NHỮNG GỢI Ý:

SỬ DỤNG CỦA CẢI: ĐÚNG VÀ SAI (Lu-ca 16:1-31)

Tạp chí Wall Street đã trích dẫn lời của một người vô danh có đầu óc dí dỏm khi định nghĩa về tiền như sau: “Tiền là vật được dùng như một hộ chiếu cho tất cả mọi người để đến bất cứ nơi đâu trừ thiên đàng, là phương tiện cung cấp mọi thứ trừ hạnh phúc”. Cũng có thể nói thêm rằng tiền bạc cũng là nguyên nhân khơi dậy sự tham lam và tranh cạnh, nó là một đầy tớ “tuyệt vời” nhưng lại là một ông chủ “tệ bạc”. Sự tham tiền vẫn luôn là “cội rễ của mọi điều ác” (ITi 6:10), nó khiến thế giới chúng ta đầy dẫy sự sa đọa và tham lam (IITim 3:2).

Hôm nay chúng ta đọc phần đầu Lu-ca 16:1-13

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 16:13 (BDHD): 

Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ vì sẽ ghét chủ nầy mà yêu chủ kia, hoặc trọng chủ nầy mà khinh chủ kia. Các con không thể nào vừa phục vụ Đức Chúa Trời, vừa phục vụ tiền tài được.

 

NỘI DUNG

Ẩn dụ về người quản gia bất trung. – Các lời khuyên bảo khác

1 Đức Chúa Jêsus lại phán với các môn đồ: “Một người giàu kia có một người quản gia bị tố cáo đã phung phí tài sản của chủ. 2 Vì vậy, chủ gọi anh ta đến và bảo: 'Tôi nghe người ta tố cáo anh về điều gì đó! Hãy khai trình việc quản lý của anh, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!’ 3 Người quản gia tự nhủ: 'Chủ cách chức quản lý của ta, ta sẽ làm gì? Cuốc đất thì ta không đủ sức, còn đi ăn xin thì hổ thẹn. 4 Ta biết phải làm gì để khi bị cách chức có người tiếp rước ta về nhà.’ 5 Vậy, anh ta gọi riêng từng con nợ của chủ đến và nói với người thứ nhất: 'Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?’ 6 Người ấy đáp: 'Một trăm thùng dầu.’ Người quản gia nói: 'Hãy cầm lấy giấy nợ, ngồi xuống đó viết mau: Năm chục.’ 7 Rồi anh ta nói với người thứ nhì: 'Anh mắc nợ bao nhiêu?’ Người ấy đáp: 'Một trăm hộc lúa mì.’ Người quản gia bảo: 'Hãy cầm lấy giấy nợ, viết: Tám chục.’ 8 Ông chủ khen người quản gia bất chính ấy đã hành động khôn lanh như vậy. Vì con cái đời nầy khôn khéo hơn con cái sự sáng trong việc cư xử với người đồng loại. 9 Còn Ta bảo các con: Hãy dùng tiền của bất nghĩa mà kết bạn, để khi tiền của ấy hết đi, họ sẽ tiếp các con vào nhà đời đời.

10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ cũng trung tín trong việc lớn, ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ cũng bất nghĩa trong việc lớn. 11 Vậy nếu các con không trung tín về của cải bất nghĩa, ai sẽ đem của cải thật giao cho các con? 12 Nếu các con không trung tín về của cải người khác, ai sẽ giao cho các con của cải riêng của các con? 13 Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ vì sẽ ghét chủ nầy mà yêu chủ kia, hoặc trọng chủ nầy mà khinh chủ kia. Các con không thể nào vừa phục vụ Đức Chúa Trời, vừa phục vụ tiền tài được.”

