NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta sẽ đọc Lu-ca 10:25-42

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 10:27 (BDHD): 

“Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu thương người lân cận như chính mình.”

 

NỘI DUNG

Ẩn dụ về người Sa-ma-ri nhân lành

25 Khi ấy, có một luật gia đứng dậy hỏi để thử Đức Chúa Jêsus rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” 26 Ngài đáp: “Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc và hiểu thế nào?” 27 Người ấy thưa: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu thương người lân cận như chính mình.” 28 Đức Chúa Jêsus phán: “Ngươi đáp phải lắm. Hãy làm điều đó thì ngươi sẽ sống.”

29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ mình là công chính nên thưa với Đức Chúa Jêsus: “Ai là người lân cận tôi?” 30 Đức Chúa Jêsus đáp: “Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô rơi vào tay bọn cướp. Chúng lột hết quần áo và đánh đập rồi bỏ đi, để mặc người đó dở sống dở chết. 31 Bấy giờ, có một thầy tế lễ tình cờ đi xuống đường đó, thấy nạn nhân thì đi tránh qua bên kia đường. 32 Tương tự như thế, một người Lê-vi cũng đến nơi, thấy rồi cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần thấy nạn nhân thì động lòng thương xót 34 liền áp lại, lấy dầu và rượu xức vào vết thương, băng bó lại, rồi đỡ nạn nhân lên con vật của mình và đưa đến quán trọ để săn sóc. 35 Ngày hôm sau, ông lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán và nói: 'Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi trở về tôi sẽ hoàn lại.’ 36 Theo ngươi nghĩ, trong ba người đó, ai là người lân cận với kẻ bị cướp?” 37 Luật gia thưa: “Ấy là người đã bày tỏ lòng thương xót đối với nạn nhân.” Đức Chúa Jêsus phán: “Hãy đi, làm theo như vậy.”

Ma-thê và Ma-ri

38 Khi cùng đi đường với các môn đồ, Đức Chúa Jêsus ghé vào một làng kia. Có một phụ nữ tên Ma-thê tiếp đón Ngài vào nhà mình. 39 Cô có người em gái tên Ma-ri ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe lời Ngài. 40 Còn Ma-thê mải bận rộn với việc phục vụ, nên cô đến thưa với Ngài: “Lạy Chúa, em con đã bỏ mặc con phục vụ một mình, Chúa không để ý đến sao? Xin Chúa bảo nó giúp con!” 41 Chúa đáp: “Hỡi Ma-thê, Ma-thê, con lo lắng và bối rối về nhiều việc; 42 nhưng chỉ có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã chọn phần tốt, là phần sẽ không ai đoạt lấy của nàng được.”

 

 


 

PHẦN GIẢI NGHĨA

Người lân cận - sống theo Chúa (Lu 10:25-37)

Các thầy dạy luật thời bấy giờ thường tranh luận những vấn đề thần học giữa công chúng, và câu hỏi được thầy dạy luật này đưa ra cũng là câu hỏi được dân Do Thái quan tâm. Thầy dạy luật đặt ra một câu hỏi chính đáng nhưng với một chủ ý xấu xa mong đưa Chúa Jêsus vào tình huống khó xử. Thế nhưng, chính Chúa đã đưa thầy dạy luật vào “thế đường cùng”!

Chúa hướng thầy dạy luật về luật pháp, chẳng phải vì luật pháp có thể cứu chúng ta (Ga 2:16,21 Ga 3:21), nhưng vì luật pháp cho chúng ta thấy mình cần được cứu rỗi. Đức Chúa Trời đã dùng luật pháp để thuyết phục tội nhân (Ro 3:20).

Con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô thật nguy hiểm. Chúng ta có thể nghĩ ra những lý do biện hộ cho thầy tế lễ và người Lê-vi khi họ làm ngơ trước nạn nhân. Thầy tế lễ hầu việc Đức Chúa Trời trong đền thờ suốt tuần nên rất nôn nóng trở về nhà. Có lẽ những tên cướp vẫn còn lẩn quất đâu đây và sử dụng nạn nhân này làm “mồi nhử”. Tại sao liều lĩnh như thế? Con đường này từng có người qua lại, nên chắc sẽ có ai đó đến đây giúp người bị nạn. Thầy tế lễ bỏ đi, người Lê-vi đến cũng hành động như thầy tế lễ, nghĩa là chẳng làm gì cho nạn nhân cả! Thật một người khoác áo tôn giáo lại làm gương xấu như thế!

