NHỮNG GỢI Ý:

Sử dụng tiền bạc không hợp lý (Lu 16:14-31)

Chúa Jêsus dạy dỗ môn đệ về vấn đề này, những người Pha-ri-si ở đó lắng nghe và “chê cười” Ngài! Dù họ đã thực hiện luật lệ tôn giáo khe khắt, nhưng họ là kẻ yêu tiền bạc và ủng hộ những giá trị vô bổ. Họ xưng mình là người yêu kính Đức Chúa Trời nhưng lại đo giá trị cuộc sống bằng của cải vật chất, giống như nhiều kẻ vô thần ở đời này. Ngày nay cũng có biết bao tín hữu tự xưng mình là người tin Chúa nhưng cũng vướng sai lầm ấy. Họ thờ phượng Chúa bằng môi miệng nhưng sống bằng giá trị của cải vật chất như thế gian.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 16:17 (BDHD): 

Trời đất qua đi còn dễ hơn xóa một nét trong luật pháp.

 

NỘI DUNG

14 Người Pha-ri-si là những kẻ ham tiền bạc nghe mọi điều đó thì chế nhạo Ngài. 15 Ngài phán với họ: “Các ngươi làm ra vẻ công chính trước mặt người ta, nhưng Đức Chúa Trời biết lòng các ngươi; vì điều người ta đề cao lại là điều ghê tởm trước mặt Đức Chúa Trời. 16 Luật pháp và lời tiên tri có đến thời của Giăng mà thôi. Từ ngày đó, Tin Lành về vương quốc Đức Chúa Trời được rao giảng và mọi người dùng sức mạnh mà vào đó. 17 Trời đất qua đi còn dễ hơn xóa một nét trong luật pháp. 18 Ai ly dị vợ mà cưới vợ khác thì phạm tội ngoại tình, còn ai cưới đàn bà bị chồng ly dị thì cũng phạm tội ngoại tình.”

Người giàu và La-xa-rơ

19 “Có một người giàu mặc áo tía và áo vải gai mịn, hằng ngày tiệc tùng xa xỉ. 20 Lại có một người nghèo tên La-xa-rơ nằm ngoài cửa người giàu đó, mình đầy ghẻ chốc. 21 Anh ta ước ao được ăn những miếng vụn ở trên bàn người giàu rơi xuống. Cũng có mấy con chó đến liếm ghẻ của anh nữa. 22 Người nghèo chết, được thiên sứ đem đặt vào lòng Áp-ra-ham. Người giàu cũng chết và người ta đem đi chôn. 23 Người giàu nơi âm phủ bị đau đớn, ngước mắt lên thấy Áp-ra-ham ở xa xa và La-xa-rơ ở trong lòng người. 24 Người giàu kêu lên: 'Tổ phụ Áp-ra-ham ơi, xin thương xót con, sai La-xa-rơ nhúng đầu ngón tay vào nước làm cho mát lưỡi con, vì con quá khốn khổ trong lửa nầy.’ 25 Nhưng Áp-ra-ham trả lời: 'Con ơi, hãy nhớ lại lúc còn sống, con đã được hưởng những điều lành rồi, còn La-xa-rơ phải chịu nhiều điều dữ; bây giờ, nó ở đây được an ủi, còn con phải bị khổ hình. 26 Hơn nữa, có một vực sâu lớn được phân định giữa chúng ta với con, đến nỗi ai muốn từ đây qua đó không được, mà ai muốn từ đó qua đây cũng không được.’ 27 Người giàu nói: 'Tổ phụ ơi! Thế thì xin sai La-xa-rơ đến nhà cha của con, 28 vì con có năm anh em, để anh ta cảnh cáo họ, kẻo họ cũng bị xuống nơi khổ hình nầy.’ 29 Nhưng Áp-ra-ham trả lời: 'Họ đã có Môi-se và các nhà tiên tri. Họ phải nghe lời các vị ấy!’ 30 Người giàu lại nói: 'Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, không phải vậy đâu! Nhưng nếu có người chết sống lại đến cùng họ thì họ sẽ ăn năn.’ 31 Áp-ra-ham đáp: 'Nếu họ không chịu nghe Môi-se và các nhà tiên tri thì dù có người chết sống lại cũng không thuyết phục được họ.’”