 

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Khi đọc những bài giảng và những câu chuyện của Chúa Jêsus, chúng ta cảm thấy Ngài đề cập nhiều về vấn đề của cải vật chất. Ngài giảng dạy cho đa số người nghèo là những người cho rằng càng có nhiều tiền, sẽ có thể giải quyết mọi nan đề. Chúa không phải không hiểu những nhu cầu của họ khi kể những câu chuyện này, Ngài muốn khích lệ những người theo Ngài phải chia sẻ những điều mình có cho kẻ khác.

Đoạn này tập trung vào một lẽ thật: đời sống là một trách nhiệm quản gia, và chúng ta phải sử dụng những cơ hội Đức Chúa Trời ban cách trung tín. Sẽ có một ngày ta phải khai trình mọi việc đã được Chúa giao cho. Vì vậy, chúng ta nên lưu ý đến những điều Chúa phán trong đoạn này về cách sử dụng của cải đúng và sai.

Cách sử dụng của cải đúng đắn (Lu 16:1-13)

Người quản gia dại dột (Lu 16:1-2): Quản gia là người giữ của cải cho người khác. Người đó không phải là chủ của tài sản, nhưng có đặc quyền hưởng và sử dụng nó để làm lợi cho chủ. Quan trọng nhất là người đó phải hầu việc chủ cách trung thành (ICo 4:2). Khi quản gia nhìn của cải quanh mình, phải nhớ rằng của cải ấy thuộc về chủ, chớ không phải của chính mình, biết rằng chúng phải được sử dụng sao cho chủ hài lòng và có lợi cho chủ.

Quản gia này quên rằng mình là một quản gia, nên bắt đầu hành động như một “người chủ”. Người ấy đã trở nên một “quản gia hoang đàng”, đã phung phí của cải của chủ. Chủ biết điều đó nên lập tức bảo người quản gia khai trình mọi của cải và sổ sách. Chủ đồng thời cũng sa thải quản gia ấy.

Trước khi xét đoán người quản gia này cách gay gắt, chúng ta hãy kiểm điểm lại đời sống mình xem chúng ta trung tín với những điều Đức Chúa Trời giao cho ở mức độ nào. Trước tiên, chúng ta là những quản gia về của cải mình có, dù nhiều hay ít, chúng ta sẽ phải trả lời trước về cách sử dụng nó.

Chức quản gia của Cơ Đốc nhân không chỉ ở phạm vi dâng Chúa 1/10 lợi tức rồi tùy ý sử dụng phần còn lại của mình. Làm quản gia thật có nghĩa là chúng ta phải cảm tạ Chúa về mọi điều mình có (Phu 8:11-18) và sử dụng theo sự hướng dẫn của Ngài. Dâng Chúa 1/10 lợi tức cũng là một cách tốt để khởi đầu bổn phận quản gia trung tín của chúng ta. Tuy nhiên, phải luôn nhớ rằng Đức Chúa Trời phải kiểm soát những gì chúng ta làm với 9 phần còn lại.

Chúng ta đều là những quản gia về thì giờ (Eph 5:15-17). Câu nói “Hãy lợi dụng thì giờ” được dùng trong giới thương mại có nghĩa như “mua lấy cơ hội”. Thời giờ là cõi đời đời, được đặt vào những giây phút quý giá và được giao cho chúng ta để sử dụng cách khôn ngoan hay dại dột. Bài học chính của câu chuyện này đó là người quản gia bất trung đã “khôn khéo” lợi dụng cơ hội để mưu cầu tương lai. Cuộc sống chấm dứt sự hưởng thụ và trở nên “sự đầu tư”.

Cơ Đốc nhân là những quản gia về ơn phước và khả năng. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta (IPhi 4:10) nên chúng ta phải sử dụng ơn và năng lực mình có để phục vụ kẻ khác. Là quản gia, chúng ta phải sử dụng khả năng mình có để giành lấy những tội nhân hư mất, khích lệ kẻ khác và đáp ứng nhu cầu của người khốn khổ.

