NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta đọc phần cuối của đoạn 13, Lu-ca 13:22-35

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 13:27 (BDHD): 

Nhưng Chủ sẽ nói với các ngươi: 'Ta không biết các ngươi đến từ đâu. Tất cả những kẻ làm điều bất chính kia, hãy lui ra khỏi ta!’

 

NỘI DUNG

Cửa hẹp

(Mat 7:13,14,21-23)

22 Đức Chúa Jêsus đi khắp các thành, các làng, vừa dạy dỗ vừa tiếp tục hành trình đến thành Giê-ru-sa-lem. 23 Có người thưa với Ngài: “Lạy Chúa, có phải chỉ có một số ít người được cứu chăng?” 24 Ngài phán với họ: “Hãy nỗ lực để vào cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi, nhiều người sẽ tìm cách vào đó mà vào không được. 25 Khi chủ nhà trỗi dậy và đóng cửa lại rồi, các ngươi ở ngoài gõ cửa kêu rằng: 'Lạy Chúa, xin mở cho chúng tôi!’ Chủ sẽ trả lời: 'Ta không biết các ngươi đến từ đâu.’ 26 Bấy giờ các ngươi sẽ thưa: 'Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Chúa, và Chúa đã dạy dỗ trong các đường phố của chúng tôi.’ 27 Nhưng Chủ sẽ nói với các ngươi: 'Ta không biết các ngươi đến từ đâu. Tất cả những kẻ làm điều bất chính kia, hãy lui ra khỏi ta!’ 28 Khi ấy, các ngươi sẽ thấy Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp cùng tất cả các nhà tiên tri đều ở trong vương quốc Đức Chúa Trời, còn các ngươi sẽ bị ném ra ngoài là nơi có khóc lóc và nghiến răng. 29 Rồi từ đông, tây, nam, bắc, người ta sẽ đến ngồi dự tiệc trong vương quốc Đức Chúa Trời. 30 Thật vậy, có những người cuối sẽ trở nên đầu, và những người đầu sẽ trở nên cuối.”

Vua Hê-rốt muốn giết Đức Chúa Jêsus

(Mat 23:37-39)

31 Chính giờ đó, có vài người Pha-ri-si đến thưa với Đức Chúa Jêsus: “Thầy nên đi khỏi chỗ nầy vì Hê-rốt muốn giết Thầy.” 32 Ngài đáp: “Hãy đi nói với con cáo ấy rằng: 'Ngày nay, ngày mai, Ta đuổi quỷ chữa bệnh, đến ngày thứ ba, Ta sẽ hoàn tất công tác của Ta. 33 Tuy nhiên, ngày nay, ngày mai, và ngày kia Ta phải tiếp tục cuộc hành trình, vì một đấng tiên tri không thể chết bên ngoài Giê-ru-sa-lem.’ 34 Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các nhà tiên tri và ném đá những người được sai đến với ngươi! Đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi như gà mẹ túc con mình lại để ấp ủ dưới cánh mà các ngươi không muốn!35 Nầy, nhà của các ngươi sẽ bị bỏ hoang. Ta bảo các ngươi, các ngươi sẽ không còn thấy Ta cho đến khi các ngươi nói rằng: 'Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!’ ”

 

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Câu hỏi thần học về sự cứu rỗi (Lu 13:22-30)

Những sự kiện được chép ở sách Giăng đoạn 9 và 10 khớp với Lu 13:22-23. Trong Gi 10:40-42, cho thấy Chúa Jêsus rời khởi Giu-đê và qua bên kia sông Giô-đanh. Các sự kiện trong Lu 13:22-17:10 xảy ra ở Perea khi Chúa Jêsus đang trên đường đến thành Giê-ru-sa-lem.

Các thầy thông giáo thường bàn luận về vấn đề bao nhiêu người sẽ được cứu. Có người hỏi ý Chúa Jêsus về vấn đề này. Giống như câu hỏi về Phi-lát, Chúa chuyển ngay đề tài này thành vấn đề dành cho cá nhân. “Câu hỏi không phải là có bao nhiêu người được cứu, nhưng đó là các ngươi có được cứu hay không?” Hãy giải quyết vấn đề ấy trước, sau đó chúng ta có thể bàn luận những gì mình có thể làm được để giúp kẻ khác nhận được sự cứu rỗi.

 “Nhiều người sẽ tìm cách vào mà không vào được” (Lu 13:24) Vì sao? Ví dụ này sẽ cho chúng ta biết tại sao và nó tập trung chủ yếu vào người Do Thái thời bấy giờ. Tuy nhiên đó cũng có một ứng dụng cá nhân cho mỗi chúng ta hôm nay.

Chúa Jêsus phác họa hình ảnh Nước Đức Chúa Trời như một yến tiệc lớn, trong đó khách quý là các trưởng lão và tiên tri (Lu 13:28). Nhiều người được mời nhưng họ do dự quá lâu, khi họ đến bữa tiệc thì đã quá trễ, cửa đã đóng (Lu 14:15-24; Mat 22:1-14).

