NHỮNG GỢI Ý:

Trong những ngày này, Chúa Jêsus đang đi lên thành Giê-ru-sa-lem, cũng là giai đoạn Chúa chịu khổ nạn. Chúng ta tiếp tục đọc Lu-ca 13:1-21.

 

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 13:5b (BDHD): 

 Nhưng nếu các ngươi chẳng ăn năn thì tất cả sẽ bị hư mất như vậy.

 

NỘI DUNG

Những người Ga-li-lê bị giết. – Cây vả không trái

1 Chính lúc ấy, có vài người ở đó thuật lại cho Đức Chúa Jêsus về việc Phi-lát giết những người Ga-li-lê, khiến máu của họ hòa lẫn với sinh tế họ đang dâng. 2 Ngài đáp: “Các ngươi tưởng những người Ga-li-lê đó phạm tội nặng hơn tất cả người Ga-li-lê khác vì họ bị đau khổ như thế sao? 3 Ta bảo các ngươi, không phải; nhưng nếu các ngươi chẳng ăn năn thì tất cả sẽ bị hư mất như vậy. 4 Hay là mười tám người kia bị tháp Si-lô-ê ngã xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn mọi người khác cư ngụ ở thành Giê-ru-sa-lem sao? 5 Ta bảo các ngươi, không phải; nhưng nếu các ngươi chẳng ăn năn thì tất cả sẽ bị hư mất như vậy.”

6 Rồi Ngài kể ẩn dụ nầy: “Người kia trồng một cây vả trong vườn nho mình; ông đến tìm quả nhưng chẳng thấy quả nào. 7 Ông nói với người trồng nho: 'Kìa đã ba năm nay ta đến hái quả nơi cây vả nầy nhưng chẳng thấy gì cả. Hãy đốn nó đi, tại sao để nó choán đất vô ích?’ 8 Người trồng nho thưa: 'Thưa chủ, xin để nó lại năm nầy nữa, chờ tôi đào đất chung quanh nó rồi đổ phân vào. 9 Có lẽ về sau nó sẽ kết quả; nếu không, chủ sẽ đốn.’ ”

Sự chữa lành trong ngày sa-bát

10 Nhân ngày sa-bát, Đức Chúa Jêsus đang giảng dạy trong một nhà hội. 11 Tại đó, có người đàn bà bị tà linh ám làm cho bệnh tật suốt mười tám năm, lưng bị còng xuống không thể đứng thẳng được. 12 Khi thấy bà ấy, Đức Chúa Jêsus gọi lại và phán: “Nầy con, con đã được giải cứu khỏi bệnh tật rồi.” 13 Và Ngài đặt tay trên bà. Lập tức, bà đứng thẳng lên được, và ca ngợi Đức Chúa Trời. 14 Viên quản lý nhà hội thấy Đức Chúa Jêsus đã chữa bệnh trong ngày sa-bát thì nổi giận và nói với đoàn dân rằng: “Có sáu ngày phải làm việc, vậy hãy đến trong những ngày ấy để được chữa lành, đừng đến vào ngày sa-bát.” 15 Nhưng Chúa đáp: “Hỡi bọn đạo đức giả, vào ngày sa-bát, không phải tất cả các ngươi đều mở bò hoặc lừa của mình khỏi máng cỏ mà dẫn nó đi uống nước hay sao? 16 Còn bà nầy là con gái của Áp-ra-ham, bị Sa-tan trói buộc đã mười tám năm, lại không nên mở trói cho bà trong ngày sa-bát sao?” 17 Khi Ngài phán như vậy, tất cả những kẻ chống đối Ngài đều hổ thẹn, và cả dân chúng vui mừng về mọi việc diệu kỳ mà Ngài đã làm.

Hạt cải và men

(Mat 13:31-33; Mac 4:30-32)

18 Vậy, Đức Chúa Jêsus phán: “Vương quốc Đức Chúa Trời giống như gì? Ta sẽ lấy gì mà so sánh với nó? 19 Vương quốc ấy giống như một hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn, nó mọc thành cây, và chim trời làm tổ trên cành nó.” 20 Ngài lại phán: “Ta sẽ so sánh vương quốc Đức Chúa Trời với gì? 21 Vương quốc ấy giống như men mà người phụ nữ kia lấy ủ vào ba đấu bột, cho đến chừng bột dậy cả lên.”

