than hoc van dap

123. Có bao nhiêu ngôn ngữ đã được dùng để ghi chép Kinh Thánh?

Có 3 thứ ngôn ngữ đã được sử dụng để ghi chép Kinh Thánh, đó là tiếng Hê-bơ-rơ, tiếng A-ram, và tiếng Hy-lạp Tân Ước.

124. Tiếng Hê-bơ-rơ là loại ngôn ngữ nào?

Tiếng Hê-bơ-rơ là tiếng của người Y-sơ-ra-ên, mà tổ tiên họ thời Cổ đại vẫn được các dân tộc láng giềng gọi là người Hê-bơ-rơ [Sáng14:13;39:14; 1Sa 4:9…]. Tiếng Hê-bơ-rơ thuộc về dòng ngôn ngữ Sémitique tại Trung đông. Mẫu tự Hê-bơ-rơ gần giống với mẫu tự tiếng A-ram.

Sau nầy khi Y-sơ-ra-ên trở thành thuộc địa của Đế quốc Hy-lạp và Đế quốc La-mã, tại xứ Palestine tiếng Hê-bơ-rơ được sử dụng song hành với tiếng Hy-lạp và tiếng A-ram, là hai ngôn ngữ “quốc tế” vào thời ấy. 

Vào năm 132AD, Bar Kokhba, một thủ lãnh chính trị Do thái, khởi nghĩa chống lại sự cai trị của người La-mã tại xứ Giu-đê, để khôi phục chủ quyền, đồng thời cũng khôi phục lại tiếng Hê-bơ-rơ làm ngôn ngữ quốc gia. Cuộc khởi nghĩa kéo dài năm năm. Trong năm năm đó, tiếng Hê-bơ-rơ được khôi phục tại Giu-đê bằng một quốc lệnh của Bar Kokhba. Khỏi năm năm, người La-mã phản công, đàn áp tàn bạo và giết chết gần 600,000 người Do thái. Khi cuộc khởi nghĩa đã bị dập tắt, dân Do thái vốn còn sót lại sau cuộc chinh phạt bởi Titus trong cuộc Đại khởi nghĩa năm 71AD, gần như bị tuyệt chủng. Trong nhiều sự cấm đoán mà người La-mã thi hành nghiêm khắc tại xứ Palestine sau đó, có cả việc nghiêm cấm sử dụng tiếng Hê-bơ-rơ.

Tuy vậy, tiếng Hê-bơ-rơ vẫn không hoàn toàn chết. Thứ ngôn ngữ kiên cường nầy vẫn tiếp tục sống trong sinh hoạt thờ phượng, và sinh hoạt gia đình của hầu hết các cộng đồng Do thái tan lạc trên khắp thế giới, vì cả Kinh Thánh Cựu Ước đều được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Mặt khác, do sự dạy dỗ của Kinh Thánh, người Do thái trải qua các thế hệ, luôn nỗ lực để bảo vệ bản sắc và sự thuần chủng của mình.

Tiếng Hê-bơ-rơ đã hoàn toàn được phục hồi vào năm 1948, cùng với sự ra đời của Quốc gia Israel hiện đại. Năm mươi năm sau, vào năm 1998, nó được Chính phủ Israel tuyên bố là một trong các ngôn ngữ chính thức của tất cả mọi công dân Israel sống trên toàn thế giới.

Tiếng Hê-bơ-rơ trong ngôn ngữ viết trông rất lạ với hầu hết chúng ta. Nó được viết từ phía phải sang phía trái. Các mẫu tự Hê-bơ-rơ khó nhớ, lại có một số dạng tự hơi giống nhau nên dễ bị lầm lẫn trong các bản văn viết tháu.

Tiếng Hê-bơ-rơ không có nguyên âm, chỉ có phụ âm nên mỗi chữ chỉ ghép các phụ âm lại với nhau mà thôi. Ví dụ trong Tiếng Anh, khi viết tên Vua DAVID mà bỏ nguyên âm A và I đi, sẽ chỉ còn lại có ba chữ DVD. Tiếng Hê-bơ-rơ cũng vậy, khi viết tên Vua DAVID, vì không có nguyên âm nên chỉ có ba chữ דוד (Daleth+ W/Vaw + Daleth) mà thôi. Rõ ràng là cách viết nầy quá khó nhận ra với dân “ngoại bang”, nên khi dân Y-sơ-ra-ên tan lạc họ bèn thêm dấu vào, để thay thế cho nguyên âm, hầu cho mọi người  có thể đọc được văn tự của họ. Việc thêm dấu nầy rất tiện ích cho người không giỏi tiếng Hê-bơ-rơ, nhưng với người giỏi tiếng Hê-bơ-rơ thì những dấu ấy lại làm cho chữ Hê-bơ-rơ hóa thêm rườm rà.

