than hoc van dap

114. Lời Chúa đã từng được viết trên những hình thức nào?

Trong sự khải thị Lời Thành Văn, Đức Chúa Trời đã sử dụng văn hóa, ngôn ngữ và phương tiện thời đại, làm phương châm mặc khải. Do đó, trong lịch sử 1500 năm của sự hình thành Kinh Thánh, từ Môi-se cho đến Sứ đồ Giăng, Đức Chúa Trời đã sử dụng một số vật liệu như là đá, đất sét, da, giấy chỉ thảo, và giấy để viết trên đó những bản văn Kinh Thánh của ba ngôn ngữ khác nhau là tiếng Hê-bơ-rơ, tiếng A-ram và tiếng Hy-lạp.

115. Đá đã được sử dụng như thế nào?

Vật liệu đầu tiên Đức Chúa Trời đã dùng để chép Lời của Ngài là đá. Kinh Thánh cho biết phần Kinh Thánh cổ nhất, tức "Mười Điều Răn", do chính Ngài dùng ngón tay mình viết ra trên hai bảng đá [Xuất 31:18;34:28, Phục 9:10]. Giô 8:30-32 cũng ký thuật lại việc đá đã được sử dụng để ghi chép Luật pháp của Ngài như sau:

“Bấy giờ, Giô-suê lập một bàn thờ cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên tại trên núi Ê-banh, y như Môi-se, tôi tớ của Đức Giê-hô-va, đã dặn biểu dân Y-sơ-ra-ên, và đã có chép trong sách luật pháp Môi-se: ấy là một bàn thờ bằng đá nguyên khối, sắt chưa đụng đến. Ở đó dân sự dâng của lễ thiêu cho Đức Giê-hô-va, và dâng của lễ thù ân. Tại đó Giô-suê cũng khắc trên đá một bản luật pháp mà Môi-se đã chép trước mặt dân Y-sơ-ra-ên”.

116. Đất sét đã được sử dụng như thế nào?

Viết trên những bảng đất sét còn ướt, rồi đem phơi khô hoặc nung cho chín để trở thành một tấm như tấm ngói thì dễ dàng hơn là khắc chữ trên đá.

Tổ tiên của Môi-se trước đây tại Mê-sô-bô-ta-mi (Lưỡng hà) và sau nầy tại Ai-cập, chắc đã từng sử dụng đất sét để viết. Hiện nay, những bảo tàng viện lớn trên thế giới như Anh quốc Bảo tàng viện, Bảo tàng viện Louvre, Bảo tàng viện Nữu Ước, Bảo tàng viện Chicago, Bảo tàng viện khảo cổ Istanbul... đang lưu giữ nhiều các bản văn luật pháp, thư từ bằng đất sét đào bới được tại Lưỡng hà, quê hương của Áp-ra-ham, có niên đại rất xưa. Các bản văn như Bản Luật Urukagina (2425-2400BC), Bản luật Nammu của Xứ U-rơ (2100-2050BC), thư của Nàng Dabitum gởi cho chồng (2025-2000BC), đều làm bằng đất nung. Riêng Bản luật Hammurabi (1800-1775BC) thì được ghi lại bằng cả đá và đất nung, cho thấy đất sét là vật liệu dùng để viết thông dụng tại Trung Đông từ trước thời Áp-ra-ham.

Trong Kinh Thánh, Ê-xê-chi-ên 4:1 gợi ý cho chúng ta rằng các trước giả Kinh Thánh đã từng dùng đất sét để viết. Tuy vậy, ngày nay trên thế giới không còn bất cứ một bản hay một phần Kinh Thánh nào bằng đất sét, có lẽ vì nếu chỉ là đất sét phơi khô mà không nung, sẽ không thể tồn tại qua mưa nắng của thời gian được.

Để nung chín một tấm ngói bằng củi, trong kỹ thuật xa xưa phải mất một tuần lễ. Dân Y-sơ-ra-ên suốt thời gian 40 năm trong đồng vắng, lúc nào cũng ở trong tình trạng sẵn sàng để di chuyển, nên các bản Kinh Thánh bằng đất sét có lẽ chỉ đem phơi khô mà không nung.

Mặt khác, chúng ta cũng phải nghĩ đến ơn Thiên hựu của Chúa. Vì không chỉ không còn một bản văn đất sét nào, mà ngay cả các bản văn Kinh Thánh bằng đá, cũng hoàn toàn không còn một bản nào. Phải chăng, nếu ngày nay còn một phần Kinh Thánh nào bằng đá hoặc đất nung sót lại, hẳn những vật đó sẽ trở thành một cái bẩy cho người ta thờ nó?

