than hoc van dap

Nhu Liệu Thánh Kinh xin giới thiệu đến mọi người một tài liệu mới. Đây là một tài liệu bổ ích cho những người đang phục vụ trong Hội Thánh như các chấp sự, các nhân sự dạy đạo, các sinh viên trường Thần học và cho mỗi một con cái Chúa.

Lời Chúa đã cho chúng ta biết trước về hiểm họa của tà giáo đến tứ các giáo sư giả, tiên tri giả trong thời kỳ cuối cùng. Trong sách Ô-sê 4:6 Lời Chúa cảnh cáo: "Dân ta bị diệt vì cớ thiếu sự thông biết." Chính lý do thiếu sự thông biết, nhất là thiếu hiểu biết về lẽ đạo thần học mà tà giáo và các giáo sư giả đã tấn công vào đức tin của con dân Chúa, thậm chí là những người lãnh đạo Hội Thánh. 

Trước nhu cầu này, tôi xin giới thiệu môn "THẦN HỌC VẤN ĐÁP" của Thánh Kinh Thần Học Viện - Trung Tâm Philadelphia để giúp quí tôi con Chúa có thể tham gia học biết về lãnh vực này với một cách thức dễ dàng hơn qua hình thức vấn đáp.

Tài liệu được biên soạn công phu, ngắn gọn, dễ hiểu nhằm giúp cho cả những tín hữu cũng có thể hiểu và trả lời cho từng câu hỏi. Được sự cho phép của tác giả, Nhu Liệu Thánh Kinh sẽ lần lược giới thiệu đến quí con cái Chúa loạt bài này.

Nền tảng đức tin của chúng ta dựa trên Lời Đức Chúa Trời, học biết lẽ đạo căn bản giống như xây dựng kim tự tháp, cần một nền móng vững vàng, rộng lớn nhưng nhờ đó nó được đứng vững vàng. Cầu xin Chúa dùng loạt bài học này để chúng ta củng cố nền tảng đức tin của mình nơi Lời Chúa và đứng vững trên đức tin nơi Đức Chúa Trời để không vấp ngã và trung tín cho đến ngày chúng ta gặp Chúa.


1. Thần Học là gì?

Chữ Thần trong tiếng Hán Việt chỉ về một thần linh cá thể, có lý trí, ý chí, tình cảm và khả năng hành động. Ở đây, Thần là Đức Chúa Trời1. Như vậy, Thần học, là môn học về Đức Chúa Trời.

Trong tiếng Anh, thuật ngữ Thần học/Theology là từ kết hợp của hai chữ Theos trong Hy văn có nghĩa là "Thần", và chữ logia2 có nghĩa là “những lời giảng" hay "những sự giải thích". Như vậy, Thần học là môn học giải thích, giảng giải về Đức Chúa Trời.

1   Trong tiếng Hán Việt có hai chữ chỉ về "trời". Thứ nhứt là chữ "thiên" (天) là "bầu trời" hay "trời" theo nghĩa chung chung. Thứ hai là chữ Thần (神) chỉ về một thần linh cá thể, ở đây, là Đức Chúa Trời. Do vậy, Sáng 1:1, bản tiếng Hoa chép: "Khởi sơ, Thần sáng tạo thiên địa" (起 初, 創 造  地).

2   Logia (λόγια) số nhiều của λόγιον. Trong tiếng Anh và tiếng Pháp, có khoảng 40 danh từ được kết hợp bởi vĩ ngữ logy/logie, một chuyển ngữ của λόγια trong tiếng Hy lạp (và logia trong tiếng Latin). Thủ ngữ là một danh từ chỉ vật nghiên cứu, vĩ ngữ logy/logie chỉ sự nghiên cứu. Ví dụ: anthropology/logie (nhân loại học), biology/logie (sinh vật học), physiology/logie (sinh lý học), sociology/logie (xã hội học), psychology/logie (tâm lý học)…hay Theology/logie (Thần học).         

2.   Thần Học Nghiên Cứu về Đức Chúa Trời nào?

Trong thế gian người ta thờ rất nhiều thần và có nhiều tôn giáo. Có nhiều sự nghiên cứu về các thần, và các đức tin tôn giáo khác nhau. Vì thế, có nhiều thần học khác nhau như Thần học Ấn độ giáo, Thần học Hồi giáo...

