NHỮNG GỢI Ý:

NHỮNG CON NGƯỜI ĐỂ HỌC VÀ NHỮNG BÀI HỌC ĐỂ HỌC (Lu 18:1-43)

Chesterfield, một chính khách người Anh đã viết: “kiến thức... có thể có được là do tìm đọc con người và nghiên cứu những mẫu người khác nhau”.

Ông ta muốn đề cập đến “tri thức của thế gian”, nhưng điều ông ta nói cũng áp dụng cho sự hiểu biết về thuộc linh. Con người có thể học biết nhiều điều qua “sách của nhân loại” trong đời sống thường nhật, trong lịch sử, tiểu sử con người hoặc ngay cả trong tiểu thuyết.

Có nhiều “mẫu” người được nói đến trong đoạn Kinh Thánh này và mỗi mẫu người cho chúng ta một bài học. Là một thầy thuốc có lòng thương xót, Lu-ca đã viết về những góa phụ, chính khách, người Pha-ri-si, người thu thuế, trẻ con, người già, người giàu có và kẻ hành khất. Qua sắc thái phong phú của tính cách con người, tôi xin chọn ra 4 mẫu người để chúng ta cùng tìm hiểu. Qua họ, chúng ta sẽ nhận được những bài học ý nghĩa.

Hôm nay chúng ta đọc phần Lu-ca 18:1-8

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 18:7 (BDHD): 

Vậy, có lẽ nào Đức Chúa Trời chẳng xét lẽ công bình cho những người đã được chọn, là kẻ đêm ngày kêu xin Ngài, mà lại chậm chạp đến cứu họ sao!

 

NỘI DUNG

Ví dụ về quan án không công bình

1 Đức Chúa Jêsus phán cùng môn đồ một thí dụ, để tỏ ra rằng phải cầu nguyện luôn, chớ hề mỏi mệt: 2 Trong thành kia, có một quan án không kính sợ Đức Chúa Trời, không vị nể ai hết. 3 Trong thành đó cũng có một người đàn bà góa, đến thưa quan rằng: Xin xét lẽ công bình cho tôi về kẻ nghịch cùng tôi. 4 Quan ấy từ chối đã lâu. Nhưng kế đó, người tự nghĩ rằng: Dầu ta không kính sợ Đức Chúa Trời, không vị nể ai hết, 5 song vì đàn bà góa nầy khuấy rầy ta, ta sẽ xét lẽ công bình cho nó, để nó không tới luôn làm nhức đầu ta. 6 Đoạn, Chúa phán thêm rằng: Các ngươi có nghe lời quan án không công bình đó đã nói chăng? 7 Vậy, có lẽ nào Đức Chúa Trời chẳng xét lẽ công bình cho những người đã được chọn, là kẻ đêm ngày kêu xin Ngài, mà lại chậm chạp đến cứu họ sao! 8 Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ vội vàng xét lẽ công bình cho họ. Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng?

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Một bà góa kiên nhẫn nài xin (Lu 18:1-8)

Lu-ca chú ý đến các bà góa nhiều hơn các sách Phúc Âm khác. Vào thời ấy, các góa phụ gặp khó khăn trong việc kiếm sống dù Đức Chúa Trời đã phán dạy dân sự phải chăm sóc họ (Xu 22:22-24; Phu 14:28-29). Hội Thánh ban đầu cũng rất quan tâm đến các tín hữu góa bụa (Cong 6:1; ITi 5:3-10), đó là một gương tốt cho chúng ta hôm nay noi theo.

Khi suy ngẫm câu chuyện này, bạn hãy xem bối cảnh của nó. Phòng xử án không phải là một tòa nhà đẹp, nhưng chỉ là một lều trại có thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác khi quan tòa xử án lưu động trong khu vực của ông. Quan tòa lập chương trình và ngồi xử án giữa trại, chung quanh là các trợ lý. Ai cũng có thể theo dõi diễn tiến xử án từ ở bên ngoài, nhưng chỉ có những ai được chấp thuận mới được xét án. Điều này có nghĩa là phải đút lót cho các trợ lý mới mong được quan tòa xét đơn kiện.

