NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta đọc tiếp Lu-ca 18:15-30

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 18:16 (BDHD): 

Nhưng Đức Chúa Jêsus gọi họ lại mà phán rằng: “Hãy để các con trẻ đến cùng Ta, đừng ngăn cản chúng; vì vương quốc Đức Chúa Trời thuộc về những người giống như con trẻ ấy.

 

NỘI DUNG

Đức Chúa Jêsus ban phước cho trẻ em

(Mat 19:13-15; Mac 10:13-16)

15 Người ta cũng đem các trẻ em đến với Đức Chúa Jêsus để Ngài chạm đến chúng. Thấy vậy, các môn đồ trách những người đem đến. 16 Nhưng Đức Chúa Jêsus gọi họ lại mà phán rằng: “Hãy để các con trẻ đến cùng Ta, đừng ngăn cản chúng; vì vương quốc Đức Chúa Trời thuộc về những người giống như con trẻ ấy. 17 Thật, Ta phán với các con, ai không tiếp nhận vương quốc Đức Chúa Trời như một đứa trẻ thì sẽ chẳng vào đó được.”

Viên quan giàu có

(Mat 19:16-30; Mac 10:17-31)

18 Có một viên quan hỏi Đức Chúa Jêsus: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” 19 Ngài đáp: “Tại sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành cả, trừ một mình Đức Chúa Trời. 20 Hẳn ngươi biết các điều răn nầy: 'Chớ phạm tội ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối, hãy hiếu kính cha mẹ ngươi.’ ”21 Ông ấy thưa: “Tôi đã giữ các điều ấy từ thời niên thiếu.” 22 Khi Đức Chúa Jêsus nghe điều ấy thì Ngài phán: “Ngươi còn thiếu một điều: Hãy bán tất cả những gì ngươi có và phân phát cho người nghèo thì ngươi sẽ có kho báu ở trên trời, rồi hãy đến theo Ta.” 23 Nhưng khi nghe những điều nầy, ông ta trở nên buồn rầu, vì ông rất giàu có. 24 Đức Chúa Jêsus nhìn ông và phán: “Người giàu vào vương quốc Đức Chúa Trời thật khó biết bao! 25 Vì lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào vương quốc Đức Chúa Trời!” 26 Những người nghe điều đó nói rằng: “Vậy thì ai có thể được cứu?” 27 Ngài đáp: “Điều loài người không làm được thì Đức Chúa Trời làm được.” 28 Phi-e-rơ thưa: “Nầy, chúng con đã bỏ những gì mình có mà theo Thầy.” 29 Ngài đáp: “Thật, Ta bảo các con, không ai từ bỏ nhà cửa, cha mẹ, anh em, vợ con vì vương quốc Đức Chúa Trời 30 mà lại không được nhận gấp bội phần trong đời nầy, và được sự sống đời đời trong đời sau.”

Đức Chúa Jêsus phán trước về sự thương khó của Ngài

(Mat 20:17-19; Mac 10:32-34)

31 Kế đó, Đức Chúa Jêsus đem mười hai sứ đồ riêng ra mà phán rằng: Nầy, chúng ta lên thành Giê-ru-sa-lem, mọi điều mà các đấng tiên tri đã chép về Con người sẽ ứng nghiệm. 32 Vì Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại; họ sẽ nhạo báng Ngài, mắng nhiếc Ngài, nhổ trên Ngài, 33 sau khi đánh đòn rồi, thì giết Ngài đi; đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại. 34 Song các môn đồ không hiểu chi hết; vì nghĩa những lời đó kín giấu cho môn đồ, nên không rõ ý Đức Chúa Jêsus nói là gì.

