NHỮNG GỢI Ý:

Sau khi kể ẩn dụ về con chiên và đồng bạc bị lạc mất Chúa Jêsus tiếp tục kể câu chuyện về đứa con con trai hoang đàng.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 15:31-32 (BDHD): 

Người cha đáp: 'Con ơi, con luôn luôn ở với cha, tất cả của cha là của con. Nhưng đáng phải dọn tiệc và vui mừng, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay tìm lại được.’

 

NỘI DUNG

11 Ngài lại kể tiếp: “Một người kia có hai con trai. 12 Người em nói với cha: 'Thưa cha, xin chia cho con phần tài sản thuộc về con.’ Và người cha đã chia gia tài cho chúng. 13 Chẳng bao lâu, người em tóm thu hết của cải và đi đến một nơi xa; ở đó, nó ăn chơi phóng đãng, phung phí tài sản mình. 14 Khi đã tiêu sạch của rồi, trong xứ xảy ra một nạn đói lớn và nó bắt đầu lâm vào cảnh túng thiếu. 15 Nó phải đi làm mướn cho một người dân bản xứ và bị sai ra đồng chăn heo. 16 Nó ước ao lấy vỏ đậu của heo ăn mà ăn cho no nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ nó mới tỉnh ngộ, tự nhủ: 'Biết bao nhiêu người làm mướn cho cha ta được ăn bánh dư dật mà ở đây ta phải chết đói! 18 Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha và thưa với cha: Cha ơi, con đã phạm tội với trời và với cha, 19 không xứng đáng gọi là con của cha nữa. Xin cha xem con như người làm thuê của cha vậy.’

20 Nó liền đứng dậy, trở về với cha mình. Nhưng khi còn ở đàng xa, người cha thấy nó thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ nó mà hôn. 21 Người con thưa với cha: 'Cha ơi, con đã phạm tội với trời và với cha, chẳng còn xứng đáng gọi là con của cha nữa.’ 22 Nhưng người cha bảo các đầy tớ: 'Hãy mau lấy áo tốt nhất mặc cho nó, đeo nhẫn vào tay, mang giày vào chân. 23 Hãy bắt con bê mập làm thịt. Chúng ta hãy ăn mừng! 24 Vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ tìm lại được.’ Rồi họ bắt đầu ăn mừng.

25 Bấy giờ, người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn ca nhảy múa, 26 anh ta gọi một đầy tớ mà hỏi xem có việc gì. 27 Đầy tớ thưa: 'Em cậu đã trở về và cha cậu đã làm thịt con bê mập, vì ông thấy cậu ấy về được mạnh khỏe.’ 28 Người con cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Người cha đi ra và khuyên dỗ chàng. 29 Nhưng anh thưa với cha: 'Cha xem, đã bao nhiêu năm con phục vụ cha, chưa từng trái lệnh cha, mà cha chẳng bao giờ cho con một con dê con để chung vui với bạn hữu.30 Nhưng khi đứa con kia của cha, là đứa đã phung phí hết tài sản của cha với gái mại dâm rồi trở về thì cha lại làm thịt con bê mập ăn mừng!’ 31 Người cha đáp: 'Con ơi, con luôn luôn ở với cha, tất cả của cha là của con. 32 Nhưng đáng phải dọn tiệc và vui mừng, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay tìm lại được.’”

 

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Niềm vui trở về (Lu 15:11-24)

Chúng ta gọi câu chuyện này là “Câu chuyện về người con trai hoang đàng” (“hoang đàng” có nghĩa như “tiêu xài phung phí”), cũng có thể gọi là “Câu chuyện về người cha nhân từ”, vì nó nhấn mạnh về lòng nhân từ của người cha hơn là tội lỗi của đứa con, không như người chăn chiên và người đàn bà trong hai câu chuyện trước, người cha này không đi tìm con, nhưng câu chuyện nhắc nhở rằng chính sự nhân từ của người cha đã đưa đứa con đến chỗ ăn năn và được tha thứ (Ro 2:4). Hãy chú ý đến ba từng trải mà người con hoang đàng này kinh nghiệm qua:

Sự chống nghịch - đi phương xa (Lu 15:11-16): Theo luật Do Thái, con trưởng nam được nhận của cải gấp đôi phần của các con trai khác (Phu 21:17), người cha có thể chia tài sản trong lúc còn sống nếu ông muốn. Nếu người con thứ xin chia phần của cải và bán đi, điều đó hoàn toàn hợp lệ. Tuy nhiên, đó không phải là hành động hiếu thảo của anh ta, vì như thế anh ta dường như muốn nói với cha rằng: “Phải chi cha chết sớm! ” Thomas Huxley nói: “Những nan đề tệ hại nhất của con người khởi đầu khi người ấy có thể đúng như điều mình thích.” Thật vậy!