Kinh Thánh cho biết chỉ có một chân thần duy nhất [Thi 96:5, Giăng 17:3], là Đức Chúa Trời có một không hai [Phục 6:4], là Đấng sáng tạo và cứu rỗi [Nê 9:6], “Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp” [Xuất 3:6]. Giáo phụ Tertulian (155-240AD) gọi Ngài là Đức Chúa Trời của Cơ đốc nhân. John F. Walvoord (1910-2002), gọi Ngài là Đức Chúa Trời của Kinh Thánh.

3. Tại sao gọi Ngài là Đức Chúa Trời của Kinh Thánh?

Gọi Ngài là Đức Chúa Trời của Kinh Thánh, vì Ngài đã tự bày tỏ chính mình trong toàn bộ Kinh Thánh Tân Cựu Ước.

Trong chương kế, khi học đến đề tài Thánh Kinh Học, chúng ta sẽ đề cập đến những phương cách Đức Chúa Trời đã dùng để tự khải thị về Ngài.  Tuy nhiên, phương cách đầy đủ, rõ ràng, và dễ hơn hết vẫn là qua Kinh Thánh. 

Đứng về phương diện nghiên cứu, Thần học là khoa học nghiên cứu về Đức Chúa Trời của Kinh Thánh. Trên phương diện Thần học, khi dùng cả Kinh Thánh để nghiên cứu về Đức Chúa Trời cách hệ thống, theo từng đề tài, đó là khoa Hệ thống Thần học (Systematic Theology). Mặt khác, khi nghiên cứu Kinh Thánh theo thứ tự các sách để biết và rút ra các chân lý về Đức Chúa Trời, chúng ta gọi đó là khoa Thánh Kinh Thần Học (Biblical Theology).

Khi hiểu rõ như vậy, học viên Thần học sẽ luôn nhớ rằng khi nghiên cứu môn Thần học, trên thực tế chính là đang học Kinh Thánh một cách có hệ thống và khoa học.

4.   Thần Học nghiên cứu về Đức Chúa Trời trong những lãnh vực nào?

Khi nghiên cứu một hữu thể trong vũ trụ, thông thường người ta nghiên cứu ba lãnh vực, hay tìm cách trả lời ba câu hỏi:

(1) Hữu thể đó là ai, hay là cái gì? Trong trường hợp Đức Chúa Trời, Thần học nghiên cứu về "Thân vị" của Ngài.

(2) Hữu thể đó có những tính chất, hay đặc tính nào? Trong trường hợp Đức Chúa Trời, Thần học nghiên cứu về các "Thuộc tánh (và mỹ đức)" của Ngài.

(3) Hữu thể đó có ý muốn gì, có chương trình hay hoạt động như thế nào, làm được công việc gì? Trong trường hợp Đức Chúa Trời, Thần học nghiên cứu về "Công vụ" của Ngài.

Như vậy, Thần học trước hết nghiên cứu về Thân vịThuộc tính, và Công vụ của Đức Chúa Trời.

Nhưng Đức Chúa Trời không phải là hữu thể duy nhứt trong vũ trụ. Ngài đã dựng nên một thế giới rộng lớn với vô vàn các vật thể vô hình và hữu hình. Giữa Ngài và thế giới đã dựng nên, đặc biệt đối với loài người, là con cái Ngài, dòng dõi Ngài*, có một mối liên hệ hữu cơ sinh tử về tâm linh, về tinh thần, và về thể xác.

Chẳng những sáng tạo muôn vật với mục đích tốt lành, Ngài cũng đã, đang, và sẽ bảo toàn muôn vật, cứu rỗi muôn vật, cùng phục hồi muôn vật cho vinh quang mới.

Vì thế, Thần học không phải chỉ nghiên cứu về Đức Chúa Trời, như một hữu thể duy nhứt và độc lập, mà còn nghiên cứu về các hữu thể liên hệ với Ngài. Có thể phát biểu rộng ra như sau: Thần học là một khoa học, nghiên cứu về Đức Chúa Trời, về các mối liên hệ của Ngài đối với thế giới, đặc biệt đối với loài người; về các công việc của Ngài đã làm cho thế giới, cho loài người, cùng các thành quả của những công việc ấy.

