Mac 02

NHỮNG GỢI Ý:

Hôm nay chúng ta đọc Lu-ca 2:22-52.

Hành trình đi từ Na-xa-rét đến Giê-ru-sa-lem và ngược lại.

Luca 02 map

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Lu-ca 2:52 (BDHD): 

Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.

NỘI DUNG

Lễ dâng Chúa nơi đền thờ

22 Khi những ngày thanh tẩy theo luật Môi-se đã mãn, cha mẹ đem con trẻ lên thành Giê-ru-sa-lem để dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong luật pháp của Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải biệt ra thánh cho Chúa”, 24 và dâng một cặp chim gáy, hoặc chim bồ câu con, như luật pháp của Chúa đã truyền.

Bài ca của Si-mê-ôn. – Nữ tiên tri An-ne

25 Lúc ấy, tại thành Giê-ru-sa-lem có một người công chính và đạo đức, tên là Si-mê-ôn. Ông trông đợi sự an ủi của dân Y-sơ-ra-ên, và Đức Thánh Linh ngự trên ông. 26 Đức Thánh Linh đã cho ông biết trước rằng ông sẽ không chết trước khi thấy Đấng Christ của Chúa. 27 Được Thánh Linh cảm thúc, ông vào đền thờ đúng lúc cha mẹ đem con trẻ là Jêsus đến để làm cho Ngài các thủ tục theo luật pháp. 28 Ông bồng ẵm con trẻ và ca ngợi Đức Chúa Trời rằng:

29 “Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho đầy tớ Chúa qua đời bình an,

Theo như lời Ngài;

30 Vì mắt con đã thấy sự cứu rỗi của Ngài,

31 Mà Ngài đã chuẩn bị trước mặt muôn dân,

32 Là ánh sáng soi đường cho các dân ngoại,

Và là vinh quang của Y-sơ-ra-ên, tức dân Ngài.”

33 Cha mẹ con trẻ ngạc nhiên về những lời Si-mê-ôn nói về con trẻ. 34 Si-mê-ôn chúc phước cho hai vợ chồng và nói với Ma-ri, mẹ con trẻ rằng: “Con trẻ nầy đã được chỉ định để làm cho nhiều người trong Y-sơ-ra-ên vấp ngã hoặc trỗi dậy, và là một dấu hiệu gây nên sự chống đối. 35 Còn cô, một thanh gươm cũng sẽ đâm thấu tâm hồn cô, để tư tưởng sâu kín của nhiều người phải lộ ra.”

36 Cũng có nữ tiên tri An-ne, con gái của Pha-nu-ên, về bộ tộc A-se, tuổi đã cao. Sau khi kết hôn, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở góa, đến nay đã tám mươi bốn tuổi. Bà chẳng hề rời khỏi đền thờ, cứ đêm ngày phục vụ Chúa, kiêng ăn và cầu nguyện. 38 Vào giờ ấy, bà cũng đến đó, ca ngợi Đức Chúa Trời và nói về con trẻ cho mọi người đang trông đợi sự giải cứu thành Giê-ru-sa-lem.

39 Khi đã hoàn tất mọi việc theo luật pháp của Chúa, Giô-sép và Ma-ri trở về thành của mình là Na-xa-rét thuộc miền Ga-li-lê. 40 Con trẻ lớn lên và mạnh mẽ; đầy dẫy sự khôn ngoan, và ân điển của Đức Chúa Trời ở trên Ngài.

Đức Chúa Jêsus lúc mười hai tuổi

41 Hằng năm đến kỳ lễ Vượt Qua, cha mẹ Đức Chúa Jêsus thường đi lên thành Giê-ru-sa-lem. 42 Khi được mười hai tuổi, Ngài cùng cha mẹ đi lên đó dự lễ theo thường lệ. 43 Khi các ngày lễ qua rồi, cha mẹ trở về, nhưng cậu bé Jêsus ở lại thành Giê-ru-sa-lem mà cha mẹ Ngài không hay biết. 44 Họ cứ tưởng là Ngài cùng đi trong đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường mới tìm kiếm Ngài trong số bà con và những người quen biết. 45 Khi không thấy Ngài, ông bà liền trở lại thành Giê-ru-sa-lem để tìm. 46 Sau ba ngày, họ gặp Ngài trong đền thờ đang ngồi giữa các giáo sư Do Thái giáo, vừa nghe vừa hỏi. 47 Tất cả những người nghe Ngài đều kinh ngạc về sự hiểu biết và những lời đối đáp của Ngài. 48 Khi cha mẹ thấy Ngài, thì kinh ngạc và mẹ Ngài nói với Ngài: “Hỡi con, sao con làm cho hai ta ra nông nỗi nầy? Cha con và mẹ đã lo lắng tìm con!” 49 Ngài thưa: “Sao cha mẹ lại tìm kiếm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo việc Cha con sao?” 50 Nhưng hai người không hiểu lời Ngài vừa nói. 51 Ngài đi theo cha mẹ trở về Na-xa-rét và phục tùng họ. Mẹ Ngài ghi khắc mọi lời ấy trong lòng.

