NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta tiếp tục đọc Lu-ca 12:35-59

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 12:40  (BDHD): 

Các con cũng phải sẵn sàng, vì Con Người đến trong giờ các con không ngờ.

 

NỘI DUNG

Sự tỉnh thức

35 “Lưng các con phải thắt lại, đèn các con phải thắp lên. 36 Các con phải làm như những người đang chờ đợi chủ mình ở tiệc cưới về, để khi chủ về đến, gõ cửa thì mở ngay. 37 Phước cho những đầy tớ ấy, khi chủ về thấy họ đang thức canh! Thật, Ta bảo các con, chủ sẽ thắt lưng mình, mời các đầy tớ ngồi vào bàn tiệc và đến phục vụ họ. 38 Nếu canh hai, canh ba, chủ trở về thấy các đầy tớ như vậy thì thật là phước hạnh cho họ! 39 Hãy biết điều nầy: Nếu chủ nhà biết được kẻ trộm đến giờ nào thì sẽ không để cho nó xâm nhập nhà mình. 40 Các con cũng phải sẵn sàng, vì Con Người đến trong giờ các con không ngờ.” 41 Phi-e-rơ thưa: “Lạy Chúa, Chúa phán ẩn dụ nầy cho chúng con hay cũng cho mọi người?” 42 Chúa đáp: “Ai là người quản gia khôn ngoan và trung tín, được chủ giao quản lý nhà mình để cung cấp thức ăn đúng giờ? 43 Phước cho đầy tớ ấy khi chủ đến thấy làm như vậy! 44 Thật, Ta bảo các con, chủ sẽ giao cho đầy tớ ấy quản lý toàn bộ tài sản mình. 45 Nhưng nếu đầy tớ ấy tự nhủ: 'Chủ ta chưa về ngay đâu,’ nên bắt đầu đánh đập tôi trai, tớ gái, rồi ăn uống say sưa. 46 Chủ nó sẽ đến trong ngày nó không ngờ, trong giờ nó không biết, sẽ trừng phạt nó nặng nề và cho nó đồng số phận với kẻ bất trung. 47 Đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng và không làm theo ý chủ thì sẽ bị đòn nặng.48 Nhưng đầy tớ nào không biết ý chủ mà làm việc đáng phạt thì sẽ bị đòn nhẹ. Vì ai đã được ban cho nhiều thì sẽ bị đòi lại nhiều; ai đã được giao cho nhiều hơn thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.”

Những lời răn dạy khác

49 “Ta đã đến để ném lửa xuống đất. Nếu lửa cháy lên rồi, Ta còn ước ao gì nữa! 50 Có một báp-têm mà Ta phải chịu, Ta đau đớn biết bao cho đến chừng nào việc ấy được hoàn tất! 51 Các con tưởng Ta đến để đem bình an cho thế gian sao? Ta bảo các con, không phải, nhưng đem sự phân rẽ thì đúng hơn. 52 Vì từ nay, năm người ở chung một nhà sẽ phân rẽ nhau: ba người nghịch với hai, hai người nghịch với ba. 53 Họ sẽ phân rẽ nhau: cha nghịch với con trai, con trai nghịch với cha; mẹ nghịch với con gái, con gái nghịch với mẹ; mẹ chồng nghịch với nàng dâu, nàng dâu nghịch với mẹ chồng.” 54 Ngài lại phán với đoàn dân: “Khi thấy đám mây nổi lên ở phương tây, các ngươi liền nói: 'Sẽ có mưa;’ thì quả có như vậy. 55 Lại khi gió nam thổi, các ngươi nói: 'Sẽ nóng bức;’ thì quả có như vậy. 56 Hỡi bọn đạo đức giả! Các ngươi biết phân biệt hiện tượng của trời đất, vậy sao không biết phân biệt thời điểm hiện nay? 57 Tại sao các ngươi cũng không tự mình suy xét điều gì là đúng? 58 Khi ngươi đi với kẻ tố cáo mình đến trước người cai trị, dọc đường hãy cố gắng giải hòa với họ; đừng để họ kéo ngươi đến trước quan tòa, quan tòa giao cho viên cai ngục để bỏ tù ngươi. 59 Ta bảo ngươi, ngươi sẽ không bao giờ ra khỏi tù được cho đến khi trả nốt đồng tiền cuối cùng.”

 

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Phải tỉnh thức, hãy coi chừng sự lơ là (Lu 12:35-53)

Chúa Jêsus chuyển đề tài từ sự lo lắng trong hiện tại đến việc tỉnh thức trong ngày sau rốt. Những chủ đề trong Lu 12:1-59 nối tiếp nhau, vì chờ đợi Chúa trở lại là một trong những phương cách tốt nhất để đắc thắng sự giả hình, tính tham lam, lòng lo lắng. Khi sống trong thời sau rốt, mọi sự thuộc về thế gian khó có thể gài bẫy chúng ta. Qua phân đoạn này, Chúa dạy chúng ta phải làm gì để sẵn sàng tiếp Chúa tái lâm.