*Lu 3:38, Công 17:29

5.   Thần Học thật sự là một Khoa Học không?

Giáo phụ Augustine (354-430AD), người sống giao thời giữa thời Thượng cổ và Trung cổ, trong sách Giải nghĩa Sáng Thế Ký, đã định-nghĩa "khoa học" theo một ý rất rộng, bao gồm tất cả mọi kiến thức của loài người về thế giới. Trong ý nghĩa nầy, Thần học là một khoa học.

Sang giữa thời Trung cổ, Thomas Aquinas (1225-1274) đã xác định Thần học là một khoa học, vì Thần học nghiên cứu về sự mặc khải tổng-quát, (tức là sự khải thị của Đức Chúa Trời qua cõi thiên nhiên, qua ý thức nội tại như lương tâm, lòng tín ngưỡng) là những lãnh vực kiến thức cực kỳ quan trọng, trực tiếp liên hệ đến tất cả mọi người dầu có tín ngưỡng hay không.

Chẳng những xác định Thần học là một khoa học, Thomas Aquinas cùng các học giả Trung cổ còn đề cao Thần học như là "Nữ hoàng" của các ngành khoa học (Queen of the sciences). Theo họ, giữa những bộ môn của thời-đại đó như ngành luật, luận lý học, tu từ học, văn phạm, hình học, đại số, thiên văn, âm nhạc,… Thần học cao trọng nhất, vì nghiên cứu chính Hữu thể Siêu việt, là Chủ tể muôn loài. Thần học cũng có tầm quan trọng vô cùng so với các ngành khác, vì  liên quan sinh tử đến mọi khía cạnh của đời sống con người, của xã hội, chẳng những trong hiện tại mà cả trong thế giới tương lai. 

Từ thời Cận đại cho đến nay, chữ khoa học được hiểu với một nghĩa hẹp hơn, như là "sự nghiên cứu một lãnh vực hay một đối tượng cụ thể nào đó của thế giới một cách có phương pháp, và bằng những phương thức điều tra thích hợp".  Hoặc cụ thể hơn như là "những kiến thức về thế giới đã được hệ thống hóa".  Ngay trong tinh thần đó, Đức Chúa Trời, thế giới của Ngài, Lời Ngài, và các công việc của Ngài, đều là những đối tượng cụ thể, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn nghiên cứu của một khoa học, như (1) đối tượng cụ thể, (2) đúng luận lý, (3) khách quan, (4) có thể kiểm chứng, và (5) bằng những phương pháp khoa học. Cho nên, dầu hiểu theo nghĩa cổ điển hay hiện đại, Thần học vẫn xứng đáng được gọi là một khoa học.

Trong sự phân chia các ngành khoa học ra làm hai loại Thiên nhiên và Xã hội như hiện nay, thì Thần học thuộc về Khoa học Xã hội.

6.   Ích lợi của sự nghiên-cứu Thần Học

Có ít nhất là bảy (7) lợi ích lớn sau đây:

(1) Thần học giúp ích cho sự hiểu Đạo:

Trí óc con người được Đức Chúa Trời sáng tạo cách thông minh, trật tự và hợp lý, nên có khả năng để hiểu, để nhớ, và trình bày lại được những gì có ý nghĩa, hợp lý, và thứ tự. Thí nghiệm kiểm chứng: Dùng 10 cây que sắp thành hình ngôi sao, hay sắp thành một chữ gì đó có ý nghĩa (Thí-dụ: chữ NHAI).  Sau đó xóa đi, bảo sắp lại, ai cũng làm được cả, vì hình sắp có ý nghĩa, hợp lý, và trật tự. Nhưng cũng 10 cây que đó, đem sắp một cách lộn xộn, (xong chụp hình để kiểm chứng), và xóa đi. Khi bảo sắp lại cho giống y như hình vừa xếp, thì không ai sắp được.

Tại sao? vì hình xếp không có ý nghĩa. Các cây que sắp đặt không hợp lý, và không theo thứ tự. Thứ tự, hợp lý và có ý nghĩa là rất quan trọng. Bên ngoài Thư viện Quốc hội Hoa kỳ có khắc câu: "Order is Heaven's First Law", cho thấy trật tự là một trong những công lệ lớn và quan trọng đầu tiên của Đấng Tạo Hóa.

