NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta đọc tiếp Lu-ca 14:15-24 về câu chuyện Chúa Jêsus dự bữa ăn tại nhà một người lãnh đạo thuộc phái Pha-ri-si.

 

NỘI DUNG

Thí dụ về bữa tiệc lớn

(Mat 22:1-10)

15 Một người ngồi cùng bàn với Đức Chúa Jêsus nghe những điều nầy, thì thưa với Ngài: “Phước cho người nào được ăn bánh trong vương quốc Đức Chúa Trời!” 16 Nhưng Ngài đáp: “Có một người dọn tiệc lớn, mời nhiều người đến dự. 17 Đến giờ ăn, ông sai đầy tớ mình đi nói với những người được mời rằng: 'Hãy đến, mọi sự đã sẵn rồi.’ 18 Nhưng tất cả đều xin cáo lỗi. Người thứ nhất nói: 'Tôi có mua một đám ruộng, cần phải đi xem. Xin cho tôi cáo lỗi.’ 19 Người khác nói: 'Tôi có mua năm đôi bò cần phải đi xem. Xin cho tôi cáo lỗi.’ 20 Người khác nữa nói: 'Tôi mới cưới vợ, do đó, tôi không thể đi được.’ 21 Đầy tớ trở về trình việc ấy cho chủ mình. Chủ nổi giận, bảo đầy tớ: 'Hãy đi mau ra ngoài đường phố và các ngõ hẻm trong thành đem những người nghèo khó, tàn tật, đui mù và què quặt vào đây.’ 22 Đầy tớ lại nói: 'Thưa chủ, điều chủ dạy, tôi đã làm rồi, thế mà vẫn còn trống chỗ.’ 23 Chủ nhà lại bảo đầy tớ: 'Hãy ra ngoài đường và dọc hàng rào ép mời người ta vào cho đầy nhà ta. 24 Vì ta bảo các ngươi,trong những người đã được mời trước kia, sẽ không một ai được nếm bữa tiệc của ta.’ ”

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Người Do Thái - Sự an toàn giả dối (Lu 14:15-24)

Khi Chúa Jêsus nhắc đến “kẻ công bình sống lại”, một vị khách hăm hở nói: “Phước cho kẻ sẽ được ăn bánh trong Nước Đức Chúa Trời”. Dân Do Thái ví Nước Đức Chúa Trời trong tương lai như một yến tiệc lớn có sự tham dự của những vị khách danh dự như Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và những tiên tri (Lu 13:28; Es 25:6). Vị khách này tin rằng một ngày nào đó ông ta sẽ được dự yến tiệc ở Nước Trời cùng với các vị khách danh dự! Để đáp lời ông, Chúa Jêsus kể một câu chuyện cho thấy hậu quả bi thảm do lòng tin giả dối ấy.

Vào thời của Chúa Jêsus, khi bạn mời khách đến dùng bữa, bạn cho họ biết ngày mời nhưng thời gian dùng bữa không chính xác. Chủ nhà phải biết bao nhiêu khách sẽ đến để có thể làm thịt đủ số súc vật chuẩn bị cho bữa ăn được chu đáo. Ngay trước bữa ăn, chủ nhà sai đầy tớ đến từng khách mời để cho họ biết bữa ăn đã sẵn sàng và họ phải đến dự (Ê-xơ-tê 5:8;6:14). Nói cách khác, trong câu chuyện của Chúa Jêsus, mọi vị khách đều đồng ý sẽ đến dự tiệc. Chủ nhà chờ đợi họ đến. Nhưng thay vì hăm hở đến dự tiệc, tất cả các khách mời đã làm mất mặt chủ nhà khi chối từ dự tiệc và viện những lý do chẳng chính đáng để bào chữa cho sự thay đổi của mình.

Người khách thứ nhất xin kiếu vì phải “đi coi” một đám ruộng đã mua. Ở phương Đông, việc mua bán bất động sản là tiến trình phức tạp và lâu dài, hẳn người này đã có nhiều cơ hội để xem đất anh ta muốn mua. Những ai mua đất mà chưa từng xem qua trước thật là điều lạ! Đa số các bữa tiệc đều tổ chức vào chiều tối, vậy mà người khác này cũng muốn sử dụng thời gian còn lại ít ỏi trong ngày để xem đất vội vàng như vậy!

Người khách thứ hai cũng bận việc mua bán, anh ta làm ra vẻ vội vàng vì phải mua 10 con bò. Tương tự như vậy, có ai mua súc vật với số lượng nhiều như vậy mà không kiểm tra trước? Ngày hôm nay nếu mua một chiếc xe hơi, có ai không “lái thử” trước? Hơn nữa làm sao người này có thể kiểm tra số bò đó khi trời đã tối? Câu nói: “tôi phải đi xem thử” cho thấy anh ta đã đang trên đường đến nông trại khi đầy tớ của chủ tiệc đến mời lần cuối.

Người khách thứ ba thật sự chẳng có lý do nào để xin kiếu. Lễ cưới của người Do Thái đâu phải là điều bất ngờ vì người ta đã chuẩn bị rất chu đáo, vì vậy hẳn người này đã biết trước mình sẽ lấy vợ. Trong trường hợp này, lẽ ra anh ta không nên nhận lời mời dự tiệc nơi danh dự như vậy. Chỉ có người nam Do Thái mới được mời dự tiệc, nên chủ nhà không muốn người vợ của khách mời đi theo. Người mới lấy vợ không tham gia chiến trận (Phu 24:5) chớ đâu bị cấm dự tiệc!

