Mac 02

NHỮNG GỢI Ý:

Cảm tạ Đức Chúa Trời cho chúng ta có Lời của Ngài được viết thành văn. Cảm ơn Chúa cho người Việt Nam chúng ta có thể đọc Lời của Chúa trong ngôn ngữ của mình. Vào thời Trung cổ, người bình thường không thể đọc được Kinh Thánh, chỉ có giới tu sĩ trong giáo hội mới đọc được Kinh Thánh và lúc ấy Kinh Thánh chưa được dịch ra các thứ tiếng như bây giờ. Chúng ta cảm ơn Chúa và biết ơn những con người đã dâng mình cho công tác dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt.

Chúng ta đã đọc qua hai sách Phúc âm Ma-thi-ơ, Phúc âm Mác và biết Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời. Qua sách Ma-thi-ơ chúng ta được biết Chúa Jêsus là Vua của Vương quốc Thiên đàng. Qua sách Mác chúng ta được biết Chúa Jêsus là Người Đầy Tớ Toàn Hảo của Đức Chúa Trời. Bây giờ đến sách Lu-ca chúng ta sẽ được biết Chúa Jêsus được mô tả là một Con Người Toàn Hảo.

Mục tiêu khi đọc sách Mác chúng ta tập quan sát những dữ kiện trong câu chuyện và học thuộc lòng mục lục Kinh Thánh Tân Ước.

Mục tiêu khi đọc sách Lu-ca chúng ta sẽ vừa quan sát, vừa học cách giải nghĩa để hiểu những gì Chúa Jêsus đã làm và giảng dạy. Do đó, mỗi ngày chúng ta sẽ đọc 1 hoặc 2 câu chuyện trong một đoạn để có thể đọc phần giải thích rồi làm bài Luyện Trí Nhớ và Đố Kinh Thánh cho từng phần.

Ví dụ, Lu-ca đoạn 1 sẽ được chia thành 3 ngày đọc. Ngày thứ nhất đọc từ câu 1 đến câu 25, câu chuyện về thầy tế lễ Xa-cha-ri. Ngày tiếp theo đọc từ câu 26 đến câu 56, câu chuyện Thiên sứ Gáp-ri-ên báo tin cho Ma-ri. Ngày tiếp theo đọc từ câu 57 đến 80, câu chuyện Giăng Báp-tít ra đời.

Ngoài ra chúng ta cũng sẽ học thuộc lòng mục lục Kinh Thánh Cựu Ước, mỗi ngày cố gắng thuộc 1 tên sách.

Cách sắp xếp trong loạt bài đọc này gồm có những phần:

  • Phần Gợi Ý
  • Phần Nội Dung Kinh Thánh
  • Phần Giải Nghĩa
  • Phần Luyện Trí Nhớ và Đố Kinh Thánh.

Trong sách Lu-ca này chúng ta sẽ sử dụng phần lớn bài giải thích Kinh Thánh của mục sư Warren W.Wiersbe. Chúng ta có thể xem thêm về mục sư Warren W.Wiersbe tại đây.

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 1:13  (BDHD): 

Nhưng thiên sứ bảo ông: "Nầy, Xa-cha-ri, đừng sợ! Vì lời cầu nguyện của ngươi đã được nhậm. Ê-li-sa-bét, vợ ngươi, sẽ sinh một con trai; ngươi hãy đặt tên là Giăng."

 


NỘI DUNG Lu-ca 1:1-25

1 Thưa ngài Thê-ô-phi-lơ khả kính, có nhiều người đã cố gắng biên soạn một bản tường thuật về những việc đã được thực hiện giữa chúng ta, 2 đúng như những người đã từng chứng kiến và phục vụ đạo Chúa từ ban đầu truyền lại cho chúng ta. 3 Vì thế, sau khi cẩn thận tra cứu mọi việc từ đầu, tôi thiết tưởng cũng nên theo thứ tự mà viết cho ngài 4 để ngài biết những điều mình đã học là chắc chắn.

Lời tiên tri về sự ra đời của Giăng Báp-tít

5 Trong đời Hê-rốt, vua xứ Giu-đê, có một thầy tế lễ thuộc ban A-bi-gia, tên là Xa-cha-ri; vợ là Ê-li-sa-bét, thuộc dòng dõi A-rôn. 6 Cả hai đều là người công chính trước mặt Đức Chúa Trời, vâng giữ mọi điều răn và lễ nghi của Chúa một cách trọn vẹn. 7 Họ không có con, vì Ê-li-sa-bét hiếm muộn và cả hai đều cao tuổi.

