NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta sẽ đọc phần đầu của Lu-ca 12:13-21. Lời Chúa dạy chúng hãy cẩn thận, coi chừng sự tham lam.

 

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 12:15 (BDHD): 

Ngài phán với họ: “Hãy cẩn thận, đề phòng mọi thứ tham lam, vì sự sống của con người không cốt tại của cải mình dư dật.”

 

NỘI DUNG

Người giàu dại dột

13 Bấy giờ, một người trong đoàn dân thưa với Đức Chúa Jêsus: “Thưa thầy, xin bảo anh con chia gia tài cho con.” 14 Ngài đáp: “Nầy người kia, ai đặt Ta làm người xử kiện hay là người chia gia tài cho các ngươi?” 15 Ngài phán với họ: “Hãy cẩn thận, đề phòng mọi thứ tham lam, vì sự sống của con người không cốt tại của cải mình dư dật.” 16 Ngài lại kể cho họ một ẩn dụ: “Ruộng của một người giàu kia rất được mùa. 17 Anh ta thầm nghĩ: 'Ta phải làm gì đây, vì không còn đủ chỗ để chứa hoa lợi.’ 18 Anh ta nói: 'Ta sẽ làm thế nầy: Ta sẽ phá những kho nầy và xây những cái khác lớn hơn, rồi ta sẽ thu trữ thóc lúa và của cải ta vào đó. 19 Ta sẽ nói với linh hồn ta rằng: Linh hồn ơi, mầy đã được nhiều của cải để dành cho nhiều năm. Hãy nghỉ ngơi, ăn uống, và vui vẻ.’ 20 Nhưng Đức Chúa Trời phán với anh ta: 'Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy của cải ngươi đã dự trữ sẽ thuộc về ai?’ 21 Ai thu trữ của cải cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy.”

 

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Hãy coi chừng tham lam (Lu 12:13-21)

Bấy giờ, một người trong đám đông lên tiếng xin Chúa giải quyết giúp vấn nạn gia đình anh. Người ta thường mong đợi các Ra-bi giúp giải quyết những vấn đề pháp lý, nhưng Chúa không can dự vào. Tại sao? Vì Ngài biết rằng sẽ không có giải đáp nào giải quyết được nan đề thật của họ, đó là sự tham lam trong lòng anh em họ. Bao lâu họ còn tham lam, sẽ không có sự giải quyết nào khiến họ thoả mãn. Tấm lòng họ cần được thay đổi, đó mới là nhu cầu lớn nhất. Ngày hôm nay, có biết bao con người chỉ muốn được Chúa giúp đỡ chớ không muốn được cứu rỗi.

Tham lam là sự khao khát muốn có thêm càng nhiều hơn những gì ta nghĩ rằng mình cần để thật được thoả mãn. Đó có thể là sự tham tiền hoặc những gì đồng tiền có thể mua được, thậm chí có thể là sự khao khát địa vị và quyền lực. Chúa Jêsus nói rõ: Đời sống đích thực không dựa trên sự giàu có về của cải vật chất. Chúa cũng không phủ nhận về việc chúng ta có những nhu cầu cơ bản trong đời sống (Mat 6:32; ITi 6:17). Ngài chỉ nhấn mạnh rằng chúng ta không thể khiến đời sống mình phong phú hơn nếu chỉ đòi hỏi càng nhiều những điều kể trên.

Thực tế, có nhiều tín hữu bị tiêm nhiễm tính tham lam mà không biết. Họ nghĩ rằng lời khuyên của Phao-lô ở 1Tim 6 chỉ áp dụng cho những người giàu có tiếng tăm!  Chúa Jêsus dùng ví dụ về người giàu có này cho ta thấy những hiểm họa tiềm ẩn trong một tấm lòng hà tiện. Khi đọc ví dụ đó, bạn hãy kiểm lại những phản ứng của mình đối với hiện trạng của người giàu này. Bạn phản ứng ra sao đối với tình trạng khó xử của phú nông ấy? Ông ta có quá nhiều của cải. Nếu chúng ta nói “Tôi ước chi mình cũng có nan đề giống như vậy! ”, lời nói ấy chẳng khác nào chúng ta đang để lộ sự tham lam trong lòng mình. Nếu đột nhiên bạn thừa hưởng một gia tài “kếch sù”, liệu điều đó có gây khó xử cho bạn không? Liệu bạn có tôn vinh Đức Chúa Trời và cầu xin Ngài tỏ cho bạn biết những điều Ngài muốn bạn thực hiện?

