NHỮNG GỢI Ý:

Qua đoạn này, Lu-ca ghi lại bài học Chúa dạy môn đệ về điều cần có trong cuộc đời theo Chúa, đó là sự tỉnh thức.

Hôm nay chúng ta sẽ đọc phần Lu-ca 17:20-37.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 17:23 (BDHD): 

Người ta sẽ nói với các con: 'Ngài ở đây’ hay 'Ngài ở đó’ thì đừng đi và đừng chạy theo họ.

 

NỘI DUNG

Sự hiện đến của vương quốc Đức Chúa Trời

(Mat 24:23-28,37-41)

20 Người Pha-ri-si hỏi Đức Chúa Jêsus khi nào vương quốc Đức Chúa Trời mới đến, Ngài đáp: “Vương quốc Đức Chúa Trời không đến một cách rõ ràng để có thể quan sát được; 21 người ta sẽ không nói: Kìa nó ở đây hay ở đó! Vì vương quốc Đức Chúa Trời ở trong các ngươi.” 22 Ngài lại phán với các môn đồ: “Sẽ có thời kỳ các con ước ao được thấy một ngày của Con Người mà không thấy được. 23 Người ta sẽ nói với các con: 'Ngài ở đây’ hay 'Ngài ở đó’ thì đừng đi và đừng chạy theo họ. 24 Vì như chớp sáng lòe từ phương trời nầy đến phương trời kia, thì Con Người trong ngày của Ngài cũng như vậy. 25 Nhưng trước hết, Ngài phải chịu nhiều điều đau đớn và bị thế hệ nầy chối bỏ. 26 Trong thời Nô-ê thể nào thì trong ngày Con Người cũng thể ấy: 27 Người ta ăn uống, cưới gả, cho đến ngày Nô-ê vào tàu, rồi nước lụt tràn đến hủy diệt tất cả. 28 Thời Lót cũng vậy, người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây dựng. 29 Nhưng đến ngày Lót ra khỏi Sô-đôm thì trời mưa lửa và diêm sinh, hủy diệt tất cả. 30 Ngày Con Người hiện ra cũng như vậy. 31 Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà mà có của cải trong nhà thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng trở về nhà. 32 Hãy nhớ lại vợ của Lót. 33 Ai tìm cách cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai mất mạng sống mình thì sẽ được lại. 34 Ta phán với các con, trong đêm đó, hai người nằm chung giường: một sẽ được đem đi, một bị bỏ lại. 35 Hai người nữ đang xay cối: một sẽ được đem đi, một bị bỏ lại.” 37 Các môn đồ thưa với Ngài: “Thưa Chúa, điều ấy sẽ xảy ra tại đâu?” Ngài đáp: “Xác chết ở đâu, kên kên sẽ bâu lại đó.”

 

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Sự tỉnh thức (Lu 17:20-37)

Người dân Do Thái sống trong tinh thần chờ đợi nôn nóng, đặc biệt vào kỳ lễ Vượt Qua (kỷ niệm dân Do Thái được giải thoát khỏi Ai Cập). Họ mong một Môi-se nào đó có thể giải cứu họ khỏi ách nô lệ. Một số người hy vọng Giăng Báp-tít sẽ là người giải phóng họ, và giờ đây họ lại chú ý đến Chúa Jêsus (Gi 6:15). Sự kiện Chúa đến Giê-ru-sa-lem càng khiến họ nôn nóng hơn (Lu 19:11). Họ nghĩ rằng Ngài sẽ lập ra vương quốc như đã được báo trước!

Người Pha-ri-si là những người rất chăm về luật pháp (Mat 23:2-3) nên họ có quyền hỏi Chúa Jêsus rằng khi nào Nước Đức Chúa Trời sẽ hiện ra. Các thầy luật Do Thái thường bàn luận những vấn đề này giữa công chúng, và Chúa đã trả lời cho họ cách thỏa đáng. Tuy nhiên, Ngài dùng những bài học này cốt để dạy các môn đệ.

Ở Lu 17:20, từ “rõ ràng” được sử dụng ở đây đối chiếu với từ Hy Lạp cổ nghĩa là “có thể quan sát qua những dấu hiệu”. Từ này bao hàm ý theo dõi, rình rập hoặc sự điều tra cách khoa học. Vấn đề Chúa đưa ra đó là Nước trời sẽ không đến rõ ràng để người ta có thể biết trước khi nào nó xuất hiện hay theo dõi được diễn tiến của nó.

