của Chúa Jêsus.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 20:25  (BDHD): 

Ngài phán: “Thế thì, hãy trả cho Sê-sa những gì của Sê-sa; hãy trả cho Đức Chúa Trời những gì của Đức Chúa Trời.”

 

NỘI DUNG

Đức Chúa Trời và Sê-sa

(Mat 22:15-22; Mac 12:13-17)

20 Vậy, họ theo dõi Đức Chúa Jêsus và sai những thám tử giả vờ làm người thật thà, mong bắt bẻ Ngài trong lời nói để nộp Ngài cho nhà cầm quyền và tòa tổng đốc. 21 Những người đó hỏi Đức Chúa Jêsus: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy nói và dạy một cách đúng đắn, không thiên vị ai, nhưng dạy đường lối của Đức Chúa Trời cách trung thực. 22 Vậy, việc chúng tôi nộp thuế cho Sê-sa có đúng luật hay không?” 23 Biết rõ sự xảo trá của họ, Ngài bảo: 24 “Hãy cho Ta xem một đồng đơ-ni-ê. Đồng tiền nầy mang hình và hiệu của ai?” Họ đáp: “Sê-sa.” 25 Ngài phán: “Thế thì, hãy trả cho Sê-sa những gì của Sê-sa; hãy trả cho Đức Chúa Trời những gì của Đức Chúa Trời.” 26 Trước mặt dân chúng, họ không thể bắt bẻ Ngài một lời nào cả. Họ kinh ngạc trước câu giải đáp của Ngài nên đành nín lặng.

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Câu hỏi về Sê-sa (Lu 20:20-26)

Chúa Jêsus biết rằng những kẻ hỏi Ngài là do thám của người Pha-ri-si và đảng Hê-rốt (Mac 12:13), nhưng Ngài vẫn kiên nhẫn nghe và đáp lời họ. Hai nhóm người này luôn công kích nhau nhưng nay do họ có chung một “kẻ thù” nên họ phải hợp tác nhau. Họ muốn bàn luận về vấn đề thuế và quyền hạn của La Mã, mong Chúa Jêsus sẽ kích động người Do Thái nếu Ngài trả lời “Hãy đóng thuế” hoặc kích động người La Mã nếu Ngài trả lời “đừng đóng thuế”. Nhưng Chúa đã đưa vấn đề này lên một mức suy nghĩ thâm thúy và buộc những kẻ do thám này phải suy nghĩ về mối liên hệ giữa Nước Trời và nước của loài người.

Nhà cầm quyền được Đức Chúa Trời lập ra nên chúng ta phải tôn trọng (Ch 8:15; Da 2:21,37-38 Ro 13:1-14; IPhi 2:11,17). Chúng ta là công dân Nước Trời (Phi 3:20) và là khách lữ hành trên đất. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là chúng ta có thể làm ngơ đối với bổn phận trên đất của mình. Chính quyền của con người rất cần thiết cho một xã hội an ninh trật tự, vì con người vốn là tội nhân cần phải được kiểm soát.

Chúa không muốn nói rằng chúng ta “phân tán” sự trung thành của mình giữa Đức Chúa Trời và chính quyền. Vì “các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định” (Ro 13:1) nên chúng ta phải sống như những công dân mẫu mực khi vâng phục những bậc cầm quyền theo ý Chúa. Nếu sự vâng phục Đức Chúa Trời mâu thuẫn với loài người, vậy chúng ta phải đặt Đức Chúa Trời lên trên mọi sự (Cong 4:19-20; Cong 5:29), nhưng hãy hành động với thái độ khiêm nhường và yêu thương. Dù không thể tôn trọng những người trong cơ quan, chúng ta phải tôn trọng cơ quan đó. Lời của Giê-rê-mi khuyên dân Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn cũng là một lời khuyên hữu ích đối với những “khách lữ hành” của Đức Chúa Trời hôm nay (Gie 29:4-7): “Hãy tìm sự bình an cho thành!”

Hình và hiệu của Sê-sa ở trên đồng tiền, nên nó đúng là tiền của Sê-sa. “Đóng thuế” đơn giản có nghĩa là trả cho Sê-sa những gì thuộc về ông ta. Hình ảnh Đức Chúa Trời được ấn chứng trên chúng ta nên Ngài có quyền điều khiển đời sống chúng ta, như những công dân của riêng Ngài. Chúng ta phải cố gắng trở nên những công dân gương mẫu hầu làm sáng danh Đức Chúa Trời và khiến những người chưa tin biết đến Phúc Âm của Đức Chúa Trời và muốn trở thành Cơ Đốc nhân (IPhi 2:9-12; IPhi 3:8-17).

Thật bất hạnh cho những tín hữu có suy nghĩ sai lầm rằng càng trở thành những công dân bị chê bai, họ càng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và là chứng nhân cho Đấng Christ! Đừng làm trái với lương tâm, nhưng hãy là những người đem đến sự hòa bình chớ đừng là kẻ gây rối. Đa-ni-ên là một gương cho chúng ta noi theo (Da 1:1-21).

 

Do KT