NHỮNG GỢI Ý:

Lời dạy dỗ của Chúa Jêsus phát sinh từ một buổi cầu nguyện, một phép lạ và một lời mời dùng bữa. Chúa dùng những trường hợp này để dạy dỗ về bốn chủ đề thuộc linh: sự cầu nguyện, Sa-tan, cơ hội thuộc linh và sự giả hình. Hôm nay chúng ta cần hiểu và áp dụng những lẽ thật ấy vào đời sống mình.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 11:28  (BDHD): 

Nhưng Ngài đáp: “Những ai nghe và giữ lời Đức Chúa Trời còn có phước hơn!”

 

NỘI DUNG

Sự cầu nguyện

(Mat 6:9-13; 7:7-11)

1 Đức Chúa Jêsus đang cầu nguyện ở một nơi kia. Khi cầu nguyện xong, một môn đồ thưa với Ngài: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện, như Giăng đã dạy các môn đồ mình vậy.” 2 Ngài phán với họ: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: 'Lạy Cha! Nguyện Danh Cha được tôn thánh. Vương quốc Cha được đến. 3 Xin cho chúng con thức ăn ngày nào đủ cho ngày nấy. 4 Xin tha tội cho chúng con, vì chúng con cũng tha kẻ mắc lỗi với chúng con. Xin đừng để chúng con sa vào sự cám dỗ!’ ”

5 Rồi Ngài phán với họ: “Ai trong các con có một người bạn nửa đêm đến nói rằng: 'Bạn ơi, cho tôi mượn ba cái bánh, 6 vì bạn tôi đi đường mới đến mà tôi không có gì để đãi anh ấy.’ 7 Nếu người kia từ trong nhà trả lời: 'Đừng quấy rầy tôi, cửa đóng rồi, con cái và tôi đã đi ngủ, không dậy lấy bánh cho anh được!’ 8 Ta bảo các con, dù người ấy không vì tình bạn mà dậy lấy bánh cho, nhưng vì người bạn cứ nài nỉ mãi nên người ấy sẽ trỗi dậy và cho người bạn đủ sự cần dùng. 9 Vậy, Ta bảo các con: Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ, cửa sẽ mở cho các con. 10 Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và ai gõ thì cửa sẽ được mở. 11 Trong các con có ai làm cha, khi con mình xin bánh mà cho đá chăng? Hay là xin cá mà cho rắn thay vì cá chăng? 12 Hay là xin trứng mà cho bò cạp chăng? 13 Vậy, nếu các con là người xấu còn biết cho con cái mình các vật tốt, huống chi Cha ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài sao!”

Đức Chúa Jêsus và Bê-ên-xê-bun

(Mat 12:22-30; 38-45; Mac 3:20-27)

14 Đức Chúa Jêsus đuổi một quỷ câm; khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được. Dân chúng đều kinh ngạc. 15 Nhưng có một vài người trong họ nói: “Người nầy nhờ Bê-ên-xê-bun là quỷ vương mà đuổi quỷ.” 16 Một số người khác muốn thử Ngài, xin Ngài cho một dấu lạ từ trời.

17 Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng họ nên phán: “Vương quốc nào tự chia rẽ thì sẽ bị sụp đổ, nhà nào tự chia rẽ thì sẽ suy vong. 18 Vậy, nếu Sa-tan tự chia rẽ thì vương quốc của nó làm sao tồn tại được? Vì các ngươi nói Ta nhờ Bê-ên-xê-bun mà đuổi quỷ. 19 Nếu Ta nhờ Bê-ên-xê-bun mà đuổi quỷ thì con cái các ngươi nhờ ai mà đuổi quỷ? Do đó, chính chúng nó sẽ là người xét xử các ngươi. 20 Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay của Đức Chúa Trời mà đuổi quỷ, thì vương quốc Đức Chúa Trời đã đến với các ngươi rồi. 21 Khi một người có sức mạnh, vũ trang đầy đủ, canh giữ nhà mình thì của cải được an toàn. 22 Nhưng khi có người mạnh hơn đến tấn công, thắng được thì tước khí giới mà người kia nhờ cậy, và đem phân phát của cải đã chiếm được.

23 Ai không ở với Ta thì chống lại Ta, ai không liên kết với Ta thì tan tác. 24 Khi uế linh ra khỏi một người, nó đi qua các nơi khô cằn để tìm chỗ nghỉ, nhưng không tìm được, nó nói: 'Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta vừa ra khỏi.’ 25 Khi về đến, thấy nhà được quét dọn và sắp đặt ngăn nắp 26 thì nó đi rủ bảy quỷ khác dữ hơn cùng vào ở trong đó. Như vậy, tình trạng sau của người ấy còn tệ hại hơn trước.”

27 Trong khi Đức Chúa Jêsus phán những điều ấy, có một phụ nữ từ trong đoàn dân cất tiếng thưa: “Phước cho dạ đã cưu mang Ngài và vú đã cho Ngài bú!” 28 Nhưng Ngài đáp: “Những ai nghe và giữ lời Đức Chúa Trời còn có phước hơn!”