Vì sao họ do dự quá lâu? Qua câu chuyện, ta thấy có nhiều lý do. Truớc tiên, sự cứu rỗi không phải dễ dàng nhận được. Tội nhân phải bước vào “cửa hẹp” và bước đi trên “con đường hẹp” (Lu 13:24; Lu 9:23). Những kẻ sống theo thế gian đều đi trên con đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất (Mat 7:13-14). Đối với họ, đi con đường rộng này thật dễ chịu.

Một lý do khác về sự trì hoãn của họ chính là “cảm giác an tâm” của họ. Chúa Jêsus ở giữa họ, thậm chí ăn chung với họ và đồng công với họ, thế nhưng họ chưa từng tin cậy Ngài. Đức Chúa Trời đã ban cho dân tộc này nhiều đặc ân và cơ hội, nhưng họ đã sống cách thờ ơ và lãng phí (Lu 10:13-16). Đức Chúa Trời là Đấng nhẫn nhục, nhưng khi “giờ đã điểm”, Ngài buộc phải “đóng cửa”.

Sự kiêu ngạo cũng chiếm một phần lớn trong sự trì hoãn của họ: họ không muốn hạ mình trước mặt Đức Chúa Trời. Dưới mắt họ, họ là kẻ đứng đầu, nhưng đối với Đức Chúa Trời họ là kẻ sau rốt. Người ngoại sẽ đến thay chỗ họ (Mat 21:43). Bạn tưởng tượng xem, dân ngoại bị khinh thường, nhưng họ đã ăn năn và được ngồi trong yến tiệc cùng Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trong khi những người Do Thái vô tín bị bỏ ra ngoài!

Những kẻ này bị hư mất vì tin rằng tôn giáo cũ rích kia có thể cứu rỗi họ nhưng Chúa Jêsus xem họ như “kẻ làm dữ”, không phải “kẻ làm việc lành” (Es 64:4; Tit 1:16). Không phải bởi sự sùng bái những lễ nghi tôn giáo có thể giúp con người bước vào Nước Đức Chúa Trời!

Chúa Jêsus đưa ra một lý do chính: ...“các ngươi chẳng muốn” (Lu 13:34). Tâm trí họ từng được Lời Chúa dạy dỗ (Lu 13:26) và tấm lòng họ từng bị khuấy động bởi những công việc quyền năng của Chúa, nhưng họ vẫn “cứng đầu” và không hạ mình trước Ngài. Đây là hậu quả bi thảm của sự trì hoãn. Tội nhân càng do dự lâu, tấm lòng họ càng trở nên cứng cỏi”. Ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, thì chớ cứng lòng” (He 4:7).

Khi tội nhân khước từ lời mời của Đức Chúa Trời đến dự yến tiệc, họ là những kẻ hư mất. Họ phải bị gạt ra khỏi niềm vui. Thiên đàng và bị đoán phạt nơi có “khóc lóc và nghiến răng” (Lu 13:28). Đây là hình ảnh của những con người đắng cay hối tiếc vì nhận ra mình dại dột biết bao khi khước từ Đức Chúa Trời. Than ôi, đã quá trễ! Một trong những đau khổ cực độ nơi hoả ngục sẽ là nhớ lại về những cơ hội đã bị bỏ qua!

Vậy, đâu là giải pháp? “Hãy gắng sức vào cửa hẹp” (Lu 13:24), Từ “gắng sức” trong thể thao mô tả một vận động viên cố hết sức để thắng cuộc tranh tài. Nếu hôm nay con người cũng dồn mọi nỗ lực vào những công việc thuộc linh như trong thể thao, chắc chắn họ sẽ trở nên đổi mới nhiều hơn.

Câu hỏi riêng về sự nguy hiểm (Lu 13:31-35)

Chúa Jêsus ở lại Bê-rê nơi Hê-rốt An-ti-pa con trai vua Hê-rốt Đại đế cai trị. Người Pha-ri-si muốn Chúa Jêsus trở lại xứ Giu-đê nơi các chức sắc tôn giáo có thể dò xét Ngài và gài bẫy Ngài. Vì thế, họ cố hù doạ để đẩy Ngài đi.

Vua Hê-rốt bối rối khi nghe về những việc Chúa Jêsus làm và lo sợ rằng: Giăng Báp-tít người bị ông giết hại có lẽ đã sống lại (Lu 9:7-9). Thật ra Hê-rốt một mặt cũng muốn gặp Chúa Jêsus để xem Ngài làm phép lạ (Lu 23:8). Tuy nhiên, lòng Hê-rốt có lẽ đã trở nên cứng cỏi vì giờ đây ông hăm dọa Chúa Jêsus. Lời thông báo của người Pha-ri-si (Lu 13:31) chắc chắn là sự thật nếu không Chúa Jêsus đã không trả lời họ như cách Ngài đã trả lời.