8 Chuyện xảy ra khi Xa-cha-ri theo phiên thứ của ban mình làm công tác tế lễ trước mặt Đức Chúa Trời. 9 Khi bắt thăm theo thông lệ của các thầy tế lễ, ông đã trúng thăm được vào đền thờ của Chúa để dâng hương. 10 Trong giờ dâng hương, cả đoàn dân đông đều ở ngoài cầu nguyện. 11 Bấy giờ có một thiên sứ của Chúa hiện đến với Xa-cha-ri, đứng bên phải bàn thờ dâng hương. 12 Thấy thiên sứ, Xa-cha-ri bối rối, kinh hãi. 13 Nhưng thiên sứ bảo ông: “Nầy, Xa-cha-ri, đừng sợ! Vì lời cầu nguyện của ngươi đã được nhậm. Ê-li-sa-bét, vợ ngươi, sẽ sinh một con trai; ngươi hãy đặt tên là Giăng. 14 Con trai ấy sẽ làm cho ngươi vui mừng hớn hở, và nhiều người sẽ hoan hỉ khi con trẻ ra đời. 15 Vì con trẻ ấy sẽ được tôn trọng trước mặt Chúa, không uống rượu nho hay thức uống có men, và sẽ được đầy dẫy Đức Thánh Linh từ khi còn trong lòng mẹ. 16 Con trẻ ấy sẽ đem nhiều người Y-sơ-ra-ên trở lại cùng Chúa là Đức Chúa Trời của họ; 17 con ấy sẽ lấy tinh thần và quyền năng của Ê-li mà đi trước Chúa, để đem lòng cha trở về với con cái, đem kẻ không vâng phục đến sự khôn ngoan của người công chính, và để chuẩn bị một dân tộc sẵn sàng cho Chúa.” 18 Xa-cha-ri thưa với thiên sứ: “Làm sao tôi biết việc nầy sẽ xảy ra? Vì tôi đã già, vợ tôi đã cao tuổi rồi.” 19 Thiên sứ đáp: “Ta là Gáp-ri-ên hằng đứng trước mặt Đức Chúa Trời. Ta được sai đến nói với ngươi và báo tin mừng nầy cho ngươi. 20 Nầy, ngươi sẽ bị câm, không thể nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, vì ngươi không tin lời ta, là lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời điểm.”

21 Trong lúc ấy, dân chúng đang đợi Xa-cha-ri; họ ngạc nhiên vì ông ở lâu trong đền thờ. 22 Lúc đi ra, Xa-cha-ri không nói được với dân chúng thì họ mới hiểu rằng ông đã thấy một khải tượng trong đền thờ. Ông ra dấu cho họ vì vẫn còn bị câm. 23 Khi những ngày phục vụ đã mãn, ông trở về nhà.

24 Sau những ngày ấy, vợ ông là Ê-li-sa-bét mang thai và ẩn mình trong năm tháng. Bà nói rằng: 25 “Chúa đã ban ơn cho tôi. Trong những ngày nầy, Ngài đoái thương tôi và cất đi sự hổ nhục của tôi giữa mọi người.”

 

 


PHẦN GIẢI NGHĨA:

HÃY NGHE PHÚC ÂM (Lu 1:1-80)

Tác giả: Người từng viết cuốn sách chứa nhiều tin tốt lành cho mọi người, ấy là bác sĩ Lu-ca. Ông trình bày thông điệp quan trọng: “Bởi Con Người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất” (Lu 19:10). Ông giới thiệu về Chúa Jêsus Christ, Con Người đầy lòng thương xót đã đến giữa tội nhân, yêu thương, giúp đỡ và chết thay cho họ.

Qua sách Phúc Âm này, bạn sẽ gặp nhiều người: đoàn dân, đàn ông, phụ nữ, trẻ con, người nghèo, kẻ giàu, tội nhân lẫn thánh đồ. Đây là sách chứa một thông điệp dành cho mọi người, bởi Lu-ca nhấn mạnh một đặc điểm chung về Chúa Jêsus và sự cứu rỗi của Ngài. “…một Phúc Âm sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân” (Lu 2:10).

Bác sĩ Lu-ca chỉ được nhắc đến 3 lần trong Thánh Kinh Tân Ước: Cô 4:14; IITi 4:11; Phi 1:24. Ông viết sách Công vụ và đồng hành với Phao-lô (so sánh Lu 1:1-4 với Công 1:1), chú ý những từ “chúng ta” ở Công 16:10-17; Công 20:4-15; Công 21:1-18; Công 27:1-28:16. Có thể ông là người ngoại theo học nghề thầy thuốc nên không có gì ngạc nhiên khi ông mở đầu sách bằng câu chuyện chi tiết về sự ra đời của hai con trẻ “đặc biệt” và nhấn mạnh về sự cảm thông của Đấng Christ đối với người bất hạnh! Ông viết sách bằng tinh thần nghiêm túc của một sử gia và tấm lòng bác ái của người thầy thuốc.