Chúng ta luôn gây ra rắc rối khi đánh giá vật chất cao hơn con người, của cải hơn bổn phận, ảo ảnh hơn những phước hạnh đang hưởng trong gia đình. Chúa có lần đã phán dạy hai anh em tranh giành của cải rằng: “Hãy giữ cẩn thận, chớ hà tiện chi hết” (Lu 12:15). Vì sao Ngài dạy như vậy? Bởi con người tham lam chẳng bao giờ thỏa lòng, dù có đòi hỏi bao nhiêu. Sự không thỏa lòng đó sẽ dẫn đến một đời sống tuyệt vọng

“Phương xa” không nhất thiết là một chốn xa xôi chúng ta phải đến, vì “phương xa” trước hết ở tại lòng ta. Đứa con thứ nuôi ước vọng “hưởng” tự do khi bỏ nhà ra đi, thoát khỏi sự ràng buộc của người cha và người anh. Nếu con chiên bị lạc do khờ dại và đồng bạc mất vì không được giữ gìn, thì đứa con trai này bị hư hỏng bởi tư ý. Nó muốn hành động theo ý riêng mình, nên đã nghịch cùng người cha và làm đau lòng cha.

Nhưng cuộc sống ở phương xa không như điều đứa con mong đợi. Tiền bạc cạn kiệt, bạn bè xa lánh, nạn đói đe dọa, đứa con buộc phải phục dịch cho kẻ ngoại bang những việc nó chẳng từng làm cho cha mình - nó phải lao động! Hình ảnh này được Chúa dùng để cho thấy rõ những điều tội lỗi thực hiện qua đời sống của những ai nghịch với ý muốn Cha trên trời. Tội lỗi hứa hẹn tự do nhưng đem lại kiếp nô lệ (Gi 8:34), hứa hẹn thành công nhưng đem đến thất bại, hứa hẹn sự sống nhưng “tiền công của tội lỗi là sự chết” (Ro 6:23). Đứa con nghĩ rằng nó có thể “tìm thấy chính mình” nhưng chỉ “đánh mất chính mình” mà thôi! Khi chúng ta để Đức Chúa Trời ra ngoài cuộc sống mình, niềm vui hạnh phúc sẽ biến thành tình trạng bị nô lệ.

Sự ăn năn - tỉnh ngộ (Lu 15:17-19): “Ăn năn” có nghĩa như “đổi ý” và đó chính là điều chàng trai này nghĩ đến khi đang chăn heo. “Tỉnh ngộ” là điều cho thấy đến giờ phút này đứa con trai mới thật sự nhận biết chính mình. Dường như trong tội lỗi có một sự loạn trí khiến cho hình ảnh Đức Chúa Trời bị tê liệt trong chúng ta và “con thú” được tự do hoành hành trong đó.

Chàng thanh niên tỉnh ngộ và biết thực trạng của mình, thừa nhận mình là tội nhân. Cậu biết cha mình là người có lòng rộng rãi, biết rằng làm việc trong gia đình còn hạnh phúc hơn được “tự do” nơi phương xa. Chính bởi sự nhân từ của Đức Chúa Trời, không phải sự xấu xa của con người đã đem chúng ta đến sự ăn năn (Ro 2:4). Nếu người con chỉ nghĩ đến bản thân mình - tức là chỉ nghĩ đến sự đói khát, nhớ nhà, cô đơn có lẽ cậu đã nản lòng. Nhưng trong hoàn cảnh khổ sở ấy đã giúp cậu hiểu về người cha dưới cái nhìn mới, điều này khiến cậu tràn trề hy vọng. Cha rất tử tế với tôi tớ trong nhà, lẽ nào không tha thứ con mình?

