NHỮNG GỢI Ý:

Chúng ta tiếp tục đọc Lu-ca 19:29-48

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 19:46  (BDHD): 

Nhà ta sẽ là nhà cầu nguyện; song các ngươi làm thành ra một cái hang trộm cướp.

 

NỘI DUNG

Sự vào thành Giê-ru-sa-lem

29 Đức Chúa Jêsus gần đến thành Bê-pha-giê và Bê-tha-ni, ngang núi gọi là Ô-li-ve, sai hai môn đồ đi, 30 và dặn rằng: Hãy đi đến làng trước mặt các ngươi; khi vào làng, sẽ thấy một lừa con buộc đó, chưa hề có ai cỡi; hãy mở và dắt về cho ta. 31 Hoặc có ai hỏi sao các ngươi mở nó ra, hãy trả lời rằng: Chúa cần dùng lừa nầy. 32 Hai người được sai ra đi, quả gặp mọi điều y như Đức Chúa Jêsus đã phán. 33 Đang mở lừa con, các chủ lừa hỏi rằng: Sao mở lừa con nầy ra? 34 Hai người trả lời rằng: Chúa cần dùng nó. 35 Hai người bèn dắt lừa về cho Đức Chúa Jêsus; rồi lấy áo mình trải trên con lừa, nâng Ngài lên cỡi.

36 Khi Đức Chúa Jêsus đang đi tới, có nhiều kẻ trải áo trên đường. 37 Lúc đến gần dốc núi Ô-li-ve, cả đám môn đồ lấy làm mừng rỡ, và cả tiếng ngợi khen Đức Chúa Trời về những phép lạ mình đã thấy, 38 mà nói rằng: Đáng ngợi khen Vua nhân danh Chúa mà đến! Bình an ở trên trời, và vinh hiển trên các nơi rất cao! 39 Bấy giờ, có mấy người Pha-ri-si ở trong đám dân đông nói cùng Ngài rằng: Thưa thầy, xin quở trách môn đồ thầy! 40 Ngài đáp rằng: Ta phán cùng các ngươi, nếu họ nín lặng thì đá sẽ kêu lên.

41 Khi Đức Chúa Jêsus gần đến thành, thấy thì khóc về thành, và phán rằng: 42 Ước gì, ít nữa là ngày nay, mầy đã hiểu biết sự làm cho mầy được bình an! Song hiện nay những sự ấy kín giấu nơi mắt mầy. 43 Vì sẽ có ngày xảy đến cho mầy, khi quân nghịch đào hố xung quanh mầy, vây mầy chặt bốn bề. 44 Họ sẽ hủy hết thảy, mầy và con cái ở giữa mầy nữa. Không để cho mầy hòn đá nầy trên hòn đá kia, vì mầy không biết lúc mình đã được thăm viếng.

Sự dẹp sạch trong đền thờ

(Mat 21:12-17; Mac 11:15-19; Gi 2:13-22)

45 Đức Chúa Jêsus vào đền thờ rồi, bèn đuổi những kẻ bán ở đó ra, 46 mà phán rằng: Có lời chép rằng: Nhà ta sẽ là nhà cầu nguyện; song các ngươi làm thành ra một cái hang trộm cướp.

47 Hằng ngày Ngài giảng dạy trong đền thờ. Các thầy tế lễ cả, các thầy thông giáo, cùng người tôn trưởng trong dân tìm phương giết Ngài; 48 nhưng họ không biết dùng chước chi, vì dân sự đều chăm chỉ mà nghe Ngài nói.

 

 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Vị vua đem đến hòa bình (Lu 19:28-48)

Theo lịch truyền thống, những sự kiện trong tuần lễ thi hành chức vụ cuối cùng của Chúa Jêsus xảy ra như sau:

  • Chúa nhật - Vào thành Giê-ru-sa-lem trong sự ngợi khen
  • Thứ hai – Dẹp sạch đền thờ
  • Thứ ba - Biện luận với các chức sắc Do Thái
  • Thứ tư - Nghỉ ngơi
  • Thứ năm - Chuẩn bị lễ Vượt Qua
  • Thứ sáu – Bị xử án và bị đóng đinh
  • Thứ bảy – Nằm trong mồ mả
  • Chúa nhật- Chúa sống lại từ cõi chết

Xin bạn nhớ rằng một ngày của người Do Thái đi qua ở thời điểm mặt trời lặn, vậy chiều thứ năm của chúng ta sẽ là thứ sáu của họ - đó là ngày lễ Vượt Qua.