Câu hỏi của người Pha-ri-si đưa ra hoàn toàn chính đáng, nhưng cũng thật đáng buồn, vì Chúa đã giảng dạy giữa họ suốt 3 năm, mà họ vẫn còn ở trong sự tối tăm thuộc linh. Họ không hiểu Chúa là ai và Ngài đang tìm kiếm để hoàn thành điều gì. Quan điểm về Vương quốc mới của họ mang tính “chính trị” hơn thuộc linh, mang tính “Do Thái” hơn phổ quát. Chúa không phủ nhận rằng sẽ có một vương quốc trên đất trong tương lai, nhưng Ngài muốn nói đến tầm quan trọng của vương quốc thuộc linh mà người ta chỉ có thể vào được qua sự tái sinh (Gi 3:1-8).

Câu nói “Nước Đức Chúa trời ở trong các ngươi” đã làm cho các dịch giả Kinh Thánh và những nhà giải nghĩa phải suy nghĩ bao thế kỷ qua. Họ đưa ra nhiều giải thích. Có một điều chúng ta biết chắc, đó là Chúa không muốn nói với những người Pha-ri-si vô tín rằng họ có Nước Đức Chúa Trời trong lòng! Chúa muốn nói: “Đừng tìm kiếm Nước Trời ở bên ngoài nếu trước tiên ngay trong lòng các ngươi chưa có Nước Đức Chúa Trời” (Ro 14:17). Đồng thời Chúa muốn nói: “Ta ở giữa các ngươi là điều có ý nghĩa, vì ta là Vua. Làm sao các ngươi có thể vào Nước Trời nếu các ngươi chối bỏ Vua?” (Lu 19:38-40). Người Pha-ri-si rất quan tâm đến những biến cố tương lai nhưng lại không để ý đến những cơ hội trong hiện tại (Lu 12:54-57).

Sau khi trả lời những người Pha-ri-si, Chúa cho môn đệ biết về sự đến của Nước Đức Chúa Trời. Ngài dặn họ đừng quá nghĩ đến sự tái lâm của Ngài để rồi không làm gì cả, nhưng phải noi dấu chân Ngài. Đây là lời khuyên bổ ích cho những ai chẳng làm gì mà chỉ nghiên cứu những lời tiên tri. Hẳn chúng ta ai cũng nôn nóng chờ đợi ngày Chúa tái lâm, nhưng đồng thời chúng ta phải lo làm việc Chúa giao để gặp Ngài (Cong 1:6-11).

Trước hết, sự đến của Chúa sẽ tác động đến cả thế giới, nên thật dại dột cho những ai tin theo các tiên tri giả, cho rằng “Ngài ở đây” hoặc “Ngài ở đó! ” Hơn nữa, sự đến của Chúa tựa như chớp nhoáng (Mat 24:27,30). Dù những lời tiên tri trong Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu đặc điểm chung của thời kỳ Chúa tái lâm, nhưng không thể biết rõ ngày và giờ (Lu 12:40,46; Mat 25:13). Xem những dấu lạ rồi cố tính toán ngày giờ Chúa trở lại, thật là điều vô nghĩa!

Chúa dùng 2 biến cố thời Cựu Ước để bày tỏ sự chắc chắn và bất ngờ trong ngày Chúa trở lại: đó là biến cố trận nước lụt (Sa 6:1-8:22) và sự hủy diệt thành Sô-đôm (Sa 19:1-38). Trong 2 biến cố ấy, người thế gian chỉ mải mê ăn uống, cưới gả, mua bán mà chẳng hề tỉnh thức. Trong những năm trước khi nước lụt xảy ra, Nô-ê đã làm chứng cho những người lân cận nhưng lòng họ vẫn không thay đổi (IIPhi 2:5). Nô-ê cùng vợ, 3 con trai và các dâu của ông, tất cả chỉ có 8 người được cứu sống vì họ đã bước vào tàu. Phi-e-rơ xem đây như một minh họa về sự cứu rỗi mà Cơ Đốc nhân nhận được bởi đức tin nơi Chúa Jêsus (IPhi 3:18-22).

Nô-ê và Lót sống trong thời kỳ niềm tin con người chao đảo, đạo đức bị biến chất, chẳng khác gì với thời đại chúng ta. Trong đời Nô-ê, dân số phát triển đáng kể (Sa 6:1), sự gian ác của con người gia tăng (Sa 6:5) và bạo lực dẫy đầy trên đất (Sa 6:11,13). Trong đời Lót, sự tham lam tột cùng của dân Sô-đôm và Gô-mô-rơ khiến Đức Chúa Trời vô cùng gớm ghiếc, đến nỗi Ngài quyết định tiêu diệt 2 thành ấy. Chỉ có Lót, 2 con gái và vợ ông (là người sau đó cũng bị hành phạt) được cứu khỏi sự đoán phạt kinh khiếp này.