117. Giấy da đã được sử dụng như thế nào?

Da chắc chắn là vật liệu chính yếu, tốt nhứt và được sử dụng trong một thời gian lâu dài nhứt để ghi chép Kinh Thánh.

Từ thời trẻ Môi-se có lẽ đã thường sử dụng "giấy da" trong hoàng cung, vì người Ai-cập đã biết dùng da để viết rất lâu trước đó. Ngày nay, Khảo cổ học đã tìm được tại Ai-cập một số cuộn tài liệu bằng da từ thời người Hyskos còn cai trị trên Đế quốc Ai-cập. Nghĩa là từ trước khi gia đình của Y-sơ-ra-ên xuống trú ngụ tại đó. Cũng tại Ai-cập, người ta tìm được những mảnh giấy da thậm chí xưa hơn nữa, có niên đại 2300BC, nghĩa là trước cả thời Áp-ra-ham.

Trong sa mạc, khi Đức Chúa Trời ban lịnh: "Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chí" [Phục 6:8], chắc hẳn các con trai Y-sơ-ra-ên, cũng đã làm giống các cậu trong các gia đình Do thái giáo truyền thống ngày nay: Ba cái bọc bằng da, trong đó Mười Điều Răn được viết trên giấy da rất mỏng, một đeo trên trán giữa hai con mắt, và hai cái đeo nơi hai cổ tay bằng những dây nịt da.

Trong Giê-rê-mi đoạn 36 có thuật lại việc Vua Giê-hô-gia-kim đốt Kinh Thánh, thì chữ "scroll" (ham-me-gil-la) ở đây hẳn phải là một cuộn giấy da.

Những bản sao Cựu Ước nổi tiếng thường gọi là "Các Cuộn Biển chết" (Dead Sea Scrolls hay Qumran Caves Scrolls). Trong khoảng từ năm 1946-1954, người ta đã tìm được tại Qumran gần Biển chết, những cuộn giấy da được cất giữ rất cẩn thận trong những chum vại bằng đất nung.

Vào cuối thời kỳ cai trị của Đế quốc Hy Lạp, những cuộn giấy da (scroll) được kỹ thuật thuộc da cải tiến thành giấy da bò tơ (vellum), hoặc giấy da chiên (parchment). Đây là những tấm giấy tuyệt hảo cùng với giấy chỉ thảo, được dùng để viết các bản văn Tân Ước, hoặc để sao chép Kinh Thánh. Những vật liệu nầy được phổ biến cho đến gần cuối thời Trung cổ, khi kỹ thuật chế tạo giấy được du nhập từ Trung quốc, đến Trung đông, rồi vào khắp Âu châu qua "Con đường Tơ lụa".

118. Giấy chỉ thảo đã được sử dụng như thế nào?

Giấy chỉ thảo được làm từ cây chỉ thảo, tiếng Anh là papyrus (tiếng Hy-lạp  papuros), là một loại cây thuộc giống cói lác, mọc ở vùng đầm lầy bình nguyên sông Nile.

Để làm giấy chỉ thảo, người ta cắt thân cây chỉ thảo ra từng khúc, rồi chẻ dọc các khúc đó thành từng miếng mỏng. Các miếng nầy được đặt nằm cạnh nhau, sau đó ép cho thật mỏng, dính lại với nhau, chảy hết nước, phơi khô, rồi cuộn lại thành cuộn giấy chỉ thảo.

Cây chỉ thảo được nhắc đến rất sớm trong Kinh Thánh, ngay từ thời của Gióp (Gióp 8:11), và đã được sử dụng để viết từ trước cả thời đó. Nhưng phải đến thời kỳ Đế quốc Hy Lạp, giấy chỉ thảo mới được phổ biến khắp vùng Địa trung hải như một loại vật liệu dùng để viết của "thế giới văn minh".

Hầu hết các thư tín Tân Ước đều viết trên giấy chỉ thảo. Điều tiện lợi của nó là dễ viết, gọn nhẹ trong việc di chuyển, và ... rẻ tiền. Cần nhớ, nếu viết trên giấy da, trọn cả bộ Kinh Thánh Cựu và Tân Ước sẽ cân nặng gần 100 ký lô, và phải lấy da của gần 150 con chiên.

Có lẽ bản viết tay Kinh Thánh bằng giấy chỉ thảo xưa nhất còn lưu lại ngày nay, là một mảnh giấy chép một phân đoạn của Tin Lành Giăng 18. Các nhà học giả tin rằng nó được sao chép trong khoảng từ 30-50 năm, sau khi Sứ đồ Giăng viết sách Tin lành nầy.