 

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Sự cầu nguyện (Lu 11:1-13)

Vị trí ưu tiên của sự cầu nguyện (Lu 11:1): Môn đồ Giăng đã cầu nguyện, nên môn đệ Chúa Jêsus cũng muốn học nhiều hơn về cách cầu nguyện. Họ không xin Thầy mình dạy cách giảng đạo hay làm những dấu lạ, họ chỉ xin Ngài dạy họ cách cầu nguyện. Hôm nay, đôi lúc chúng ta nghĩ rằng nếu chỉ sống với Chúa khi Ngài hiện diện trên đất, chúng ta ắt sẽ trở thành những Cơ Đốc nhân mạnh mẽ hơn, nhưng thật không phải thế! Các môn đệ đã ở cùng Chúa nhưng họ không có nhiều thời gian. Họ có thể thực hiện nhiều phép lạ, nhưng vẫn muốn học cách cầu nguyện.

Nhưng lý lẽ mạnh mẽ nhất cho sự ưu tiên trong cầu nguyện là sự kiện: Chúa Jêsus của chúng ta là người cầu nguyện. Chúng ta thấy Ngài cầu nguyện khi chịu phép báp-tem (Lu 3:21), trước khi chọn 12 sứ đồ (Lu 6:12), khi đoàn dân đông kéo đến (Lu 5:16), trước khi Chúa yêu cầu 12 sứ đồ xưng nhận đức tin (Lu 9:18) và khi Ngài ở Núi Hoá hình (Lu 9:29). Các môn đệ đều biết Ngài thường cầu nguyện một mình (Mac 1:35) nên họ muốn học nơi Ngài bí quyết để có quyền năng và sự khôn ngoan thuộc linh. Nếu Chúa Jêsus vẫn là Con Toàn Hảo của Đức Chúa Trời còn cần phải cầu nguyện khi “còn trong xác thịt” (He 5:7), vậy bạn và tôi cần cầu nguyện nhiều hơn biết bao! Lời cầu nguyện có hiệu quả là sự cung ứng cho mỗi nhu cầu và là giải pháp cho mỗi nan đề.

Chúng ta gọi bài cầu nguyện này là “bài cầu nguyện của Chúa” không phải vì Ngài đã cầu nguyện như vậy (Ngài chưa bao giờ cầu xin sự tha tội) nhưng vì Ngài đã dạy các môn đệ cách cầu nguyện. Thật dễ dàng đọc thuộc lòng những lời cầu nguyện ấy nhưng thật sự không hiểu ý nghĩa của bài cầu nguyện. Đây là “bài cầu nguyện mẫu” dùng để hướng dẫn chúng ta cách cầu nguyện riêng (tương tự với Mat 6:9-15). Qua đó, chúng ta biết rằng lời cầu nguyện thật xuất phát từ mối liên hệ thuộc linh với Đức Chúa Trời hầu cho chúng ta có thể gọi Ngài là “Cha” bằng đức tin nơi Chúa Jêsus (Ro 8:14-17; Ga 4:1-7).

Lời cầu nguyện đích thực bày tỏ hai trách nhiệm: ca ngợi Nước Đức Chúa Trời và làm theo ý muốn Ngài (Lu 11:2). Mục đích của sự cầu nguyện không phải để ý riêng của con người được thực hiện trên trời, nhưng để ý muốn Đức Chúa Trời được thực thi trên đất. Cầu nguyện không phải là kể lể với Đức Chúa Trời những điều chúng ta muốn và hưởng thụ những điều ấy một cách ích kỷ. Cầu nguyện là cầu xin Đức Chúa Trời sử dụng chúng ta để hoàn thành điều Ngài muốn để danh Ngài được vinh hiển, vương quốc Ngài được mở mang và củng cố, ý muốn Ngài được thành tựu. Những khi chúng ta mong Đức Chúa Trời lắng nghe và nhận lời cầu nguyện của mình, chúng ta phải kiểm lại những lời cầu xin của riêng mình dựa trên những mối quan tâm này.

Cơ Đốc nhân cần phải biết Lời Đức Chúa Trời vì qua đó chúng ta khám phá được ý muốn Ngài. Đừng bao giờ tách rời sự cầu nguyện với Lời Đức Chúa Trời (Gi 15:7). Khi đã có được sự đảm bảo trong mối thông công với Đức Chúa Trời và ý chỉ của Ngài, chúng ta có thể trình bày những lời cầu xin cho Ngài. Chúng ta có thể xin Ngài cung ứng nhu cầu mỗi ngày, tha thứ những gì chúng ta đã làm trong ngày qua và dẫn dắt chúng ta trong tương lai.

Kiên trì cầu nguyện (Lu 11:5-8): Qua thí dụ này, Chúa Jêsus không nói rằng Đức Chúa Trời giống như người láng giềng cau có. Thực sự, Chúa chỉ muốn nói điều ngược lại. Nếu một kẻ láng giềng mệt mỏi, ích kỷ kia cuối cùng đã đáp ứng mọi nhu cầu của người bạn gây phiền phức cho anh ta, vậy Cha yêu thương trên trời sẽ đáp ứng nhu cầu của con cái yêu dấu Ngài nhiều hơn dường nào! Chúa muốn diễn giải từ những sự việc nhỏ đến sự việc lớn hơn.