Điều cuối cùng, con cái Đức Chúa Trời cũng là những quản gia của Phúc Âm (ITe 2:4). Đức Chúa Trời đã giao chúng ta của cải “lẽ thật” (IICo 4:7) chúng ta phải bảo vệ của cải ấy (ITi 6:20) và đầu tư nó trong đời sống của kẻ khác (IITi 2:2).

Cũng như người quản gia trong câu chuyện, ngày kia chúng ta (cũng) sẽ khai trình việc mình trước mặt Đức Chúa Trời (Ro 14:10-12; IICo 5:10). Nếu chúng ta trung tín, Chúa sẽ khen thưởng chúng ta (Mat 25:21; ICo 4:5), nhưng nếu bất trung, chúng ta sẽ mất phần thưởng dù được cứu và hưởng thiên đàng (ICo 3:13-15).

Nếu chúng ta là quản gia trung tín, Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng rời rộng, phần thưởng đó sẽ làm vinh hiển danh Ngài.

Người quản gia khôn ngoan (Lu 16:3-8): Quản gia này biết mình sẽ mất việc. Anh ta không thể thay đổi quá khứ nhưng có thể chuẩn bị cho tương lai sắp đến. Bằng cách nào? Bằng cách kết bạn với các con nợ của chủ để sau này họ sẽ tiếp đón anh ta khi anh ta bị chủ sa thải. Anh ta hào phóng giảm nợ cho từng người miễn sao họ sẽ trả nợ ngay. Các con nợ quá đỗi vui mừng trong “sự hợp tác” này. Thậm chí chủ của quản gia cũng khen về kế hoạch khôn ngoan ấy (Lu 16:8).

Chúa Jêsus không khen quản gia này vì anh ta đã lấy của chủ hay vì xúi giục kẻ khác gian dối. Chúa muốn nói tốt cho người này về cách sử dụng cơ hội khôn khéo của anh ta. “Con đời này” là những kẻ chuyên nắm bắt những cơ hội kiếm tiền, kết bạn và tiến thân. Con cái Đức Chúa Trời cũng nên lưu tâm và có sự khôn ngoan khi quản lý những công việc thuộc linh trong đời sống. “Con đời này” chỉ khôn ngoan trong “thế hệ” của họ, chỉ thấy những sự việc thuộc về thời gian nhưng không thấy được những điều thuộc về sự vĩnh cửu. Vì con cái Đức Chúa Trời sống bằng “những giá trị của sự vĩnh cửu” nên phải biết sử dụng những cơ hội mình có càng hơn thế nữa.

Ứng dụng (Lu 16:9-13): Chúa Jêsus đưa ra ba lời khuyên dựa trên từng trải của người quản gia.

Trước tiên, Ngài khuyên chúng ta sử dụng cơ hội mình có một cách khôn ngoan (Lu 16:9). Một ngày nào đó cuộc đời sẽ chấm dứt, chúng ta không thể kiếm tiền hoặc tiêu tiền được. Vì vậy, khi đang còn cơ hội, chúng ta phải đầu tư tiền bạc vào việc “tìm thân hữu” cho Chúa, nghĩa là đem người đến với Đấng Christ. Đấng sẽ tiếp đón chúng ta nơi thiên đàng. Cuộc đời và năng lực chúng ta ngày kia sẽ chấm dứt, nên chúng ta cần phải biết sử dụng chúng cách khôn ngoan.

Thật đáng buồn khi nhìn thấy của cải Đức Chúa Trời bị phung phí bởi những tín hữu có thái độ sống như thể Chúa Jêsus chưa từng chịu chết và sự xét đoán sẽ chẳng xảy ra. Di sản của quá khứ phải được sử dụng cách khôn ngoan trong hiện tại để bảo đảm ích lợi về mặt thuộc linh trong tương lai. Chúng ta đều muốn gặp lại mọi người trên thiên đàng, là những người đặt niềm tin nơi Đấng Christ, vì chúng ta đã dâng hiến cho việc truyền giảng Phúc Âm khắp thế giới, bắt đầu từ gia đình.