Chừng 300 năm sau Chúa Giê-xu, các cuộn giấy chỉ thảo được cải tiến thành "Codex chỉ thảo", nghĩa là thay vì cuộn lại, người ta khâu các tờ giấy chỉ thảo xếp chồng lên nhau. Đó là hình thức đầu tiên của "quyển sách" mà chúng ta có ngày hôm nay.

119. Giấy đã được sử dụng như thế nào?

Cuối cùng, Lời của Đức Chúa Trời đã được thể hiện qua một hình thức có thể nói là tối hảo, đó là chữ in. Sự phát minh ra giấy, giấy được du nhập vào Âu châu. Sau đó, đến kỹ thuật in được phát minh bằng cách sắp các mẫu tự kim loại rời của Johannes Gutenberg (1389-1468), đã bắt đầu một thời đại mới của văn minh nhân loại. Những phát minh nầy đã làm thay đổi hẳn diện mạo và khả năng lan truyền của quyển Kinh Thánh.

Ngày nay, Kinh Thánh không những đã được in ra hàng tỷ bản, mà còn với những hình thức đẹp tuyệt vời. Giấy trắng tinh, cực mỏng và bền, gáy mạ kim nhũ, bìa da có dây kéo để khóa lại.

Ngày nay, bất cứ người nào cũng có thể sở hữu trong tay một bộ Kinh Thánh toàn thư thật đẹp. Ngày xưa, cả một nhà hội của người Do thái mới có được một bộ Kinh Thánh Cựu Ước bằng da. Cho đến cách đây 600 năm, mỗi nhà thờ Cơ-đốc giáo cũng chỉ có được một vài bản Kinh Thánh bằng tiếng La-tinh viết trên da rất nặng. Trong khi đó, ngày nay ai ai cũng có thể sở hữu một bộ Kinh Thánh toàn thư bằng giấy tốt gọn nhẹ, thậm chí có những bộ Kinh Thánh toàn thư có thể bỏ túi được.

(Điều đáng tiếc là vì có Kinh Thánh dễ dàng, người ta không còn cảm thấy cần phải học thuộc lòng Kinh Thánh như ngày xưa, khi mà cả cộng đồng mới có được một bộ Kinh Thánh Cựu Ước bằng da, nặng đến hơn 80 ký lô. Lời Kinh Thánh một khi không đầy dẫy trong trí nhớ (chớ chưa nói đến tấm lòng), sẽ rất ít có tác dụng trên linh hồn người ta [Phục 6:6,11:18,30:14; Thi 119:11,40:8; Cô-lô-se 3:16, Gia-cơ 1:25]).

120. Các sách trong Kinh Thánh cổ xưa có chia đoạn, chia câu giống như Kinh Thánh chúng ta không?

Tất nhiên là không. Thời xưa Kinh Thánh Cựu Ước trong nguyên bản Hê-bơ-rơ, không có chia đoạn chia câu như ngày nay, mà chỉ chia thành các phần. Các phần đó là Torah [תורה], Luật pháp, tức Ngũ kinh Môi-se, Nevi'im [נביאים], Tiên tri, và Ketuvim [כתובים], tức Thi ca. Chính Đức Chúa Jesus đã nhắc đến sự phân chia nầy khi phán:

Đoạn, Ngài phán rằng: Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách Tiên tri, cùng các Thi thiên phải được ứng nghiệm. [Lu-ca 24:44]

Sau khi lưu-đày ở Ba-by-lôn trở về, để tiện việc dạy dỗ trong các nhà hội, các thầy thông giáo lại chia các sách lớn trong Kinh Thánh Cựu Ước ra làm thành nhiều phần nhỏ hơn. Nhưng nói chung, sự phân chia ban đầu ra làm 3 phần như trên vẫn là sự nhìn nhận chính yếu của Kinh Thánh Cựu Ước.

Về phần Kinh Thánh Tân Ước, thoạt đầu, các sách Lịch sử, tức bốn sách Tin Lành: Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca - Công Vụ, và Giăng, cũng như sách Khải Huyền, mỗi sách đều được trình bày liên tục như một truyện dài. Còn các Thư tín, mỗi sách đều được trình bày liên tục như một bức thư dài. Việc chia đoạn, chia câu trong Kinh Thánh như chúng ta thấy có hôm nay, mãi cho đến cuối thời Trung cổ mới được bắt đầu.