 

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Người Pha-ri-si khước từ thông điệp của Giăng Báp-tít và cho phép người ta giết ông dù biết ông là tiên tri của Đức Chúa Trời. Họ cũng chối từ Chúa Jêsus và cuối cùng cho phép Phi-lát đóng đinh Ngài. Khi đời sống bạn bị lòng tham tiền tể trị, cửa lòng bạn sẽ bỏ ngỏ cho mọi thứ tội lỗi bước vào!

Luật pháp và lời tiên tri kéo dài đến đời Giăng, vì Giăng đã giới thiệu về Đấng Christ cho dân tộc và rao về Nước Trời. Điều đó không có nghĩa là luật pháp bị phá vỡ và không đáng tin, vì trong Chúa Jêsus, luật pháp đã được làm trọn (Mat 5:17-20). Người Pha-ri-si tự hào là kẻ vâng phục trung tín luật pháp Môi-se, nhưng họ đã không tiếp nhận Đấng Christ - là Đấng mà Môi-se đã viết về Ngài.

Vì sao Chúa Jêsus lại đề cập vấn đề hôn nhân và ly hôn khi Ngài đang luận về sự tham lam? Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si bị chi phối về vấn đề này, có lẽ họ muốn tranh luận với Chúa, nhưng Ngài đã phá vỡ ý định họ. (Hầu hết trong những cuộc hôn nhân và ly hôn, tiền bạc cũng là một nguyên nhân, vì vậy vấn đề này không nằm ngoài điều Chúa muốn nói). Một số người Do Thái rất lơ đễnh trong quan niệm về hôn nhân và ly hôn, trong khi một số khác rất khe khắt về vấn đề này. Chúa Jêsus đã từng nói về chủ đề này trước đó, nên đây không phải là lời dạy mới (Mat 5:31-32).

Yên lặng trước cử chỉ nhạo báng của người Pha-ri-si, sau đó Chúa đã mô tả cho họ thấy một cách sống động về những điều sẽ xảy đến cho họ nếu họ cứ tiếp tục tham lam và vô tín. Câu chuyện Chúa kể nói về một người giàu và một người ăn mày tên La-xa-rơ (nghĩa là “Đức Chúa Trời là sự cứu giúp của tôi”) nhằm khuyên chúng ta tránh sự tham lam qua những khác biệt được trình bày sau:

Khác biệt trong cuộc sống (Lu 16:19-21): Người này thực sự giàu có vì hàng ngày ông có thể “xúng xính” trong những bộ áo quần sang trọng và chiêu đãi những bữa tiệc thịnh soạn. Chắc hẳn ông thuộc hạng giàu có và nổi tiếng, được mọi người ngưỡng mộ và ghen tị. Lối sống của ông phải được gọi là một lối sống phô trương!

Vì sao một người lại giàu có, còn một người lại nghèo nàn thế kia? Dân Do Thái nếu vâng theo điều răn của Đức Chúa Trời về Năm Sa-bát và Năm Hân hỉ, có lẽ sẽ không có tình trạng nghèo nàn xảy ra trên đất, vì của cải không thể rơi vào tay một số kẻ giàu có được (Le 25:1-55; Xu 23:11; Phu 14:28-29). Những tiên tri Cựu Ước cũng từng lên án những kẻ giàu có vì thâu tóm nhiều đất đai, bóc lột, ức hiếp những người góa bụa và người nghèo khó (Es 3:15; Es 10:2; Am 2:6; Am 4:1; Am 5:11-12; Am 8:4-6; Ha 2:9-13). Vào thời Chúa Jêsus người Palestine bị La Mã cai trị, cuộc sống của người dân trở nên khốn khó.

La-xa-rơ bị bệnh và có lẽ bị tàn tật, vì ông “nằm” ngoài cửa nhà người giàu (Cong 3:1-2). Chỉ có những con chó để ý đến ông. Đương nhiên người giàu có thể dễ dàng giúp đỡ cho La-xa-rơ, nhưng ông ta phớt lờ và cứ tiếp tục vui hưởng của cải mình có. Cuộc sống thật sung túc khiến ông cảm thấy vô cùng yên tâm!