Chuẩn bị (Lu 19:28-36): Các chủ lừa và lừa con là những gì đã được chuẩn bị sẵn cho Chúa. Công việc được thực hiện cách âm thầm vì các chức sắc tuyên bố rằng nếu ai xưng nhận Chúa Jêsus sẽ bị rút phép thông công (Gi 9:22). Việc các chức sắc tìm phương giết Chúa quan trọng hơn cả việc chủ lừa được bảo vệ (Gi 7:1,19,25; Gi 8:37; Gi 11:47-57).

Chúng ta nghĩ về con lừa như một con vật thấp hèn, nhưng đối với người Do Thái nó là con vật được vua sử dụng (IVua 1:33,44). Chúa Jêsus cỡi trên con lừa (Lu 19:35) trong khi những người khác đi theo. Con lừa này chưa được ai cỡi lên trước đó, giờ đây được dành cho Chúa Jêsus. Điều này cho thấy Ngài là Đấng có quyền trên tạo vật Ngài đã dựng nên. Người ta trải áo trên đường đi, dùng lá kè đón Ngài. Đó là một phần nghi thức tiếp đón hoàng gia theo truyền thống Do Thái.

Đón mừng (Lu 19:37-40): Đây là lần duy nhất Chúa Jêsus công khai bày tỏ chính Ngài. Ngài làm vậy với ít nhất 2 lý do. Trước hết, Ngài muốn làm trọn lời tiên tri bày tỏ Ngài là vua Y-sơ-ra-ên (Xa 9:9). Chúng ta không biết có bao nhiêu người trong đám đông hiểu được điều này dù họ hưởng ứng bằng lời ca ngợi trích từ sách Thi Thiên nói về Đấng Mê-si-a (Thi 118:25-26). Chắc hẳn nhiều người đến dự lễ Vượt Qua nghĩ rằng Chúa Jêsus sẽ đánh đuổi quân xâm lược La Mã và lập một vương quốc hùng mạnh. Lý do thứ 2 là Chúa muốn thúc đẩy các chức sắc Do Thái phải hành động. Họ mong bắt được Ngài sau ngày lễ Vượt Qua (Mat 26:3-5), nhưng chính Đức Chúa Trời đã định trước rằng Con Ngài phải bị giết vào lễ Vượt Qua, bởi vì “Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi thế gian đi” (Gi 1:29; ICo 5:7). Mọi cố gắng để bắt Chúa trước đó đều thất bại, vì “giờ Ngài chưa đến” (Gi 7:30; Gi 8:20; Gi 13:1; Gi 17:1). Khi thấy lễ mừng long trọng này, họ biết mình phải hành động, và với sự hợp tác của Giu-đa, nan đề của họ đã được giải quyết (Mat 26:14-16).

Ý nghĩa của lễ mừng này là “sự bình an”. Bác sĩ Lu-ca mở đầu sách Phúc Âm với lời loan báo của thiên sứ, “bình an dưới đất” (Lu 2:14), và đây là lễ mừng về sự “bình an trên trời”. Bởi Vua đã bị khước từ, nên không thể có bình an dưới đất, thay vào đó là sự xung đột gay gắt, dai dẳng giữa Nước Trời và vương quốc của ma quỉ (Lu 12:49-53). Sẽ không thể có bình an trên đất, nhưng nhờ công tác của Đấng Christ trên thập giá, đã có sự hòa thuận với Đức Chúa Trời ở trên trời (Ro 5:1; Co 1:20). Lời khuyên dành cho chúng ta hôm nay là “Hãy hòa thuận lại với Đức Chúa Trời” (IICo 5:17-21).

Lời than vãn (Lu 19:41-44): Trong khi dân chúng vui mừng, thì Chúa Jêsus lại khóc! Đây là lần thứ hai Chúa khóc công khai trước nhiều người. Lần thứ nhất Ngài đã khóc trước phần mộ La-xa-rơ (Gi 11:35). Trước mộ La-xa-rơ, Ngài âm thầm khóc nhưng giờ đây Ngài cất tiếng than khóc như người khóc kẻ chết vậy. Ngài hành động giống như tiên tri Giê-rê-mi đã khóc cay đắng về sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem (Gie 9:1; và sách Ca thương). Giô-na nhìn thành Ni-ni-ve với hy vọng nó sẽ bị hủy diệt (Gios 4:1-24), trong lúc Chúa Jêsus nhìn Giê-ru-sa-lem và khóc vì nó đã tự hủy diệt mình.