121. Việc chia đoạn bắt đầu từ khi nào và xảy ra ra sao?

Việc chia Kinh Thánh Tân Cựu Ước ra thành từng đoạn (chapter), trước hết do một giáo sư Đại học Paris, về sau làm Tổng giám mục Canterbury, nước Anh là Stephen Langton (1150- 1228), nghĩ ra. Cách chia đoạn như chúng ta có trong Kinh Thánh ngày nay là sáng kiến và công khó của Langton. Cách chia của Langton hay đến nỗi chính người Do thái, bấy giờ phần nhiều sống ở Châu Âu, đã đem cách chia nầy vào Kinh Thánh Cựu Ước của họ. Việc chia phân đoạn Kinh Thánh Cựu Ước đã được thực hiện sau Kinh Thánh Tân Ước chừng mấy mươi năm.

122. Việc chia câu bắt đầu từ khi nào và xảy ra ra sao?

Hơn 200 năm sau, vào khoảng năm 1440, một Ra-bi Do thái, Ra-bi Isaac Nathan lại làm một việc mới, là chia Kinh Thánh Cựu Ước bằng tiếng Hê-bơ-rơ ra thành từng câu. Như vậy, Kinh Thánh Cựu Ước đã được chia câu trước Kinh Thánh Tân Ước và hoàn chỉnh vào năm 1440.

Hơn nữa thế kỷ sau, sự chia câu Tân Ước do Robert Estienne, một học giả và chủ nhà in người Pháp, thực hiện. Robert Estienne (1503-1559), nguyên trước theo đạo Công giáo, về sau đến với Tin lành. Ông theo học-thuyết Calvin, và cũng là người hổ trợ cho Calvin. Do yêu kính Lời Chúa, và mong ước việc đọc Kinh Thánh được dễ dàng hơn cho mọi giới, Robert Estienne đã làm việc nầy. Tương truyền rằng một ngày kia, trong chuyến xe ngựa đường xa đi từ Paris đến Lyons, Robert Estienne đã miệt mài vừa đọc, vừa dựa vào công trình chia câu Kinh thánh Cựu Ước của Rabi Nathan, mà chia câu cho toàn bộ Kinh Thánh Tân Ước Hy-lạp và tiếng Pháp. Chia xong, sẵn phương tiện in ấn trong tay, Estienne đem in cả hai bộ Kinh Thánh Hy-văn và Pháp văn vào năm 1551. Hai bộ Kinh Thánh nầy vừa in xong đã được công chúng hân hoan đón nhận và phổ biến rộng rãi, tạo nên một ảnh hưởng lớn cho đạo Tin lành tại Pháp.

Chín năm sau, Bản Kinh Thánh toàn thư bằng tiếng Anh đầu tiên có chia đầy đủ câu đoạn, y như hình thức chúng ta có hôm nay được in ra. Đó là bản Genevan Bible, in năm 1560. Đây là bản Kinh Thánh Anh ngữ do William Whittingham (em rể Calvin), và các học giả người Anh đang tỵ nạn tôn giáo tại Thụy Sĩ, phiên dịch.

Việc chia Kinh Thánh ra thành đoạn câu như vậy rõ ràng là tiện dụng, rất được công chúng hoan nghênh. Nhưng thoạt đầu cũng bị một số trong giới học giả chống đối. Họ chống đối vì cho rằng, việc chia đoạn chia câu như vậy là cố gắng của con người, cho nên chắc chắn sẽ có những sai lầm do con người tạo ra. Điều nầy có phần đúng. Sự sai lầm phổ biến nhất, là có những đoạn nầy cắt ngang ý tưởng của đoạn kia, khiến cho lời giảng dạy hay câu chuyện trở nên gián đoạn. Sự chia câu cũng vậy. Có những câu khi bị chia ra, và đứng một mình thì trở thành khó hiểu, thậm chí có khi còn trở nên tối nghĩa hay gây ra hiểu sai.

Sở dĩ phải nói rõ như vậy, để khi đọc hay học Kinh Thánh, chúng ta sẽ chọn những khúc Kinh Thánh thích hợp mà không quá câu nệ vào sự chia đoạn, chia câu. Chúng ta cũng không quá bị ràng buộc vào ý nghĩa của những lời tiểu đề trước mỗi đoạn hay mỗi khúc Kinh Thánh. Vì thật ra, những tiểu đề cũng chỉ là cố gắng của con người bất toàn, với thiện chí muốn giúp chúng ta dễ dàng và mau chóng nắm bắt được các ý tưởng chính của mỗi đoạn hay mỗi khúc mà thôi.