NHỮNG GỢI Ý:

NIỀM VUI TRONG SỰ CỨU RỖI (Lu 15:1-32)

Khi ông D.L.Moody hướng dẫn Trường Chúa nhật ở Chicago, có một cậu bé nhà ở xa đến dự. Có người hỏi cậu: “Sao cháu không đi Trường Chúa nhật nào gần nhà hơn?” Câu trả lời của cậu bé có lẽ cũng giống với cách trả lời của những người thâu thuế và tội nhân trong thời Chúa Jêsus: “Tại vì cháu mến người bạn ngồi đằng kia kìa! ”

Thật ý nghĩa khi Chúa Jêsus thu hút sự chú ý của tội nhân trong khi người Pha-ri-si lại khước từ họ (còn Hội Thánh của chúng ta ngày nay thì sao?). Các tội nhân đến với Chúa không phải vì Ngài mua vui cho họ hay vì Ngài rao thông điệp của Ngài, nhưng chỉ vì Ngài đã chăm sóc, quan tâm đến họ. Ngài hiểu điều họ cần và giúp đỡ họ, trong khi người Pha-ri-si chỉ trích và xa lánh họ (Lu 18:9-14). Người Pha-ri-si hiểu biết về luật pháp Cựu Ước và muốn bản thân được thánh khiết, nhưng chẳng có sự yêu thương đối với những linh hồn hư mất.

Ba từ tóm tắt thông điệp của đoạn Kinh Thánh này là: “mất”, “tìm được” và “vui mừng”. Chúa dùng ba ví dụ này để đáp lại lời tố cáo, gièm pha của người Pha-ri-si và các thầy thông giáo đối với hành vi của Ngài. Đối với họ việc Chúa Jêsus tiếp đón những kẻ bị ruồng bỏ đã là điều không hay rồi, nhưng thêm vào đó họ lại ăn chung với họ. Các chức sắc tôn giáo Do Thái chưa hiểu rằng Con Người đã đến để “tìm và cứu kẻ bị mất” (Lu 19:10). Hơn thế, họ vẫn mù lòa và không biết mình cũng là tội nhân hư mất.

Hôm nay chúng ta sẽ đầu phần đầu: Lu-ca 15:1-10

 

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 15:10  (BDHD): 

Cũng vậy, Ta bảo các ngươi, các thiên sứ của Đức Chúa Trời sẽ vui mừng về một tội nhân ăn năn.”

 

NỘI DUNG

Ẩn dụ về con chiên đi lạc, đồng bạc bị mất và người con trai phóng đãng

(Mat 18:12-14)

1 Bấy giờ, tất cả những người thu thuế và kẻ có tội đến gần Đức Chúa Jêsus để nghe Ngài giảng. 2 Những người Pha-ri-si và các thầy thông giáo phàn nàn rằng: “Người nầy tiếp những kẻ tội lỗi và ăn uống với chúng!”

3 Vì thế, Ngài kể cho họ ẩn dụ nầy: 4 “Có ai trong các ngươi có một trăm con chiên, nếu mất một con mà không để chín mươi chín con kia nơi đồng hoang để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất chăng? 5 Khi đã tìm được thì vui mừng vác nó lên vai. 6 Và lúc về đến nhà, người ấy gọi các bạn hữu và láng giềng đến mà nói: 'Hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên bị mất.’ 7 Cũng vậy, Ta bảo các ngươi, thiên đàng sẽ vui mừng về một tội nhân ăn năn hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải ăn năn. 8 Hay là có người phụ nữ nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng mà không thắp đèn, quét nhà, và cẩn thận tìm kiếm cho kỳ được sao? 9 Khi tìm được rồi, nàng gọi các bạn hữu và láng giềng đến mà nói: 'Hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc bị mất.’ 10 Cũng vậy, Ta bảo các ngươi, các thiên sứ của Đức Chúa Trời sẽ vui mừng về một tội nhân ăn năn.”

 

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Đoạn này cho thấy chỉ có một thông điệp cứu rỗi: Đức Chúa Trời tiếp đón và tha thứ tội nhân biết ăn năn. Các ví dụ này cũng bày tỏ rằng có hai phương diện về sự cứu rỗi. Về phần Đức Chúa Trời: Ngài tựa như người chăn chiên tìm kiếm chiên lạc mất, người đàn bà kiếm đồng bạc bị mất. Con người cũng dự phần trong sự cứu rỗi như đứa con hoang đàng quyết định ăn năn và trở về nhà Cha. Chỉ nhấn mạnh trên một phương diện là đã đưa ra một quan điểm sai về sự cứu chuộc, vì cả quyền tể trị của Đức Chúa Trời và trách nhiệm của con người cần phải được đề cập đến (Gi 6:37; IITe 2:13,14).

Một trong những chủ đề của đoạn này là sự vui mừng, nên chúng ta hãy cùng suy ngẫm ba niềm vui khác nhau có liên quan trong sự cứu rỗi. C.S.Lewis nói rằng: “Sự vui mừng là việc rất quan trọng ở trên thiên đàng” và đó là sự vui mừng mà bạn và tôi có thể dự phần.

Niềm vui “tìm thấy” (Lu 15:1-10).

Câu chuyện về con chiên lạc mất cũng như đồng bạc bị mất hẳn đã làm xúc động mọi người. Chúa muốn tìm kiếm con người để đến với từng tấm lòng.

