NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta tiếp tục đọc Lu-ca 12:22-34

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 12:31  (BDHD): 

Nhưng hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ ban cho các con những điều ấy nữa.

 

NỘI DUNG

Sự lo lắng

(Mat 6:24-34)

22 Đức Chúa Jêsus phán với các môn đồ: “Vậy nên, Ta bảo các con, đừng vì sự sống mà lo đồ ăn, cũng đừng vì thân thể mà lo đồ mặc. 23 Vì sự sống quý hơn đồ ăn và thân thể quý hơn đồ mặc. 24 Hãy xem loài quạ: Chúng không gieo, không gặt, cũng không có vựa lẫm hay kho tàng, thế mà Đức Chúa Trời còn nuôi chúng. Các con còn quý trọng hơn loài chim rất nhiều! 25 Hơn nữa, có ai trong các con nhờ lo lắng mà làm cho đời mình dài thêm một khoảnh khắc không? 26 Vậy, nếu các con không thể làm được một việc nhỏ như thế, tại sao các con lại lo lắng về những việc khác? 27 Hãy xem hoa huệ lớn lên thể nào: Chúng chẳng làm việc khó nhọc, cũng không kéo chỉ; nhưng Ta bảo các con, dù vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc đẹp như một trong những hoa nầy. 28 Hỡi kẻ ít đức tin, nếu hoa cỏ nay còn sống ngoài đồng, mai bị ném vào lò mà Đức Chúa Trời còn cho mặc đẹp như thế, huống chi là các con! 29 Vậy, các con đừng tìm kiếm đồ ăn, thức uống, cũng đừng quá lo lắng. 30 Vì mọi điều đó, các dân tộc trên thế gian vẫn thường tìm kiếm, và Cha các con đã biết mọi nhu cầu của các con rồi. 31 Nhưng hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ ban cho các con những điều ấy nữa. 32 Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ, vì Cha các con đã bằng lòng ban vương quốc cho các con rồi. 33 Hãy bán của cải mình mà làm việc thiện. Hãy sắm cho mình những túi tiền không hư cũ và kho báu không hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không đến gần được, mối mọt không làm hư hại được. 34 Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.”

 

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Hãy coi chừng sự lo lắng (Lu 12:22-34)

Phú gia kia lo lắng vì có nhiều của cải, nhưng môn đệ Chúa có thể vướng vào cạm bẫy của sự lo lắng vì họ sống thiếu thốn. Đã từ bỏ mọi sự theo Chúa Jêsus Christ, họ chẳng nhận được một hứa hẹn bảo đảm nào. Họ đang sống bởi đức tin, và đức tin luôn phải chịu thử thách.

Sự lo lắng có tính chất tiêu cực. Ở Lu 12:22, từ “lo” có nghĩa như “không có hy vọng” và ở Lu 12:29, “có lòng lo lắng” có nghĩa như “ở trong tình trạng chờ đợi hồi hộp”. Đây là hình ảnh một con thuyền chao đảo giữa sóng gió.

Sự lo lắng cũng lừa dối con người. Nó khiến chúng ta quan niệm sai lệch về sự sống và về Đức Chúa Trời. Lo lắng khiến chúng ta tin rằng cuộc sống chỉ tồn tại do “ăn” và “mặc”. Quá lo lắng về những tiện nghi cuộc sống, chúng ta hầu như quên đi mục đích cuối cùng để tôn vinh Đức Chúa Trời (Mat 6:33). “Sống” và “tồn tại”là hai ý niệm khác nhau hoàn toàn!

Lo lắng làm chúng ta “mù lòa” về thế giới chung quanh và về cách Đức Chúa Trời chăm sóc tạo vật của Ngài. Ngài khiến muôn hoa khoe sắc rực rỡ, nuôi sống loài quạ ô uế không có khả năng gieo gặt, chăm sóc cả những người được ban cho khả năng làm việc. Chúa Jêsus không bảo chúng ta cứ ngồi đó chờ Đức Chúa Trời nuôi mình, vì cả loài chim cũng phải chăm chỉ lao động để tồn tại. Đúng hơn, Ngài khuyên chúng ta đặt lòng tin cậy nơi Ngài và đồng công với Ngài trong việc sử dụng những khả năng và cơ hội Ngài ban (IITe 3:6-15). Những sự lo lắng còn khiến chúng ta mù lòa về chính nó. Chúng ta có thể đến một nơi mà mình thật sự nghĩ rằng lo lắng khiến đời sống ích lợi hơn. Ở Lu 12:25 Chúa cho biết lo lắng không thể khiến đời chúng ta dài một khắc nào (Thi 39:5). Nỗi lo lắng của người phú nông ấy thật sự chẳng khiến đời ông dài thêm! Thay vì sống lâu, sự lo lắng sẽ cướp đi cuộc sống chúng ta. Bởi lo lắng con người có thể tự đưa mình vào bệnh viện hay mồ mả.

Một lần nữa, Chúa dẫn chứng từ việc nhỏ đến việc lớn: Nếu Đức Chúa Trời có thể nuôi loài chim, Ngài chắc sẽ quan tâm con cái mình. Nếu muôn hoa xinh đẹp kia nay nở mai héo tàn còn được Ngài làm đẹp, vậy Ngài chắc sẽ “mặc” cho con cái mình những gì đẹp hơn thế. Vấn đề không phải Ngài thiếu quyền năng, vì Ngài là Đấng làm được mọi sự. Vấn đề chính ở chỗ: chúng ta thiếu đức tin.

Lo lắng khiến con người bị biến chất. Lo lắng khiến chúng ta không tăng trưởng thuộc linh và trở nên giống kẻ vô tín ở thế gian (Lu 12:30). Tóm lại lo lắng chính là sự vô tín, là tội lỗi. Làm sao chúng ta có thể làm chứng cho một thế giới hư mất, khuyên kẻ khác đặt niềm tin nơi Chúa Jêsus trong khi bản thân ta nghi ngờ Đức Chúa Trời và lo lắng về đời này?

Chúng ta phải làm sao để đắc thắng sự lo lắng? Trước tiên chúng ta phải hiểu rằng Đức Chúa Trời biết mọi nhu cầu chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể tin chắc Ngài sẽ đáp ứng cho chúng ta mọi sự. Chúng ta là chiên trong ràn của Ngài, con cái trong gia đình Ngài và thần dân trong Vương quốc Ngài, nên Ngài biết nhu cầu của chúng ta đáng được đáp ứng trọn vẹn. Ngài vui lòng ban Vương quốc Ngài cho chúng ta, lẽ nào Ngài không ban cho chúng ta mọi sự cần dùng? (Ro 8:32).

Tuy nhiên, sự vui mừng của Đức Chúa Trời và của báu chúng ta có phải đi đôi với nhau. Chúng ta phải nhìn thế gian từ góc độ thiên đàng và biết chắc mình đã đặt Nước Đức Chúa Trời lên trên mọi sự hay chưa. Câu hỏi trọng tâm dành cho chúng ta: “Lòng bạn ở đâu?”. Nếu lòng chúng ta hướng về những điều ở thế gian, chúng ta sẽ mắc vào sự lo lắng không dứt. Nếu lòng hướng về sự vĩnh cửu, sự bình an của Đức Chúa Trời sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng chúng ta (Phi 4:6-9). Chúng ta phải “quên” bản thân mình hầu cho lòng không hướng về vật chất đời này, thậm chí bán hết những gì mình có để giúp kẻ khác (Cong 2:44-45; Cong 4:34-35). Không có gì sai phạm nếu giữ của cải, miễn sao những vật chất ấy không “làm chủ” chúng ta.