Khi xem người Sa-ma-ri như kẻ hào hiệp, Chúa Jêsus đã giải nguôi lòng thù hận của người Do Thái, bởi dân Do Thái và dân Sa-ma-ri thù địch nhau (Gi 4:9; Gi 8:48). Không phải người Do Thái giúp đỡ người Sa-ma-ri, nhưng chính người Sa-ma-ri đã giúp người Do Thái là kẻ bị đồng hương bỏ rơi! Người Sa-ma-ri này đã yêu những kẻ ghét mình, liều thân giúp kẻ gặp nạn và dùng số tiền anh ta có (đó là tiền công của 2 ngày làm việc) để lo việc thuốc thang cho nạn nhân. Vậy mà anh ta chẳng hề được mọi người tán thưởng, kính trọng gì cả. Hành động của người Sa-ma-ri này thực sự giúp chúng ta hiểu nhiều hơn về ý nghĩa của “lòng thương xót” (Lu 10:37) và đó cũng là hình ảnh minh họa chức vụ của Chúa Jêsus. Người Sa-ma-ri đã cảm nhận nhu cầu của người bị nạn nên lấy lòng thương xót anh ta, không có lý do nào giải thích được vì sao người Sa-ma-ri phải thay đổi kế hoạch mình và sử dụng tiền của chính mình chỉ để giúp một “kẻ thù” đang gặp nạn, nhưng lòng thương xót đâu cần có lý do! Là một “chuyên gia” về luật pháp, hẳn thầy thông giáo biết rằng Đức Chúa Trời đòi hỏi dân Ngài phải có lòng thương xót dù đối với khách lạ và kẻ thù (Le 19:33-34; Xu 23:4,5; Mi 6:8).

Khi đọc đoạn Kinh Thánh này, có thể chúng ta chỉ nghĩ đến “giá đắt của sự quan tâm”nhưng cái giá sẽ còn đắt hơn nhiều nếu không quan tâm gì cả. Bởi sự thờ ơ, thầy tế lễ và người Lê-vi đánh mất nhiều điều hơn những gì người Sa-ma-ri làm vì sự quan tâm lo lắng của anh ta. Họ đánh mất cơ hội trở thành con người hữu ích hơn, những quản gia trung tín gìn giữ những gì Đức Chúa Trời ban cho. Lẽ ra họ có thể đem ảnh hưởng tốt vào một thế giới xấu, nhưng họ đã chọn làm gương xấu. Chính hành động thương xót của người Sa-ma-ri nhân lành đã thôi thúc mạnh mẽ những con người dấn thân khắp thế giới. Bạn đừng bao giờ cho rằng làm một việc như thế là hoài công! Đối với Đức Chúa Trời, không có hành động phục vụ đầy lòng yêu thương nào trong danh Chúa Jêsus lại bị lãng quên cả! Điều đó tùy vào quan điểm của bạn. Đối với kẻ cướp, người khách Giu-đa này là đối tượng để chúng vơ vét nên chúng tấn công anh ta. Đối với thầy tế lễ và người Lê-vi, anh ta là mối bận tâm cần phải tránh xa, nên họ bỏ mặc anh ở đó. Thế nhưng đối với người Sa-ma-ri nhân lành này, anh ta là người lân cận đáng được yêu thương và giúp đỡ nên đã chăm sóc anh ta. Lời Chúa phán với thầy dạy luật cũng là lời Ngài muốn dạy chúng ta hôm nay: “Hãy đi, làm theo như vậy”.