Sự vui mừng - về với cha (Lu 15:20-24): Chúa Jêsus dùng đoạn này để đáp lại sự tố cáo của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si (Lu 15:2), bởi người cha không chỉ chạy đến mừng con mình mà còn mừng ngày con trở về bằng cách dọn tiệc lớn và mời xóm giềng đến dự. Người cha chờ con mình ăn năn xưng tội xong, liền tha thứ cho con và ra lệnh đầy tớ chuẩn bị tiệc ăn mừng.

Dĩ nhiên, người cha trong câu chuyện đại diện cho thái độ của Cha trên trời đối với tội nhân nào ăn năn. Ngài giàu lòng thương xót, nhân từ và yêu thương họ (Eph 2:1-10). Ngài làm được mọi sự vì Con Ngài đã hy sinh trên thập tự giá. Chúng ta được cứu chính bởi ân điển Đức Chúa Trời, và ân điển là tình yêu đã được trả giá.

Ở Đông phương, người già chẳng bao giờ chạy cả, vậy mà người cha này “chạy ra” gặp con. Vì sao? Chắc hẳn đó là vì ông yêu con mình và khao khát bày tỏ tình yêu. Nhưng còn có một điều khác có liên quan. Người con hoang đàng đã làm xấu hổ cho gia đình và láng giềng, theo luật chép trong Phu 21:18-21 nó phải bị ném đá chết. Nếu những người lân cận bắt đầu ném đá người con có lẽ phải ném trúng người cha vì người cha đang ôm chặt con mình. Đây thực sự là một bức tranh về những điều Chúa Jêsus đã làm cho chúng ta trên thập tự giá!

Người con thứ khám phá tại nhà mình có mọi thứ nó hằng ao ước nơi phương xa: quần áo, vàng bạc, bạn hữu, tiệc vui, tình yêu và một tương lai đảm bảo. Điều gì đã thay đổi? Thay vì nói: “Thưa cha, hãy cho con...” đứa con muốn nói “Thưa cha, hãy định đoạt số phận con”. Đứa con muốn làm một đầy tớ! Dĩ nhiên, người cha không cần con phải trả nợ cho sự tha thứ của ông, bởi không có việc làm nào có thể cứu chúng ta khỏi tội lỗi (Eph 2:8-10; Tit 3:3-7). Nơi phương xa, người con hoang đàng đã học được ý nghĩa của sự khốn khổ, nhưng khi trở về, cậu khám phá ra ý nghĩa của sự thương xót. Chiếc nhẫn là dấu hiệu của địa vị làm con, và “áo tốt nhất” (dĩ nhiên là áo của cha) là chứng cớ người cha tiếp nhận con mình trở về gia đình (Sa 41:42; Es 61:10; IICo 5:21). Các đầy tớ không có nhẫn để đeo, không có giày để mang hoặc quần áo sang trọng để mặc. Người cha mở tiệc để bày tỏ niềm vui và chia sẻ với mọi người. Lẽ ra người con hoang đàng phải bị đối xử theo luật pháp đã định, lẽ ra đã có một đám tang chớ không phải tiệc mừng như thế. Thi 103:10-14 là một minh họa tuyệt vời!

Thật thú vị khi người cha mô tả tình trạng của đứa con: “đã chết mà lại sống, đã mất mà lại thấy được”. Đây cũng là từng trải thuộc linh của mọi tội nhân đến với Đức Chúa Trời là Cha qua đức tin nơi Chúa Jêsus (Eph 2:1-10; Gi 5:24). Hãy xem sự so sánh giữa hành động người con hoang đàng trở về với cha và hành động chúng ta đến với Đức Chúa Trời qua Chúa Jêsus (Gi 14:6).

- Đứa con hoang đàng đã lạc mất (c.24), thiếu hiểu biết (c.17), đã chết (c.24),

- Chúa Jêsus: “Ta là đường đi,” “Ta là lẽ thật,” “Ta là sự sống.”

Chỉ có một con đường để đến với Đức Chúa Trời, đó là đức tin nơi Chúa Jêsus. Bạn đã trở về “nhà” chưa?

Niềm vui của sự tha thứ (Lu 15:25-32)

Khi câu chuyện đến giai đoạn này, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si tin chắc mình đã thoát khỏi sự xét đoán của Chúa, vì Ngài tập trung vào tội nhân qua hình ảnh đứa con hoang đàng. Nhưng Chúa tiếp tục câu chuyện khi nói về người con cả, đại diện cho các thông thầy thông giáo và người Pha-ri-si. Tội nhân phạm tội về mặt thuộc thể nhưng người Pha-ri-si và các thầy thông giáo là những kẻ phạm tội về mặt thuộc linh (IICo 7:1). Hành động bề ngoài của họ có thể “trong sạch” nhưng thái độ bên trong của họ thật “tồi tệ” (Mat 23:25-28).