Chờ đợi và tỉnh thức (Lu 12:35-40): Lễ cưới của người Do Thái được tổ chức về đêm. Tôi tớ của chú rể phải chờ chủ mình trở về cùng với cô dâu. Chàng rể không muốn phải chờ lâu ngoài cửa cùng với cô dâu! Nhưng các tôi tớ cần phải biết chắc rằng họ đã sẵn sàng làm việc với thắt lưng gọn gàng để dễ dàng đi lại (IPhi 1:13).

Điều đáng chú ý trong câu chuyện này đó là chính người chủ hầu việc tôi tớ mình! Trong lễ cưới của người Do Thái, cô dâu được đối đãi như một nữ hoàng và chú rể giống như vị vua, vì vậy bạn không nghĩ rằng “vua” ấy sẽ hầu việc tôi tớ mình.Vua của chúng ta sẽ hầu việc những tôi tớ trung tín của Ngài khi tiếp chúng ta trong ngày tái lâm, đồng thời Ngài sẽ ban thưởng cho sự trung tín của chúng ta. “Tỉnh thức” nghĩa là “sẵn sàng”, “cảnh giác”. Không bị hụt hẫng vì ngạc nhiên là thái độ chúng ta cần có đối với sự tái lâm của Chúa Jêsus. Sự tái lâm của Ngài sẽ giống như “kẻ trộm”: âm thầm và bất ngờ (ITe 5:2; Mat 24:43; Kh 16:15). Chúng ta phải sẵn sàng!

Làm việc (Lu 12:41-48): Để chúng ta không nghĩ rằng Chúa chỉ yêu cầu chúng ta tỉnh thức và chờ đợi, Ngài thêm ví dụ này để khuyên chúng ta phải làm việc, chờ đợi Ngài đến. Các sứ đồ có nhiệm vụ nuôi nấng người thuộc về Đức Chúa Trời - đó là Hội Thánh. Nhưng mỗi chúng ta cũng phải làm nhiệm vụ Chúa giao cho cá nhân mình. Chúng ta có nhiệm vụ trung tín cho đến kỳ Chúa tái lâm. Có thể chúng ta không thành công dưới mắt mình hoặc đối với kẻ khác, điều đó không quan trọng. Điều Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi chúng ta là sự trung tín (ICo 4:2).

Khi đầy tớ nghĩ rằng chủ mình sẽ không trở về, đời sống người ấy sẽ trở nên tệ hơn. Mối liên hệ của chúng ta đối với người khác tùy thuộc vào mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Vì vậy nếu không tìm kiếm Đức Chúa Trời chúng ta khó lòng yêu thương kẻ khác. Động cơ khiến Cơ Đốc nhân sống và phục vụ tha nhân phải xuất phát từ lòng khao khát làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và giữ lòng trung tín khi Chúa tái lâm.

Tôi không nghĩ rằng Lu 12:46 muốn nói: những tín đồ bất trung sẽ không được cứu, vì chúng ta hưởng thiên đàng là do đức tin nơi Chúa Jêsus chớ không phải do việc làm (Eph 2:8-10; IITi 2:11-13). Chúa sẽ biệt riêng những Cơ Đốc nhân trung tín với Cơ Đốc nhân bất trung. Ngài sẽ thưởng cho người trung tín và cất đi phần thưởng khỏi kẻ bất trung (ICo 3:13-15). Sự xét đoán của Đức Chúa Trời rất công bình, dựa trên thái độ của Cơ Đốc nhân đối với ý muốn Ngài. Điều đó không có nghĩa nếu chúng ta càng hiểu biết về Chúa, chúng ta sẽ cảm thấy “dễ chịu” hơn trước ngai phán xét của Đấng Christ! Chúng ta phải hiểu biết ý muốn Đức Chúa Trời (Ro 12:2; Co 1:9) và tấn tới trong sự thông hiểu về Chúa Jêsus (IIPhi 3:18). Chúa Jêsus muốn đưa ra một nguyên tắc chung: chúng ta càng được Đức Chúa Trời ban cho nhiều, sẽ bị Ngài đòi lại nhiều.

Xung đột (Lu 12:49-53): Khi chờ đợi Chúa, chúng ta hãy tỉnh thức và làm việc. Sẽ có thời kỳ khốn khó, vì chúng ta như những “khách lạ” trong lãnh địa của kẻ thù. Hình ảnh Chúa dùng để nói đến sự xung đột như: lửa, phép báp-têm, sự phân rẽ. Đối với dân Do Thái, lửa là biểu hiện của sự xét đoán. Khi Chúa Jêsus đến thế gian, Ngài đã đem đến sự xét đoán này (Gi 9:39-41).