Bà góa này có 3 trở ngại khó vượt qua. Thứ nhất, vì là phụ nữ, bà bị cô thế trước pháp luật. Trong xã hội Palestine thời Chúa Jêsus, phụ nữ không đi đến tòa án, vì vậy thứ hai, vì là góa phụ, bà không có chồng cùng đi đến tòa. Thứ ba, bà quá nghèo nên không thể “đút lót” dù muốn đi nữa. Chúng ta không lấy làm lạ khi các bà góa nghèo không luôn luôn nhận được sự bảo vệ của luật pháp như đáng phải có.

Qua bối cảnh câu chuyện, chúng ta có thể hiểu nhiều hơn về điều Chúa muốn dạy dỗ. Ngài muốn khích lệ môn đệ phải cầu nguyện nhiều khi bày tỏ 3 sự tương phản:

Cầu nguyện khác với mỏi mệt (Lu 18:1): Nếu không cầu nguyện chúng ta sẽ mỏi mệt, đó là điều đơn giản! Từ “mỏi mệt” mô tả một người tin Chúa bị ngã lòng và hèn nhát, muốn trốn chạy. Tôi nhớ có 2 lần tôi bị mỏi mệt về thể chất và đó thật là một cảm giác tồi tệ nhất mà tôi từng trải qua. Tôi cảm thấy mình sắp “ra đi” mà chẳng làm được gì.

Có một sự liên hệ giữa Lời Chúa phán ở Lu 18:1 và ở Lu 17:37. Nếu xã hội tựa như một “xác chết” thối rữa, vậy “không khí” chúng ta đang hít thở dần dần bị ô nhiễm và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của chúng ta. Khi cầu nguyện, chúng ta đã sử dụng “không khí tinh khiết” từ thiên đàng, giữ cho chúng ta không bị mỏi mệt.

“Cầu nguyện luôn” hoặc “cầu nguyện không thôi” nghĩa là gì? (ITe 5:17) chắc chắn đó không có nghĩa là chúng ta phải liên tục lặp lại các bài cầu nguyện, vì Chúa Jêsus cũng đã cảnh cáo chống lại loại cầu nguyện này (Mat 6:5-15). Đúng hơn, nó có nghĩa là làm cho sự cầu nguyện trở nên tự nhiên như hơi thở vậy. Nếu không có những lúc bệnh hoạn hoặc bị ngạt thở, chúng ta hiếm khi nghĩ đến hơi thở mình. Sự cầu nguyện cũng phải trở nên một thói quen bình thường trong đời sống chúng ta, là “không khí” chúng ta cần có luôn luôn để sống.

Cầu nguyện còn vượt trên những lời của môi miệng, nó là những ước muốn của lòng chúng ta và bởi đó là những khao khát từ đáy lòng. Tấm lòng chúng ta lúc nào cũng có sự khao khát trước mặt Chúa, dù chúng ta chưa hề mở lời. Vì vậy “cầu nguyện không thôi” nghĩa là có những ước muốn thánh khiết trong ý Chúa, hầu chúng ta luôn ở trong mối liên hệ mật thiết với Cha trên trời và cầu xin những ơn phước từ Ngài.

Bạn hãy chọn lựa: bạn muốn cầu nguyện hay muốn bị mỏi mệt?