Dù nhìn ở bất cứ phương diện nào, Chúa cũng có nguyên nhân để khóc. Nếu nhìn ngược về quá khứ, Ngài thấy dân tộc này đã bỏ lỡ biết bao cơ hội họ có và không hề nhận thức về thời gian họ được thăm viếng. Nếu nhìn “bên trong”, Ngài thấy họ mù lòa về thuộc linh. Họ cần phải biết Ngài là ai, vì Đức Chúa Trời đã ban cho họ Lời Ngài và sai những sứ giả Ngài đến để dọn đường.

Khi nhìn xung quanh, Chúa thấy hoạt động tôn giáo chẳng làm được điều gì ích lợi. Đền thờ đã trở thành “cái hang trộm cướp” và các chức sắc tôn giáo trở thành những kẻ muốn giết Ngài. Thành phố đầy dẫy những kẻ mộ đạo đến dự lễ, nhưng trong lòng mang gánh nặng tội lỗi cùng những khốn khó trong đời sống.

Khi nhìn về tương lai, Chúa khóc vì Ngài thấy sự đoán phạt khủng khiếp sắp xảy đến cho dân tộc này, thành phố này và đền thờ này. Vào năm 70 SC, quân La Mã đã kéo đến vây thành và sau 143 ngày vây hãm đã giết 600.000 người Do Thái, bắt giữ hằng ngàn người, phá hủy đền thờ và thành phố Giê-ru-sa-lem. Vì sao mọi điều này đã xảy đến? Vì dân tộc này đã không biết Đức Chúa Trời thăm viếng họ! “Ngài đến trong xứ mình, nhưng dân mình chẳng hề nhận lấy” (Gi 1:11) “Chúng tôi không muốn người này cai trị chúng tôi” (Lu 19:14)

Lời buộc tội (Lu 19:45-48): Chúa Jêsus trọ trong thành Bê-tha-ni qua đêm (Mac 21:17) và Ngài đến thành Giê-ru-sa-lem vào sáng sớm hôm sau. Đó cũng là lúc Ngài quở trách cây vả (Mac 11:12-14) và sau đó Ngài dẹp sạch đền thờ (Gi 2:13-22). Sân của dân ngoại là nơi duy nhất trong đền thờ được dành riêng cho họ. Ở đó người Do Thái có thể giảng đạo cho những người lân cận vô thần và cho họ biết về một Đức Chúa Trời hiện hữu. Nhưng thay vì để dành riêng cho việc truyền giảng Lời Chúa, nơi đây đã được sử dụng như một “cái chợ tôn giáo” để những người Do Thái từ các nơi đến đổi bạc và mua bán các con sinh tế. Các thầy tế lễ cũng “dự phần” vào việc kinh doanh này và kiếm được một món lợi lớn.

Thay vì phải cầu nguyện cho dân sự, các thầy tế lễ đã “bóc lột” họ! Đền thờ đã không còn là “nhà cầu nguyện” (Es 56:7) mà trở thành “hang trộm cướp” (Gie 7:11). Campell Morgan nhắc ta nhớ rằng “hang trộm cướp” là nơi ẩn náu của kẻ cướp sau khi đã phạm tội ác. Những chức sắc tôn giáo muốn dùng sự phục vụ trong đền thánh để che đậy tội lỗi mình (Es 1:1-20). Tuy nhiên, trước khi lên án họ gay gắt, chúng ta hãy nhìn lại xem đã có bao giờ chúng ta đi nhà thờ, tham dự sự thờ phượng chỉ cốt để cho người ta biết mình là người “tin kính”?

Chúa Jêsus ở lại trong đền thờ và xem đền thờ là nơi nhóm lại của những con người cần được giúp đỡ. Ngài chữa lành nhiều người bệnh tật, dạy họ Lời Đức Chúa Trời. Các chức sắc tôn giáo giả hình tìm cách giết Ngài, nhưng giờ Ngài chưa đến nên họ không thể tra tay trên Ngài. Trong những ngày kế tiếp, họ biện luận với Ngài để bắt bẻ lời Ngài (Lu 20:1-47), nhưng họ đã thất bại. Khi giờ Ngài đến, Ngài sẽ chịu để họ bắt và đóng đinh.

Con Đức Chúa Trời dạn dĩ đã để mặt Ngài “cứng như đá” khi đến Giê-ru-sa-lem. Trong tuần lễ cuối cùng thi hành chức vụ trên đất, Ngài dạn dĩ đối mặt với kẻ thù và can đảm bước lên thập tự giá chịu chết cho tội lỗi của thế gian.

Ngài vẫn đang kêu gọi chúng ta: hãy có lòng dạn dĩ!

 

 

Do KT