 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Chúa Jêsus với con trẻ (Lu 18:15-17)

Tương phản với hình ảnh người Pha-ri-si kiêu ngạo là những con trẻ được đem đến gần Chúa Jêsus (Lu 18:15-17). Người Do Thái có lệ hay đem các trẻ nhỏ đến các thầy dạy luật để được chúc phước đặc biệt. Thật kỳ lạ khi các môn đệ Chúa ngăn cản điều này. Có lẽ họ nghĩ rằng Chúa đã mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi, hoặc có thể họ cho rằng Ngài không để ý đến trẻ con. Suy nghĩ của họ sai lầm biết bao! Đây không phải là lần đầu tiên các môn đệ muốn đuổi dân chúng đi. Họ muốn để đám đông bị đói khát, nhưng Chúa đã cho đoàn dân ăn (Mat 14:15). Các môn đệ cố ngăn cản người đàn bà Ca-na-an cầu xin Chúa chữa lành bệnh con gái bà (Mat 15:24), nhưng Chúa đã nhậm lời bà. Vào thời điểm ấy, 12 sứ đồ vẫn chưa có lòng thương xót như Thầy họ.

Chúa muốn chúng ta trở nên giống như con trẻ (chớ không phải có tính trẻ con, thiếu hiểu biết): một con trẻ dễ dàng hạ mình, con trẻ có đức tin và sự tin cậy. Cách duy nhất để bước vào Nước thiên đàng là phải trở nên như một con trẻ và phải được tái sinh (Gi 3:1-16). Nếu người Pha-ri-si kiêu ngạo kia giống con trẻ, hẳn ông ta đã được xưng công bình khi ra khỏi đền thờ.

Người trai trẻ thiếu trung thực (Lu 18:18-34)

Có lẽ vị quan trẻ này là người duy nhất trong các sách Phúc Âm (Mat 19:20) đã đến với Chúa Jêsus và ra đi trong tình trạng tệ hại hơn lúc anh ta đến. Tuy vậy, anh ta là người có nhiều điều tốt. Anh ta được biết đến như một người đạo đức, tin kính, sốt sắng, thành tâm và có lẽ đủ tiêu chuẩn là một thành viên trong giáo hội. Tuy nhiên anh đã từ chối đi theo Chúa Jêsus và ra đi với tâm trạng buồn rầu vô cùng.

Điều gì đã xảy đến với anh? Thật đơn giản: sự thiếu trung thực! Dù đã đến với đúng Người, đặt một câu hỏi chính đáng và được trả lời thỏa đáng, nhưng anh đã quyết định sai lầm. Vì sao? Vì anh không trung thực với Đức Chúa Trời hoặc với chính mình. Vì vậy anh không thể làm điều Chúa bảo. Anh là chàng trai nông nổi, nói một đằng và làm một nẻo. Hãy suy ngẫm về những lãnh vực thiếu trung thực của anh ta.

Quan điểm về Đấng Christ (Lu 18:18-19): Những người dạy đạo được người ta gọi là Thầy, nhưng thật khác thường nếu một thầy được gọi là “nhơn lành”. Người Do Thái dành từ này cho Đức Chúa Trời (Thi 25:8; Thi 34:8; Thi 86:5; Thi 106:1). Điều này cho thấy lý do Chúa Jêsus hỏi người trai trẻ về ý nghĩa anh muốn dùng khi nói đến từ đó, vì nếu anh thực sự tin Chúa Jêsus là Đấng “nhơn lành”, vậy anh phải xưng nhận Ngài là Đức Chúa Trời. Khi hỏi câu này, Chúa Jêsus không muốn chối bỏ Thần tánh Ngài, ngược lại Ngài muốn xác nhận điều đó. Ngài muốn thử lòng người trai trẻ xem anh ta có thực sự hiểu điều mình vừa nói hay không.

Thái độ kế tiếp của người trai trẻ chứng tỏ anh ta không tin rằng Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời. Nếu thực sự nghĩ rằng mình đang ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời toàn năng, vậy tại sao anh ta lại khôn khéo bàn luận về luật pháp, khoe khoang về phẩm hạnh mình và không muốn vâng theo lời Chúa chắc chắn anh biết rằng Đức Chúa Trời nhìn thấy trong lòng và biết tất cả.