52 Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.

 


PHẦN GIẢI NGHĨA

Dâng Con trẻ (Lu 2:21-38)

Cha mẹ Chúa Jêsus vâng theo luật pháp bằng cách cho con trẻ chịu phép cắt bì sau khi sinh 8 ngày. Đó là dấu hiệu của giao ước Đức Chúa Trời lập cùng Áp-ra-ham (Sa 17:1-27). Người Do Thái rất tự hào mình là dân của giao ước Đức Chúa Trời, họ đã ngạo nghễ gọi những người ngoại là - 'người không chịu cắt bì” (Eph 2:11-12). Nhưng cả Kinh Thánh đều thường nhắc đi nhắc lại rằng phép cắt bì không làm cho một người thành ra người Do Thái thật. Cũng giống như phép báp têm ngày nay, không phải làm phép báp têm có nghĩa là người đó thực sự là con cái Đức Chúa Trời thật. Nhưng là bên trong tấm lòng con người cần được thay đổi, từ bỏ tội lỗi và tin nhận Chúa Jêsus là Chủ cuộc đời mình mới thật sự là con Đức Chúa Trời (Rô-ma 2:28-29; Gi 1:12).

Qua của lễ đơn sơ họ dâng lên chứng tỏ họ quá nghèo, không thể dâng nổi một con chiên con (IICo 8:9). Nhưng chính Chúa Jêsus Ngài là Chiên Con!

Ông Si-mê-ôn (Lu 2:25-35). Cũng như Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét, Si-mê-ôn và An-ne là những người trung tín còn sót lại trong dân Do Thái nôn nả tìm kiếm Đấng Christ (Ma 3:16). Vì Si-mê-ôn sẵn sàng mong muốn được chết (Lu 2:29) nên người ta thường nghĩ rằng ông rất già, nhưng không có chỗ nào trong Kinh Thánh chứng tỏ điều ấy. Người ta cho rằng lúc ấy ông được 113 tuổi, nhưng đó cũng chỉ là lời truyền khẩu.

Ông Si-mê-ôn trông đợi “Sự yên ủi của Y-sơ-ra-ên” nghĩa là hy vọng về Đấng Mê-si-a. Một trong những lời cầu nguyện theo truyền thống của dân Do Thái là: “Xin cho con nhìn thấy sự yên ủi của Y-sơ-ra-ên”. Lời cầu nguyện ấy của Si-mê-ôn được nhậm khi ông gặp Chúa Jêsus Christ trong đền thờ. Ông là người được Thánh Linh Đức Chúa Trời dắt dẫn, được dạy dỗ bởi Lời Ngài, vâng phục ý muốn Đức Chúa Trời. Vì vậy, ông được đặc quyền nhìn thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Đối với con người được nhìn thấy sự cứu rỗi (tức Chúa Jêsus Christ) trước khi qua đời thật có ý nghĩa biết bao!

Bài ca của ông cũng là một bài ca cứu rỗi: “Vì con mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của Ngài” (Lu 2:30). Giờ đây, ông sẵn sàng được chết! “Sự qua đời” theo tiếng Hy Lạp mang nhiều ý nghĩa, mỗi ý nghĩa đều cho ta biết về sự chết của người tin Chúa. Nó có nghĩa như: giải thoát tù nhân, nhổ neo một con tàu và ra khơi, hạ trại (IICo 5:1-8 Mat 11:28-30). Con cái Đức Chúa Trời chẳng hề khiếp hãi sự chết thể xác, bởi nó giúp ta thoát khỏi những gánh nặng của đời này và dắt ta vào cõi phước hạnh của đời sau.

Bà An-ne (Lu 2:36-38). Tên bà nghĩa là “ân điển”, bà là một góa phụ cao tuổi có đời sống tin kính. Thời ấy, các góa phụ chẳng được sống bình yên. Họ thường bị quên lãng, bị hà hiếp. An-ne dâng mình hầu việc Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu nguyện. Bà rời khỏi đại tộc A-se, ở luôn trong đền thờ, chờ đợi Đấng Mê-si-a của lời hứa Đức Chúa Trời (ITi 5:3-16). Đức Chúa Trời định thời gian luôn hoàn hảo chính xác. An-ne chợt đến vừa khi Si-mê-ôn ngợi khen Chúa về Con Trẻ Jêsus, nên bà cũng dự phần vào bài ca!

Thời niên thiếu (Lu 2:39-52)

Sau khi làm trọn mọi điều của luật pháp. Ma-ri và Giô-sép trở về Na-xa-rét là quê hương của Chúa Jêsus cho đến khi Ngài bắt đầu thi hành chức vụ. Có nhiều người Do Thái cũng mang tên Jêsus (Giô-suê) nên Chúa Jêsus được biết như “Đức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét” (Cong 2:22).

