NHỮNG GỢI Ý:

Chúng ta tiếp tục đọc phần tiếp theo của Lu-ca 18:9-14

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 18:14 (BDHD): 

Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên.

 

NỘI DUNG

Ví dụ về người Pha-ri-si và người thâu thuế

9 Ngài lại phán thí dụ nầy về kẻ cậy mình là người công bình và khinh dể kẻ khác: 10 Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pha-ri-si và một người thâu thuế. 11 Người Pha-ri-si đứng cầu nguyện thầm như vầy: Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. 12 Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi. 13 Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội! 14 Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên.

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Người Pha-ri-si tự lừa dối mình (Lu 18:9-14)

Trong thời gian thi hành chức vụ, Chúa Jêsus từng vạch trần sự giả hình và vô tín của người Pha-ri-si (Lu 11:39-54). Ngài mô tả họ như những con nợ của Đức Chúa Trời không có khả năng trả nợ (Lu 7:40-50), như những khách mời cố dành cho được chỗ ngồi cao nhất (Lu 14:7-14) và như những đứa con tự hào mình vâng lời cha nhưng không hề quan tâm đến nhu cầu của người khác (Lu 15:25-32). Đáng buồn thay khi người Pha-ri-si tự lừa dối mình và cho rằng Chúa Jêsus đã nói sai về họ. Câu chuyện này minh họa cho bản chất họ.

Người Pha-ri-si tự dối trong sự cầu nguyện, vì ông ta cầu nguyện với chính mình và nói với Đức Chúa Trời (và bất cứ ai khác đang nghe) rằng ông là người tốt như thế nào. Người Pha-ri-si dùng sự cầu nguyện như một phương tiện để có được sự tôn trọng của quần chúng, chứ không phải như một sự thờ phượng thuộc linh nhằm làm vinh hiển Đức Chúa Trời (Mat 6:5; Mat 23:14).

Người Pha-ri-si dối chính bản thân, vì cho rằng Đức Chúa Trời sẽ chấp nhận ông vì những việc ông làm cùng những điều ông đã giữ. Người Do Thái phải kiêng ăn một lần trong năm vào ngày lễ chuộc tội (Le 16:29) nhưng ông đã kiêng ăn 2 lần trong một tuần. Ông dâng 1/10 mọi của cải, dù là những cây dược thảo nhỏ bé trong vườn nhà! (Mat 23:23).

Người Pha-ri-si cũng ngộ nhận về người thâu thuế cùng đứng cầu nguyện trong đền thờ. Người Pha-ri-si nghĩ rằng người thâu thuế là một đại tội nhân, nhưng khi trở về nhà, người thâu thuế được Đức Chúa Trời xưng công bình, còn người Pha-ri-si chỉ thỏa mãn ý riêng mình. “Được xưng công bình” nghĩa là được Đức Chúa Trời xem là người công bình qua sự chết của Chúa Jêsus trên thập tự (Ro 3:19-4:25).

Người thu thuế cứ đấm ngực vì biết rõ nan đề lớn nhất của mình. Ông cầu xin sự thương xót của Đức Chúa Trời vì biết những trọng tội ông đã gây ra, nhưng người Pha-ri-si do thiếu hiểu biết nên cảm thấy sung sướng trong lòng. Sự kiêu ngạo kết án người Pha-ri-si, nhưng đức tin đơn sơ của người thu thuế đã cứu ông (Lu 14:11; Es 57:15). Đây là sự lặp lại hình ảnh đứa con hoang đàng và người con cả (Lu 15:11).

 

 

Do KT