NHỮNG GỢI Ý:

Tiếp đãi khách trong ngày Sa-bát là một phần quan trọng trong đời sống người Do Thái, nên không có gì lạ khi Chúa Jêsus được mời đến nhà dùng bữa sau buổi thờ phượng hàng tuần tại nhà hội. Đôi khi chủ nhà mời Ngài rất thực lòng vì muốn học thêm về lẽ thật của Đức Chúa Trời. Nhưng cũng có lúc Chúa được mời dùng bữa chỉ vì kẻ thù muốn luôn dò xét Ngài và tìm cớ để chỉ trích hoặc kết tội Ngài. Đây là trường hợp được mô tả trong đoạn 14 khi có một người kẻ cả dòng Pha-ri-si mời Chúa dùng bữa.

Chúa Jêsus hiểu rõ mọi suy nghĩ trong lòng người ta (Gi 2:24-25) nên Ngài chẳng phó mình cho họ. Thay vì chủ nhà hoặc khách xét đoán Chúa, chính Ngài đã xét đoán họ lúc họ chẳng ngờ. Ở phương diện này Ngài là “người đáng sợ” đối với những ai dùng bữa với Ngài hoặc đồng hành với Ngài! Qua Lu 14:1-35, bạn sẽ thấy Chúa đối phó với 5 hạng người khác nhau và bày tỏ những điều giả dối trong tư tưởng và nếp sống của họ.

Hôm nay chúng ta đọc phần đầu Lu-ca 14:1-14

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 14:11 (BDHD): 

Bởi vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

 

NỘI DUNG

Chúa chữa lành người phù thũng – Dạy về sự khiêm nhường và nhân đức

1 Một ngày sa-bát, Đức Chúa Jêsus vào nhà một người lãnh đạo thuộc phái Pha-ri-si để dùng bữa; người ta chăm chú theo dõi Ngài. 2 Lúc ấy, trước mặt Ngài có một người mắc bệnh phù thũng. 3 Đức Chúa Jêsus nói với các luật gia và người Pha-ri-si rằng: “Trong ngày sa-bát, có được phép chữa bệnh hay không?” 4 Nhưng họ đều im lặng. Ngài đỡ lấy người bệnh, chữa lành rồi cho về. 5 Ngài phán với họ: “Ai trong các ngươi có đứa con hay là con bò ngã xuống giếng trong ngày sa-bát mà không lập tức kéo lên sao?” 6 Họ không thể trả lời được.

7 Khi thấy những người được mời đều chọn chỗ danh dự, Ngài kể cho họ một ẩn dụ: 8 “Khi người ta mời ngươi dự tiệc cưới, đừng ngồi chỗ cao nhất, e rằng trong những khách mời có ai tôn trọng hơn ngươi. 9 Người chủ tiệc sẽ đến nói với ngươi: 'Hãy nhường chỗ cho người nầy ngồi,’ lúc ấy ngươi sẽ hổ thẹn vì phải xuống ngồi chỗ cuối cùng. 10 Nhưng khi ngươi được mời, hãy ngồi chỗ cuối, để khi người chủ tiệc đến nói với ngươi: 'Bạn ơi, xin mời ngồi lên chỗ cao hơn’ thì ngươi sẽ được tôn trọng trước mặt những người cùng bàn với mình. 11 Bởi vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

12 Ngài cũng phán với người mời Ngài rằng: “Khi ngươi đãi ăn trưa hoặc ăn tối, đừng mời bạn hữu, anh em, bà con hay xóm giềng giàu có, e họ cũng mời lại mà trả ơn cho ngươi. 13 Nhưng khi ngươi đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù 14 thì ngươi sẽ được phước, vì họ không thể trả ơn cho ngươi; đến ngày người công chính sống lại, ngươi sẽ được đền ơn.”

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Người Pha-ri-si - lòng kĩnh kiền giả dối (Lu 14:1-6)

Lời lên án gay gắt của Chúa Jêsus đối với người Pha-ri-si và các thầy thông giáo thay vì khiến họ ăn năn (Lu 11:39-52) lại làm khơi dậy lòng căm thù trong lòng họ, nên họ tìm phương nghịch Ngài. Người Pha-ri-si đã mời Chúa dùng bữa, cũng mời một người bị bệnh thủy thũng. Đây là một căn bệnh rất đau đớn, vì thận gan hoặc tim có vấn đề, các mô bị trữ nước. Người Pha-ri-si này thật nhẫn tâm khi dùng người bệnh này như một “công cụ” để thực hiện mục đích xấu xa của họ. Nếu không yêu Chúa, chúng ta sẽ khó lòng yêu thương người lân cận. Thái độ vô tâm trước con người của họ tệ hại hơn nhiều so với cách cư xử “phạm luật” của Chúa trong ngày Sa-bát.