Khác biệt trong sự chết (Lu 16:22): “Kẻ giàu và người nghèo đều gặp nhau, Đức Giê-hô-va dựng nên cả hai” (Ch 22:2). Người giàu dù có của cải dư dật cũng chết (Thi 49:6-9) và chắc được an táng một cách long trọng. Nhưng khi La-xa-rơ chết, ông ta được đặt vào lòng Áp-ra-ham. Thật là một sự khác biệt rõ rệt! Có lẽ dù người Do Thái có xót thương ông ta thế nào, ông ta vẫn không được an táng theo đúng nghi thức dân Do Thái. Ông không được an táng đàng hoàng, không có những kẻ khóc mướn, không hương liệu ướp xác, không mồ mả đàng hoàng. Sau khi thân xác La-xa-rơ được đem đi có lẽ những kẻ lân cận nói rằng: “Ồ, chúng tôi rất mừng vì ông ta không còn lảng vảng ở đây nữa”!

Sự chết xảy ra khi hồn lìa khỏi xác (Gia 2:26). Nhưng đó chưa phải là sự chết cuối cùng, vì nó chỉ mới là sự khởi đầu một sự sống mới ở thế giới khác. Đối với những người tin Chúa chết có nghĩa là được ở với Chúa (IICo 5:1-8; Phi 1:21). Đối với kẻ vô tín, chết nghĩa là bị phân cách khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong khốn khổ.

Khác biệt trong sự vĩnh cửu (Lu 16:23-31): Từ “Âm phủ” ở Lu 16:23 được người Gờ-réc gọi là “nơi người chết ở”. Đó là nơi người chết ở tạm khi chờ sự xét đoán. Nơi đoán phạt đời đời dành cho kẻ hư mất được gọi là “địa ngục”, nơi có hồ lửa. Ngày kia, kẻ chết sẽ sống lại và âm phủ cũng trả lại những linh hồn (Kh 20:13), những tội nhân hư mất sẽ bị xét đoán trước mặt Đấng Christ (Kh 20:10-15).

Qua sự mô tả của Chúa Jêsus, chúng ta biết rằng nơi người chết ở có 2 “khu vực” riêng: một nơi Pa-ra-đi gọi là “lòng Áp-ra-ham” và một nơi đoán phạt. Nhiều nhà thần học tin rằng sau khi Chúa sống lại và về trời thì nơi Pa-ra-đi không còn tồn tại nữa (Gi 20:17; Eph 4:8-10). Chúng ta biết “Thiên đàng” hôm nay ở trên trời, là nơi Chúa Jêsus cai trị trong sự vinh hiển (Lu 23:43; IICo 12:1-4). Kinh Thánh không nói rằng những linh hồn ở thiên đàng hay nơi âm phủ có thể liên lạc với nhau hay có thể liên lạc với người sống trên đất.

Có một điều thú vị là người giàu ở âm phủ bắt đầu cầu nguyện! Ông ta cầu nguyện cho bản thân và những người anh của mình, xin Áp-ra-ham thương xót và khiến La-xa-rơ yên ủi mình (Lu 16:23-26) và cho các anh mình khỏi bị xuống âm phủ như mình (Lu 16:27-31). Thậm chí một giọt nước mát cũng rất quý báu đối với ông ta. Mọi sự đã thay đổi, khác hẳn với những yến tiệc xa hoa khi biết bao đầy tớ lăng xăng làm theo mệnh lệnh của ông!

Từ “đau đớn”, “bị khổ” được sử dụng trong đoạn này nói về một sự đau đớn thật, giống với từ được sử dụng khi người bị tà linh ám (Mac 5:7) và sử dụng cho sự đoán phạt mà Chúa sẽ giáng trên một thế giới không ăn năn (Kh 9:5; Kh 20:10). Nếu hỏa ngục là nhà tù đời đời dành cho những kẻ bị đoán phạt, thì nơi của người chết ở là trại giam tạm thời, và sự khốn khổ trong hai trường hợp này là điều rất thực, chớ không phải tưởng tượng!

