NHỮNG GỢI Ý:

Giữa Lu 17:10 và Lu 17:11, những sự kiện ở sách Giăng 11 đã xảy ra khi Chúa trên đường đến Giê-ru-sa-lem. Tại ranh giới cận Sa-ma-ri và xứ Giu-đê, Ngài chữa lành 10 người phung cùng một lúc. Trong số những kẻ được lành có một người Sa-ma-ri, khiến cho sự kiện này càng thêm ý nghĩa (Lu 10:30-37). Qua sự kiện này, Chúa Jêsus muốn dạy dỗ chúng ta bài học về lòng biết ơn đối với Đức Chúa Trời.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 17:19  (BDHD): 

Rồi Ngài phán với anh ấy: “Hãy đứng dậy và đi, đức tin con đã chữa lành con!”

 

NỘI DUNG

Mười người phong hủi được chữa lành

11 Trên đường đến thành Giê-ru-sa-lem, Đức Chúa Jêsus đi qua ranh giới giữa miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12 Khi vào một làng kia, có mười người phong hủi đến đón Ngài. Họ đứng đằng xa 13 và kêu lớn: “Lạy Jêsus, lạy Thầy, xin thương xót chúng con!” 14 Khi thấy họ, Ngài phán: “Hãy đi trình diện với các thầy tế lễ.” Khi họ đang đi thì phong hủi được sạch. 15 Có một người trong họ thấy mình đã được chữa lành liền trở lại, lớn tiếng tôn vinh Đức Chúa Trời, 16 và đến phủ phục dưới chân Đức Chúa Jêsus mà tạ ơn Ngài. Người đó là người Sa-ma-ri. 17 Đức Chúa Jêsus phán: “Không phải mười người đều được sạch cả sao? Còn chín người kia ở đâu? 18 Chẳng ai trở lại tôn vinh Đức Chúa Trời ngoại trừ người ngoại quốc nầy sao?” 19 Rồi Ngài phán với anh ấy: “Hãy đứng dậy và đi, đức tin con đã chữa lành con!”

 

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Tinh thần tạ ơn (Lu 17:11-19)

Câu chuyện bắt đầu từ 10 người phung (Lu 17:11-13) (Lu 5:12-15). Người Do Thái và người Sa-ma-ri vốn không sống hòa thuận nhau, nhưng những kẻ khốn khổ thích kết bạn với nhau. Đây là 10 kẻ bị xã hội ruồng bỏ. Bạn nghĩ xem, sống mà như đang chết, vậy sự tồn tại của họ trên đời có gì khác nhau? Tuy vậy 10 người phung đều có hy vọng vì Chúa Jêsus đang ở đó, nên họ đã lớn tiếng cầu xin Ngài thương xót. Từ họ dùng “lạy Thầy” cũng giống như Phi-e-rơ đã dùng (Lu 5:5), có nghĩa như Ngài là Đấng có quyền ra lịnh trên mọi sự. Họ biết Ngài có thể ra lệnh cho bệnh tật và sự chết, nên tin rằng Ngài có thể giúp mình.

Câu chuyện tiếp tục đề cập đến 9 kẻ vô ơn (Lu 17:17). Chúa Jêsus ra lệnh cho những người phung đến tỏ mình cùng các thầy tế lễ. Đây là một hành động của đức tin, vì lúc đó họ vẫn chưa được chữa lành. Khi họ vâng lời, họ được lành bệnh hoàn toàn vì sự vâng lời là bằng chứng của đức tin (IIVua 5:1-14).

Có lẽ bạn tưởng rằng 10 người sẽ chạy đến cảm tạ Chúa vì họ có một đời sống mới, nhưng chỉ có một người biết ơn Ngài, thậm chí anh ta cũng không phải là người Do Thái. Lẽ ra, họ phải có lòng biết ơn vì Đức Chúa Trời đã khiến Chúa Jêsus đến đây và tình yêu đã khiến Ngài chú ý đến nhu cầu của họ. Chính vì ân điển và quyền năng của Đức Chúa Trời đã khiến họ được lành. Lẽ ra họ phải cùng thành lập một ban hát đột xuất và tôn vinh Chúa bằng Thi 103:1-22!

Tuy nhiên, trước khi xét đoán họ gay gắt, chúng ta hãy nhìn lại xem “mức độ biết ơn” của chúng ta ra sao. Có bao lần chúng ta nhận những ơn phước nhưng không cảm tạ Chúa? “Nguyện người ta ngợi khen Đức Giê-hô-va vì sự nhơn từ Ngài, và vì các công việc lạ lùng Ngài làm cho con loài người! ” (Thi 107:8,15,21,31). Chúng ta luôn hài lòng với những sự ban cho và quên Đấng ban phát. Chúng ta nhanh nhẹn trong sự cầu xin nhưng chậm chạp trong sự tạ ơn.

Martin Rinkhart đã viết bài ca mang tựa đề “Nào, chúng ta hãy cảm tạ Chúa” (Now Thank we all our God) suốt chiến tranh 30 năm khi chức vụ mục sư của ông gặp nhiều khó khăn. Mỗi ngày ông phải làm lễ tang cho khoảng 40 đám tang trong đó có tang lễ của vợ ông. Vậy mà ông vẫn viết được những lời ca vui mừng, xem như đó là một ơn phước Chúa dành cho gia đình mình. Bất chấp chiến tranh, bệnh tật, đau buồn diễn ra quanh ông, ông vẫn có thể dâng lời cảm tạ Chúa với lòng biết ơn.

Lu-ca kết thúc câu chuyện khi đề cập đến một con người đặc biệt (Lu 17:15-19). Người Sa-ma-ri này đã lớn tiếng ngợi khen Đức Chúa Trời, quỳ nơi chân Chúa Jêsus để tạ ơn Ngài. Theo lệ thường, có lẽ anh ta đã theo 9 người kia đến đền thờ, nhưng trước tiên anh ta đã đến với Chúa Jêsus bằng của lễ “ngợi khen” (He 13:15; Thi 107:22). Điều này làm Chúa đẹp lòng hơn mọi của lễ của những kẻ khác dâng lên, cho dù họ đã vâng theo luật pháp (Thi 51:15-17). Thay vì đến thầy tế lễ, người Sa-ma-ri đã trở nên một thầy tế lễ và anh ta đã lập một bàn thờ ngay chân Chúa Jêsus (đọc Thi 116:12-19).

Đến với Chúa Jêsus, người Sa-ma-ri này đã nhận được một điều kỳ diệu hơn sự chữa bệnh thể xác: anh ta cũng được cứu khỏi tội lỗi. Chúa phán: “đức tin ngươi đã cứu ngươi”, đó cũng là lời Ngài đã phán với người đàn bà xức dầu nơi chân Ngài (Lu 7:50). Chín người kia được thầy tế lễ xưng là tinh sạch, nhưng người Sa-ma-ri này được Con Đức Chúa Trời xưng là kẻ được cứu! Kinh nghiệm được phép lạ chữa bệnh là điều kỳ diệu, nhưng kinh nghiệm phép lạ của sự cứu rỗi đời đời còn kỳ diệu hơn nhiều.

Mỗi con cái Đức Chúa Trời phải luôn sống trong tinh thần tạ ơn. Điều đó không chỉ khiến đời sống chúng ta phước hạnh mà còn làm vinh hiển danh Chúa. Lòng vô ơn chính là “vùng đất” màu mỡ cho mọi điều ác (Ro 1:21).

 

Do KT