Bạn hãy chú ý rằng bài học này kết thúc với sự xác quyết Đức Chúa Trời là Cha (Lu 11:11-13). Vì Ngài biết chúng ta và yêu thương chúng ta, bạn không cần phải lo lắng về cách Ngài nhậm lời cầu nguyện của bạn. Một lần nữa, Chúa Jêsus lại dẫn chứng từ việc nhỏ đến việc lớn hơn: Nếu một người cha trên đất biết cho con mình những gì tốt nhất, chắc chắn Cha trên trời sẽ còn làm nhiều điều hơn thế, thậm chí Ngài còn ban “Đức Thánh Linh” cho người xin Ngài (Lu 11:13; Mat 7:11), đó là những ơn phước chỉ một số ít người đặc biệt trong thời Cựu Ước mới xứng đáng được nhận lãnh.

Sa-tan (Lu 11:14-28)

Lời vu cáo (Lu 11:14-16): Đây là phép lạ đuổi quỉ lần thứ ba Chúa thực hiện để rồi bị kẻ thù vu cáo Ngài nhờ chúa quỉ để đuổi quỉ! (Mat 9:32-34; Mat 12:22-37). Thay vì vui mừng bởi Đức Chúa Trời đã ban một Đấng Christ, các chức sắc tôn giáo lại chống đối lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời và tìm phương làm cho người ta không tin nơi công việc của Chúa Jêsus cũng như phẩm cách Ngài. Bạn hình dung xem, những kẻ này “mù loà” đến nỗi không phân biệt được công việc của Đức Chúa Trời và công việc của Sa-tan!

Bê-ên-xê-bun là tên của một trong những thần Ba-anh của người Phi-li-tin (IIVua 1:1-3) nó có nghĩa là “Thần ruồi”. Một nghĩa khác, Bê-ên-xê-bun là “chúa cư trú”, có liên quan đến lời giải thích của Chúa Jêsus ở câu 18-26. Người Do Thái thường dùng tên này khi nhắc đến Sa-tan.

Lời phản bác (Lu 11:17-22): Đáp lại lời vu cáo của họ, Chúa Jêsus nói lời vu cáo của họ vô căn cứ. Vì sao Sa-tan lại có thể chống lại chính nó và phân rẽ nước nó? (Hãy nhớ rằng Chúa Jêsus tin ma quỉ cũng có vương quốc hùng mạnh của nó) (Eph 2:1-3; Eph 6:10). Ngược lại, những phép lạ của Chúa Jêsus chứng minh rằng Vương quốc Đức Chúa Trời đang hiện diện tại đây, chớ không phải vương quốc Sa-tan! Lời buộc tội của họ thực sự đã thừa nhận sự thực hữu của quyền phép Chúa, vì Ngài không thể đánh bại Sa-tan nếu Ngài không mạnh hơn nó. Chúa minh họa về Sa-tan như một kẻ cầm khí giới giữ cửa nhà và của cải nó. Nhưng Ngài đã tấn công lãnh địa nó, huỷ diệt khí giới nó và thu chiến lợi phẩm của nó (Co 2:15; Gi 12:31-33; IGi 3:8). Chúa chúng ta đã dẫn đắt những kẻ phu tù (Eph 4:8) và giải thoát những kẻ bị giam cầm (Lu 4:18).

Ứng dụng (Lu 11:23-28): Trong cuộc chiến thuộc linh không thể có thái độ trung lập (Lu 11:13; Lu 9:50), vì thái độ đó cũng đồng nghĩa với sự chống đối Chúa. Có hai thế lực thuộc linh ở thế gian, và ta phải chọn một trong hai. Sa-tan là đứa luôn phân rẽ và hủy diệt, nhưng Chúa Jêsus là Đấng xây dựng và củng cố. Ta phải có một quyết định, nếu không chọn lựa gì cả nghĩa là chúng ta đã chọn con đường nghịch cùng Chúa. Ngài cho ta thấy hiểm họa của thái độ trung lập khi kể câu chuyện về một người và tà ma. Thân thể con người là “nhà của ma quỉ" (Lu 11:14,17,21). Có lẽ vì lý do nào đó, con quỉ này quyết định bỏ “nhà” đi nơi khác. Tình trạng của người này lập tức trở nên khá hơn, nhưng anh ta không mời Chúa ngự vào đời sống mình. Hay nói cách khác, anh ta vẫn giữ thái độ trung lập. Điều gì xảy ra sau đó? Con quỉ kia bèn trở về dẫn theo bảy quỉ khác mạnh hơn nó và khiến tình trạng người này tồi tệ hơn trước. Oswald Chambers nói rằng: “Thái độ trung lập trong niềm tin tôn giáo luôn là tính hèn nhát!