Có những người hỏi: “Sao một Đức Chúa Trời yêu thương lại có thể cho phép một nơi như địa ngục thế kia được tồn tại và đưa con người vào đó?” Khi hỏi câu này, chính họ tự bày tỏ mình không hiểu gì về tình yêu của Đức Chúa Trời hoặc sự độc ác của tội lỗi. Tình yêu Đức Chúa Trời một tình yêu thánh khiết (“Đức Chúa Trời là sự sáng” – IGi 1:5), chớ không phải là một tình cảm hời hợt, nông cạn. Tội lỗi là sự chống nghịch lại một Đức Chúa Trời yêu thương và thánh khiết. Ngài không đưa con người vào địa ngục, nhưng chính con người đã tự đẩy mình vào đó khi khước từ sự kêu gọi của Đức Chúa Trời và không tin Con Ngài. Những “kẻ chẳng tin” bị định vào danh sách những người hư mất nơi hỏa ngục, thậm chí trước những kẻ giết người là kẻ nói dối (Kh 21:8 ; Gi 3:18-21,36).

Áp-ra-ham có hai lý do cho biết La-xa-rơ không thể an ủi kẻ giàu này: vì tính cách của người giàu và hiện trạng về sự sống đời đời khác nhau. Người giàu đã hưởng sự sung túc trên đất và những vui sướng trần tục. Ông đã được nhận phần thưởng ở thế gian (Mat 6:2,5,12). Ông tự quyết định số phận mình khi đặt Đức Chúa Trời ra ngoài đời sống và giờ đây bản chất cũng như số phận ông chẳng thể thay đổi được. La-xa-rơ cũng không thể rời bỏ vị trí được yên ủi của mình để đến nơi đau khổ dù chỉ trong giây lát!

Câu 28 cho thấy La-xa-rơ có lẽ đã làm chứng cho người giàu và anh em của ông, nhưng không ai tin. Giờ đây, lời chứng của La-xa-rơ quan trọng biết bao! Anh em của người giàu biết La-xa-rơ đã chết, vì vậy nếu kẻ ăn mày xuất hiện trước mặt họ, hẳn họ sẽ khiếp vía và nghe lời chứng của ông ta. Những kẻ ở âm phủ đã quan tâm đến những con người hư mất, nhưng không thể làm được gì cho kẻ khác.

Áp-ra-ham giải thích rằng chỉ có một điều duy nhất có thể giữ năm anh em khỏi chung số phận với anh họ, đó là họ phải nghe Lời Đức Chúa Trời và hưởng ứng bằng đức tin. Môi-se và các tiên tri cho tội nhân biết cách để ăn năn và được cứu. Người Do Thái đã từng nghe đọc về những điều này mỗi kỳ lễ Sa-bát trong nhà hội.

Bác sĩ Lu-ca không cho chúng ta biết phản ứng của những người Pha-ri-si ích kỷ kia trước câu chuyện này. Họ đều biết rõ Môi-se và những tiên tri, điều này có ý nghĩa là họ phải chịu trách nhiệm lớn lao hơn và sự đoán phạt càng gay gắt hơn (Gi 12:35-41).

Chúng ta phải biết rằng không phải người giàu bị lên án vì có nhiều của cải, hay La-xa-rơ được cứu vì nghèo. Áp-ra-ham cũng là người giàu có, nhưng ông đâu chịu khổ nơi âm phủ! Người giàu này chỉ cậy nơi của cải mình và không tin cậy Chúa.

C.S.Lewis nói rằng: “Con đường chắc chắn dẫn đến âm phủ là con đường thoai thoải, dốc nhẹ, êm chân, không chỗ rẽ bất ngờ, không cột mốc, cũng không có biển chỉ đường! ”

“Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì?” (Mac 8:36)

Chúa Jêsus đã trả lời cho câu hỏi trên.

Còn bạn giải đáp ra sao?

 

 

Do KT