Lời dạy thứ hai của Chúa là hãy trung tín trong cách bạn sử dụng của cải vật chất bạn có (Lu 16:10-12). Ngài cho thấy chúng ta không thể tách rời vấn đề “thuộc linh” khỏi “vật chất”.

Vì sao Đức Chúa Trời lại quan tâm đến cách chúng ta sử dụng tiền bạc? Bởi vì tiền bạc vốn không có tính chất “trung lập”, nó vốn là cội rễ điều ác (thần tài bất nghĩa), chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể thánh hóa nó và sử dụng nó để đem lại ích lợi. Thật ý nghĩa khi Phao-lô và Phi-e-rơ gọi tiền bạc là “mối lợi đáng bỉ” (ITi 3:3,8; Tít 1:7,11; IPhi 5:2). Rõ ràng tiền bạc vốn có bản chất như vậy, nó khiến kẻ yêu tiền bị ô uế và mất phẩm cách, đời sống họ làm nô lệ cho đồng tiền. Richard Foster viết: “Mãi đến khi chúng tôi thực sự biết rằng mình đang có quan hệ không chỉ với tiền bạc mà là tiền bất nghĩa, chúng tôi không thể dùng nó cách an tâm”.

Những ai không trung tín trong cách sử dụng tiền, sẽ không thể trung tín trong cách sử dụng “của báu thật” ở Nước Trời. Chúng ta không thể vừa sống theo đức tin vừa sống theo “tà đạo” trong cách sử dụng tiền bạc. Đức Chúa Trời sẽ không thể giao của cải thật cho những ai tiêu phí tiền, Ngài không ban điều lành cho kẻ sống vì tiền. Khi nói đến tiền bạc, Phao-lô rất thận trọng về việc tìm kiếm điều lành “chẳng những ở trước mặt Chúa, mà cũng ở trước mặt người ta nữa” (IICo 8:21).

Cuối cùng Chúa khuyên chúng ta sống cho Đức Chúa Trời và chuyên tâm để đẹp lòng Ngài (Lu 16:13; Mat 6:19-24). Chúng ta không thể yêu và hầu việc hai chủ, cũng không thể cùng một lúc đi hai hướng được. Nếu chọn con đường phục vụ tiền bạc, chúng ta không thể hầu việc Đức Chúa Trời. Nếu quyết định hầu việc Chúa, chúng ta sẽ không hầu việc tiền bạc. Chúa Jêsus cần nơi chúng ta một tinh thần chân thật, dâng mình cho Đức Chúa Trời và đặt Ngài trên hết mọi sự (Mat 6:33).

Nếu Đức Chúa Trời là chủ chúng ta, vậy tiền bạc sẽ là tôi tớ chúng ta. Chúng ta sẽ sử dụng những gì mình có theo ý muốn Đức Chúa Trời. Nhưng nếu Đức Chúa Trời không phải là chủ chúng ta tiền bạc sẽ cai trị chúng ta và nó sẽ trở nên một “ông chủ đáng sợ”! Chúng ta sẽ hoang phí cuộc sống mình thay vì đầu tư nó. Và như vậy, sẽ có một ngày chúng ta nhận ra mình là kẻ “cô độc” khi đi qua những cánh cổng vinh hiển.

Hery Fielding nói rằng: “Nếu tôn sùng tiền bạc, nó sẽ như quỉ Sa-tan gây tai họa cho bạn”. Chúa Jêsus phán: “Hãy cai quản tiền bạc và sử dụng những cơ hội hôm nay như một sự đầu tư cho ích lợi trong tương lai”. Bạn hãy là một quản gia khôn ngoan! Còn bao linh hồn cần đến với Đấng Christ, chúng ta có thể sử dụng tài chính mình có để thực hiện công tác truyền giảng ấy.

 

Do KT