Lu 17:30-36 mô tả điều sẽ xảy đến khi Chúa Jêsus trở lại xét đoán thế gian, đánh bại kẻ thù Ngài và lập Vương quốc Ngài trên đất (Kh 19:11-20:6). Các tín hữu của mọi thời đại có thể lưu ý những câu này như chính sự cảnh tỉnh dành cho mình nhưng chúng được áp dụng cách đặc biệt cho dân Y-sơ-ra-ên vào cuối thời đại (Mat 24:29-44). Khi Chúa đến rước Hội Thánh Ngài lên trời, điều này sẽ xảy ra “trong giây phút, trong nháy mắt” (ICo 15:52). Không ai có phần trong sự được cất lên với Chúa lại phải lo mình đang ở trên mái nhà hoặc nơi đồng ruộng hoặc muốn đem cái gì đó ra khỏi nhà! Khi Chúa trở lại, sự hiện đến của Ngài sẽ được báo trước bởi một dấu lạ từ trời (Mat 24:30-31), có lẽ một số người cố chạy về nhà để giữ cho mình cái gì. Hãy nhớ đến vợ của Lót!

Động từ “đem đi” ở Lu 17:34-36 không có nghĩa là “được đem lên trời” nhưng “bị đem đi để chịu sự phán xét” (Mat 24:36-41). Người ở lại chính là người tin Chúa sẽ được hưởng Nước Thiên đàng. Nô-ê và gia đình ông được “để lại” để hưởng một cuộc sống mới, trong khi mọi dân trên đất bị nước cuốn đi. Lót và các con được để lại trong khi dân Sô-đôm và Gô-mô-rơ bị đem đi khi lửa và diêm sanh hủy diệt 2 thành phố này.

Hình ảnh đêm và ngày ở Lu 17:34-36 cho thấy cả thế gian sẽ chứng kiến sự tái lâm của Chúa trong vinh hiển “Kìa Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy...” (Kh 1:7).

Các môn đệ được nghe Chúa nói về người bị đem đi và để lại 3 lần, nên họ hỏi Ngài “ở tại đâu?”. Câu trả lời của Chúa tương tự một châm ngôn: “Như chim ó tụ tập quanh xác chết, thì những kẻ hư mất sẽ bị biệt riêng ra để chịu sự đoán phạt” (xem Mat 24:28). Cuộc chiến cuối cùng được mô tả trong Kh 19:17-21 thật giống với hình ảnh những con chim ăn thịt người chết được ăn uống no nê trên những xác chết.

Mặt khác, khi Chúa trở lại đoán phạt kẻ ác, sẽ có sự phân cách giữa người được cứu và kẻ hư mất. Dù ngày hay đêm, dù mọi người đang làm việc hay đang ngủ, sự phân cách và xét đoán này sẽ xảy ra. Những ai được cứu sẽ được ở lại để hưởng Nước thiên đàng vinh hiển, còn những kẻ hư mất sẽ bị đem đi để chịu đoán phạt.

Mặc dù lời giải thích ở những câu này trước tiên dành cho người Y-rơ-sa-ên trong thời kỳ sau rốt, nhưng cũng cho Hội Thánh Chúa thấy tầm quan trọng của tinh thần sẵn sàng khi Chúa đến. Chúng ta không nên giống vợ Lót là người quá “vương vấn” thành Sô-đôm nên đã quay lại nhìn dù đã được thiên sứ dặn trước (Sa 19:17,26). Ngày nay có nhiều người tự xưng là Cơ Đốc nhân, nhưng sự giả dối của họ sẽ bị vạch trần khi Chúa trở lại (ITe 5:1-11)! Lời Chúa dạy ở Lu 17:33 tương tự với Mat 10:39 Lu 9:24 và Gi 12:25. Đó là nguyên tắc cơ bản trong đời sống Cơ Đốc nhân. Cách duy nhất để cứu sự sống bạn, đó là chịu mất nó vì Đấng Christ và vì Phúc Âm.

Chúa Jêsus phác hoạ nền văn minh như một “xác chết thối rữa” và sẽ có một ngày phải chịu sự đoán phạt. Người tin Chúa có óc sáng suốt sẽ hiểu những biến cố xảy đến với chúng ta. Chúa vì Hội Thánh, có thể trở lại bất cứ lúc nào. Vì vậy, chúng ta không cần tìm kiếm những dấu hiệu nhưng điều chúng ta có thể biết là những biến cố sắp đến sẽ cho thấy bóng của chúng. Khi những điều ấy bắt đầu xảy ra, chúng ta biết rằng ngày Chúa tái lâm đã gần kề (Lu 21:28).

Chúng ta có mong Chúa trở lại không? Chúng ta có thật sự muốn gặp Ngài không?

 

 

Do KT