Con chiên lạc mất (Lu 15:3-7): Con chiên này bị lạc vì thiếu khôn ngoan. Chiên có xu hướng đi lạc, đó là lý do phải có người chăn (Es 53:6; IPhi 2:25). Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si dễ dàng có thể xem đoàn dân và tội nhân như những “con chiên lạc mất”, nhưng không hề nghĩ đó cũng là hình ảnh của chính mình! Tiên tri Ê-sai nói rõ rằng chúng ta đều như chiên đi lạc và đã phạm tội, dĩ nhiên trong số đó có cả những người khoác áo tôn giáo này.

Người chăn có trách nhiệm đối với từng con chiên. Nếu một con bị lạc mất, người chăn phải đền tiền trừ khi có thể chứng minh được con chiên đó bị thú dữ giết (Sa 31:38-39; Xu 22:10-13; Am 3:12). Điều này giải thích lý do người chăn phải để bầy chiên nơi đồng vắng mà đi tìm con chiên lạc mất và vui mừng khi tìm thấy nó. Không tìm được con chiên bị mất có nghĩa là phải “dốc” tiền túi ra để đền mà còn xấu hổ vì mang tiếng là người chăn tắc trách.

Khi để 99 con chiên lại nơi đồng vắng, người chăn không có ý nghĩ cho rằng chúng không quan trọng đối với anh ta. Chúng được bình an trong khi con chiên lạc gặp nguy hiểm. Hành động tìm kiếm một con chiên chứng tỏ từng con rất quý giá đối với người chăn. Chúa Jêsus không cho rằng các thầy thông giáo và người Pha-ri-si không cần sự cứu rỗi, vì họ thực sự cần được cứu. Chúng ta đừng làm cho các chi tiết của câu chuyện này mang ý nghĩa nào khác, nếu không nó sẽ bị biến thành một ngụ ngôn và thông điệp của Chúa bị bóp méo.

Có bốn niềm vui mừng được thể hiện khi một tội nhân đến với Đấng Christ. Mặc dù câu chuyện không nói gì về cảm xúc của con chiên nhưng chắc chắn người được cứu rất vui mừng. Niềm vui ấy được kiểm chứng qua Lời Kinh Thánh (Cong 3:8; Cong 8:39) và qua từng trải cá nhân của mỗi chúng ta.

Tuy nhiên, cũng có sự vui mừng từ phía người tìm kiếm. Mỗi khi chúng ta đưa một tội nhân đến tiếp nhận Chúa Jêsus, chúng ta kinh nghiệm được một niềm vui kỳ diệu trong lòng. Người khác cùng chia sẻ niềm vui với chúng ta như một tin tốt lành về một “em bé” mới sinh ra trong gia đình Đức Chúa Trời, và cũng có sự vui mừng ở trên trời (Lu 15:7,10). Các thiên sứ biết rõ chúng ta được cứu ra sao và chung niềm vui với chúng ta.

Đồng bạc mất (Lu 15:8-10): Con chiên bị lạc vì nó vốn ngu dại, nhưng đồng bạc mất là do sự tắc trách của người khác. Đây là tư tưởng nghiêm túc cho thấy sự tắc trách của chúng ta có thể đưa đến hậu quả: một linh hồn bị hư mất.

Khi một thiếu nữ Do Thái lập gia đình, nàng bắt đầu quấn quanh đầu một dải vải có gắn 10 đồng bạc nói lên ý nghĩa rằng giờ đây nàng đã có chồng. Đó là kiểu người Do Thái thể hiện giống như chúng ta đeo nhẫn cưới ngày nay vậy và thật là một tai họa nếu bà này đánh mất một trong số đó. Nhà của người Palestine rất tối tăm, nên người đàn bà phải thắp đèn tìm kiếm cho đến khi tìm thấy đồng bạc. Hẳn chúng ta có thể hình dung niềm vui “tìm thấy” của người đàn bà ấy.

 “Tìm thấy” (được cứu) có nghĩa là bạn trở lại đúng chỗ của mình (phục hòa với Đức Chúa Trời) đúng công việc mình (sống có mục đích) và thoát khỏi mối nguy hiểm. Chắc chắn người chăn chiên và người đàn bà đều vui mừng nên mời bạn hữu đến chung vui với mình!

Ngày nay chúng ta dễ dàng đọc hai mẩu chuyện này và xem đó như điều dĩ nhiên, nhưng sẽ gây sốc cho những ai nghe đầu tiên. Chúa Jêsus muốn nói rằng Đức Chúa Trời thật đang tìm kiếm những tội nhân hư mất! Hẳn các thầy thông giáo và người Pha-ri-si cảm thấy khó chịu vì trong thuyết thần học nghiêm nhặt của họ, không có chỗ nào đề cập đến một Đức Chúa Trời như vậy! Họ quên rằng chính Đức Chúa Trời đã tìm kiếm A-đam và Ê-va khi họ phạm tội và tránh mặt Ngài (Sa 3:8-9). Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si dù tưởng mình hiểu biết Kinh Thánh, nhưng quên rằng Đức Chúa Trời như một người cha thương xót những đứa con hư hỏng (Thi 103:8-14).

Có những sự vui mừng giống như niềm vui tìm thấy những người hư mất và đem họ đến với Đấng Christ. John Wesley, người sáng lập Hội Giám Lý nói rằng: “Hội Thánh chỉ có một nhiệm vụ là cứu những linh hồn hư mất. Vì vậy, hãy sử dụng, sử dụng cho công tác này”.

 

Do KT