Tiếng Hebrew của người Israel ngày nay rất gần gũi với tiếng Hê-bơ-rơ Kinh Thánh, dầu đã phát triển thêm nhiều. Tiếng Hê-bơ-rơ cổ có chừng 5,000 từ vựng, tiếng Hê-bơ-rơ hiện đại có đến gần 100,000 từ vựng. 

125. Tiếng A-ram là thứ tiếng như thế nào?

Tiếng A-ram và tiếng Hê-bơ-rơ đều bắt nguồn từ ngôn ngữ Semictic, nên hai ngôn ngữ nầy rất giống nhau. Tiếng A-ram đã du nhập khá sâu rộng vào xứ Palestin qua các thời chinh phục của Đế quốc A-si-ry và Đế quốc Ba-by-lôn. Vì tiếng A-ram có mẫu tự gần giống tiếng Hê-bơ-rơ (cả hai đều dùng mẫu tự của ngôn ngữ Phoenician), nên khi đọc Kinh Thánh bằng tiếng Hê-bơ-rơ, gặp tiếng A-ram, người đọc sẽ không thấy có sự khác lạ. Một số đoạn trong Sách Đa-ni-ên như từ Đa-ni-ên 2:4-7:28 hay trong E-xơ-ra như từ Exơ 4:8-6:18, và Exơ 7:12-26 đều viết bằng tiếng A-ram.

Các học giả Kinh Thánh tin rằng vào thời của Đức Chúa Jesus, chính Ngài và các môn đồ đều đã sử dụng tiếng A-ram trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, trong Kinh Thánh Tân Ước cũng có một số từ-ngữ A-ram (nhưng chữ viết Hy-lạp, vì Kinh Thánh Tân Ước viết toàn bằng tiếng Hy lạp Koine, để phổ biến được rộng rãi trong cả La-mã Đế quốc). Ví dụ:

Ab-ba (Ἀββά) Mác 14:36, (nếu viết bằng chữ A-ram thì sẽ là אבא, chữ nầy viết giống hệt trong tự vựng Hê-bơ-rơ xưa và nay).

Ta-li-tha ku-m (Ταλιθὰ κούμ) Mác 5:41

Eph-pha-tha (Ἐφφαθά) Mác 7:34

Ra-ca (Ρακά) Mat 5:22

Kor-ban (Κορβάν) Mác 7:11

Mam-mon (Μαμωνάς) Mat 6:24

Ho-san-na (Ὡσαννά) Mác 11:9

E-li, E-li, le-ma sa-bach-tha-ni (Ἠλί, Ἠλί, λιμὰ σαβαχθανί) Mat 27:46

Ma-ra-na-tha (Μαραναθά) 1Côr 16:22

Và một số địa danh cùng tên người như:

Geth-se-ma-ne (Γεθσημανῆ), Mat 26:36

Gol-go-tha (Γολγοθᾶ) Mác 15:22

Tho-mas (Θωμᾶς) Giăng 11:16

Ta-bi-tha (Ταβιθά) Công 9:36,…vv là tiếng A-ram, viết bằng chữ Hy-lạp.

126. Tiếng Hy-lạp là thứ tiếng như thế nào?

Có thể nói tiếng Hy-lạp là một kiệt tác ngôn ngữ về dạng tự cũng như về văn phạm, dù rằng sự biến thể của nó quá đa dạng. Tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, và rất nhiều tiếng Âu châu chịu ảnh hưởng sâu xa của tiếng Hy-lạp, nhứt là những từ liên quan đến triết học, luật học, và khoa học kỹ thuật.

Riêng tiếng Nga ngày nay rất giống tiếng Hy-lạp về tự dạng.

Mặc dầu dân Y-sơ-ra-ên hằng ngày nói tiếng A-ram, Đức Chúa Jesus và các môn đồ hằng ngày cũng nói thứ tiếng ấy, nhưng Kinh Thánh Tân Ước đã được viết bằng tiếng Hy-lạp.

Nguyên do từ khi A-lịch-sơn Đại đế chinh phục Nam Âu và Tây Á, theo các sử gia, ông đã có công trong sự hoàn chỉnh ngôn ngữ Hy-lạp để trở thành một thứ tiếng vừa thời thượng, vừa phổ thông trong cả Đế quốc, kéo dài cho đến khi Đế quốc La-mã thay thế.