Phúc Âm Lu-ca được viết cho Thê-ô-phi-lơ (“người yêu của Đức Chúa Trời”), có lẽ là một quan chức La Mã tin Chúa Jêsus và bây giờ cần được củng cố niềm tin. Thê-ô-phi-lơ có thể đã tìm kiếm lẽ thật sau khi nghe về Phúc Âm, vì Lu 1:4 viết “để ông biết những điều mình đã học là chắc chắn”.

Cuộc đời và thông điệp của Chúa Jêsus gây ảnh hưởng lớn nên có nhiều sách viết về Ngài, nhưng không phải mọi sách đều đáng tin cậy. Lu-ca viết sách này cốt để người đọc biết một sự kiện chính xác về cuộc đời, chức vụ và thông điệp của Chúa Jêsus. Lu-ca thận trọng thu thập các sự kiện, chứng cứ, lắng nghe người giảng đạo và chủ yếu có sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh (Gi 3:31; Gi 19:11) – Ấy chính là sự hà hơi của Thánh Linh Đức Chúa Trời trên thông điệp của ông.

Qua đoạn 1, Lu-ca cho ta biết thể nào thông điệp kỳ diệu từ Đức Chúa Trời đã đến với mọi tầng lớp khác nhau và được hưởng ứng ra sao. Bạn sẽ thấy có 4 thái độ hưởng ứng khác biệt:

Vô tín (Lu 1:5-25)

Có một ngày thật đen tối đến với dân tộc Y-sơ-ra-ên. Dân sự không nhận được lời tiên tri nào từ Đức Chúa Trời trong 400 năm kể từ lúc Ma-la-chi nói về tiên tri Ê-li (Ma 4:5-6). Những người lãnh đạo thuộc linh thời bấy giớ bị bắt bớ bởi truyền thống cố hữu, sự bại hoại của xã hội và bởi bạo chúa Hê-rốt - kẻ từng xử tử một trong chín (hoặc mười) người vợ mình không cần biết lý do chính đáng. Dẫu ngày ấy đen tối ra sao, Đức Chúa Trời vẫn luôn có những con người biết dấn thân và vâng phục.

Den tho noi Xachari dang huong

 

Thầy tế lễ trung tín (Lu 1:5-7). Xa-cha-ri (“Đức Giê-hô-va nhớ đến”) và Ê-li-sa-bét (nghĩa là “Đức Chúa Trời là giao ước tôi”) là cặp vợ chồng tin kính thuộc dòng tế lễ. Các thầy tế lễ được phân thành 24 ban thứ (ISử 24:1-31) và mỗi thầy tế lễ sẽ hầu việc trong đền thờ suốt 2 tuần lễ trong năm. Dù quanh họ dẫy đầy sự vô tín, Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét vẫn trung tín vâng theo lời Đức Chúa Trời trong cách sống mẫu mực. Nỗi khổ duy nhất của họ là không có con nối tự nên đã kiên trì cầu nguyện cho nan đề này. Họ đâu ngờ Đức Chúa Trời sẽ nhậm lời (họ) và ban cho họ không phải một thầy tế lễ, nhưng là một tiên tri! Đó không phải là tiên tri bình thường, vì con họ sẽ là sứ giả dọn đường cho Đấng Rất Cao!

 

Le phuc cho cac thay te le

 

Thầy tế lễ kinh hãi (Lu 1:8-17). Theo lệ, các thầy tế lễ bắt thăm để xem ai sẽ lãnh nhiệm vụ gì và Xa-cha-ri được chọn để dâng hương trong nơi thánh. Vinh dự đặc biệt này dành cho thầy tế lễ chỉ một lần duy nhất trong đời. Việc dâng hương được thực hiện khoảng 3 giờ chiều mỗi ngày, trước của lễ buổi sáng và sau của lễ buổi chiều. Có lẽ, Xa-cha-ri được dâng hương vào buổi chiều.

Nếu để ý, chắc bạn sẽ thấy Đức Chúa Trời thường nói với con cái Ngài cũng như kêu gọi họ lúc họ đang bận rộn với công việc thường nhật. Chẳng hạn, Môi-se và Đa-vít đang chăn chiên, Ghi-đê-ôn đang đập lúa, Phi-e-rơ cùng các bạn chài đang vá lưới lúc Chúa Jêsus gọi họ. Thật khó điều khiển chiếc xe khi máy của nó không hoạt động!

Chúng ta bận rộn - chính là lúc Đức Chúa Trời khởi sự dẫn dắt chúng ta. Lu-ca nói về các thiên sứ 23 lần trong Phúc Âm này, thực ra, có rất nhiều thiên sứ (Khải 5:11) chứ không chỉ 2 thiên sứ thường được nói đến trong Kinh Thánh như Mi-ca-ên và Gáp-ri-ên (Đa 10:13,21; Đa 12:1; Giu 1:9; Khải 12:7; Đa 8:16; Đa 9:21; Lu 1:19,26). Khi Thiên sứ Gáp-ri-ên xuất hiện bên bàn thờ xông hương, Xa-cha-ri rất hoảng sợ vì sự hiện diện của Thiên sứ có thể là sự đoán phạt của Chúa.