Giàu có cũng đem đến những hiểm hoạ (Ch 30:7-9). Của cải làm cho Lời Đức Chúa Trời bị nghẹt ngòi (Mat 13:22), khiến người ta bị mắc bẫy và sa vào sự cám dỗ (ITi 6:6-10,17-19). Sự giàu sang khiến bạn có cảm giác an toàn giả tạo. Người đời có câu: Tiền bạc không thể làm con người thỏa mãn trừ khi bạn muốn sống theo tiêu chuẩn của nó. Những ai chỉ hài lòng với những gì tiền bạc có thể mua được sẽ có nguy cơ đánh mất những điều không thể mua bằng tiền. Người phú nông này xem của cải như một cơ hội để thoả mãn chính mình. Ông chẳng nghĩ về Đức Chúa Trời hay điều nào khác hơn của cải.

Bạn phản ứng ra sao trước những quyết định của phú gia này? Có phải bạn sẽ nói: “Bây giờ đó là sự đầu tư khôn ngoan! Hãy thâu trữ và chuẩn bị cho tương lai”. Tuy nhiên, Chúa Jêsus đã nhìn thấy sự ích kỷ trong mọi hành động của người giàu kia, Ngài phán rằng đó là kẻ dại. Triết lý sống của thế gian là “hãy quan tâm đến bản thân trước hết”, Chúa Jêsus không tán đồng với triết lý đó.

Không có gì sai trái đối với việc áp dụng những nguyên tắc đầu tư có lợi, thậm chí dự phòng cho tương lai (ITi 5:8). Chúa Jêsus không muốn con người lãng phí (Gi 6:12), nhưng Ngài cũng không muốn con người có lòng ích kỷ, bị thôi thúc bởi tính tham lam.

Bạn phản ứng ra sao trước những tham muốn của người giàu này? Có phải bạn sẽ nói: “Đây mới đúng là cuộc sống! Ông ta đã thành công, được thỏa mãn và an tâm. Vậy ông ta còn cần gì hơn?” Tuy nhiên Chúa nhìn thấy ông ta đang đối diện cái chết. Của cải vật chất không thể giữ mạng sống chúng ta khi giờ chết đến gần. Của cải cũng không thể mua lại những cơ hội chúng ta đã đánh mất khi chỉ nghĩ đến cái tôi và làm ngơ đối với Đức Chúa Trời hay những người khác.

Chúa Jêsus chứng minh rằng đời sống đích thực không xuất phát từ của cải vật chất, và sự thành công đích thực hay sự an toàn cũng không đến từ của cải. Người giàu này có quan niệm sai lầm về sự sống và sự chết. Ông nghĩ rằng cuộc sống có được do “tích trữ” mọi vật chất, còn cái chết hãy còn quá lâu!

Cuối cùng, bạn phản ứng ra sao trước sự chết của người giàu có kiêu ngạo này? Chúng ta thường nói: “Thật rủi quá! Ông ta chết ngay khi có được mọi sự thuộc về mình! Bi thảm thật, ông ta không thể hoàn thành những kế hoạch lớn lao đã dự tính! ” Nhưng bi kịch lớn nhất không phải là những gì người ấy bỏ lại đằng sau, đó là những gì phía trước ông ta: cõi vĩnh hằng không có Đức Chúa Trời! Người này đã sống không có Đức Chúa Trời, chết không có Đức Chúa Trời, và của cải ông ta có chỉ gây rắc rối cho đời sống ông. Đức Chúa Trời chẳng hề nhờ tới tiền bạc chúng ta có.

“Giàu có nơi Đức Chúa Trời” nghĩa là gì? Đó là sự thông biết về Đức Chúa Trời, hiểu rằng mọi sự chúng ta có bởi ơn Đức Chúa Trời và cố gắng sử dụng những gì Ngài ban cho để đem ích lợi đến cho người khác cũng như tôn vinh Đức Chúa Trời. Của cải có thể phục vụ con người và khiến con người vui mừng nếu mục đích của con người là để tôn vinh Đức Chúa Trời (ITi 6:10). “Giàu có nơi Đức Chúa Trời” là sự giàu có thuộc linh, không phải sự hưởng thụ của bản thân. Thật đáng thương cho những ai chỉ giàu có ở đời này nhưng nghèo nàn ở đời sau! (Mat 6:19-34).