Tiếng Hy-lạp trong Kinh Thánh thật ra không hoàn toàn giống với tiếng Hy lạp cổ điển, là thứ tiếng mà Homère đã làm thơ, hay Demosthènes đã diễn thuyết. Theo các nhà ngữ học, tiếng Hy lạp của Kinh Thánh Tân Ước còn gọi là Hy lạp Koine, tiến bộ hơn, bình dân hơn, đơn giản hơn, và tất nhiên là dễ học, và dễ phổ biến hơn Hy lạp cổ điển rất nhiều.

Ngày nay, tiếng Hy lạp, cũng như mọi ngôn ngữ khác, sau gần hai ngàn năm lịch sử đã có nhiều đổi thay. Nhưng sự thay đổi ấy vẫn không làm cho người học Hy lạp Tân văn, không thể không hiểu được Hy văn Koine của Kinh Thánh Tân Ước.  

Trong sự chuẩn bị diệu kỳ của ơn Thiên hựu, Đạo Tin lành của Đức Chúa Jesus Christ đã được rao giảng, và lan truyền nhanh chóng trong khắp Đế quốc chính nhờ ngôn ngữ quý báu nầy. Tiếng Hy-lạp thời bấy giờ đã trở nên phổ cập và được yêu chuộng khắp nơi, gần giống như Tiếng Anh ngày nay vậy.

127. Còn văn chương của Kinh Thánh thì như thế nào?

Dầu yêu hay ghét Kinh Thánh, các nhà trí thức Đông Tây đều nhìn nhận rằng Kinh Thánh là một kiệt tác về văn chương, văn học.

Kinh Thánh không những chứa đựng một nội dung siêu phàm và phi thường của tâm trí Đức Chúa Trời, mà còn là một kiệt tác về văn chương của nhân loại.  Trong bao ngàn năm qua, Kinh Thánh đã ảnh hưởng sâu rộng trên cả văn hóa, tư tưởng lẫn văn học trên toàn thế giới.

128. Tại sao Kinh Thánh cần xuất sắc về văn chương?

Trong từ ngữ Hán Việt, văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng. Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời phán ra nên phải đẹp, phải sáng, văn chương đương nhiên phải hay, ấy là một lẽ.

Nhưng lẽ thứ hai đây cũng rất quan trọng: Kinh Thánh là quyển sách để chạm đến tấm lòng. Đây không phải là một mớ thông tin cho trí óc, cũng không phải là một quyển sách về kỹ thuật sửa xe hơi, hay là sách dạy cách nấu một nồi phở. Kinh Thánh là Lời Ban Sự Sống của Đức Chúa Trời; Lời nầy không chỉ dạy dỗ trí ngộ, mà còn cảm động tình cảm và thuyết phục ý chí. Vậy nên văn chương của Kinh Thánh phải rất hay.

129. Văn chương Kinh Thánh hay như thế nào?

Thật sự, không một người nào trên thế gian có đủ khả năng để lột tả được hết cái hay của văn chương Kinh Thánh. Rất nhiều văn nhân, nghệ sĩ, học giả trên thế gian đã hết lời ca tụng văn chương, văn học của Kinh Thánh, và sử dụng Kinh Thánh trong các tác phẩm của mình.

Lấy thí dụ về một sách, như Sách Gióp chẳng hạn: Victor Hugo (1802-1885), một văn hào, một thi hào Pháp, Thomas Carlile (1795-1881), nhà tư tưởng, nhà thơ Tô-cách-lan, Philip Schaff (1819-1893) sử gia, văn sĩ người Thụy sĩ, cả ba đều nhứt trí rằng Sách Gióp là kiệt tác (masterpiece), là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của trí tuệ và văn chương loài người.

Nhưng không chỉ riêng mình Sách Gióp, toàn thể 66 sách của Kinh Thánh đều là những kiệt tác.  Trong 39 trước giả mà Đức Chúa Trời đã sử dụng, không phải chỉ có riêng E-xơ-ra là văn sĩ chuyên nghiệp (Exơ 7:6), mà hết thảy đều là những "văn sĩ có tài" (Thi 45:1).

Bút pháp là kỹ năng không thể thiếu của một trước giả Kinh Thánh, để Đức Chúa Trời có thể dùng mà thực hiện kiệt tác của Ngài trong thế gian.

Chẳng hạn như Môi-se, ngoài việc là một học giả khoa bảng được đào luyện chính quy từ Học viện Hoàng gia Ai-cập, sĩ quan chuyên nghiệp (theo Josephus), nhà cách mạng, nhà lập quốc, nhà lập pháp, nhà lãnh đạo tối cao, tiên tri, mục sư, giáo sư, nhạc sĩ, nhạc trưởng (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:1), ông còn là một văn hào và thi hào. Tài năng văn chương của ông bàng bạc trong cả Ngũ Kinh, trong đó ông đã sử dụng hầu hết các loại văn thể, từ thể ký sự cho đến thể thi ca, một cách hết sức phong phú, tài tình.