Phép báp-tem Chúa Jêsus chịu ở câu 50 nói về sự thương khó và sự chết của Ngài, khởi đầu bởi phép báp-tem của Ngài tại sông Giô-đanh (Thi 42:7; Gio 2:3; Lu 11:29-30). Các sứ đồ chắc đã nhận phép báp-tem của sự thương khó khi họ làm chứng về Đấng Christ sau lễ Ngũ tuần.

Lu-ca mở đầu sách bằng công bố “Bình an dưới đất” (Lu 2:14) nhưng giờ đây Chúa dường như mâu thuẫn với lời hứa này. Chúa thực sự đã ban bình an cho những ai tin nơi Ngài (Ro 5:1), tuy nhiên lời tuyên xưng đức tin của họ thường trở thành một lời “tuyên chiến” giữa vòng gia đình và bạn hữu của họ. Chúa Jêsus chính là nguyên nhân của sự chia rẽ này (Gi 7:12,43; Gi 9:16; Gi 10:19). Dù không có “bình an dưới đất”, vẫn có “bình an trên trời” (Lu 19:38) vì Chúa Jêsus đã hoàn tất công tác Ngài trên thập tự giá.

Sau khi dạy dỗ môn đệ, Chúa xoay qua đoàn dân đông với lời khuyên sau cùng.

Hãy coi chừng sự tối tăm thuộc linh (Lu 12:54-59)

Chúa dùng hai minh họa để đám đông hiểu tầm quan trọng của sự sáng suốt và kiên nhẫn trong những vấn đề thuộc linh. Trước hết, Ngài nói về thời tiết và kế đến Ngài lấy ví dụ về sự kiện tụng.

Biết phân biệt (Lu 12:54-57): Nếu con người biết phân biệt những vấn đề thuộc linh như họ hiểu thời tiết, họ đúng là kẻ khôn ngoan hơn hết. Đám đông có thể biết trước một cơn giông, nhưng không thể thấy trước ngày xét đoán của Đức Chúa Trời. Họ biết nhiệt độ sẽ thay đổi nhưng không thể giải nghĩa được các dấu lạ qua các thời đại. Dân Do Thái biết những lời tiên tri từ Đức Chúa Trời qua các thế kỷ, vậy lẽ ra họ phải biết công việc Đức Chúa Trời đang làm, nhưng các chức sắc tôn giáo đã dẫn họ đi sai đường.

Thật bi thảm, khi con người hôm nay có thể đoán trước sự dịch chuyển của các thiên thể, phân tích các nguyên tử, thậm chí đưa con người lên mặt trăng, nhưng “mù lòa” về những điều Đức Chúa Trời đang thực hiện giữa thế giới này. Họ biết cách đếm các vì sao, nhưng không biết làm sao để đến được thiên đàng! Thế giới văn minh của chúng ta có sự hiểu biết khoa học rộng lớn, nhưng thiếu sự khôn ngoan thuộc linh.

Kiên nhẫn (Lu 12:58-59): Ai cũng muốn làm bất cứ điều gì để thoát khỏi nhà tù, nhưng mấy ai kiên trì như thế để thoát khỏi địa ngục? Nếu các luật sư và quan tòa nghiên cứu lời Đức Chúa Trời kiên nhẫn như họ xem sách luật, họ chắc sẽ đạt đến sự khôn ngoan không thể tìm thấy trong luật pháp. Dân Y-sơ-ra-ên đang tiến gần đến sự phán xét và Đấng xét đoán là Đức Chúa Trời toàn năng, nhưng họ không muốn tìm kiếm thời kỳ bình an (Lu 13:34-35). Chúa Jêsus biết quân đội La Mã sẽ đến phá đổ đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem (Lu 19:41-44), tuy vậy Ngài vẫn không thể thuyết phục họ ăn năn tội: Tội lỗi họ ngày càng chồng chất, họ chắc chắn sẽ bị “tính sổ” không thiếu một điều nhỏ nhặt nào.

Chúng ta phải áp dụng những lẽ thật kể trên vào đời sống cá nhân hằng ngày. Nếu biết cơn bão sắp kéo đến, chúng ta có thể chuẩn bị mọi thứ để đương đầu với nó. Cơn bão “thịnh nộ” của Đức Chúa Trời đang đến gần, và Đấng xét đoán đang đứng trước cửa! (Gia 5:9).

“Kìa, hiện nay là thì thuận tiện, kìa hiện nay là ngày cứu rỗi (IICo 6:2).