NHỮNG GỢI Ý:

NHỮNG VẤN ĐỀ VÀ CÂU GIẢI ĐÁP (Lu 20:1-47)

Chúa Jêsus đã cho các sứ đồ biết trước sự chống nghịch bắt bớ họ sẽ gặp khi đến Giê-ru-sa-lem. “Con người phải chịu nhiều điều khốn khổ, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo bỏ ra, phải bị giết, ngày thứ ba phải sống lại” (Lu 9:22). Chúa biết rõ những điều sẽ xảy đến, Ngài không hề nao núng.

Qua đoạn này, bạn sẽ thấy 3 nhóm chức sắc tôn giáo (Lu 20:1) cùng chứng cớ họ nghịch Chúa. Họ thách thức Ngài vì Ngài đã dọn dẹp đền thờ và gọi họ là “trộm cướp”. Họ cố bắt bẻ lời Ngài để vu cáo và bắt Ngài như một tội phạm. Những câu hỏi họ đặt ra cho Chúa chỉ là “trò lừa đảo”. Từ “bỏ ra” trong Lu 9:22 (tương tự Lu 20:17) có nghĩa như “loại bỏ sau khi kiểm nghiệm”. Dân Do Thái kiểm nghiệm các chiên con dành cho lễ Vượt Qua rất cẩn thận (từ ngày mồng 10 đến ngày 14) để đảm bảo chúng không tì vít (Xu 12:1-6). Là Chiên Con của Đức Chúa Trời (Gi 1:29), Chúa Jêsus cũng bị kẻ thù dò xét suốt tuần lễ cuối cùng. Dù đã thấy và nghe mọi điều, họ vẫn muốn “loại bỏ” Ngài. Tuy nhiên, Ngài cũng muốn dò xét họ! Khi chất vấn Ngài, họ bị Ngài đặt câu hỏi lại, và lời đáp của họ phơi bày tấm lòng tối tăm, đầy thù hận và vô tín. Chúng ta sẽ lần lượt xem qua những câu hỏi của Chúa nhằm vào những nhân vật khác nhau.

Hôm nay chúng ta đọc phần Lu-ca 20:1-19.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 20:19  (BDHD): 

Chính giờ đó, các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo tìm cách bắt Ngài, vì biết Ngài dùng ẩn dụ ấy ám chỉ họ, nhưng họ lại sợ dân chúng.

 

NỘI DUNG

Chất vấn về thẩm quyền của Đức Chúa Jêsus (Mat 21:23-27; Mac 11:27-33)

1 Một hôm, khi Đức Chúa Jêsus đang dạy dỗ dân chúng trong đền thờ và rao giảng Tin Lành thì các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo, và các trưởng lão đến 2 hỏi Ngài rằng: “Hãy cho chúng tôi biết bởi thẩm quyền nào mà Thầy làm những việc nầy, hay ai đã cho Thầy thẩm quyền ấy?” 3 Ngài đáp: “Ta cũng hỏi các ngươi một câu. Hãy nói cho Ta: 4 Báp-têm của Giăng đến từ trời hay đến từ loài người?” 5 Họ bàn luận với nhau: “Nếu chúng ta nói: 'từ trời’ thì ông ấy sẽ nói: 'Vậy tại sao các ông không tin Giăng?’ 6 Còn nếu chúng ta nói: 'từ loài người’ thì cả dân chúng sẽ ném đá chúng ta, vì họ đã tin chắc Giăng là một nhà tiên tri.” 7 Vì vậy, họ trả lời rằng họ không biết báp-têm ấy đến từ đâu.8 Đức Chúa Jêsus đáp: “Ta cũng sẽ không nói cho các ngươi biết bởi thẩm quyền nào Ta làm những việc nầy.”

 

Ẩn dụ về người thuê vườn nho (Mat 21:33-46; Mac 12:1-12)

9 Đức Chúa Jêsus bắt đầu kể cho dân chúng ẩn dụ nầy: “Một người kia trồng một vườn nho và cho những người trồng nho thuê, rồi đi đến một xứ khác trong một thời gian dài. 10 Đến mùa, chủ sai một đầy tớ đến gặp những người trồng nho để nhận phần hoa lợi của vườn nho. Nhưng các người trồng nho đánh đầy tớ, rồi đuổi về tay không. 11 Chủ sai tiếp một đầy tớ khác, nhưng họ cũng đánh đập, nhục mạ và đuổi về tay không. 12 Chủ lại sai một đầy tớ thứ ba nữa, nhưng họ cũng đánh nó bị thương và đuổi đi. 13 Bấy giờ, chủ vườn nho nói: 'Ta phải làm gì đây? Ta sẽ sai con trai yêu dấu của ta đến, có thể họ sẽ kính nể!’ 14 Nhưng khi thấy con trai ấy, các người trồng nho bàn với nhau: 'Đây là con thừa kế, hãy giết nó thì gia tài sẽ về tay chúng ta.’ 15 Chúng ném con trai ấy ra ngoài vườn nho và giết đi. Vậy chủ vườn nho sẽ xử chúng ra sao? 16 Ông ta sẽ đến và diệt bọn trồng nho ấy, rồi giao vườn nho cho những người khác.” Khi nghe những lời ấy, họ nói: “Đời nào có chuyện đó!” 17 Đức Chúa Jêsus nhìn họ và nói: “Vậy thì lời chép nầy có nghĩa gì?