Mãi cho đến thời Cận đại, một số các triết gia như Descartes, David Hume, Thomas Braun, John Stuart Mill... mới bắt đầu nghiên cứu sâu rộng về Liên tưởng (Association). Trong khi đó, hơn mấy ngàn năm trước, từ Môi-se cho đến Ma-la-chi, từ Đức Chúa Giê-xu cho đến các Sứ đồ, đã biết tận dụng khả năng của liên tưởng cách thật lỗi lạc trong sự mặc khải chân lý. Không kể đến Con Đức Chúa Trời, khi trở nên xác thịt, đã "chẳng hề giảng cho chúng mà không dùng thí dụ" (Mác 4:34), tất cả các tôi tớ Chúa trong Kinh Thánh, cùng các trước giả Thánh văn, đều đã dùng thí dụ và sử dụng hình ảnh. Họ đã sử dụng các thí dụ, hình ảnh, để làm cho sự giải bày chân lý thêm thích thú. Quan trọng hơn nữa, qua sự liên tưởng, các thí dụ và hình ảnh đã làm cho người nghe dễ thấy chân lý (vì thí dụ là cửa sổ để thấy vật bên trong), dễ lãnh hội chân lý (vì nó cụ thể hóa chân lý trừu tượng), dễ nhớ chân lý (nhờ liên tưởng), và nhớ chân lý được lâu ngày (cũng nhờ liên tưởng). Phải nói rằng các trước giả đều là những bậc thầy trong nhân loại về cách dùng thí dụ và cách sử dụng hình ảnh.

130. Văn chương Kinh Thánh đã ảnh hưởng đến các văn sĩ và  giới học giả như thế nào?

Chính vì Kinh Thánh không những chứa đựng một nội dung siêu phàm và phi thường của tâm trí Đức Chúa Trời, mà còn là một kiệt tác về văn chương của nhân loại, nên Kinh Thánh đã ảnh hưởng sâu rộng trên cả văn hóa lẫn văn học trên toàn thế giới. Như chúng ta đã nói, từ thế kỷ 19 trở về trước, thật hiếm có một văn sĩ nào ở Âu châu mà tác phẫm của họ lại không chịu ảnh hưởng của văn chương Kinh Thánh.

Gần đây, ở Đức người ta vẫn còn bầu chọn Martin Luther là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhứt trong lịch sử dân tộc Đức. Họ cũng bầu chọn ông là nhà văn lớn nhất của Đức. Cả hai đều đến từ một lý do duy nhứt: Martin Luther dịch Kinh Thánh từ nguyên văn Tân Ước bằng tiếng Greek và Cựu Ước bằng tiếng Hebrew ra tiếng Đức, mà thực tế là đã đem Kinh Thánh đến với dân chúng Đức. Kinh Thánh (của Luther dịch) thay đổi sâu rộng lịch sử và số phận của dân tộc Đức, đồng thời sau nầy cũng làm nền tảng của văn hóa và văn học Đức cho đến hôm nay.

Trong nền văn hóa Tây Phương, hầu hết các tác phẩm văn học, nghệ thuật, triết lý, chính trị, lịch sử, thậm chí cả kinh tế, xã hội… quan trọng của thế giới đều lấy cảm hứng, hoặc rút ý tưởng, hay ít nhiều trưng dẫn Kinh Thánh v.v… Thi phẩm Thần khúc của Dante, hay các thi phẩm của François Rabelais, Clément Marot, Jean Racine, René de Chateaubriand, Alphonse de Lamartine, Alfred de Vigny, các kịch phẩm của Shakespeare, tiểu thuyết của, Gustave Flaubert, Pierre Loti, André Gide*, Lev Tolstoy, Fyodor Dostoyevsky, Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược,… đều trưng dẫn rất nhiều từ Kinh Thánh.

Ngay cả như Karl Marx, có lẽ là một trong những người không thiện cảm với Cơ-đốc giáo, cũng không tránh khỏi được Kinh Thánh. Thật ra, Mark là một trong những nhà xã hội học và triết gia trưng dẫn Kinh Thánh nhiều nhứt. Theo như ghi nhận, trong các tác phẩm của mình, Mark đã hơn 300 lần trích dẫn Kinh Thánh.

Thật sự là văn chương Kinh Thánh đã bàng bạc cả trời đất, lan tỏa khắp cả trần gian.