Dĩ nhiên đó chỉ là những lời thoái thác mà thôi. Tôi nhớ Billy Sunday định nghĩa rằng: “Thoái thác như một lớp vỏ lý do bao bọc một sự dối trá”. Con người chỉ chuyên viện lý do thường là người chẳng làm điều gì tốt đẹp cả. Ba vị khách này thực sự mong sẽ được mời dự tiệc vào dịp khác trong tương lai, nhưng họ sẽ chẳng bao giờ được mời nữa.

Vì đã chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn cho nhiều khách mời, chủ nhà không muốn để thức ăn bị bỏ đi một cách lãng phí nên đã sai đầy tớ đi ra mời những người ngoài đường phố vào dự tiệc. Những người được mời ở các đường phố, chợ, dọc hàng rào là hạng người nào? Đó là những kẻ bơ vơ, không nhà, tha phương cầu thực, bị xã hội khinh ghét - những con người mà Chúa Jêsus đã đến để cứu vớt họ (Lu 15:1-2; Lu 19:10). Thậm chí có cả những người ngoại trong số được mời dự tiệc!

Những con người này chỉ có một lý do để từ chối lời mời ân cần ấy: vì họ chưa chuẩn bị dự một bữa tiệc linh đình như vậy! Vì thế, đầy tớ phải nài ép họ (IICo 5:20). Họ không có cớ nào để chối từ. Kẻ nghèo khó không thể đủ tiền để mua bò, người mù lòa không thể “đi coi” ruộng và người nghèo khó, kẻ què đui, thường không được hứa hôn. Họ là những con người đói khát, cô đơn, nay quá hạnh phúc đến nỗi không dám nhận lời dự một bữa tiệc miễn phí!

Chủ nhà không chỉ đem những người khác vào thế chỗ những vị khách được mời, mà còn đóng cửa lại để những kẻ viện cớ kia không thể đổi ý và đến dự tiệc được (Lu 13:22-30). Chủ nhà thực sự đã nổi giận. Chúng ta ít khi nghĩ đến thái độ giận dữ của Đức Chúa Trời đối với những ai từ chối lời mời ân cần của Ngài, nhưng những lời trong Ês 55:6 và Châm 1:24-33 khuyên chúng ta không nên thờ ơ với sự kêu gọi của Ngài.

Câu chuyện này mang một thông điệp đặc biệt đến cho dân Do Thái kiêu ngạo, là những kẻ tin chắc sẽ được “ăn bánh trong Nước Đức Chúa Trời”. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Phúc Âm của Đức Chúa Trời đã bị các chức sắc tôn giáo chối bỏ. Vì vậy Phúc Âm đã được rao ra cho dân Sa-ma-ri (Cong 8:1-40) và cho dân ngoại (Cong 10:1-48; Cong 13:1-52).

Thông điệp trong câu chuyện này cũng dành cho mọi tội nhân hư mất ngày hôm nay. Đức Chúa Trời vẫn đang phán: “Hãy đến, mọi sự đã sẵn rồi! ” Bạn chẳng cần phải làm gì nữa để cứu linh hồn mình, vì Chúa Jêsus đã hoàn tất công tác cứu chuộc khi chết thay bạn trên thập tự giá và sống lại từ cõi chết. Bữa tiệc đã được dọn sẵn, lời mời có tính vô điều kiện, bạn cũng được mời dự tiệc. Hôm nay, con người cũng mắc sai lầm như những người trong câu chuyện này: họ cũng trì hoãn, không đáp ứng ngay lời mời vì phải lo cho những việc không cần thiết. Dĩ nhiên, không có gì sai trái khi bạn có một mảnh vườn hay đi xem một món hàng đã mua, hoặc dành một buổi tối ở cạnh người mình yêu. Tuy nhiên, nếu những điều dường như tốt đẹp này ngăn cản bạn đến với những gì tốt nhất, vậy đó là những việc “không hợp lẽ”. Những kẻ hay viện cớ thực sự là những người thành công dưới mắt bạn hữu, nhưng chính là kẻ thất bại dưới mắt Đấng Christ. Đời sống Cơ Đốc nhân là một bữa tiệc, chớ không phải một đám tang và tất cả, chúng ta đều được mời đến dự. Là những người tin Chúa, mỗi chúng ta phải loan thông điệp này ra “Hãy đến, mọi sự đã sẵn rồi! ” Đức Chúa Trời muốn thấy nhà Ngài đầy người, vậy mà “hãy còn thừa chỗ”. Chúa muốn chúng ta trở về nhà (Mac 5:19), đi ra chợ và các đường phố (Lu 14:21), ra các đường lớn và dọc hàng rào (Lu 14:23) và đi khắp thế gian (Mac 16:15) giảng Phúc Âm của Chúa Jêsus cho mọi người.

Câu chuyện này cũng là một phần trong bài giảng cuối cùng của ông D. L. Moody ngày 23/11/1899 tại Thính phòng Civic ở thành phố Kansas. Ông giảng đề tài “những thoái thác” khi đang bị bệnh. Ông nói với các sinh viên ở Chicago rằng: “Tôi phải dành được những linh hồn ở thành phố Kansas. Đây là lúc tôi muốn đưa nhiều người đến với Đấng Christ hơn bao giờ hết!

Tim của Moody đập mạnh, ông phải nghỉ ngơi, nhưng ông đã truyền giảng Phúc Âm một cách dạn dĩ. Khoảng 50 người đã tiếp nhận Chúa. Hôm sau, Moody trở về nhà và qua đời sau một tháng. Đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn muốn nài ép người khác vào “dự tiệc” của Đức Chúa Trời.