NHỮNG GỢI Ý:

NHỮNG VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG (Lu 17:1-37)

Trên đường đến Giê-ru-sa-lem, Chúa tiếp tục dạy dỗ môn đệ và chuẩn bị tinh thần cho họ về sự thương khó của Ngài. Tuy nhiên Ngài cũng chuẩn bị cho họ có thời gian để khi Ngài không ở gần họ, họ vẫn có thể thay Ngài giảng dạy cho kẻ khác. Đó là giai đoạn quan trọng trong đời họ. Qua đoạn này, Lu-ca ghi lại những bài học Chúa dạy môn đệ về những điều cần có trong cuộc đời theo Chúa:

  • Sự tha thứ (Lu 17:1-6)
  • Trung tín (Lu 17:7-10)
  • Tạ ơn (Lu 17:11-19) và
  • Tỉnh thức (Lu 17:20-37).

Hôm nay chúng ta sẽ đọc phần Lu-ca 17:1-6

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 17:3 (BDHD): 

Các con hãy giữ lấy mình. Nếu anh em con phạm tội, hãy quở trách! Nếu họ ăn năn, hãy tha thứ!

 

NỘI DUNG

Các lời dạy bảo khác

(Mat 18:6-7,21-22; Mac 9:42)

1 Đức Chúa Jêsus phán với các môn đồ: “Không thể không có những điều gây vấp phạm, nhưng khốn thay cho người nào gây ra điều ấy! 2 Thà buộc cối đá vào cổ người ấy mà ném xuống biển còn hơn là để người ấy gây cho một trong những đứa bé nầy phạm tội.

3 Các con hãy giữ lấy mình. Nếu anh em con phạm tội, hãy quở trách! Nếu họ ăn năn, hãy tha thứ! 4 Dù trong một ngày, anh em con phạm lỗi với con bảy lần, và bảy lần trở lại cùng con mà nói: 'Tôi ăn năn’ thì con cũng phải tha thứ.”

5 Các sứ đồ thưa với Chúa: “Xin thêm đức tin cho chúng con!” 6 Chúa đáp: “Nếu các con có đức tin bằng một hạt cải, các con có thể bảo cây dâu nầy rằng: 'Hãy nhổ lên mà trồng xuống biển’ thì nó sẽ vâng lệnh các con.

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Sự tha thứ (Lu 17:1-6)

Sau khi khuyến cáo người Pha-ri-si về tội tham tiền (Lu 16:14-31) Chúa Jêsus bắt đầu khuyên môn đệ tránh những tội có thể phạm phải trong đời sống, vì những lần vi phạm là một phần bất hạnh của cuộc đời. Nói cho cùng, chúng ta là những tội nhân sống trong một thế giới đầy dẫy tội lỗi. Nhưng chúng ta phải lưu ý, đừng gây cớ vấp phạm cho người người khác, vì đó là một hình thức tội chống lại anh em cùng đức tin và cũng là cớ gây cho họ phạm tội (Ro 14:13; ICo 10:22; IGi 2:10).

Khi dùng từ “kẻ nhỏ”, Chúa không chỉ nói về trẻ con nhưng Ngài cũng đề cập đến những người có đức tin non yếu đang học biết để theo Chúa (IGi 10:21; Mat 18:1-6). Vì Lu 17:1-10 là một phần của chủ đề bắt đầu từ Lu 15:1, nên “những kẻ nhỏ” cũng bao gồm những người thâu thuế và tội nhân đã đến tin nhận Chúa Jêsus. Người Pha-ri-si chỉ trích Chúa, thái độ này có thể khiến những người mới tin vấp phạm. Đây là tội lỗi nghiêm trọng mà kẻ phạm tội đó lẽ ra đáng bị quăng xuống biển để không ai nhìn thấy hơn là khiến những người khác bị vấp phạm.

Giả sử bạn không phải là người gây cớ vấp phạm, nhưng có một tín hữu khác khiến bạn vấp phạm. Chúa đề cập đến điều này ở Lu 17:3,4 và dạy chúng ta những gì phải làm. Trước tiên, chúng ta nên quan tâm lẫn nhau và thực hiện lời dạy “các ngươi hãy giữ lấy mình”. Điều này có nghĩa là chúng ta phải chăm sóc nhau bằng sự yêu thương và làm mọi điều có thể hầu ngăn kẻ khác phạm tội.