Người thờ phượng Chúa - lắng nghe lời Ngài (Lu 10:38-42)

Thực chất của sự thờ phượng, đó là tất cả những gì ta có thể làm cho Chúa trong đời sống Cơ Đốc nhân. Điều quan trọng, chúng ta phải là những sứ giả nhiệt tình đem thông điệp Phúc Âm đến cho những linh hồn hư mất, đặc biệt hãy như người Sa-ma-ri đầy lòng thương xót, tận tâm cứu giúp những kẻ bất hạnh cô thế đang cần sự thương xót của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, trước khi có thể rao giảng về Đấng Christ hoặc thi hành công tác chăm sóc, chúng ta phải dành thời gian tương giao với Chúa và học Lời Ngài. Chúng ta hãy “dành thời gian để thánh hoá’.

Ma-ri ở làng Bê-tha-ni là người được nhắc đến 3 lần trong Phúc Âm Lu-ca. Trong mỗi sự kiện, bà đều ở một vị trí giống nhau: nơi chân Chúa Jêsus. Bà ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Ngài (Lu 10:39), sấp mình xuống nơi Chúa bày tỏ nỗi đau khổ (Gi 11:32) và xức dầu nơi chân Chúa để thờ phượng Ngài (Gi 12:3). Đáng chú ý, ở mỗi trường hợp đều phảng phất một loại hương vị ở Lu 10:1-42, đó là hương vị thức ăn, ở Gi 11:39 có “mùi” của sự chết và Gi 12:1-11 có mùi dầu thơm.

Ma-ri và Ma-thê có sự khác biệt nhau, dường như mỗi người theo Chúa phải có một sự chọn lựa: hoặc là người hầu việc Chúa như Ma-thê, hoặc là người thờ phượng Chúa như Ma-ri. Dĩ nhiên cá tính và năng khiếu của chúng ta không giống nhau, nhưng không có nghĩa là đời sống Cơ Đốc nhân phải thuộc một trong hai trường hợp trên.

Dường như Chúa muốn chúng ta noi gương Ma-ri trong sự thờ phượng và Ma-thê trong sự hầu việc. Phước thay cho những người sống quân bình!

Hãy xem trường hợp của Ma-thê. Bà tiếp Chúa vào nhà rồi bỏ mặc Ngài ở đó, vì phải chuẩn bị một bữa ăn “thịnh soạn” không cần thiết đối với Ngài! Chuẩn bị một bữa ăn là công việc không có gì sai trái, nhưng điều chúng ta làm có liên quan đến Chúa thật quan trọng hơn những gì ta làm cho Ngài. Đừng nghĩ bạn phải hành động theo một trong hai trường hợp này, bởi vì đây là vấn đề về sự quân bình. Ma-ri đã phụ với Ma-thê làm việc trong bếp và tranh thủ nghe lời Chúa dạy. Sau khi Ma-ri rời khỏi bếp, Ma-thê cảm thấy mình bị “bỏ rơi” nên bà bắt đầu trách móc với ý nghĩ cả Chúa Jêsus và Ma-ri đã không quan tâm đến bà!

Thật tai hại đối với đời sống Cơ Đốc nhân khi chỉ cố sức làm việc Chúa nhưng không để thời gian tương giao với Ngài. Nan đề của Ma-thê không phải ở chỗ bà bận rộn với nhiều công việc, nhưng ở chỗ bà đã để công việc kéo mình đi quá xa và xao lãng với lời Chúa.

Điều quan trọng, chúng ta phải đặt lên trên những ưu tiên chính đáng: Chúa Jêsus phải là ưu tiên hàng đầu, sau đó là tha nhân rồi mới đến bản thân chúng ta. Dành thời giờ “sấp mình xuống chân Chúa” mỗi ngày là điều tối quan trọng chúng ta phải thực hiện. Hãy để Ngài nói với chúng ta qua lời Ngài. Phần quan trọng nhất trong đời sống Cơ Đốc nhân là phần chỉ có Chúa Jêsus mới thấy được. Nếu không gặp Chúa riêng tư mỗi ngày, chẳng bao lâu chúng ta sẽ giống hệt Ma-thê: rất bận rộn nhưng không có phước!

Hôm nay chúng ta là những sứ giả, người lân cận và người thờ phượng Chúa. Trong ba vị trí kể trên, người thờ phượng Chúa là người có phước nhất.

Phước thay cho những người sống quân bình!