Môn Thần học giúp chúng ta dễ dàng tiếp nhận các chân lý của Đức Chúa Trời. Trong Kinh Thánh, các chân lý của Lời bàng bạc khắp nơi, trải qua hàng ngàn năm mặc khải. Nay được sắp xếp môt cách hợp lý, trật tự, và được giải thích rõ ràng trong môn Thần Học, tâm trí sẽ dễ dàng nắm bắt.

(2) Thần học giúp ích cho sự tin Đạo:

Trong những điều chúng ta tin, có thể có những điều vượt quá lý trí, nhưng không một điều nào phi lý. Tất cả chân lý Cơ-đốc giáo đều đặt trên một tín lý ban đầu: Có một Đức Chúa Trời đời đời, toàn năng, công nghĩa và thương yêu trọn vẹn. Nếu có một Đức Chúa Trời như vậy, không một điều phi thường nào, hay vượt quá lý trí lại không thể xảy ra [Sáng 18:13, 14; Giê 32:17, 27].

Vì Áp-ra-ham biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Toàn năng [Sáng17:1], cho nên mặc dầu 'Người thấy thân thể mình hao mòn, vì đã gần đầy trăm tuổi, và thấy Sa-ra không thể sanh đẻ được nữa, song đức tin chẳng kém [Rô 4:19]. Cũng vì biết Đức Chúa Trời là Đấng Toàn năng, cho nên 'Áp-ra-ham dâng Y-sác…con một mình, là về con đó mà Đức Chúa Trời có phán rằng: Ấy bởi trong Y-sác mà ngươi sẽ có một dòng dõi lấy tên ngươi mà kêu’. Vì sao? Vì 'Người tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết sống lại; cũng giống như từ trong kẻ chết mà người lại được con mình’ [Hê 11:17-19].

Vì biết Chúa Giê-hô-va là Đấng Toàn Năng, 'chính Ngài đã dùng quyền phép lớn và cánh tay giơ ra mà làm nên trời và đất; chẳng có sự gì là khó quá cho Ngài cả’ [Giê 32:17]. Đang khi cả xứ Giu-đê bị kinh hoàng, khốn cùng và tuyệt vọng trong cơn vây hãm của Nê-bu-cát-nết-sa, tiên tri Giê-rê-mi tin rằng Đức Chúa Trời sẽ khiến những phu tù trở về. Ông đã đi mua ruộng mua đất, rồi làm văn tự chủ quyền – một hành động mà người đời có thể gọi là điên rồ, nhưng lại được Đức Chúa Trời đẹp lòng [Giê32:1-44].

(3) Thần học giúp ích cho sự kinh nghiệm Đạo:

Giúp ích như thế nào? Giúp cho những kinh nghiệm thuộc linh của Cơ-đốc nhân được giữ trong Đạo thật.

Trong lịch sử hai nghìn năm của Cơ-đốc giáo, thời nào cũng có những Cơ-đốc nhân, thậm chí những con người sốt sắng và lỗi lạc, từng trải những kinh nghiệm 'lạ’, là những kinh nghiệm trái với sự dạy dỗ của Kinh Thánh.

Những kinh nghiệm nầy có thể dẫn Cơ-đốc nhân đến những niềm tin lệch lạc. Nếu được truyền bá và phổ biến rộng rãi, dễ trở thành những phong trào tà giáo nguy hiểm, dẫn nhiều Hội thánh đến sự hủy phá thuộc linh rất hiểm nghèo.

Trong những trường hợp nầy, sự hiểu biết vững chắc về Thần học vô cùng quan trọng và cần thiết. Thần học gìn giữ, và điều chỉnh mọi kinh nghiệm tâm linh của người tín đồ trong chánh giáo, tức trong chân lý và sự dạy dỗ của Kinh Thánh.