Chúa Jêsus đã làm gì suốt những năm tháng ẩn dật tại Na-xa-rét? Bác sĩ Lu-ca thuật lại rằng cậu bé Jêsus này đã phát triển về thể chất, trí tuệ, tâm linh, cách ứng xử (Lu 2:40-52). Khi hiện thân làm người, Con Đức Chúa Trời đã từ bỏ mọi quyền hạn của Ngài để đầu phục Cha trên trời cách trọn vẹn (Phi 2:1-11). Có những lẽ mầu nhiệm sâu xa ở đây không ai có thể hiểu hoặc giải thích đầy đủ được, chúng ta chỉ có thể đón nhận bằng đức tin mà thôi.

Trong hình hài một cậu bé, Chúa Jêsus không thực hiện bất kỳ phép lạ nào. Ngài lao động cùng với Giô-sép trong trại mộc (Mat 13:55; Mac 6:3) và vẫn tiếp tục công việc sau khi Giô-sép qua đời.

Phúc Âm Lu-ca chỉ cho ta một câu chuyện về những năm thiếu thời của Chúa Jêsus. Giô-sép và Ma-ri là những người Do Thái mộ đạo, luôn dự lễ Vượt Qua hằng năm ở Giê-ru-sa-lem. Người nam Do Thái được đòi hỏi phải đến Giê-ru-sa-lem để thờ phượng Đức Chúa Trời 3 lần trong năm (Phu 16:6), nhưng không phải mọi người đều đủ chi phí để đi đến đó. Nếu phải chọn một lễ thờ phượng, họ thường chọn lễ Vượt Qua là lễ quan trọng nhất theo lịch Do Thái.

Người ta đi dự các lễ thờ phượng này theo từng nhóm, phụ nữ và trẻ con đi trước, đàn ông và thanh niên theo sau. Bà con cùng cả làng đi chung và trông chừng bọn trẻ cho nhau. Ở tuổi 12, cậu bé Jêsus dễ dàng tách khỏi nhóm người này để đi với nhóm khác, vẫn không bị lạc. Giô-sép tưởng cậu bé Jêsus đi với Ma-ri và những trẻ em khác trong lúc Ma-ri lại cho rằng Ngài đi với Giô-sép và những người đàn ông khác, hoặc với một người bà con.

Họ từ Giê-ru-sa-lem trở về được một ngày đường mới hay Chúa Jêsus vắng mặt. Họ phải mất một ngày đường trở lại Giê-ru-sa-lem và một ngày nữa mới tìm gặp Ngài. Suốt 3 ngày này, Ma-ri và Giô-sép không có Chúa Jêsus bên mình. Chúa Jêsus có ở trong đền thờ trọn thời gian ấy hay không, chúng ta không thể biết. Hẳn ở đó rất an toàn vì Cha trên trời luôn bảo vệ Ngài. Chúng ta thấy khi Giô-sép và Ma-ri gặp được Ngài, Ngài đang ở giữa mấy thầy thông thái để lắng nghe và hỏi. Các thầy đều ngạc nhiên về sự khôn ngoan đối đáp của cậu bé Jêsus.

Lời trách yêu của Ma-ri được cậu bé Jêsus đáp lại với vẻ kính trọng lẫn ngạc nhiên: “Cha mẹ kiếm tôi làm chi? Há chẳng biết tôi phải lo việc Cha tôi sao?” (Lu 2:49). Chúa Jêsus đã khẳng định chức phận làm Con Thiên Thượng và nhiệm vụ Ngài phải làm theo ý Cha trên trời. Ngay cả ở tuổi 12 Chúa Jêsus đã được thúc đẩy bởi sự ràng buộc thiên thượng để thực hiện ý muốn của Đức Chúa Cha.

Vì Chúa Jêsus “khôn ngoan càng thêm” (Lu 2:52), Ngài là một tấm gương tuyệt diệu cho người trẻ tuổi noi theo. Ngài lớn lên trong sự phát triển toàn diện (Lu 2:52), không hề xao lãng bất cứ nhiệm vụ gì trong đời sống. Điều ưu tiên của Ngài là làm theo ý muốn Cha trên trời (Mat 6:33). Ngài biết lắng nghe (Lu 2:46) và đặt câu hỏi chính đáng. Ngài học cách lao động và vâng phục cha mẹ.

Cậu bé Jêsus đã lớn lên trong một gia đình đông con, ở một thành thấp hèn, Do Thái giáo ở thời kỳ nguội lạnh, chính quyền La Mã cai trị trong xứ, xã hội đầy đau khổ lọc lừa. Dầu vậy, khi Ngài rời Na-xa-rét 18 năm sau đó, Cha trên trời đã có thể phán về Ngài: “Ngươi là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường” (Lu 3:22).

Nguyện Cha trên trời cũng có thể nói với chúng ta như thế.