Nếu người bệnh này không được sử dụng như một cái bẫy để bắt bẻ Chúa Jêsus, hẳn người Pha-ri-si đã không mời anh ta dự một bữa ăn quan trọng như vậy. Họ biết rằng Chúa không thể nhìn thấy một con người đau khổ vì bệnh hoạn đã lâu mà không giúp gì cho người ấy. Nếu không quan tâm đến người bệnh, Ngài là người không có lòng thương xót. Nhưng nếu chữa bệnh cho anh ta, dĩ nhiên Ngài sẽ bị xem là người phạm luật Sa-bát và họ sẽ tố cáo Ngài. Họ đặt người bệnh ngồi ngay trước mặt Chúa cốt để Ngài có thể nhìn thấy anh ta, rồi chờ “cái bẫy” bị sập.

Khi Chúa hỏi về niềm tin của họ về ngày Sa-bát, Ngài đã dùng chính vũ khí họ định dùng cho Ngài để tấn công họ. Trước tiên, họ không thể chữa lành cho ai vào bất cứ ngày nào, và mọi người biết như vậy. Hơn thế, nếu người Pha-ri-si cho rằng không được chữa bệnh cho ai trong ngày Sa-bát, vậy họ là những kẻ tàn nhẫn dưới mắt dân chúng. Nếu cho phép chữa bệnh, họ sẽ bị những người cùng hội xem là kẻ phạm luật pháp. Chính họ đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” chớ không phải Chúa Jêsus. Họ cần một lối thoát. Họ từng làm vậy hơn một lần, nên né tránh vấn đề bằng cách nín lặng.

Chúa chữa lành người bệnh và cho anh ta đi, vì biết rằng nhà của người Pha-ri-si không phải là nơi an toàn nhất cho anh ta. Thay vì cung cấp chứng cớ nghịch lại Chúa Jêsus, người được chữa lành đã trở thành bằng chứng chống lại người Pha-ri-si, vì anh ta là “sự phô bày tuyệt hảo” về quyền năng chữa bệnh của Chúa Jêsus.

Chúa biết rất rõ những con người thuộc nhóm chủ lực này nên không để cho họ thoát. Ngài biết rằng trong ngày Sa-bát họ sẽ cứu súc vật khi chúng gặp nguy hiểm. Vậy tại sao Ngài lại không được phép cứu một con người được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời! Dường như họ cho rằng súc vật quan trọng hơn con người! (Tiếc thay, hôm nay cũng có một số người yêu súc vật nuôi trong nhà nhiều hơn cả người thân trong gia đình, người lân cận và một thế giới hư mất).

Chúa Jêsus đã phơi bày lòng kĩnh kiền giả dối của người Pha-ri-si và các thầy thông giáo - Họ tuyên bố bảo vệ luật pháp Đức Chúa Trời, nhưng thực ra họ đang chối bỏ Đức Chúa Trời bằng thái độ ngược đãi con người và tố cáo Đấng Cứu Thế. Có một sự khác nhau rõ rệt giữa việc bảo vệ lẽ thật của Đức Chúa Trời và duy trì những thông lệ của con người.

Khách mời - tìm kiếm hư danh (Lu 14:7-11)

Những người có kinh nghiệm về giao tiếp cho biết đa số con người đều muốn tỏ ra mình là “người quan trọng”. Nếu chúng ta hành động theo ý họ, chúng ta sẽ đắc nhân tâm. Mặt khác, nếu ta nói hoặc làm điều gì cho thấy họ không là người quan trọng, chúng ta sẽ thất bại trong giao tiếp. Vì vậy con người sẽ trở nên giận dữ và thù hằn, vì ai cũng muốn người khác chiếu cố và xem mình là kẻ quan trọng.

Thời của Chúa Jêsus cũng như ngày nay, đã có những dấu hiệu về “địa vị” khiến con người luôn nâng cao và bảo vệ uy thế mình trong xã hội. Nếu chúng ta được mời đến một nơi sang trọng, được ngồi vào chỗ cao nhất, mọi người sẽ biết rằng chúng ta quan trọng biết bao. Điều được đề cập là danh tiếng chớ không phải là phẩm cách. Đối với con người, ngồi ở những nơi cao còn quan trọng hơn sống một đời sống ý nghĩa!

Trong thời Tân Ước, việc ngồi càng gần chủ tiệc càng chứng tỏ được địa vị cao trọng trong xã hội và càng được sự chú ý (và cả những lời mời) của những người khác. Đương nhiên, khi cửa mở ra, nhiều người đã lao đến bàn tiệc ở đầu vì muốn được làm nhân vật quan trọng.