 

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

1. Câu hỏi chính trị về công lý (Lu 13:1-9)

Thống đốc La Mã Phi-lát không thuận với người Do Thái vì ông thiếu nhạy cảm với những niềm tin tôn giáo của họ, chẳng hạn như ông đã đem cờ hiệu chính thức của La Mã vào thành Giê-ru-sa-lem gây phẫn nộ cho những người Do Thái vốn không muốn thấy hình ảnh Sê-sa trong Thành Thánh này. Phi-lát dọa sẽ giết những kẻ chống đối, nhưng dân Do Thái chấp nhận cái chết! Thấy họ quá cương quyết, Phi-lát bớt gây khó khăn và đem các cờ hiệu đến Sê-sa-rê, dầu vậy sự thù địch vẫn không chấm dứt.

Hành động tàn bạo được nói đến ở Lu 13:1 có lẽ xảy ra khi Phi-lát “chiếm đoạt” tiền bạc trong ngân quỹ đền thờ để xây hệ thống dẫn nước. Rất nhiều người Do Thái biểu tình phản đối. Vì vậy Phi-lát sai quân lính cải trang thường dân trà trộn vào dân chúng. Với vũ khí bí mật, quân lính đã giết hại nhiều người dân Do Thái vô tội. Hành động đó càng chất thêm lòng căm thù của người Do Thái đối với Thống đốc Phi-lát.

Vì Chúa sắp lên thành Giê-ru-sa-lem, mọi điều Ngài nói về Phi-lát chắc chắn đã được đồn ra. Nếu Ngài làm ngơ trước vấn đề này, dân chúng sẽ tố cáo Ngài đứng về phe La Mã và phản bội dân tộc. Nếu bảo vệ dân Do Thái và tố cáo Phi-lát, Ngài sẽ bị người La Mã gây rắc rối, đồng thời các nhà lãnh đạo Do Thái sẽ có cớ bắt bớ Ngài. Chúa chuyển vấn đề này sang một mức độ cao hơn và hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề chính trị. Thay vì bàn về tội lỗi Phi-lát, Ngài giải quyết tội lỗi của những người đang chất vấn Ngài. Ngài trả lời họ bằng cách hỏi họ một câu khác!

Trước tiên, Ngài chứng minh rằng những bất hạnh của con người không phải luôn luôn là kết quả của sự đoán phạt từ Đức Chúa Trời. Thật sai lầm khi chúng ta thay Đức Chúa Trời và công bố án phạt. Bạn hữu của Gióp cũng phạm sai lầm này khi cho rằng những đau khổ của Gióp là bằng cớ về tội lỗi ông. Nếu nhìn hoạn nạn theo suy nghĩ như vậy, hẳn chúng ta khó lòng giải thích những khổ nạn của các tiên tri và sứ đồ Chúa, ngay cả sự thương khó của Chúa Jêsus.

Ngài muốn hỏi rằng: “Các ngươi giải thích thế nào về những người bị tháp Si-lô-ê ngã xuống đè chết kia?” Đó không phải là lỗi của Phi-lát, vậy lỗi nơi Đức Chúa Trời chăng? Chúng ta sẽ trách cứ Ngài? 18 người bị chết khi họ đang làm việc. Họ không hề chống đối hay làm loạn.

Chúa Jêsus tiếp tục cho thấy kết luận hợp lý của lập luận của họ: Nếu Đức Chúa Trời đoán phạt tội nhân theo cách họ nghĩ, vậy chính họ phải ăn năn vì mọi người đều là tội nhân! Câu hỏi đưa ra không phải là “vì sao những người này chết?” nhưng là “chúng ta phải sống cách nào cho phải lẽ?” Không ai trong chúng ta vô tội, vì vậy tất cả phải dọn lòng mình. Bàn về cái chết của kẻ khác thật dễ hơn phải đối diện với tội lỗi chính mình và cái chết có thể xảy ra.”

Ví dụ về cây vả có ý nghĩa thực tế đối với mỗi cá nhân và đối với dân Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời là Đấng nhân từ, có lòng kiên nhẫn đối với con người (IIPhi 3:9), muốn chúng ta ăn năn để kết quả trong Ngài (Mat 3:7-10). Ngài có quyền “đốn bỏ”chúng ta, nhưng bởi lòng thương xót, Ngài tha thứ chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta đừng ỷ lại sự nhân từ nhẫn nhục của Ngài, vì ngày xét đoán cuối cùng chắc chắn sẽ đến.