Nếu có một anh em gây cớ vấp phạm cho chúng ta, khi ấy ta nên dùng sự yêu thương để quở trách họ cách riêng tư. Chúng ta thường có xu hướng kiềm chế bực bội trong lòng, nuôi sự oán giận, rồi kể lể với người khác điều đã xảy đến cho mình, thật không phải là một hành động đúng (Mat 18:15-20). “Lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” (Eph 4:15) là bước đầu tiên giải tỏa những bất đồng cá nhân.

Mục đích chúng ta không phải là làm cho kẻ vi phạm bị xấu hổ hay đau lòng, nhưng để khích lệ họ ăn năn (Ga 6:1). Nếu người vi phạm ăn năn, ta nên tha thứ (Eph 4:32; Mat 5:43-48). Thật ra, chúng ta phải có thói quen tha thứ cho dù kẻ khác có thể gây vấp phạm cho chúng ta bảy lần trong ngày, thậm chí 70 lần 7! (Mat 18:21). Không ai có khả năng phạm tội như vậy chỉ trong một ngày, nhưng lối phóng đại này nhằm nhấn mạnh ý Chúa muốn dạy dỗ chúng ta: Đừng nhớ đến lỗi lầm của người khác, vì tình yêu thương không hề giữ lại ký ức về những vi phạm (ICo 13:4-6). Chúng ta phải luôn sẵn sàng tha thứ kẻ khác, vì sẽ có ngày nào đó cũng cần được họ tha thứ.

Có thể chúng ta nghĩ rằng các môn đệ sẽ đáp ứng lời Chúa dạy bằng cách cầu xin “Xin cho chúng tôi thêm tình yêu! ” Dĩ nhiên tình yêu là yếu tố quan trọng trong sự tha thứ, nhưng yếu tố về đức tin còn quan trọng hơn. Để có thể vâng theo lời Chúa dạy và tha thứ kẻ khác, cần phải có đức tin thật. Hành động tha thứ kẻ khác chứng tỏ chúng ta đang tin cậy nơi Đức Chúa Trời về những gì Ngài sẽ hành động, tin rằng Ngài sẽ giải tỏa mọi hiểu lầm, khiến mọi sự trở nên ích lợi cho chúng ta và làm vinh hiển danh Ngài.

Những Cơ Đốc nhân trưởng thành hiểu rằng sự tha thứ không phải là những lời nói dễ dàng, giống như lũ trẻ con cãi vã nhau ầm ĩ rồi thường nói với nhau một cách vô thức: “Xin lỗi nha! ”

Sự tha thứ thật luôn gắn với một nỗi đau một ai đó đã bị đau lòng và có một giá phải trả để chữa lành vết thương lòng ấy. Tình yêu thương là động cơ để ta tha thứ nhưng đức tin là “chất xúc tác” khiến ta có thể tha thứ nhanh chóng hơn hầu cho Đức Chúa Trời có thể sử dụng đức tin ấy để bày tỏ ân phước Ngài trong đời sống của con cái Ngài.

Chúa đưa ra hình ảnh “hột cải” để nói về ý nghĩa của sự sống và tăng trưởng. Hột cải thật bé, nhưng tiềm ẩn một sự sống bên trong, nên có thể lớn lên và sinh quả (Mac 4:30-32). Đức tin của chúng ta là đức tin “sống” (Gia 2:14-26), sẽ tăng trưởng và giúp chúng ta vâng phục mệnh lệnh Đức Chúa Trời. “Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va, và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy” (Thi 37:5). Sự tha thứ là một kiểm nghiệm về tình yêu thương và đức tin của chúng ta.

Bản chất con người không thay đổi, luôn có những vấp phạm dễ dàng trở thành những dịp phạm tội. Con cái Chúa phải tập đối diện với những lỗi lầm ấy một cách trung thực, đầy dẫy lòng yêu thương và tha thứ khi kẻ khác ăn năn.

 

Do KT