'Hòn đá bị thợ xây nhà loại ra,

Đã trở nên đá góc nhà.’

18 Ai ngã nhằm đá nầy thì sẽ bị giập nát, còn đá nầy rơi trúng ai thì sẽ nghiền nát người ấy.” 19 Chính giờ đó, các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo tìm cách bắt Ngài, vì biết Ngài dùng ẩn dụ ấy ám chỉ họ, nhưng họ lại sợ dân chúng.

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Câu hỏi về Giăng Báp-tít (Lu 20:1-19)

Việc dọn dẹp đền thờ là sự kiện gây ấn tượng mạnh mẽ khiến dân chúng chú ý đến, cũng như khơi dậy lòng tức giận của giáo hội. Việc Chúa chọn đền thờ làm trung tâm dạy dỗ dân chúng cũng khiến một số viên chức của Tòa Công Luận phẫn nộ. Họ đặt câu hỏi “Bởi thẩm quyền nào mà thầy làm những điều này? Hay là ai đã ban cho thầy thẩm quyền ấy?”

Thẩm quyền có ý nghĩa quyết định sự thành công của một tổ chức xã hội, chính trị hay tôn giáo. Không có thẩm quyền, bạn sẽ gặp trở ngại. Các thầy tế lễ cả khẳng định thẩm quyền của họ từ Môi-se, vì luật pháp chọn dòng Lê-vi hầu việc trong đền thánh. Các thầy thông giáo khẳng định thẩm quyền của họ từ các giáo sư họ học. Các trưởng lão của Y-sơ-ra-ên là người đứng đầu các thị tộc, được chọn lựa do có kinh nghiệm và khôn ngoan. Những nhóm người này đều biết chắc thẩm quyền mình nên họ không ngại đối đầu với Chúa. Họ muốn đẩy Chúa vào thế khó xử để dù Ngài trả lời thế nào đi nữa Ngài vẫn bị mắc bẫy. Nếu Chúa nói Ngài không có thẩm quyền nào, Ngài sẽ bị dân Do Thái phản đối vì đã xâm phạm đền thờ và hành động như một tiên tri. Nếu nói thẩm quyền đến từ Trời, Ngài sẽ gặp rắc rối với người La Mã, những kẻ luôn cảnh giác với những người tự xưng là Đấng Mê-si-a đặc biệt trong kỳ lễ Vượt Qua (xem Cong 5:34-39; Cong 21:37-39).

Bạn hãy chú ý đến phản ứng đầy khôn ngoan của Chúa khi Ngài xoay chuyển mọi vấn đề và dồn những kẻ chất vấn Ngài vào thế “phòng thủ”. Trước hết, Ngài đặt một câu hỏi (Lu 20:3-8), kế đến cho một ví dụ (Lu 20:9-16) và sau cùng Ngài trích dẫn lời tiên tri (Lu 20:17,18). Trong mọi phản ứng, Ngài vạch trần tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên.

Tội khước từ trong quá khứ (Lu 20:3-8). Chúa nhắc về Giăng Báp-tít với 2 lý do: lý do thứ nhất, Giăng đã làm chứng về Chúa Jêsus cho dân tộc (Gi 1:15-34). Vì vậy việc họ chối bỏ Giăng cũng đồng nghĩa với sự chối bỏ Chúa. Thứ hai, theo nguyên tắc thuộc linh, nếu chúng ta không vâng theo lẽ thật đã biết, thì Đức Chúa Trời không thể bày tỏ cho chúng ta lẽ thật nào khác (Gi 7:14-17). Tại sao Chúa phải trả lời câu hỏi của họ khi họ không tin lời Giăng?

Giờ đây chính các chức sắc tôn giáo mới thật là những kẻ ở thế “tiến thoái lưỡng nan”. Dù trả lời ra sao, họ vẫn gặp rắc rối nên họ quyết định chẳng nói gì. Họ gian dối khi đặt câu hỏi với Chúa và thiếu thành thật khi trả lời Ngài. Dù Chúa đã trả lời họ, vẫn không khiến lòng họ thay đổi. Nếu đã không tin thông điệp Đức Chúa Trời qua Giăng Báp-tít (Lu 7:24-30), họ cũng sẽ không tin lời của Con Đức Chúa Trời. Đó là ý chính của ví dụ Chúa nêu ra.

Tội chống nghịch trong hiện tại (Lu 20:9-16). Những người này biết Kinh Thánh và hiểu rằng Chúa nói về “vườn nho” của Y-sơ-ra-ên (Es 5:1-7; Thi 80:8). Đức Chúa Trời đã ban phước dư dật cho dân tộc này, Ngài cho họ một miền đất phì nhiêu và hấp dẫn. Ngài chỉ muốn họ vâng theo mệnh lệnh Ngài và dâng cho Ngài “hoa lợi thuộc linh” xứng đáng.

