NHỮNG GỢI Ý:

Phần Kinh Thánh tiếp theo: Lu-ca 14:25-35

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 14:27  (BDHD): 

Ai không vác thập tự giá mình mà theo Ta, cũng không thể làm môn đồ Ta.

 

NỘI DUNG

Điều kiện làm môn đồ của Đức Chúa Jêsus

(Mat 10:37,38)

25 Có đoàn dân đông cùng đi với Đức Chúa Jêsus; Ngài quay lại phán với họ: 26 “Nếu ai đến theo Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa thì không thể làm môn đồ Ta. 27 Ai không vác thập tự giá mình mà theo Ta, cũng không thể làm môn đồ Ta.

28 Ai trong các ngươi muốn xây một cái tháp mà trước hết không ngồi tính phí tổn để biết mình có đủ tiền hoàn thành nó chăng? 29 Nếu không, khi đã xây nền rồi mà lại không làm xong được thì mọi người thấy, sẽ chê cười 30 và nói rằng: 'Người nầy khởi công xây cất mà không thể hoàn tất được!’ 31 Hay là có vua nào đi đánh trận với vua khác, mà trước hết không ngồi xuống bàn luận xem mình đem đi mười nghìn quân có thể địch nổi vua kia với hai mươi nghìn quân chăng? 32 Nếu không địch nổi, khi vua kia còn ở xa thì ông sai sứ xin cầu hòa. 33 Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không thể làm môn đồ Ta.

34 Muối vốn là tốt, nhưng nếu muối mất vị mặn thì làm thế nào cho nó mặn lại được? 35 Muối ấy không thể dùng bón ruộng hoặc trộn phân, người ta phải vứt nó ra ngoài. Ai có tai để nghe, hãy lắng nghe!”

 

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Đoàn dân đông: mong đợi giả dối (Lu 14:25-35)

Khi Chúa rời khỏi nhà người Pha-ri-si đoàn dân rất đông đi theo Ngài, nhưng Chúa không hề cảm động về sự nhiệt tình của họ. Chúa biết rằng đa số họ không mảy may quan tâm đến những vấn đề thuộc linh. Một số người muốn xem phép lạ, số khác nghe kể về việc Chúa nuôi những người đói khổ, một số ít hy vọng Ngài sẽ lật đổ Rô-ma và lập vương quốc đã hứa ban cho Đa-vít. Họ đều trông đợi những điều không hợp lẽ.

Chúa xây lại đoàn dân và giảng một bài cốt để giải tán bớt đám đông. Ngài phán rõ rằng khi đề cập đến việc theo Chúa của cá nhân, Ngài quan tâm đến “thực chất” hơn “số lượng”. Trong phương diện cứu rỗi linh hồn hư mất, Ngài muốn nhà Ngài có nhiều người (Lu 14:23), nhưng về phương diện làm môn đệ, Ngài chỉ muốn những ai sẵn sàng trả giá để theo Ngài.

“Môn đồ” là người theo học. Gắn bó với một vị thầy để học nghề hoặc một môn học nào đó. Ngày nay, người học việc cũng học bằng cách nhìn xem và làm theo. Từ “môn đệ” thường dùng cho những người theo Chúa Jêsus và được nhắc đến 264 lần trong các sách Phúc Âm và sách Công vụ.

Chúa Jêsus dường như muốn phân biệt rõ giữa sự cứu rỗi và địa vị môn đệ. Sự cứu rỗi dành cho những ai đến với Chúa bởi đức tin, còn địa vị môn đệ dành cho người tin theo và chấp nhận trả giá. Được cứu rỗi nghĩa là đến thập tự giá và tin nhận Chúa Jêsus, còn làm môn đệ Chúa là mang lấy thập tự giá và theo Chúa Jêsus, Chúa Jêsus muốn có nhiều tội nhân được cứu (“cho được đầy nhà ta”), nhưng Ngài khuyên chúng ta không nên xem nhẹ phương diện làm môn đệ Ngài. Qua ba ví dụ Ngài đưa ra, Ngài bày tỏ rằng theo Ngài phải trả giá.

Trước tiên, chúng ta phải yêu Chúa trên hết, hơn cả người thân của mình (Lu 14:26-27). Từ “ghét” ở đây không có nghĩa là một sự đối kháng ra mặt, nhưng đó là “yêu ít hơn” (Sa 29:30-31; Ma 1:2-3; Mat 10:37). Tình yêu của chúng ta đối với Đấng Christ phải mạnh mẽ đến độ nếu đem so sánh với những điều khác dường như chúng ta đã “ghét” người thân vậy! Thật vậy, chúng ta phải tự bỏ mình đi, vác thập tự để theo Chúa.

“Vác thập tự giá” có nghĩa là gì? Đó là hành động giống Chúa mỗi ngày qua sự nhịn nhục, chịu khổ và đầu phục ý muốn Đức Chúa Trời. Đó là sự tình nguyện hầu việc Chúa theo sự hướng dẫn của Ngài (Gi 12:23-28). “Thập tự” là điều gì đó đến từ Đức Chúa Trời và chúng ta sẵn sàng chấp nhận nó như ý muốn Ngài dành cho đời sống chúng ta. Tín hữu nào gọi những người lân cận làm phiền mình là “thập tự” mà mình phải mang lấy, chắc chắn người ấy chẳng hiểu gì về ý nghĩa của sự 'tự bỏ mình đi”.