Chúng ta phải thừa nhận rằng nơi người con cả có những giá trị đạo đức đáng khen ngợi. Anh ta làm việc siêng năng và luôn vâng lời cha, chẳng bao giờ làm xấu hổ gia đình và láng giềng. Anh ta có nhiều bạn hữu đến nỗi có thể dự định mở tiệc vui (Lu 15:29). Dường như anh ta là mẫu công dân tốt và so với người em trai, anh ta gần giống một thánh nhân.

Tuy nhiên, dù sự vâng lời và nhiệt thành rất quan trọng, nhưng chúng không phải là những thử nghiệm duy nhất của bản tánh. Chúa dạy rằng có hai điều răn quan trọng nhất đó là phải yêu mến Đức Chúa Trời và yêu kẻ khác (Lu 10:25-28), nhưng người con cả đã phạm hai điều răn này. Anh ta không yêu Đức Chúa Trời (đại diện bởi người cha trong câu chuyện) và không yêu em mình, không tha thứ cho đứa em hoang đàng vì nó phung phí của cải gia đình và làm xấu hổ gia đình. Người con cả cũng không tha thứ cho cha mình vì ông đã rộng lượng tha thứ cho lỗi lầm của đứa con thứ.

Khi xem xét lỗi lầm của người con cả, bạn có thể hiểu vì sao người này là hình ảnh của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si. Trước hết, anh ta tự xem mình là “công bình”, công khai lên án tội lỗi đứa em mà không nhận biết tội lỗi của bản thân (Lu 18:9-14).

Kiêu ngạo cũng là một trong những nhược điểm của người con cả. Anh ta chỉ nghĩ đến những năm tháng phục vụ cha và chưa từng cãi lời cha! Đúng là lời biện hộ! Tuy nhiên, anh ta không hướng lòng vào công việc, chỉ luôn mơ tưởng một bữa tiệc thịnh soạn cùng bạn bè hưởng thụ. Anh ta chỉ là người lao dịch. Giống như tiên tri Giô-na, người con cả làm theo ý Đức Chúa Trời không hết lòng mà chỉ gắng gượng (Eph 6:6; Gion 4:1-11). Anh ta như người làm công chăm chỉ và trung thành - những phẩm chất đáng biểu dương - nhưng công việc của anh ta không phải là “công việc của tình yêu” nên không làm cha hài lòng.

Bạn có thể thấy người anh không hề quan tâm đến đứa em xa xứ. Bạn hình dung xem, người cha trông đợi con đã bao ngày mòn mỏi và cuối cùng đã thấy con mình từ xa, nhưng người anh cả đến tận khi được đầy tớ báo tin mới biết em mình đã về nhà. Dù biết cha rất vui mừng, anh ta cũng không muốn đứa em trở về nhà. Tại sao anh ta phải san xẻ của cải cho kẻ đã tiêu sạch của cải của riêng mình? Tại sao anh ta còn phải chia sớt tình yêu của cha với kẻ đã làm xấu hổ gia đình và xóm giềng? Lối sống của người con hoang đàng càng khiến cho người anh cả được xem là người tốt lành, dĩ nhiên điều này có thể khiến cha yêu đứa con vâng lời hơn. Chắc chắn đối với người con cả sự trở về của người con thứ là một mối đe dọa đối với anh ta.

Có lẽ điều đáng ngại nhất là cơn giận dữ gay gắt của người con cả. Anh ta giận cha và em trai nên không muốn vào nhà dự tiệc. “Giận” là cảm xúc bình thường của con người, không nhất thiết đó là tội. “Đương cơn giận, thì chớ phạm tội” (Eph 4:26; Thi 4:4). Môi-se, Đa-vít, Các tiên tri và cả Chúa Jêsus đã bày tỏ cơn giận thánh khiết đối với tội lỗi, chúng ta hôm nay cũng nên giận trong tinh thần như vậy.