Lời phán “Đừng sợ! ” được ghi lại nhiều lần trong Phúc Âm Lu-ca (Lu 1:13,30; Lu 2:10; Lu 5:10; Lu 8:50; Lu 12:7,32). Bạn hình dung xem, hẳn Xa-cha-ri xúc động biết bao khi nghe rằng vợ chồng ông sẽ có một con trai! “Sự vui mừng” cũng là chủ đề chính trong Phúc Âm Lu-ca, được nhắc đến ít nhất 19 lần. Tin tức tốt lành thực sự đem đến “sự vui mừng”!

Thiên sứ Gáp-ri-ên cho Xa-cha-ri biết phải đặt tên con trẻ là Giăng (nghĩa là “Đức Giê-hô-va hay thương xót”) và dâng nó cho Đức Chúa trời để làm một Na-xi-rê trọn đời (Dân 6:1-21). Con trẻ này sẽ đầy dẫy Đức Thánh Linh trước khi ra đời (Lu 1:41), sẽ là tiên tri của Đức Chúa Trời nói cho dân Y-sơ-ra-ên biết về Con Độc Sanh (Giăng 1:15-34). Đức Chúa Trời sẽ dùng chức vụ của Giăng để khiến lòng nhiều người trở lại cùng Chúa của họ như tiên tri Ê-sai đã báo trước (Êsai 40:1-5).

Thầy tế lễ thiếu đức tin (Lu 1:18-22). Có lẽ bạn nghĩ rằng sự hiện diện của thiên sứ cùng với thông điệp từ Đức Chúa Trời có thể củng cố niềm tin của Xa-cha-ri. Tiếc thay, không phải vậy. Thay vì tin nơi Đức Chúa Trời, thầy tế lễ này chỉ nhìn thấy thực trạng của chính mình và vợ, rồi cho rằng chuyện sinh con không thể xảy ra. Ông cần có sự bảo đảm nào đó, có thể là một dấu hiệu từ Đức Chúa Trời chứ không chỉ ở lời nói suông của Gáp-ri-ên một sứ giả của Đức Chúa Trời.

Dĩ nhiên đây là sự vô tín, là điều Đức Chúa trời không thể chấp nhận. Xa-cha-ri thực sự đang chất vấn Đức Chúa Trời về khả năng thực thi lời hứa của Ngài! Ông há dễ quên điều Đức Chúa Trời đã làm cho Áp-ra-ham và Sa-ra sao? (Sáng 18:9-15; Rô 4:18-25). Phải chăng ông cho rằng những giới hạn về thể chất của chính mình có thể ngăn trở Đức Chúa Trời toàn năng? Tuy nhiên trước khi quá phê phán Xa-cha-ri, chúng ta nên nhìn lại chính mình xem đức tin của chúng ta đang ở mức độ nào.

Đức tin đáng được chúc phước, nhưng sự vô tín phải bị lên án, vì vậy Xa-cha-ri bị câm (có thể điếc - Lu 1:62) cho đến khi lời tiên tri được thực hiện. “Ta đã tin, cho nên ta nói” (IICo 4:13), nhưng Xa-cha-ri không tin nên ông không thể nói được. Đức Chúa Trời quả đã ban cho ông một “dấu hiệu” đặc biệt chỉ mình ông biết, hầu ông có thể sống với dấu hiệu ấy suốt 9 tháng sau đó.

Thầy tế lễ được ưu ái. Xa-cha-ri chắc đã trải qua thời gian căng thẳng để hoàn thành tuần lễ nhiệm vụ của mình, chẳng phải vì tật nguyền, nhưng vì xúc động mãnh liệt (Lu 1:23-25). Ông hầu như không thể chờ đợi được nữa, mong sao trở về “miền núi” (Lu 1:39) nơi ông sống để thuật cho vợ nghe về tin mừng này.

Đức Chúa Trời thành tín với lời hứa của Ngài: Ê-li-sa-bét mang thai một con trai ở tuổi già. “Chẳng có sự gì là khó quá cho Ngài cả” (Gieremi 32:17). Có thể thấy sự ngạc nhiên và tính tò mò của những kẻ khác buộc Ê-li-sa-bét phải ẩn mình, nhưng vẫn ca ngợi Chúa về sự thương xót của Ngài. Bà không chỉ có một con trai nhưng sự ra đời của con bà là chứng cớ Đấng Mê-si-a sắp đến! Quả là những ngày vui mừng!