Cây vả này cũng nhắc chúng ta về sự nhân từ của Ngài đối với dân Y-sơ-ra-ên (Es 5:1-7; Ro 9:15) cũng như lòng kiên nhẫn của Ngài đối với họ. Đức Chúa Trời chờ đợi ba năm trong thời gian Chúa Jêsus thi hành chức vụ, nhưng dân tộc này không “kết quả”. Sau đó, Ngài chờ 40 năm kế tiếp trước khi cho phép quân đội La Mã dày xéo đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem. Suốt những năm tháng đó, Hội Thánh Chúa đã cho cả dân tộc Y-sơ-ra-ên thấy chứng cớ mạnh mẽ về thông điệp Phúc Âm của Đức Chúa Trời. Cuối cùng, “cây vả này” đã bị đốn bỏ!

Ví dụ minh họa này kết thúc rõ ràng, đầy ý nghĩa hầu cho người nghe lời Ngài có thể áp dụng vào thực tế. Cây vả ấy có sinh trái không? Sự quan tâm đặc biệt ấy có đem lại kết quả gì không? Cây vả ấy được giữ lại hay bị đốn bỏ? Chúng ta không thể trả lời những câu hỏi trên, nhưng chúng ta có thể trả lời được qua chính đời sống mình! Một lần nữa, câu hỏi đặt ra không phải: “Điều gì đã xảy đến cho cây vả?” nhưng là: “Điều gì sẽ xảy đến cho tôi?”

Đức Chúa Trời đang tìm kiếm “quả”. Ngài không chấp nhận bất cứ sự thay thế nào, nên thời kỳ ăn năn là CHÍNH HÔM NAY. Trong những ngày sắp tới, nếu nghe về một bất hạnh nào trong cuộc sống của người khác, hãy tự hỏi chính mình “Có phải tôi đang choán chỗ vô ích, hay tôi đang kết quả cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời?”

Câu hỏi luật pháp về ngày Sa-bát (Lu 13:10-21)

Sự chữa bệnh (Lu 13:10-13): Nếu bị bại suốt 18 năm, tôi không biết mình sẽ trung tín thờ phượng Đức Chúa Trời hằng tuần nơi nhà tôi hay không? Có lẽ người đàn bà này cầu nguyện nhiều với Đức Chúa Trời nhưng chưa được chữa lành. Có vẻ như Đức Chúa Trời không quan tâm đến bà, nhưng điều này không làm cho bà trở nên cay đắng hay oán giận! Bà vẫn ở trong nhà hội.

Là người từng cảm thông với nhu cầu kẻ khác, Chúa Jêsus nhìn thấy người đàn bà này và gọi bà đến gần. Có lẽ những người trong nhà hội dường như quá vô tâm khiến Chúa công khai cho họ thấy bệnh tật của người đàn bà này (câu 12-13). Ngài biết điều Ngài đang làm. Một lý do khác, Sa-tan đã có mặt trong nhà hội nên Chúa muốn chỉ nó ra và đánh bại nó. Ngài cũng muốn người đàn bà giúp Ngài dạy những người trong nhà hội một bài học ý nghĩa về sự tự do.

Không chỉ Sa-tan khiến con người cúi đầu khuất phục nó nhưng tội lỗi (Thi 38:6), buồn rầu (Thi 42:5) và hoạn nạn (Thi 44:24-25) cũng chất thêm gánh nặng trên họ. Chúa Jêsus là Đấng duy nhất có thể giải thoát những kẻ bị “giam cầm”. Ngài phán một lời, đặt tay trên người đàn bà khiến bà lành bệnh và ngợi khen Đức ChúaTrời! Đó là sự hầu việc trong nhà hội mà mọi người không bao giờ quên.

Sự phẫn nộ (Lu 13:14): Thay vì vui mừng và ca ngợi Đức Chúa Trời, người cai nhà hội (xem Lu 8:41) rất giận dữ. Ông không có can đảm bày tỏ sự giận dữ với Chúa Jêsus, nên quát tháo những người trong nhà hội. Càng suy nghĩ về lời chỉ trích của ông ta, bạn sẽ càng cảm thấy nực cười. Giả sử người ta đem đến những người bệnh, ai sẽ chữa lành họ? Liệu ông ta có quyền năng để làm điều đó không? Nếu có thể làm được, tại sao ông ta không sử dụng nó để cứu kẻ khác trước? Thật là kẻ giả hình hèn nhát.