Thái độ này cho thấy một quan niệm sai lầm về sự thành công. Albert Einstein nói rằng: “Bạn đừng cố gắng trở nên kẻ thành công nhưng hãy cố trở thành người có giá trị”. Ngoài một vài trường hợp đặc biệt, còn thì người có giá trị cuối cùng cũng được người khác biết đến và tôn trọng. Sự thành công do tính “tự tôn” chỉ có tính chất tạm thời, bạn có thể bị bẽ bàng khi người ta “hạ bạn xuống” (Ch 25:6,7).

Khi Chúa Jêsus khuyên khách mời ngồi nơi thấp nhất, Ngài không muốn dạy họ một “mánh lới” để được người khác cất nhắc. Đức Chúa Trời không thích sự khiêm nhường giả dối qua hành động ngồi ở nơi thấp nhất cũng như sự kiêu ngạo khi ngồi ở nơi cao nhất. Dù dưới hình thức nào, Đức Chúa Trời không bao giờ bị ấn tượng bởi địa vị xã hội hay giáo hội của chúng ta. Ngài cũng không bị tác động bởi những điều con người nói hoặc nghĩ về chúng ta, vì Ngài hiểu thấu mọi suy nghĩ và động cơ trong lòng người (ISa 16:7). Đức Chúa Trời sẽ hạ kẻ kiêu ngạo và cất nhắc người khiêm nhường (Gia 4:6).

Sự khiêm nhường là ơn phước quan trọng trong đời sống Cơ Đốc nhân, nhưng đó cũng là điều khó nhận được. Nếu bạn biết mình có, bạn đã mất nó! Người ta cho rằng sự khiêm nhường không phải là xem nhẹ bản thân, nhưng chỉ đơn giản là không nghĩ gì về bản thân hết. Chúa Jêsus là tấm gương tuyệt vời về sự khiêm nhường, vậy chúng ta hãy nài xin Đức Thánh Linh giúp chúng ta có thể bắt chước Đấng Christ (Phi 2:1-16).

Chủ nhà: Sự hiếu khách giả dối (Lu 14:12-14)

Chúa Jêsus biết rằng người chủ nhà này mời khách với hai lý do: mời lại họ vì họ đã mời anh ta những bữa tiệc trước, hoặc mời họ trước để mong họ sẽ mời lại anh ta những kỳ lễ sau. Thái độ tiếp đãi đó không phải là một sự bày tỏ lòng yêu thương, nhân từ nhưng là biểu hiện của sự kiêu ngạo và ích kỷ. Anh ta muốn “mua” sự thừa nhận.

Chúa Jêsus không cấm chúng ta tiếp đãi gia đình và bạn hữu, nhưng Ngài khuyên chúng ta không nên chỉ tiếp đãi gia đình cùng bạn hữu đặc biệt và thường xuyên. Tình cảm đó sẽ nhanh chóng bị xuống cấp trong sự tâng bốc lẫn nhau, mỗi người đều cố vượt hơn kẻ khác và không ai dám phá lệ. Thật buồn khi phải nói có nhiều người trong Hội Thánh sống theo cách này.

Động cơ tiếp đãi của chúng ta phải xuất phát từ tinh thần tôn vinh Đức Chúa Trời chớ không phải sự tán dương của con người. Đó là phần thưởng đời đời trên trời chớ không phải sự công nhận tạm thời của con người nơi thế gian. Vào kỳ phán xét cuối cùng, nhiều người được xem là “đầu” dưới mắt con người hôm nay sẽ trở nên “rốt” dưới mắt Đức Chúa Trời, và nhiều người là “rốt” dưới mắt con người sẽ trở nên “đầu” dưới mắt Chúa (Lu 13:30).

Trong thời đại của Chúa Jêsus, việc mời người nghèo khổ và tàn tật dự tiệc bị coi như là điều không “hợp lẽ” (Phụ nữ cũng không được mời thời bấy giờ! ). Nhưng Chúa Jêsus khuyên chúng ta ghi nhớ những người nghèo khổ và tàn tật vào đầu danh sách khách mời vì họ không có khả năng trả lại chúng ta. Nếu chúng ta làm việc ấy với tấm lòng nhân ái. Đức Chúa Trời sẽ “thưởng công” cho chúng ta dù phần thưởng ấy không phải là động cơ để bày tỏ sự rộng rãi. Khi tiếp đãi, phục vụ kẻ khác bằng tấm lòng quảng đại, chúng ta thật đã “chứa của cải ở trên trời” (Mat 6:20) và trở nên “giàu có nơi Đức Chúa Trời” (Lu 12:21).

Thế gian hôm nay đầy dẫy sự bon chen, khiến con cái Đức Chúa Trời dễ dàng có xu hướng quan tâm đến vấn đề “lời lỗ, được mất” hơn là nghĩ đến sự hy sinh và tinh thần phục vụ. “Tôi sẽ được chi? Có thể đã trở thành câu hỏi quan trọng nhất của đời người (Mat 19:27). Chúng ta hãy có thái độ quên mình như Chúa Jêsus và chia sẻ điều mình có với kẻ khác.