Thay vì có lòng biết ơn và vui mừng dâng lên Chúa những gì thuộc về Ngài, dân này đã phản nghịch Chúa và giết các đấng tiên tri của Ngài (Ne 9:26; Gie 7:25-26; Gie 25:4). Đức Chúa Trời đầy lòng nhẫn nhục đã sai từng tôi tớ đến với họ nhưng họ không tin theo (Mat 23:29-39). Sau cùng, Ngài sai chính Con yêu dấu của Ngài (Lu 3:22) nhưng cũng bị họ giết đi. Qua câu chuyện này, Chúa cũng báo trước về sự chết của Ngài.

Theo luật Do Thái, ai cũng có thể giữ tài sản vô chủ. Những kẻ thuê đất nghĩ rằng chủ đã chết, nếu không thì ông hẳn đã đích thân đến. Nếu giết con trai của chủ, họ có thể giành lấy vườn nho cho mình. Đây chính là cách suy nghĩ của các chức sắc tôn giáo khi họ đối diện với Chúa Jêsus (Gi 11:47-54).

Sự tàn rụi trong tương lai (Lu 20:17-18). Chúa nhìn chăm vào họ và trích dẫn Thi 118:22. Các nhà lãnh đạo biết rằng đây là Thi Thiên nói về Đấng Mê-si-a và họ đã từng nghe dân chúng la lớn những lời ấy khi Chúa cỡi lừa tiến vào thành Giê-ru-sa-lem (Lu 19:38; Thi 118:22). Khi áp dụng lời Kinh Thánh cho chính mình, Chúa tuyên bố công khai Ngài là Đấng Mê-si-a. Dĩ nhiên, những “thợ xây nhà” là các chức sắc Do Thái này (Cong 4:11).

Trong Cựu Ước, “đá” là biểu tượng chỉ về Đức Chúa Trời và về Đấng Mê-si-a (Sa 49:24; Xu 17:6; Xu 33:22; Phu 32:4,15,30-31; Es 8:14; Es 28:16; ICo 10:4). Bởi vô tín, dân Do Thái đã “ngã nhằm” Ngài và bị đoán phạt. Những ai tin nơi Chúa Jêsus đều nhận biết Ngài là “nền” và “đá góc nhà” của Hội Thánh (ICo 3:11; Eph 2:20).

Chúa Jêsus cũng nhắc đến Da 2:34-35,44-45 Đấng Mê-si-a được hình dung như “hòn đá đập vỡ” nghiền nát tất cả mọi thứ trên đường đi. Ngài cảnh cáo những nhân viên Tòa Công Luận rằng họ chỉ tự hủy diệt mình nếu lên án Ngài. Nguyên tắc này vẫn áp dụng cho hôm nay và những ai vô tín nên cẩn thận chú ý đến lời khuyến cáo này.

Khi giết Giăng Báp-tít các nhà lãnh đạo đã phạm tội nghịch với Đức Chúa Trời là Đấng đã sai ông đến. Khi đóng đinh Chúa Jêsus, họ phạm tội nghịch với Con Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus cho họ biết rằng họ vẫn được tha thứ nếu chỉ phạm tội nghịch Ngài, nhưng sẽ không có sự tha thứ nếu phạm tội nghịch cùng Đức Thánh Linh (Mat 12:24-37). Vì sao? Bởi đó là chứng cớ cuối cùng Đức Chúa Trời bày tỏ cho dân này. Các nhà lãnh đạo Do Thái đã phạm tội gọi là “tội không thể tha thứ” khi họ chối bỏ chứng cớ về Thánh Linh của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua các sứ đồ. Việc ném đá Ê-tiên là bằng chứng về sự chống nghịch của họ (Cong 7:51-60). Sau đó, Phúc Âm của Đức Chúa Trời từ dân Do Thái đã đến với dân Sa-ma-ri (Cong 8:1-40) và dân ngoại (Cong 10:1-48).

Qua câu chuyện, Chúa Jêsus bày tỏ bản chất ngấm ngầm của tội lỗi: chúng ta càng phạm tội, bản chất tội lỗi càng trở nên tệ hại hơn. Những kẻ thuê đất trong câu chuyện chỉ bắt đầu bằng hành động làm bị thương các đầy tớ nhưng sau cùng chúng đã trở thành những kẻ sát nhân! Các quan trưởng Do Thái ra lệnh giết Giăng Báp-tít, muốn Chúa Jêsus phải bị đóng đinh và sau đó chính họ đã ném đá Ê-tiên. Họ phạm tội nghịch với Đức Chúa Trời, Con Ngài và Đức Thánh Linh -chứng cớ cuối cùng Đức Chúa Trời tỏ cùng họ.

Thật sai lầm biết bao nếu chối bỏ lời Đức Chúa Trời và không tin các tôi tớ Ngài (He 2:1-4; Gi 12:35-43)!

 

 

Do KT