Đương nhiên người anh giận đứa em vì nó được cha chiếu cố và ban cho những món quà đặc biệt. Theo suy nghĩ của người anh, đứa em này chẳng xứng đáng nhận được bất cứ điều gì. Nó đã trung thành ư? Không! Nó vâng lời cha ư? Cũng không! Vậy tại sao nó phải được đối xử tử tế và đầy yêu mến như vậy?

Tôn giáo của người Pha-ri-si là làm việc thiện. Qua việc kiêng ăn, học Kinh Thánh, cầu nguyện, bố thí họ hy vọng được Đức Chúa Trời ban phước cũng như hưởng được sự sống đời đời. Tuy nhiên họ đã không làm những gì đáng phải làm, khiến Đức Chúa Trời phải lìa xa họ (Mat 23:23-24) khi thấy Chúa Jêsus tiếp nhận và tha thứ những kẻ không tôn giáo họ chống đối ra mặt. Hơn thế, họ không nhận biết chính mình cũng cần Đấng Christ.

Người cha đã chạy ra đón đứa con hoang đàng, giờ phải rời bữa tiệc để khuyên lơn đứa con cả. Cha trên trời nhân từ và khiêm nhường biết bao! Ngài nhẫn nhục với sự yếu đuối của chúng ta dường nào! Người cha muốn đãi tiệc cho con cả và bạn hữu nó nhưng đứa con chẳng bao giờ xin Cha. Hơn thế, từ khi có sự phân chia gia tài, người con cả đã làm chủ mọi thứ, anh ta có thể sử dụng của cải ấy theo ý mình.

Người con cả không muốn vào nhà, chỉ ở ngoài trề môi hờn dỗi. Anh ta đã đánh mất cơ hội dự phần trong niềm vui tha thứ cho đứa em và phục hồi lại thâm tình đã sứt mẻ, niềm vui làm hài lòng cha và đoàn tụ gia đình. Thật kỳ lạ khi anh ta có thể nói với một tên đầy tớ cách nhẹ nhàng mà không thể nói nhẹ nhàng với cha và em trai!

Nếu bước ra khỏi mối liên hệ với Đức Chúa Trời, chúng ta không thể yêu mến anh chị em mình và ngược lại nếu chúng ta chỉ có thái độ cố chấp với kẻ khác, chúng ta không thể ở trong mối giao thông với Đức Chúa Trời được (IGi 4:18-21; Mat 5:21-26). Khi kẻ khác thật sự ăn năn, chúng ta phải tha thứ cho họ và tìm cách hoà thuận lại với họ trong sự nhân ái và khiêm nhường (Mat 18:15-35; Ga 6:15; Eph 4:32).

Người cha đã nói hết lời, chúng ta cũng không biết câu chuyện kết thúc ra sao (xem câu chuyện tương tự ở Gio 4:1-11). Nhưng chúng ta hẳn biết rằng chính các chức sắc tôn giáo của họ đã khiến Chúa Jêsus bị bắt và chịu chết. Mặc cho Cha trên trời khuyên lơn, họ chẳng muốn vào nhà!

Trong những câu chuyện này, mọi người đều kinh nghiệm sự vui mừng ngoại trừ đứa con cả. Người chăn chiên, người đàn bà và bạn hữu của họ đều kinh nghiệm niềm vui của sự tìm thấy, Người con thứ kinh nghiệm niềm vui khi trở về nhà và được cha tiếp nhận với lòng yêu thương, nhân từ. Người cha kinh nghiệm niềm vui tiếp nhận đứa con hoang đàng trở về bình an lành mạnh. Nhưng người anh cả không tha thứ cho em, nên không có niềm vui. Lẽ ra anh ta phải nghĩ lại và dự tiệc, nhưng anh ta đã từ chối nên ở bên ngoài và đau khổ!

Trong những năm thi hành chức vụ, tôi đã chứng kiến những đàn anh đàn chị thích nuôi sự hờn giận hơn niềm vui thông công với Đức Chúa Trời và con cái Ngài. Bởi họ không muốn tha thứ ai, nên đã xa lánh Hội Thánh và thậm chí bỏ gia đình. Họ “tin chắc” không ai tốt lành ngoài họ cả. Họ có thể lên án tội lỗi kẻ khác nhưng mù loà về những tội lỗi của mình.

Đừng đứng ở ngoài! Hãy bước vào và vui dự tiệc!

 

Do KT