(4) Thần Học giúp ích cho sự Chứng Đạo:

Lời Đức Chúa Trời dạy: 'Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em’ [1Phi 3:15]. Sẵn sàng bằng cách nào? Chính yếu bằng cách học Thần học, bởi vì Thần học rất cần thiết và ích lợi cho sự  chứng Đạo. Khi làm chứng hay giải nghĩa Đạo cách sống động, vừa thứ tự lại hữu lý, người nghe sẽ dễ dàng tiếp nhận. Dĩ nhiên, việc qui đạo là công tác của Đức Thánh Linh, không phải do tài khéo con người. Nhưng trình bày chân lý cứu-rỗi cho sống động, rõ ràng, hợp lý và có thứ tự, cũng là nhiệm vụ rất quan trọng của người chứng nhân Cơ-đốc. Các phương pháp trình bày Tin Lành của Billy Graham Evangelistic Association, Campus Crusades For Christ, hay EE đã đem lại những kết quả chứng thực cho điều nầy.

(5) Thần học giúp ích cho Cơ-đốc nhân trong sự tăng trưởng thuộc linh:

Kinh Thánh chép: 'Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ, cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ’ [Êph 4:11-13].

Kinh nghiệm cho thấy các Cơ-đốc nhân thường lớn lên rất nhanh trong vòng bảy năm đầu tiên sau khi quy Đạo. Nhưng sau đó, sự tăng trưởng dường như chậm lại, hay dừng hẳn, bất kể thời gian. Điều nầy có nghĩa người tín hữu sẽ già đi theo năm tháng, chứ không cao lên về thuộc linhnếu không tham gia một chương trình học tập thật sự, đặc biệt là nghiên-cứu về Hệ thống Thần học. Nhiều người biết học Kinh Thánh giúp đức tin lớn lên, nhưng ngần ngại trong việc học Thần học, vì không hiểu nghiên-cứu Thần học cũng là một cách học Kinh Thánh. Qua cách nầy, học viên có thể học Kinh Thánh một cách có hệ-thống, theo những đề tài đã được rút ra từ nội dung Kinh Thánh, bằng một cái nhìn tổng thể, và bao quát toàn bộ Kinh Thánh.

(6) Thần học giúp cho Hội Thánh đứng vững trước các trào-lưu tư-tưởng của thời đại:

Êph 4:14-15 có chép: "Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc, nhưng muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật, để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ."

Một trong những vũ khí tấn công hiểm ác và có sức công phá mạnh nhứt của Satan là tà giáo và những triết lý nghịch với Kinh Thánh. Do đó, công việc chính của Satan là tạo ra đạo mới, tà giáo mới, tôn giáo mới, và triết lý mới. Lịch sử Hội Thánh mấy ngàn năm qua đã chứng minh, chỉ cần một sự giảng dạy sai lệch, một tà giáo, một giáo lý mới, một "lửa lạ" đem vào Hội Thánh, chúng sẽ nuốt hàng vạn, hàng triệu linh hồn tín hữu một cách dễ dàng. Chính vì thế, mỗi Hội Thánh, mỗi hệ-phái cần được lập trên một nền Thần học vững chắc, đồng thời phải lo trang bị kiến thức Thần học cho giáo dân, thì mới mong đứng vững được.

* Theo John MacArthur, trong 2Cô-rinh-tô 10: chữ ὀχυρωμάτων "đồn lũy" cũng còn có nghĩa là nhà tù, và chữ λογισμοὺς "lý luận" cũng còn có nghĩa là quan điểm, lý thuyết, hệ thống tín lý, triết lý hay tín ngưỡng. Sa-tan là bực thầy, chuyên môn tạo ra những tôn giáo, tà giáo, triết thuyết, … trong thế gian để làm những nhà tù giam cầm linh hồn người ta. (John MacArthur: Testing the Spirits, October 17, 2013).

(7) Thần học giúp ích cho Hội Thánh trong công tác truyền giáo:

Hiểu biết Thần học là hiểu biết các chân lý Kinh Thánh. Hiểu biết Kinh Thánh, Cơ-đốc nhân sẽ ý thức được tầm quan trọng sống chết của ơn Cứu rỗi và tính cách khẩn cấp của công tác rao truyền Tin lành cứu người, và Tin lành nuôi người. Nhà Thần học A. H. Strong từng nói, 'Sự thấu hiểu lẽ thật của đạo Đấng Christ không những cứu Hội thánh khỏi tà giáo, mà còn thúc giục Hội thánh chuyên tâm hầu việc Ngài, và sốt sắng bùng cháy trong công cuộc giảng đạo cứu người và giảng đạo nuôi người nữa.’*

*Trích ý tưởng của Augustus H. Strong từ "Preface" của quyển "Systematic Theology", trang vii - xii.