Xiềng xích trói buộc người cai nhà hội này còn tệ hại hơn tình trạng của người đàn bà. Sự trói buộc của bệnh hoạn chỉ ảnh hưởng đến thân thể người đàn bà nhưng sự trói buộc của người cai nhà hội này đã “xích” lòng và trí ông ta. Ông ta bị “trói buộc” và mù lòa do truyền thống đến nỗi đã chống nghịch với Con Đức Chúa Trời!

Lời xác minh (Lu 13:15-17): Chúa Jêsus có thể chữa lành người đàn bà này bất cứ ngày nào khác trong tuần. Nói cho cùng, bà đã đau khổ suốt 18 năm và nếu chịu thêm một ngày nữa thì cũng chẳng mấy khác biệt nhưng Ngài dứt khoát chọn ngày Sa-bát vì Ngài muốn dạy một bài học về sự tự do. Hãy để ý các từ “cứu”, “mở”, “mở trói” (Lu 13:12,15-16).

Trước tiên, Chúa bảo vệ cho người đàn bà và quở trách người cai nhà hội. Chúa nhắc ông ta rằng ông đã đối đãi với súc vật còn tử tế hơn đối với người đàn bà nghèo khổ này. Lời cáo trạng ấy cũng dành cho những người có mặt trong nhà hội. Chúa phân tích sự việc từ nhỏ đến lớn: Nếu Đức Chúa Trời cho phép con người chăm sóc gia súc trong ngày Sa-bát, lẽ nào Ngài không muốn chúng ta chăm sóc những con người khốn khổ được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời: Bất cứ hình thức nào cản trở chúng ta giúp đỡ kẻ khác, đều không đến từ Đức Chúa Trời. Thật ra, người ta dễ dàng dùng hình thức để viện cớ không quan tâm đến kẻ khác.

Có một số người trong nhà hội muốn tố cáo Chúa Jêsus vì Ngài vi phạm luật Sa-bát, nhưng Ngài khiến họ quá xấu hổ đến nỗi chẳng nói được gì. Bài học Ngài đưa ra thật rõ ràng: Sa-tan đưa con người vào xiềng xích trói buộc, nhưng con người sẽ được tự do thật sự nếu tin cậy nơi Đấng Christ. Ngày Sa-bát Đức Chúa Trời muốn ban cho chúng ta là “sự yên nghỉ trong tâm hồn” bởi ân điển Đức Chúa Trời chớ không bởi làm theo những thủ tục của lễ nghi (Mat 11:28-30).

Chúng ta cũng phải nhớ hai vấn đề nữa. Thứ nhất, Chúa đã dùng ví dụ về men như hình ảnh của điều ác (Lu 12:1) và Ngài dường như không mâu thuẫn với chính mình. Thứ hai, ý nghĩa của Math 13 nói về sự chống nghịch và Nước Đức Chúa Trời dường như bị đánh bại chớ không chinh phục được thế gian. Vâng, đúng vậy, sẽ có đắc thắng cuối cùng, nhưng đồng thời nhiều hạt giống gieo ra sẽ không kết quả. Sa-tan sẽ gieo ra mọi điều giả dối, cá tốt và cá xấu sẽ đều ở trong một lưới.

Người Do Thái đều biết Kinh Thánh và hiểu những hình ảnh Chúa dùng. “Men” đại diện cho điều ác (Xu 12:14-20) và “cây” lớn mạnh tượng trưng cho vương quốc lớn mạnh ở thế gian (Da 4:20-22; Exe 17:22-24; Exe 31:3-9). Hạt cải sẽ sinh cây cải nhỏ chớ không phải cây lớn. Nước Đức Chúa Trời sẽ bị ảnh hưởng bởi những lời dạy giả dối (Ga 5:1-9) hạt giống nhỏ (“Bầy nhỏ” Lu 12:32) sẽ mọc lên trong tình trạng đó và là nơi trú ngụ của Sa-tan (Mat 13:19). Hội Thánh hôm nay có thể rơi vào hai tình trạng trên.