Chúa đưa ra ba ví dụ để giải thích lý do Ngài có những đòi hỏi “đắt giá” đối với người theo Ngài: một người muốn xây tháp, vị vua đi đánh trận, và muối mất mặn. Theo sự giải nghĩa thông thường những người tin Chúa được tượng trưng bởi người xây tháp và vị vua đi đánh trận, chúng ta phải “tính phí tổn” trước khi khởi sự, kẻo chỉ có bắt đầu mà không có kết thúc. Nhưng tôi lại đồng ý với cách giải nghĩa của Campbell Morgan cho rằng: người xây tháp và vị vua đi đánh trận không phải tượng trưng cho những người tin Chúa, nhưng tượng trưng cho Chúa Jêsus. Ngài là Đấng phải “tính phí tổn” để biết chúng ta có phải là loại “nguyên vật liệu” Ngài có thể sử dụng để thành lập Hội Thánh và đánh bại kẻ thù hay không. Ngài không thể thực hiện công việc với những môn đệ thiếu can đảm không dám trả giá theo Ngài.

Khi viết đến đoạn này, tôi ngước lên và có thể thấy trên kệ sách của mình hằng trăm quyển tài liệu về tiểu sử và lời chứng của các Cơ Đốc nhân, những câu chuyện về người tin kính đã đóng góp nhiều trong sự gây dựng Hội Thánh và đương đầu với khó khăn. Họ sẵn sàng trả giá và được Chúa ban ơn, sử dụng. Họ là những con người có tính chất của “muối”.

Chúa Jêsus cho môn đệ Ngài biết họ là “muối của đất” (Mat 5:13) khi các tội nhân tiếp nhận Chúa Jêsus làm Đấng Cứu Thế, một phép lạ đã xảy ra và “bụi đất” trở nên “muối”. Thời bấy giờ, muối là mặt hàng rất quí, một phần tiền lương của quân nhân được trả bằng muối! (Từ “muối” và “tiền công” có liên quan đến câu nói: “Anh ta không đáng nhận muối”).

Muối là chất bảo quản, vì vậy con cái Đức Chúa Trời ở thế gian là những con người làm chậm sự phát triển của điều ác và sự xấu xa. Muối cũng là chất tẩy bẩn, khử trùng, làm cho mọi thứ sạch hơn. Muối có thể làm đau rát vết thương nhưng giúp vết thương khỏi bị nhiễm trùng. Muối thêm hương vị cho thức ăn và rất cần cho con người. Với hạnh kiểm và tư cách của mình, chúng ta phải khiến người khác cần Chúa Jêsus và sự cứu rỗi mà chỉ có Ngài mới có thể ban cho.

Ngày nay, muối được tinh lọc và không bị mất vị mặn. Nhìn vào thời Chúa Jêsus, muối chưa được tinh lọc và có thể bị mất vị mặn, đặc biệt là nếu rơi xuống đất. Một khi vị mặn mất đi, không có cách nào làm cho mặn lại, muối ấy phải bị liệng ra đường và bị người ta chà đạp. Khi một môn đệ Chúa đánh mất phẩm chất của Cơ Đốc nhân người ấy sẽ trở nên “vô dụng”, sẽ bị người ta “chà đạp” và làm danh Chúa bị sỉ nhục.

Làm môn đệ Chúa là việc rất quan trọng. Nếu chúng ta không phải là những môn đệ thật, Chúa không thể xây lên “cái tháp” và “đánh trận” được. Oswald Chambers cho rằng: “Luôn luôn có chữ “nếu” trong mối liên hệ với địa vị làm môn đệ Chúa”. Nó cho thấy chúng ta không cần phải là những môn đệ trừ khi chúng ta muốn. Không có sự ép buộc bao giờ, Chúa Jêsus không ép buộc chúng ta. Chỉ có một cách để làm môn đệ Chúa, đó là tự bỏ mình mà theo Ngài”.

Nếu chúng ta nói với Chúa rằng chúng ta muốn vác thập tự theo Ngài như các môn đệ khi xưa, hẳn Ngài cũng muốn chúng ta biết rõ chúng ta sẽ được gì. Chúa Jêsus không muốn có tình trạng của mong đợi giả dối, ảo tưởng hoặc mặc cả. Ngài muốn dùng chúng ta như những viên đá để gây dựng Hội Thánh của Ngài, như những chiến sĩ để đánh bại kẻ thù Ngài và như muối để giữ cho thế giới tốt đẹp hơn, Ngài chỉ muốn tìm kiếm phẩm chất nơi chúng ta.

Tóm lại, Ngài đã phán những lời này trên đường đến Giê-ru-sa-lem. Chúa không bảo chúng ta làm gì cho Ngài mà Ngài lại chưa làm gì cho chúng ta. Chúa phán với một số người: “Các ngươi không thể làm môn đệ ta được”. Vì sao? Bởi họ không thể từ bỏ mọi điều vì Ngài, không thể chịu sỉ nhục, chỉ trích vì Ngài và không dành tình yêu cho Chúa để Ngài hướng dẫn. Họ không thể vượt qua được những trở ngại đó. Bạn sẽ làm môn đệ Ngài chứ?