Bà góa khác với những người được Đức Chúa Trời chọn: Chúa Jêsus không nói rằng con cái Đức Chúa Trời giống bà góa này, nhưng Ngài phán điều ngược lại. Vì không như bà góa, chúng ta phải dạn dĩ trong sự cầu nguyện. Chúa lập luận từ điều nhỏ đến điều lớn hơn: “Nếu bà góa nghèo kia còn được một quan án ích kỷ chiếu cố đến, lẽ nào con cái Đức Chúa Trời lại chẳng nhận được nhiều phước hạnh từ nơi Cha trên trời là Đấng đầy lòng yêu thương?” Hãy suy ngẫm những tương phản này. Trước hết, người đàn bà góa này chỉ là một người lạ, nhưng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời được Ngài chăm sóc (Lu 11:13). Người đàn bà góa không có cơ hội nào đến gần quan tòa, nhưng con cái Chúa có cơ hội dễ dàng để đến với Ngài bất cứ lúc nào khi cần được cứu giúp (Eph 2:18;  Eph 3:12; He 4:14-16; He 10:19-22). Người đàn bà không bè bạn nơi tòa án, không ai giúp bà ghi vụ kiện vào sổ án. Bà chỉ có thể đi tới lui bên ngoài trại xử, than thở và kêu cầu lớn tiếng với quan tòa. Khi người tin Chúa cầu nguyện, ngay trên thiên đàng họ có Đấng Christ là Đấng cầu thay (IGi 2:1) và là Thầy tế lễ thượng phẩm (He 2:17-18) lúc nào cũng cầu thay họ trước ngôi Đức Chúa Trời. Khi  cầu nguyện, chúng ta có thể mở lời bằng cách kể ra những lời hứa của Đức Chúa Trời, nhưng bà góa lại không có lời hứa nào khi cố gắng thuyết phục quan tòa nghe lời kiện của mình. Chúng ta không chỉ có những lời hứa thành tín của Đức Chúa Trời mà còn được Đức Thánh Linh giúp đỡ trong sự cầu xin của mình (Ro 8:26-27). Có lẽ sự tương phản lớn nhất, đó là bà góa đã đến tòa án của luật pháp, còn con cái Đức Chúa Trời đến trước “ngôi ơn phước” của Ngài (He 4:14-16). Bà góa cầu xin vì sự nghèo khổ, còn chúng ta được Đức Chúa Trời dành sẵn mọi của báu đáp ứng nhu cầu chúng ta (Phi 4:19). Điểm được nêu lên thật rõ ràng nếu không cầu nguyện, tình trạng thuộc linh của chúng ta chẳng khác chi một bà góa nghèo khổ. Điều này nhắc nhở chúng ta phải cầu nguyện luôn!

Quan án khác với Cha trên trời: Nếu bạn không hiểu rằng Chúa muốn đưa ra những tương phản này, bạn chắc sẽ cho rằng phải “lý luận” hay “đút lót” điều gì đó cho Đức Chúa Trời mới mong được nhậm lời cầu xin! Đức Chúa Trời không giống vị quan án, vì Ngài là một người Cha đầy lòng yêu thương luôn chú ý đến lời kêu xin của chúng ta, ban cho rời rộng, đáp ứng mỗi nhu cầu và sẵn sàng nhậm lời khi chúng ta kêu cầu Ngài. Lý do duy nhất khiến quan án giúp bà góa, đó là vì bà có thể sẽ “làm nhức đầu” ông sẽ làm mất uy danh của ông. Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của chúng ta vì vinh hiển Ngài và vì lợi ích của chúng ta, Ngài không hề bực bội khi chúng ta đến với Ngài.

Vậy chúng ta giải thích thế nào về “sự trì hoãn” trong những sự nhậm lời, đặc biệt khi Chúa Jêsus phán rằng Đức Chúa Trời sẽ “vội vàng xét lẽ công bình” (Lu 18:8). Hãy nhớ rằng “sự trì hoãn” của Đức Chúa Trời không phải là sự thụ động nhưng là “sự trì hoãn có dự tính”. Ngài luôn đáp lời cầu xin, bằng không thì Ro 8:28 chắc không thể có trong Kinh Thánh! Đức Chúa Trời hành động qua mọi việc trong mọi lúc, hiệp mọi sự lại để hoàn thành mục đích Ngài, khi chúng ta cầu xin theo ý Chúa (IGi 5:14-18) là lúc Ngài bắt đầu hành động. Có thể bây giờ chúng ta không hiểu được, nhưng rồi có một ngày chúng ta sẽ nhận được sự nhậm lời.

Câu hỏi ở câu 8 có liên hệ với điều Chúa Jêsus dạy ở Lu 17:22-37. “...Con người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng?” Thời kỳ sau rốt sẽ không phải là thời kỳ người ta có đức tin mạnh mẽ. Có 8 người được cứu trong đời Nô-ê và chỉ 4 người thoát khỏi Sô-đôm (trong đó một người bị hư mất trên đường đi). Đoạn này giống với ý tưởng ở ITi 4:1-5 và IITi 3:1-9, vẽ lên một bức tranh u tối của thời kỳ sau rốt!

 

 

 

 

 

Do KT