Quan điểm về tội lỗi (Lu 18:20-21): Anh ta cũng có suy nghĩ rất hời hợt về tội lỗi của chính mình. Dĩ nhiên người trai trẻ này thật lòng muốn giữ trọn luật pháp. Thực ra, đây là vấn đề khiến anh ta chạy đến với Chúa Jêsus (Ga 3:24). Chúa không trích dẫn luật pháp trước mặt anh ta như một phương cách cứu rỗi, bởi vì sự vâng phục luật pháp không cứu được chúng ta. Ngài để luật pháp trước mặt anh ta như một chiếc gương bày tỏ tội lỗi của anh (Ro 3:19-20; Ga 2:21; Ga 3:21).

Tuy nhiên, người trai trẻ này nhìn vào chiếc gương luật pháp thấy mình chẳng có “tì vít” chi trong đời sống. Khi đưa ra điều răn kế tiếp, Chúa không trích dẫn điều răn cuối cùng “ngươi chớ tham...” (Xu 20:17). Chúa biết lòng anh ta cho nên thay vì dạy anh ta về sự tham lam, Ngài bảo anh làm một điều mà một người hà tiện chẳng làm được. Không ai được cứu bởi bố thí của cải cho kẻ nghèo, nhưng cũng không ai được cứu lại không ăn năn và từ bỏ tội lỗi mình. Người trai trẻ này bị sự tham tiền chi phối nên không thể đi theo Chúa.

Quan điểm về sự cứu rỗi (Lu 18:22-27): Người trai trẻ này cho rằng sự sống đời đời đến với những ai làm một điều gì đó (Lu 18:18) giống như kiểu phô trương của người Do Thái (Lu 18:9-12). Nhưng khi Chúa Jêsus bảo anh ta làm một việc, anh không vâng phục! Anh ta muốn được cứu rỗi dựa trên những điều kiện của chính mình chớ không phải của Đức Chúa Trời. Vì vậy, anh ta ra đi trong sự buồn bực tột cùng.

Các môn đệ ngạc nhiên khi Chúa Jêsus tuyên bố rằng người giàu có rất khó được cứu. Là người Do Thái, họ tin rằng sự giàu có là dấu hiệu ơn phước từ Đức Chúa Trời. Họ nêu lý do: “Nếu người giàu khó được cứu, vậy chúng tôi đây còn hy vọng gì chăng?” John D.Rockefeller có lẽ cũng đồng tình với họ, vì ông cho rằng sự giàu có là “một sự ban cho từ trời”, có ý nghĩa như “Đây là con yêu dấu của ta, làm đẹp lòng ta”.

Không phải giàu có khiến con người không vào được thiên đàng, vì Áp-ra-ham, Đa-vít, Sa-lô-môn cũng là những người giàu có. Bị chi phối bởi của cải và nhờ cậy nơi nó, sẽ khiến người giàu khó được cứu. Của cải khiến con người có cảm giác giả tạo về sự thành công và an toàn. Khi con người thỏa mãn với chính mình, sẽ không cần đến Đức Chúa Trời.

Lời nói của Phi-e-rơ trong Lu 18:28 cho thấy ông có cái nhìn đầy tính toán khi theo Chúa “Vậy thì chúng tôi sẽ được chi?” (Mat 19:27). Chúa hứa ban cho họ phước hạnh trong đời sống và phần thưởng ở đời sau. Đồng thời, Ngài cũng cho họ biết trước về sự thương khó và sự chết của Ngài sắp tới. Sao Phi-e-rơ lại có thể nghĩ đến vấn đề được mất của cá nhân khi Chúa mình sắp phải đến Giê-ru-sa-lem để chịu đóng đinh?

Câu chuyện về vị quan trẻ giàu có này là một lời khuyên cho những ai muốn theo Chúa nhưng không dám đánh đổi những giá trị khác hoặc không dám từ bỏ lối sống riêng của mình. Chúa Jêsus không bảo mỗi người phải bán mọi của cải để bố thí cho kẻ nghèo, nhưng Ngài thật sự không hài lòng với những điều chúng ta thiếu trung thực trong đời sống mình.

 

 

Do KT