Chúa chúng ta không sợ nguy hiểm. Ngài sống theo giờ giấc của Đức Chúa Trời, nên không điều gì có thể làm tổn hại đến Ngài. Ngài đang thực hiện ý muốn Đức Chúa Trời theo giờ giấc Cha trên trời đã định (Gi 2:4; Gi 7:30; Gi 8:20; Gi 13:1; Gi 17:1). Từ buổi sáng thế, Con Đức Chúa Trời đã được định trước phải chịu đóng đinh trong thành Giê-ru-sa-lem tại kỳ lễ Vượt Qua (IPhi 1:20; Kh 13:8) và cả vua Hê-rốt cũng không thể ngăn trở ý muốn Đức Chúa Trời. Trái lại, kẻ thù của Chúa đã khiến ý muốn Đức Chúa Trời được ứng nghiệm (Cong 2:23; Cong 3:13-18).

Chúa Jêsus đáp lời bằng cách dùng “lời mỉa mai thánh”. Ngài so sánh Hê-rốt với con cáo, một con vật mà dân Do Thái rất thù ghét (Ne 4:3). Nổi tiếng về sự xảo quyệt, loài cáo là một minh họa thích đáng về vua Hê-rốt - một con người độc ác. Chúa Jêsus mang một trọng trách và Ngài muốn hoàn thành nhiệm vụ. Tóm lại, Ngài đã bước đi trong sự sáng (Gi 11:9-10; Gi 9:4), và loài chồn cáo săn mồi trong bóng tối!

Chúa Jêsus cũng nhắn nhủ một lời với dân tộc Ngài: “Không có lẽ một đấng tiên tri phải chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem” (Lu 13:33). Lời này giống với lời Ngài phán cùng các thầy thông giáo và người Pha-ri-si ở Lu 11:47-51. Dân này không chỉ khước từ lời mời yêu thương của Đức Chúa Trời tại yến tiệc của Ngài, nhưng còn giết hại những tôi tớ được sai đến với mình (Cong 13:27).

Lòng Chúa tan vỡ khi thấy sự vô tín và chống đối đầy dẫy quanh Ngài, và Ngài chợt biểu lộ cảm xúc mạnh mẽ về tình cảnh bi đát của dân tộc Do Thái. Đây là tiếng kêu nức nở về nỗi thống khổ, không phải là lời phẫn nộ. Lòng Ngài đau đớn vì thương xót cho dân tộc này.

Con gà mái và đàn gà con gợi lên hình ảnh gia đình đối với nhà nông như dân Do Thái (Thi 91:4). Vài chỗ trong Kinh Thánh Cựu Ước nói về “cánh”, đó là cánh của các chê-ru-bin trong nơi chí thánh ở đền thờ (Xu 26:20; Ru 2:12; Thi 36:7-8; Thi 61:4). Gà mái túc đàn gà con khi nó thấy có nguy hiểm đang đến. Người Pha-ri-si báo cho Chúa rằng Ngài đang gặp nguy hiểm, nhưng thật sự họ mới là những kẻ đang ở trong sự nguy hiểm!

Trong nỗi thống khổ này, Chúa Jêsus muốn nói với cả dân tộc Do Thái chớ không chỉ với những người Pha-ri-si muốn khiêu khích Ngài. Dân này đã được ban cho quá nhiều cơ hội để ăn năn tội nhằm hưởng sự cứu rỗi, nhưng họ đã khước từ lời kêu gọi của Ngài. “Nhà” ở đây chỉ về dòng họ của Gia-cốp (nhà Y-sơ-ra-ên) và đền thờ (nhà Đức Chúa Trời), cả hai sẽ bị “bỏ hoang”. Thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ đã bị phá đổ và dân tộc này bị tản lạc khắp nơi trên thế giới.

Sẽ có một ngày mai dành cho dân Y-sơ-ra-ên. Thời giờ ấy sẽ đến khi Đấng Mê-si-a của họ trở lại và mọi người đều chứng kiến. Họ sẽ nói: “Phước cho Đấng nhơn danh Chúa mà đến” (Lu 13:35) (Thi 118:26). Một số người đã cất lên lời ngợi khen này khi Chúa tiến vào Giê-ru-sa-lem (Lu 19:38). Tuy nhiên, lời ngợi khen này sẽ trọn vẹn khi Chúa trở lại trong sự vinh hiển (Mat 24:30-31 Xa 12:10 Xa 14:4).

Nhà Y-sơ-ra-ên đã bị hoang vu. Dân tộc họ không có vua cai trị hoặc thầy tế lễ, không đền thờ, không của lễ (Os 3:4-8). Tuy nhiên Đức Chúa Trời có lời hứa rằng Ngài sẽ không bỏ dân này (Ro 11:1). Không thể có sự bình an trên đất cho đến kỳ Vua Bình An ngự trên ngôi Đa-vít (Es 9:6; Es 11:1).

“Hãy cầu hòa bình cho Giê-ru-sa-lem! ” (Thi 122:6). Hãy gắng sức vào Cửa Hẹp!